Người khai cuộc đổi mới

Huỳnh Hoa
Tổng thống Myanmar U Thein Sein và
bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phong trào dân chủ
Cuộc bầu cử ở Myanmar chủ nhật vừa qua đã biến bà Aung San Suu Kyi từ một người tù, một nhà chính trị đối lập, một biểu tượng của dân chủ thành một nhà lập pháp trong một thể chế dân chủ vừa manh nha. Con đường của bà gần như tái hiện cuộc đời của nhà cách mạng huyền thoại, “người tù thế kỷ” Nelson Mandela ở Nam Phi và nhân loại hạnh phúc có những con người vĩ đại như thế.

Nhưng còn có những con người khác đã dũng cảm từ bỏ đặc quyền đặc lợi, từ bỏ cả một hệ ý thức mà họ đã theo đuổi gần trọn đời để bước vào con đường cải cách, đem lại tự do và phẩm giá cho người dân nước mình. Ở Nam Phi, đó là cựu Tổng thống Frederik De Klerk, còn ở Myanmar đó là Tổng thống U Thein Sein – người vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Năm nay 66 tuổi, ông Thein Sein từng là một vị tướng đầy quyền lực trong guồng máy cai trị Myanmar, nhưng chỉ trong 12 tháng làm tổng thống, ông đã dẫn dắt đất nước 55 triệu dân đi từ chế độ độc tài quân phiệt sang bình minh của chế độ dân chủ.


Cho đến nay, có rất ít sách vở viết về nhân vật được coi là Mikhail Gorbachev thứ hai này nên ít ai hiểu được sự chuyển biến trong tư tưởng và chính kiến của ông. Theo phóng viên báo New York TimesThomas Fuller, người đã tìm đến ngôi làng Kyonku hẻo lánh cách Yangon 6 giờ chạy xe – sinh quán của vị tổng thống đáng kính này – tư tưởng thân dân, vì dân của ông Thein Sein có gốc rễ trước hết từ hoàn cảnh xuất thân nghèo khó. Là con út trong một gia đình có cha là phu khuân vác ở bến tàu, mẹ là người bán hàng nước trong làng, ông vẫn được dân làng nhớ tới như một người thật thà và hiếu học. Hiện nay làng Kyonku của ông vẫn chưa có nước máy, chưa có đường nhựa mà cũng không nhận được sự ưu ái nào từ người con của làng giờ đây đã là tổng thống.

Không giống những tướng lĩnh khác ít khi ra nước ngoài, ông Thein Sein thường đi Singapore chữa bệnh tim và sang New York dự các hội nghị của Liên hiệp quốc. Những chuyến đi ấy làm ông càng thấm thía sự nghèo khổ và lạc hậu của đất nước mình.

Cơn bão Nargis năm 2008 có vai trò như một “cú hích về nhận thức” của tướng Thein Sein, theo ông Tin Maung Thann, giám đốc tổ chức tư vấn Myanmar Egress ở Yangon. Cơn bão càn quét vùng châu thổ sông Irrawaddy, giết chết 130.000 người, biến một vùng đồng bằng trù phú thành vùng đất chết với những xóm làng xơ xác và xác người trôi nổi khắp các kênh rạch. Với cương vị người phụ trách cơ quan phòng chống thiên tai, trong những chuyến đi thị sát vùng bị nạn, ông Thein Sein nhìn thấy đất nước đáng thương đến thế nào. “Nó làm cho ông ý thức được những hạn chế của chế độ cũ”, ông Maung Thann nói.

Khi nắm được quyền lực trong tay, ông Thein Sein lập tức tiến hành những chương trình cải cách chính trị và kinh tế táo bạo để xóa bỏ các hạn chế đó. “Phải nhổ tận gốc rễ những tàn dư độc ác đã thâm căn cố đế trong xã hội chúng ta”, ông tuyên bố khi lên nhậm chức tổng thống tháng 3 năm ngoái. Ông cam kết xây dựng cơ chế bảo hiểm y tế toàn dân, tăng ngân sách dành cho y tế lên bốn lần và ngân sách giáo dục lên gấp đôi ngay trong năm tài chính 2012. Lúc đó, người ta nghĩ ông nói chỉ để lấy lòng một dân tộc đang khát khao thay đổi sau 5 thập niên dưới sự cai trị quân quản khắc nghiệt và kinh tế đình đốn.

Nhưng những quyết sách sau đó của ông như trả tự do cho hàng loạt tù chính trị, ký kết ngừng bắn với quân nổi dậy sắc tộc Karen, nới lỏng sự kiểm soát báo chí truyền thông, thừa nhận quyền lập nghiệp đoàn của công nhân, công nhận các đảng phái chính trị đối lập, sửa đổi luật về sở hữu đất đai và lao động, khuyến khích tranh luận trong xã hội… làm người ta tin rằng, công cuộc dân chủ hóa đất nước Myanmar đã thực sự bắt đầu.

Hai quyết định quan trọng của ông là đích thân thuyết phục bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường và đình chỉ việc xây dựng con đập khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư. Hình ảnh ông Thein Sein và phu nhân đến thăm bà Suu Kyi, tha thiết mời nhà dân chủ này ra làm việc nước đã gây được niềm tin rất lớn ở cả trong và ngoài nước Myanmar. Nếu không có sự trọng thị như vậy, chưa chắc các đảng đối lập đã được tái hoạt động và cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 1-4 chưa hẳn đã diễn ra suôn sẻ.

Tướng Thein Sein không phải là chính trị gia duy nhất thúc đẩy cải cách trong xã hội Myanmar nhưng ông là người lắng nghe và đáp ứng những khát vọng và mong ước của những người nghèo, giới tu sĩ Phật giáo và những công dân bình thường đã chịu đựng vô vàn đau khổ dưới chính quyền quân quản, khao khát tự do và hội nhập với thế giới bên ngoài. “Là chính phủ do nhân dân bầu lên, chính phủ tôn trọng khát vọng và ước muốn của nhân dân. Chính phủ có trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà công chúng lo ngại”, ông nói với người dân sau khi công bố quyết định đình chỉ dự án thủy điện Myitsone tháng 10 năm ngoái.

Dẫu vậy hiện tiến trình cải cách vẫn còn quá mong manh, tùy thuộc chủ yếu vào cá nhân Tổng thống Thein Sein và một nhóm quan chức có đầu óc cải cách. Trong khi đó, “chúng ta còn nhiều việc phải làm để xây dựng một đất nước mới thật sự dân chủ và thăng tiến những giá trị vĩnh cửu”, ông nói. Nếu kinh tế Myanmar không sớm được cải thiện, nạn nghèo đói có thể làm loãng ý chí chính trị của người đứng đầu và khát vọng tự do có thể bị vùi dập trước thực tế khắc nghiệt.

Huỳnh Hoa
Thời Báo Kinh Tế Sàigòn số 15-2012

Trông người lại ngẫm đến ta. 
Bao giờ VN mới có những nhà lãnh đạo vì nước vì dân? 
Nhìn về quê hương thiệt vừa thương vừa ngao ngán.

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận