Vọng cổ Nam kỳ, Yodel Hoa kỳ


Ai sống ở miền Nam hay đã từng qua lại đất phương Nam chắc phải hơn một lần được nghe lọai hình âm nhạc độc đáo của miền Nam nước Việt, đó là vọng cổ. Vọng cổ có xuất xứ từ cải lương (191x), có nghĩa là "Sửa đổi cho tốt hơn" (Trước đó VN chỉ có hát chèo và hát bội). Bài "Dạ cổ hoài lang" về sau được đổi là "Vọng cổ hoài lang" do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tạo đã biến chữ cải lương thành vọng cổ.

Nội cái tên vọng cổ, chắc cũng đủ để tạo ấn tượng cho người chưa quen, rằng đây không phải là thứ âm nhạc được ưa chuộng bởi những cô cậu tóc hi-lite, áo dây, quần xệ. Đây là âm nhạc của những người ưu ái thứ giai âm từ đầu thế kỷ trước.

Đây là âm nhạc của bác nông dân Hai Lúa. Một tối việc nông xong sớm, phủi chân ngồi trên bộ phản gỗ nhâm nhi ly đế Gò công với miếng khô cá đuối, chợt nghe buồn buồn bảo cô con gái "Lựu à, con coi chạy sang nhà chú Tám Tình, hỏi chú có rảnh sang rót ly nếp mới làm dzài câu xề xang dzới tía"

Đây là âm nhạc mà những ngày còn ở VN, bác hàng xóm của tui có con đi tàu viễn dương tậu về chiếc Akai 6 loa đầu tiên trong xóm vẫn có nhã ý cho xóm nhỏ cùng thưởng thức Tình Anh Bán Chiếu mí lại Tướng Cướp Bạch Hải Đường. Nhờ bác ý mà tui mới biết được cái thú trưa nóng đổ lửa Sài gòn nằm gạch bông, ngủ thiếp đi trong Tiếng Trống Mê Linh, chỉ phải cái thỉnh thỏang lại có tiếng ai đó "Mở thứ khác nghe đi cha nội, tối ngày cải lương buồn thấy mụ nội !"

Nghe vài câu vọng cổ trong "Buồn Viễn Xứ" hông ?
http://www.vphausa.org/vphavn/vanhoc/vongco/mp3%20vc3%20BuonVienXu%20CVC.mp3

Hai mươi năm sau, bên kia bờ đại dương, tui có bác hàng xóm khác. Nhờ bác này tui biết được một lọai hình dân ca mới, dân ca Hoa kỳ, gọi là Yodel. Bác hàng xóm mới của tui không là dân thủy thủ viễn dương chỉ thấy bác cưỡi motorcycle chứ chưa cưỡi sóng. Thú vui của bác ý là cuối tuần đem xe cộ ra lau chùi, sửa sang và nghe yodel.

Yodel (hát luyến ?) là một hình thức ngân nga nhưng liên tục chuyển đổi từ nốt cao sang nốt thấp. Yodel bắt nguồn từ nông dân vùng núi Alps của châu Âu. Thoạt đầu được xử dụng như phương thức liên lạc (hét) giữa những mục đồng và đàn chiên của họ, hoặc là để liên lạc giữa những mục đồng với nhau từ núi này sang núi nọ, làng này sang làng khác. Sau kỹ thuật này được xử dụng vào dân ca (hát) và nhanh chóng trở thành một hình thức âm nhạc dòng chính. Yodel được chuyền sang Hoa kỳ khỏang cuối thế kỷ 19 và được các công ty âm nhạc thâu âm sản xuất quãng 1920 với ca sĩ yodel nổi tiếng thời đó là George Watson, Jimmie Rodgers (Sleep Baby Sleep) người được mệnh danh là cha đẻ của Country Music.

Hai tác phẩm hát luyến mà tui thích nhất là tiếng hú của Tarzan và trong "The Sound of Musics", nghe thử nghe http://www.youtube.com/watch?v=w2V38Uq4K7I

Chiến hữu nào muốn tìm hiểu thêm thì coi ở đây:

http://www.vphausa.org/vphavn/vanhoc/vongco/vongco.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/Yodeling

Nguyễn Thế Nghiệp 12A5

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận