An dân để làm gì?

An dân trong khủng hoảng

SGTT.VN - Một quy tắc sơ đẳng nhất và cũng là quan trọng nhất của quản trị quốc gia là trong những khó khăn nhất như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, thiên tai thì chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phải làm tất cả những gì có thể làm được để duy trì xã hội và tâm thế con người trong trạng thái bình thường.

Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, điều Chính phủ cần làm nhất là giúp đỡ, hỗ trợ dân nghèo hết lòng để nuôi dưỡng niềm tin và lòng trung thành của họ với thể chế. 






Mọi sáng kiến, thay đổi, thử nghiệm, thu hồi, cưỡng chế làm xáo trộn đời sống nhân dân, giảm sút thu nhập, gây tác động xấu đến tâm lý toàn thể xã hội hoặc ở những nhóm xã hội lớn (cư dân đô thị, người làm công ăn lương, người lao động chân tay) thì phải được huỷ bỏ, gác lại, trừ những trường hợp quá ư cần thiết.
Các chính sách ban hành trong trạng thái xã hội bình thường thì lúc khủng hoảng phải thay đổi theo hướng giảm khó cho dân như miễn giảm các loại thuế, giảm giá lương thực, xăng dầu, chất đốt, nước sạch, giảm giá các loại dịch vụ y tế, giáo dục, đi lại… Chính phủ huy động mọi nguồn lực có thể như mở kho dự trữ lương thực, kho xăng dầu, kho bạc, vay nước ngoài, bán tài nguyên để chu cấp cho dân vượt qua những thời đoạn khó khăn.  Những hoạt động này không phải là ban ơn hay thương hại mà thực sự là chức năng nhiệm vụ của người quản trị quốc gia, còn nhân dân cũng hàm ơn tổ chức giúp đỡ mình. Chính đó là cơ sở để nuôi dưỡng niềm tin và lòng trung thành với thể chế.
25.000 tỉ đồng, đất nước này không giàu hơn, nhưng nó sẽ giúp cho người dân, nhất là người nghèo, người dân nông thôn bớt khốn khó hơn, bớt số sinh viên phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. và hơn hết nó mang lại một sự ấm lòng rằng khi khó khăn Chính phủ luôn nghĩ đến dân.





Nếu chúng ta làm một trò chơi con trẻ là lấy hai cái lọ, và đề nghị nhân dân bỏ vào lọ thứ nhất những hạt đậu trắng thể hiện những chính sách, thông tư, nghị định, sáng kiến, hoạt động mang lại cho dân sự thuận lợi, yên ổn và những hạt đậu đen thể hiện điều ngược lại, thì người viết bài này chắc chắn số lượng hạt đậu đen nhiều hơn.

Điểm lại những chính sách ban hành trong ba năm gần đây, những chính sách đậu trắng không có nhiều, có lẽ chỉ là giảm lãi suất (có thể có lợi cho các doanh nghiệp hơn là người dân thường), còn lại đa phần là những chính sách đậu đen, chúng làm cho đời sống người dân rất bất an. Tác giả bài viết này sẽ không đi phân tích tất cả các chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tới mà chỉ điểm qua ở một vài lĩnh vực. 

Phải thừa nhận là giao thông của Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng từ hạ tầng yếu kém, phương tiện cá nhân chiếm ưu thế, đến ý thức của con người sử dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải “ngay lập tức thay đổi” trong khi nó còn tác dụng (chẳng hạn như xe máy). Không biết vì muốn thể hiện năng lực cá nhân vượt trội, lập thành tích, muốn đột phá ngoạn mục hay chỉ vì lợi ích nhóm mà bộ chủ quản nghĩ ra quá nhiều sáng kiến, trong số đó phải kể đến các loại thuế, phí đánh vào phương tiện giao thông, xăng dầu, đường sá làm cho các doanh nghiệp và người dân hoảng hốt, lo lắng. Hiện nay Việt Nam có khoảng 20 triệu xe gắn máy, như vậy mỗi năm số tiền thu được từ đánh phí là 20.000 tỉ đồng (mỗi xe 1 triệu đồng/năm) là một con số lớn, nhưng không bõ bèn gì khi đầu tư vào giao thông, số tiền này chỉ làm được hơn 100km cao tốc. Và sẽ ngạc nhiên hơn trong khi dân đang khó khăn thì bộ Giao thông vận tải lại định chi ra 12.000 tỉ đồng để xây các trụ sở và dự tính chi 100.000 tỉ đồng chỉ để đầu tư vào một công ty Vinalines.
Từ 2008 đến nay, tôi đã đến làm việc ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines... và nhận thấy một điều là cùng trong hoàn cảnh bị khủng hoảng kinh tế, nhưng trạng thái xã hội của họ rất khác với Việt Nam. Dân tình của họ bình tĩnh hơn và thích ứng nhanh hơn, còn chính phủ của họ ứng phó với khủng hoảng bài bản hơn của ta.
Có thể người dân của họ làm quen với kinh tế thị trường đã lâu, chính phủ được đào luyện sau nhiều cơn khủng hoảng kinh tế – xã hội cho nên trạng thái xã hội không xáo trộn. Ngay đến Bangkok vừa trải qua cơn ngập tồi tệ nhất trong lịch sử, cộng thêm khủng hoảng kinh tế, nhưng bộ mặt thủ đô và đời sống thường nhật vẫn diễn ra bình thường.
Hãy xem một vài ví dụ, Chính phủ Indonesia muốn tăng giá xăng từ 4.500 Rupiah lên 6.500 Rupiad, nhân dân phản đối, chính phủ ngưng lại không tăng giá nữa. Ngày 7.5 vừa qua, bà Thủ tướng Thái Lan đi khảo sát các chợ và nhận thấy giá cả tăng cao, ngay sau đó bà Yingluck đã chỉ đạo thực hiện một loạt các biện pháp nhằm gỡ khó cho dân.










Hầu hết các thành phố của Việt Nam là được kế thừa từ trong lịch sử, nó không phải là những thành phố công nghiệp hiện đại được chức năng hoá về không gian sử dụng một cách rành mạch như ở châu Âu, mà nó là sự kết hợp của nhiều trong một. Nhà không chỉ để ở mà còn là nơi buôn bán, sản xuất, vỉa hè không chỉ để đi mà còn là không gian trung gian kết nối giữa nhà – cửa hàng (shophouse) và người qua lại, nhà ở và vỉa hè, hẻm (ngõ) không phải đơn thuần là trong – ngoài, của tư – của công mà là nơi cộng sinh tồn tại. Khi chuyển từ một thành phố tiền công nghiệp sang thành phố hiện đại, những cách kết hợp truyền thống đó có vẻ không hợp nhưng sự thay đổi đó có nhất thiết phải ban hành dồn dập vào thời điểm này không, khi mà người dân đang cố gắng tìm cách mưu sinh để tồn tại một cách bình thường. Việc cấm buôn bán 112 tuyến phố ở TP.HCM, cấm buôn bán ở 70 tuyến phố và cấm các bãi giữ xe ở 262 tuyến phố ở Hà Nội có thể sẽ là hợp lý vào một thời điểm khác.

Nếu chịu khó thống kê, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc là trong thời gian chỉ khoảng một năm mà các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nghĩ ra được vô số các loại thuế, phí, phạt liên quan đến giao thông, nhà đất, y tế, giáo dục, môi trường... Nếu kể ra thêm những sáng kiến kiểu như phân luồng giao thông chèn ép xe máy, cưỡng chế đất đai, bơm vốn nuôi các tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém, thì mới thấy sức làm việc sáng tạo của các tham mưu gia thật đáng nể. Mà lạ hơn nữa là sao họ ít nghĩ ra cách làm giảm gánh nặng cho dân.

Khủng hoảng kinh tế là một trạng thái bất bình thường của một xã hội. Trong bối cảnh đó những hoạt động nhằm làm cho nó trở lại bình thường, hay ít ra có vẻ bình thường chắc chắn là tốt hơn và đáng hoan nghênh hơn là những hoạt động làm cho tình trạng bất bình thường trầm trọng hơn. Cho dù biện minh rằng những hoạt động đó xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng nếu hậu quả của nó là đẩy người dân vào khốn cùng thì đó cũng là sự thất bại của chính sách.

TS Nguyễn Minh Hoà
nguồn  báo Sàigòn Tiếp Thị 


An dân để làm gì? 

Mình rất thích bài An dân trong khủng hoảng của ts Nguyễn Minh Hòa (tại đây), một phân tích điềm đạm, bình tĩnh và chí lí về cái sự an dân trong khủng hoảng của Việt Nam. Nguyễn Minh Hòa viết: ” Một quy tắc sơ đẳng nhất và cũng là quan trọng nhất của quản trị quốc gia là trong những khó khăn nhất như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, thiên tai thì chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phải làm tất cả những gì có thể làm được để duy trì xã hội và tâm thế con người trong trạng thái bình thường.” Từ luận điểm rất đúng này, sau một loạt những phân tích về các chính sách ( hơi bị trái khoáy và buồn cười) của Nhà nước ta, Nguyễn Minh Hòa kết luận:

“Nếu chịu khó thống kê, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc là trong thời gian chỉ khoảng một năm mà các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nghĩ ra được vô số các loại thuế, phí, phạt liên quan đến giao thông, nhà đất, y tế, giáo dục, môi trường… Nếu kể ra thêm những sáng kiến kiểu như phân luồng giao thông chèn ép xe máy, cưỡng chế đất đai, bơm vốn nuôi các tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém, thì mới thấy sức làm việc sáng tạo của các tham mưu gia thật đáng nể. Mà lạ hơn nữa là sao họ ít nghĩ ra cách làm giảm gánh nặng cho dân.

Khủng hoảng kinh tế là một trạng thái bất bình thường của một xã hội. Trong bối cảnh đó những hoạt động nhằm làm cho nó trở lại bình thường, hay ít ra có vẻ bình thường chắc chắn là tốt hơn và đáng hoan nghênh hơn là những hoạt động làm cho tình trạng bất bình thường trầm trọng hơn. Cho dù biện minh rằng những hoạt động đó xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng nếu hậu quả của nó là đẩy người dân vào khốn cùng thì đó cũng là sự thất bại của chính sách.”

Rất hay! Nhưng vì sao lại xảy ra tình trạng đó? Nói nặng thì bảo bởi vì tất cả các chính sách đó đều xuất phát từ lập trường không vì dân. Nói nhẹ thì đó là kết quả của một lối tư duy quê mùa, hơi bị ấu trĩ và thiển cận. Chỉ chú mục vào việc an chế độ, an Đảng, an nhà nước trong từng việc cụ thể, không có cái nhìn cao hơn, sâu hơn, rộng hơn về tất các vấn đề. Không hề biết, cả không hề tin nữa, là để an chế độ, an Đảng, an Nhà nước thời dứt khoát trước hết phải an dân.

Thôi thì đừng nói vì dân cho dân của dân làm gì nghe khách sáo lắm, hãy cứ nghĩ để an Đảng, an chế độ, an Nhà nước là phải an dân. Dân bất an thì chẳng có gì bền vững. Còn tin điều đó thì mọi thứ dù muộn vẫn có thể cứu vớt được. Chỉ sợ rằng người biết và tin lại sợ không dám làm, người có khả năng làm thì cái đầu và cái tâm của họ không đủ để biết và tin điều đó.
Than ôi!

Nguyễn Quang Lập


Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận