phim cao bồi


Có một dạo mình rất khoái coi phim cao bồi nhất là loạt phim cao bồi do Clint Eastwood thủ vai chính, vì cốt chuyện dễ hiểu, dễ dàng theo dõi và nhất là nhạc phim nghe rất là hào hứng. 

Đa số các phim cao bồi nổi tiếng đều được bấm máy vào khoảng thập niên 50. Chẳng hạn như phim “High Noon”, do Garry Copper (ba mẹ mình thời đó rất mê gọi là Garry Cọp cho dễ) và Grace Kelly đóng chung (sau này thành bà Hoàng Monaco). Nội dung phim đơn giản nhưng phim vẫn rất hấp dẫn làm mình nín thở xem. Sau này Lý Tiểu Long cũng học vài cảnh trong phim “High Noon” để quay một số cảnh cho phim “Mãnh Long Quá Giang”. Đoạn Lý Tiểu Long bị ép rời Ý về Hong Kong trước 12 giờ đêm và cái khoảng chờ đợi và đúng 12 giờ đồng hồ kêu “Cút Coo.. Cút Coo” giống giống trong phim High Noon. Ngoài ra còn có một số phim ba mẹ mình rất mê và mình cũng hay coi ké như là “The River of No Return” (do Robert Mitchum và cô đào sexy Marilyn Monroe đóng). Mình rấ thích cảnh cảnh quay cuối Monroe ngồi mơ màng hát bài hát mang cùng tên phim. Ngoài ra còn có một số phim khác mình rất thích như là : 3:10 to Yuma (vừa mới quay lại), Gun Fight at the OK Corral , Jubal, The Faster Gun Alive (Việt Nam mình dịch là Bắn Chậm Thì Chết) , Vera Cruz và vv…

Bước qua thập niên 60 , các phim Cao Bồi tại Hollywood bớt ăn khách, có lẽ thiên hạ bắn đầu chán loại phim người hùng miền đất hứa, một mình, một súng (có khi hai tay hai súng) bắn chết cả chục người. Họ muốn xem một cái gì mới hơn, thế là những cuốn phim có lien quan đến đệ nhị thế chiến. Đồng Minh đánh thắng Đức quốc xã ào ào ra đời.

Trong lúc phim Cao Bồi bắt đầu ế độ thì đạo diễn Sergio Leone lại tung ra một loạt ba bộ phim do Clint Eastwood thủ vai chính mang tên Vô Danh (the man with no name), một tay sung thiện xạ bắn bách phát bách trúng, bắn ai là người đó phải lăn quay.  Về sau loạt phim này dần dần chiếm lĩnh thị trường phim tại Mỹ, quê hương phim cao bồi. Phim đầu tiên là “Fistful of Dollars”, cốt chuyện là mượn từ truyện Nhật Bản có tên là “Yojimbo", một kiệt tác phẩm của đạo diễn trứ danh Nhật Bản Akira Kurosawa, kể lại chuyện một tay samurai đơn thân đến một làng nọ đang có tranh chấp giữa hai băng đảng rồi dùng tài trí khiến cho hai băng đảng tự tiêu diệt lẩn nhau để rồi cuối cùng tay samurai ra đi thủ lợi với một số tiền lớn lao. Sergio Leone thay thế tay samurai bằng một tay súng giang hồ cưởi ngựa đến một thị trấn nọ mà kiếm ăn.

Sergio Leon đã thay đổi cách quay phim hoàn toàn khác biệt với Hollywood. Thứ nhất là quay cận cảnh, những nét nhíu mày, cái lườm và cái nhìn qua đuôi mắt. Trong phim “The Good, The Bad and The Ugly” đoạn chót 3 tên cao bồi đứng tại một nghĩa trang để giành vàng, cận cảnh là ánh mắt lườm nhau giữa Clint Eastwood và Lee Van Cleff thật là ngầu. Nhất là cách chuyển cảnh từ ánh mắt này qua ánh mắt kia xem vô cùng hồi hợp. Rồi cận cảnh đôi giày boot, tiếng kêu lóp cóp trên sàn gỗ làm người xem háo hức hồi hộp muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra. Kiểu quay phim này vô cùng thành công nên ai mà đã xem qua phim “Mãnh Long Quá Giang” thì khó mà quên ánh mắt Lý Tiểu Long được quay sát cùng với cái nhìn của Chuck Norris khi sắp sửa đánh nhau tại Roman Colosseum ở Rome.

Tuy nhiên phim của đạo diễn Sergio Leone thành công được là cũng phải nhờ nhạc sĩ Ennio Morricone. Nếu không có tiếng nhạc của Ennio thì loạt phim này khó mà thành công. Cách làm phim của Sergio Leone là trong một con người đều có cả hai tính cách chính và tà. Xem phim thấy Clint Eastwood là một người chính nghĩa nhưng vẫn có lòng tham đi chia chác vàng bạc sau mỗi vụ kiếm ăn với các tên cướp. Leone đã cho những thằng bá vơ cướp bóc đi lạc vào một cuộc cách mạng và rồi trở thành anh hùng, còn một người một lòng vì đất nước trở thành anh hùng vô danh. Đó là trong phim “Fistful of Dynamic”. Phim này mình thích nhất, vào khúc chót một thằng cướp đứng khóc cho một người cách mạng chân chính và nó trở thành anh hùng dân tộc.



(fistful of Dynamite poster)
TPT

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận