Ôi quê hương
Ngày xưa, xưa thật là xưa, mỗi tối học bài xong cũng là lúc TV phát ra giai điệu:
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
Chuơng trình Quê Hương Mến Yêu với nhạc nền là bài hát Tình Hoài Huơng của nhạc sĩ Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh là những trang sử oai hùng của dân tộc hay những phong cảnh đẹp non sông Việt Nam.
Lớn lên ở Sàigòn nên với nó, kỷ niệm về vùng quê rất ít có chăng chỉ là hồi ức về những ngày hè ở quê ngoại tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương của xứ Huế. Và hình ảnh thôn quê miền Bắc lại còn xa vời tít tắp mù khơi khi mà thuở đó vĩ tuyến 17 vẫn là một nhát cắt nhức nhối xẻ đôi nước Việt và cả lòng dân Việt. Vậy nên, những âm thanh du dương da diết và ca từ đẹp như tranh thủy mạc của bản nhạc Tình hoài hương đã gợi lên trong lòng khung cảng làng quê Bắc Việt êm ái thân thương.
Đó là một chốn quê thanh bình êm ái với con sông đào xinh xắn, con đê dài ngây ngất và những đêm trăng sáng từng đôi trai gái thong thả dạo buớc. Rồi khi tan chợ chiều bóng cô thôn nữ áo nâu buớc dồn trên đường đê. Áo nâu, lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn và cả tiếng lúa đê mê những hình ảnh đậm chất quê. Tiếng lúa vờn rì rào trên đồng ruộng và những con trâu lành nằm mộng mơ trên ngọn đồi xanh mướt chờ nghe những khúc sáo chơi vơi và cả những bóng đa ôm đàn em bé ... một bức họa đồng quê gần gũi thân thương. Quê hương còn là tóc sương mẹ già yêu dấu - mẹ già một nắng hai sương, những câu ru hời cùng vòng tay êm ái thuở còn thơ để rồi khi rời xa miền quê yêu dấu những đứa con lạc loài luôn mơ về. Giòng nhạc quê hương của Phạm Duy có nét riêng, cái mà chúng ta hay gọi là “air”. Đó chính là âm hưởng dân ca trong nét nhạc. Ai về mua lấy miệng cười. Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ. Cái "air" dân ca đó làm cho bản nhạc càng thêm đậm đà tình tự quê hương. Phải vô cùng yêu mến quê hương của mình người nhạc sĩ mới có thể vẽ nên một bức tranh quê miền Bắc mộc mạc đầy ắp tình tự dân tộc bằng âm nhạc rung lên dây tơ lòng người nghe. Hơn tất cả những bài học "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào" như vẹt trong trường, những bản nhạc quê hương của Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ khác đã tô lên trong lòng con nhỏ 9, 10 tuổi tình yêu quê hương tha thiết dịu dàng. Để rồi, vừa xong Đại học là nó leo lên xe đò làm chuyến Bắc du lần đầu bằng đường bộ. Miền Bắc ngày đó (thập niên 80) đẹp vô cùng, y như trong trí tưởng tượng, như thể vừa mới bước ra từ Tự lực văn đoàn, từ những bản nhạc đượm niềm hoài hương của những văn nghệ sĩ Bắc kỳ di cư ...
Cái miền quê đó giờ đây tan hoang sau thiên tai. Xa tít tắp mù khơi, ngoại trừ chút hiện kim gởi về thì chỉ còn biết "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi ... Nước ơi!"
Người phiêu lãng
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương ! Yêu quê hương !
tpt
Comments
Hmm, Yêu vùng quê Bắc bộ thì phải yêu nhiều hơn là con sông đào xinh xắn, con đê dài ngây ngất, hay là những con trâu lành nằm mộng mơ trên ngọn đồi xanh mướt. Yêu vùng quê Bắc bộ thì phải yêu cả những chàng trai Bắc bộ nữa chứ? Thảo tậu cho mình một ông Bk đi thì mới tin!