Chiều cuối tuần

Thiếu anh tôi thấy chiều xa vắng
Dù vạn người đi, phố dập dìu …

Giọng ngâm của cô ca sĩ vụt đưa tâm hồn tôi trở về lối ngõ ngày xưa.
Thuở ấy, những tháng ngày khó khăn sau 75, gia đình tôi vốn đã đạm bạc, lại càng chật vật hơn. Dẫu vậy, bố mẹ tôi vẫn cố giữ chiếc radio-cassette đã cũ. Bố tôi rất quý chiếc radio-cassette này, bởi nó là vật duy nhất giúp bố tôi biết được tin tức và thời sự. Như bao gia đình miền Nam khác, thời đó, điệu nhạc hiệu của các đài BBC và VOA, là một nhạc hiệu rất đỗi thân quen, trong một xã hội bị bưng bít thông tin. Bởi lẽ đó mà bố tôi rất quý chiếc radio-cassette cũ kỹ, mua từ khi chúng tôi còn ở Vũng Tàu chưa dọn về con hẻm nhỏ ở Đa Kao này.
Với riêng tôi, chiếc radio-cassette ấy còn mang một kỷ niệm khác.
Trong những kỷ niệm còn sót lại của tháng năm thanh bình trước 75, mẹ tôi giữ được một chiếc tape của cô ca sĩ. Và tôi đã bao lần lén lên căn gác của bố mẹ để nghe, nghe đến nhão cả băng! Để rồi tôi bắt đầu mê ngâm thơ và giọng hát của cô. Từ đấy!
Tôi chập chững đi những bước đầu đời trong căn nhà của Ngọai ở khu xóm nhà đèn, Yên Đổ. Cũng như bao con hẻm ở thành phố ấy, con hẻm nhà Ngọai cũng có những cột đèn chằng chịt dây với ánh đèn vàng đêm đêm. Con hẻm nhà Ngọai ăn thông vào xóm Cù Lao bên trong, rồi trổ ra phía Cầu Kiệu, Phú Nhuận. Khi cả thành phố lên đèn, con hẻm cũng nhộn nhịp lên với bao âm thanh trộn lẫn, trước khi chìm lắng vào khuya. Có những lần mãi chơi bên Cô tôi, phía xóm trong, bố tôi dắt về nhà Ngọai mà con hẻm im lìm, sâu hút trong ánh đèn vàng vọt. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được cái ánh đèn vàng đó! Cả những đêm mưa, ánh đèn vàng hắt lên những vũng nước mưa mà ấm như những chiếc xe bán mì xực-tắc, hay những nồi mía hấp …, và giọng ngâm thơ! Suốt cuộc đời, tôi không quên! Ngọai tôi rất mê ngâm thơ và cả Cải lương. Mỗi tối, cơm nước dọn dẹp xong, Ngọai thường xem tivi bên chiếc quạt máy nhỏ xíu. Tháng năm đầu đời loanh quanh bên Ngọai, tôi cũng được tắm trong thơ và Cải lương, mà lớn dần.




Những năm đầu đến Mỹ định cư, chiếc tape đầu tiên tôi mua, là một tape ngâm thơ của cô ca sĩ xa xưa ấy.
Theo thời gian, tủ nhạc của tôi ngày càng nhiều, chật hết hai kệ sách lớn. Sau này là những CD và DVD. Như những rong rêu bám quanh mình, ngày một nhiều, kỷ niệm chất chồng với tuổi đời đọng lại trên mái tóc. Đã có biết bao kỷ niệm với những bản nhạc, Việt, Mỹ, … Kỷ niệm nào cũng đẹp, dẫu có thế nào. Bản nhạc nào cũng hay, cũng đong đầy không gian bỏ lại sau lưng mình, như bao con đường, bao thành phố, bao lối nhỏ, mà tôi đã đi qua. Để một lần, tôi chợt hụt hẫng, tưởng như mình đang quay lại con hẻm nhà Ngọai! Những con phố ở Toronto, với lối đi nhỏ bên hông nhà. Cũng những vũng nước mưa! Chỉ tiếc là không có ánh đèn vàng xa xưa. Tôi đã chọn Toronto làm second hometown cho mình.
Tôi cứ nghĩ người Việt mình luôn sống trong hòai niệm. Từ văn chương, thơ phú, đến âm nhạc, phim ảnh và cả kiến trúc, hội họa, tất cả đều mang theo những nhịp đập của ngàn xưa. Người Việt cứ mãi chìm đắm trong quá khứ? 
Không riêng gì người Việt, mà người Mỹ cũng có những New York, New Hampshire, … những thành phố nhắc họ về nơi họ bỏ ra đi. Như người Việt. Như bạn. Như tôi.
… Mong sao đừng quên mỗi lần chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông anh khi phố cũ vừa lên đèn.
Cả nhà Ngọai và nhà tôi giờ đã không còn, như Ngọai tôi giờ không còn. Cả hai ngôi nhà đã bị phá đi xây lại. Chắc là đẹp hơn, tiện nghi hơn, như thành phố ấy giờ đã khác xưa.  Tôi vẫn chưa trở lại. Đã hơn 20 năm.
Không có ai đợi trông tôi, khi phố cũ lên đèn. Ngay cả hồn phố xưa ư? Tôi sợ điều đó! Sẽ còn gì khi quá khứ và nỗi nhớ quay lưng?
Nếu vậy, tôi xin giữ lại kỷ niệm cũ. Tôi xin giữ lại ánh đèn vàng vọt tháng năm xưa. Dù tất cả đang nhạt dần trong ký ức.
Chợt thấy nhớ Sài gòn!
Ướt đẫm.
Như mưa.

Nguyễn Hữu Dũng 12A2  

đã đăng trong Ơi

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận