Chó con ToBe


Niên học đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc năm 75, tui có quay lại trường cũ Trần Qúy Cáp một vài hôm, để nhận thấy trường lớp vắng hoe, buồn hiu hắt. Tui cũng chẳng hiểu lớp tòan con nít mà ở đâu tụi nó biết thày Nguyên dạy tụi tui năm lớp 4 là sĩ quan biệt phái đã đi học tập, cô Thủ dạy lớp 3 đã đi “Mỹ”. Lúc đó tui chỉ băn khoăn những đứa bạn thân Tuấn, Quốc, Thịnh, Ly Cơ giờ đang ở góc bể chân trời nào, và trong lòng nhen nhúm một cảm giác trống vắng, chán chường. Tui mơ hồ hình dung ra rằng cái lâu đài tuổi thơ ở TQC của mình đang phân hủy theo cuộc thăng trầm của cả đất nước. Vài tuần sau thì mẹ tui được gọi lên văn phòng và chiều hôm đó thì bà cho tui hay “Họ không cho con học ở TQC nữa. Mẹ đã nhờ bà giáo Hiếu xin cho con về học ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trưa thứ Hai mẹ đưa đến trường”. Tui chẳng thắc mắc họ là ai,và tại sao họ lại không muốn tui đi học ở TQC. Tui chỉ lẳng lặng làm theo lời mẹ, không một lần tạm biệt những đứa bạn ở TQC mà từ đó chẳng bao giờ tui gặp lại. Đối với tụi nó chắc tui chỉ “chợt đến, chợt đi” như bao nhiêu cái bóng trên đất nước VN ngày đó.

Hồi đó từ nhà tui ở khu Hàng Xanh lên trường NBK có 3 cách: xe búyt, xe lam, và xe lô-ca-chân. Thường khi tui đi học bằng xe búyt còn bận về thì cuốc bộ, vì kinh phí chỉ có nhiêu đó. Thỉnh thỏang thèm cây cà-rem hay con cá xiêm (để chơi chứ không phải để mút) thì tui cuốc bộ cả hai chiều. Hai tên cuốc bộ với tui nhiều nhất là Anh Kiệt, nhà ở khu cầu Thị nghè và Lương nhà ở khu giáo xứ Nguyễn Duy Khang. Tui ở xa nhất nên phải cuốc bộ đoạn đường chót và tui thường đi “tắt” qua những con hẻm ngoắt ngoéo của khu Hàng Xanh để về nhà. Nhân thể cũng để tìm nhặt những thứ kỳ hoa dị thảo ăn cho “tăng công lực” như trong những mẩu truyện kiếm hiệp mà tui đọc trộm, những thứ mà ăn vào chắc là nhờ hồng phúc ông bà để lại nên tui còn sống đến giờ!


Một lần đang loay hoay bẻ trái bình bát bên một bờ mương trong một con hẻm cuối đường Đinh Bộ Lĩnh, tui tê cứng người vì tiếng sột sọat dưới chân, lòng đã nhủ thầm lần này rắn cắn mà còn sống thì không bao giờ đi hoang nữa. Cả giây đồng hồ, chẳng thấy đau mà thấy ươn ướt lại càng thót tim lại – chắc là máu ra nhiều lắm! Nhìn xuống thì chẳng thấy máu cũng chẳng thấy rắn mà là một con chó nhỏ đang liếm chân tui. Nó chỉ dài độ 3 tấc, lông nâu, với một sọc đen chạy dài trên lưng như chẻ dọc tòan thân. Mí mắt trên có 2 đốm lông vàng cứ như ai tinh nghịch đánh dấu vào cho biết đâu là mắt vậy. Con chó nhỏ mở to mắt nhìn tui, cái đuôi ngắn phất lọan, và chiếc lưỡi hồng nhỏ xíu thè ra như thể đang cười. Tui húyt gió một tiếng nhè nhẹ thì nó lũn cũn chạy theo vừa chạy vừa ư ử, và thỉnh thỏang lại nhảy cẫng lên từng bước nho nhỏ.

Về đến nhà tui lia cặp lên cái giường gỗ, rồi đi kiếm chỗ dấu con chó. Con em đang ngồi lê la chơi nấu nướng với mấy cái xong nồi tí hon há hốc mồm ra nhìn như thể tui vừa dẫn về nhà một con thuồng luồng hay quái thú gì vậy. Tui dí nắm đấm vào mặt nó, gằn giọng “Im”. May đời, nó nhanh nhảu gật đầu chứ không tru tréo lên như mọi khi. Bà già tui rồi cũng khám phá ra và bắt tui chỉ chỗ lụm con chó ở đâu để đem trả vì sợ tui ôm chó nhà người khác. Đời nào tui nói thiệt để mang thêm tội đi hoang. Bà già bắt tui ôm con chó đi theo cả buổi chiều hỏi thăm lối xóm để trả lại, cũng may thời buổi đó con người (trừ tui) còn tử tế nên chẳng ai nhận. Cuối cùng thì bà già tui cũng chịu thua để tui giữ con chó. Đám lau nhau thì mừng ra mặt. Bà chị kế phán liền “Đặt tên nó là ToBe”. Số là bả học hơn tui mấy lớp nên biết chia động từ to be và được dạy câu “To be or not to be …” nên mang ra xài. Tui mới lớp 5, chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng chưa biết nên khiếp lắm chịu liền. Phải như bây giờ thì con chó của tui sẽ là ToDo hay ToHave cho nó “hành động” chứ ToBe cái mốc-xì!

Thời gian này ông già tui đang vắng nhà dài hạn theo lệnh nhà nước mới. Mấy anh chị lớn của tui còn ở lại VN xoay xở vào làm ở nhà máy in, dệt, dược v.v. coi như tự nuôi thân. Còn bà già tui có một cái sạp nho nhỏ ở chợ Văn Thánh để bán đồ cũ, mà chủ yếu là đồ đạc từ cái gia sản mà ông bà già tui gầy dựng được từ ngày di cư vào Nam. Mùa hè đến là khỏang thời gian thần tiên của tui. Người lớn đi làm hết, vậy là mỗi sáng sau khi múa may hò hét với đám con nít cùng xóm trong cái “sinh họat hè khu phố”, tui về lục nồi rồi dẫn con ToBe rong chơi khắp ngõ trong, xóm ngòai. Những thứ mà bọn con nít xóm tui thời đó thích chơi nhất là tạt lon, dích hình, và bắn bi. Một thằng con nít trong xóm có hòn bi Mỹ mà nó lấy được bằng cách đập lon sơn xịt của Mỹ đã cạn. Hòn bi nặng và tuyền đỏ, rất cứng bắn bể những hòn bi Made in Cholon khác dễ dàng nên đứa nào cũng thích. Có lần cả đám châu đầu cãi nhau coi hòn bi nào của 2 thằng bắn trước gần đích hơn, khi quay lại thì hòn bi Mỹ đã không cánh mà bay. Thằng chủ giận lắm đòi xét cả đám và đục phù mỏ đứa nào lấy hòn bi của nó mà vẫn không thấy nên tàn cuộc chơi. Về đến nhà tui cho con chó uống nước thì nó nhả cục bi đã ngậm trong miệng từ bao giờ!

Một buổi trưa hè tui đang dạy cho con ToBe nhảy qua chiếc que như cọp trong gánh xiếc, mà con chó nhỏ cứng đầu cứ nhất định nằm bẹp xuống để chui qua. Tui nổi sùng gõ cho nó 1 que vào mông thì có tiếng con gái léo nhéo sau lưng
- N. đừng đánh nó, cho nó cái gì ăn thì nó sẽ nhảy qua
Thì ra là con nhỏ ở căn nhà gần đó. Gia đình nó mới từ trên Di Linh dọn về, và nó có môt cái họ tên rất lạ là Cổ Lê Chung Thủy, nghe là thấy …thượng du liền. Lần đầu tiên tui mới nói chuyện tay đôi với con nhỏ này. Chắc nó dân xứ núi nên dị cảm với nắng Sài gòn, vì nó cũng dang nắng như tui mà sao da vẫn trắng, tóc vẫn mun. Tui cằn nhằn:
- Thì nó ăn một roi rồi mà có chịu nhảy đâu!
Chung Thủy nhìn tui mắt cụp cuống nừa chừng, vừa như năn nỉ, vừa như trách móc, lại vừa như giận hờn:
- Không phải vậy đâu
Rồi nó cắm đầu chạy đi, hai cái đuôi tóc buộc cao nhún nhẩy theo từng bước chân chim. Con nhỏ trông thật ngộ. Mà thiệt tình cái ông cao xanh sao sinh chi con gái có lối nhìn dễ thương lạ, để có những chàng trai chưa lớn mà lòng đã phải liêu xiêu. Chung Thủy chạy đi trong giây lát thì quay lại và chìa ra một cái bánh bông lang be bé trong tay.
- Mẹ Thủy cho hôm qua, mình lấy dụ cho ToBe nhảy đi !
Cái bánh được bẻ thành nhiều mẩu và mỗi lần con ToBe nhảy qua cái que thì được thưởng 1 mẩu. Con chó ngoan ngõan nhảy qua, nhảy lại để lấy phần của mình. Đồ quỷ tham ăn dễ sợ! Thứ này thì tui chẳng dạy nó! 

Miền Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của việc thiếu lương thực, nhiên liệu. Tui và ToBe được trao thêm nhiệm vụ nộp sổ, mua, và phơi lương thực. Mái nhà, khỏang sân ngày trước, nơi tui phóng con diều ông già làm, hay mắc võng ngủ dưới bóng cây khế những ngày hè nóng nực, giờ đã trở thành sân phơi những nắm than bùn hay những vắt mì tươi. Để khỏi phải chạy trong bóng mát ra ngòai nắng đuổi những con sẻ, chắc cũng đói như người, khỏi lăn xả vào nhặt lương thực, tui đem cột một mẩu vải đủ màu sắc vào đầu một cành trúc rồi vụt về phía những chú chim mà tưởng tượng mình là Phù Đổng Thiên Vương vung roi đuổi lũ giặc Ân trong truyện tranh năm nào. Mỗi lần mẩu vải tung ra thì con ToBe lại cắm đầu lao theo, có lúc con chó chạy vào chỗ phơi mì, lúc lại dẵm lên chỗ phơi than bên cạnh và thỉnh thỏang tui lại bị cú đầu khi bà già nấu nướng phát hiện ra những vắt mì còn in dấu chân chó con. 

Khó khăn lại tìm đến với gia đình tui khi ông tổ trưởng xuất hiện với vài người lạ mặt và thông báo cho mẹ tui biết gia đình tui nằm trong "đối tượng đi kinh tế mới" của phường. Rồi từ ngọt ngào khuyên bảo, hứa hẹn, đến dọa dẫm, răn đe, mức độ thăm viếng của chính quyền địa phương ngày càng tăng. Vào lúc khó khăn nhất thì mỗi ngày bà già tui phải lên trình diện trên công an phường, ngồi từ sáng đến chiều thì cho về, chẳng bắt bớ cũng chẳng ăn uống, chẳng làm ăn gì được. Đến giờ cơm trưa tui cứ quanh quẩn chơi với con chó ở bên ngoài lựa lúc không ai để ý thì chạy vào đưa đồ ăn cho mẹ.

Rồi chẳng biết mỏi mệt vì sự dòm ngó của phường khóm hay vì thực sự khó khăn, mà một ngày kia bà già nói với tui
- Con ạ, cậu đi vắng, mẹ không đủ sức nuôi thêm một miệng ăn nữa đâu. Thôi, mình đem con chó cho nhà bác Y. nuôi đi con. Con chó nhà bác mới chết, mẹ có hỏi bác rồi. Nhà bác khá giả, nó ở với bác đỡ khổ hơn ở nhà mình. 

Tui nghe mẹ nói mà nước mắt chảy dài. Mười tuổi nhưng tui hiểu hòan cảnh gia đình và biết bà già tui thật lòng. Cưu mang thêm một miệng ăn là một gánh nặng cho bà lúc đó dù là miệng chó con nhỏ xíu, nên tui lẳng lặng gật đầu

Đến ngày hẹn, cô Bình, người làm nhà bác Y. đến đem ToBe về. Cô bế trên tay thì con ToBe vùng vẫy không chịu, cô xỏ dây dẫn đi thì nó ghì bốn chân xuống đất không đi, mặc cho bị kéo lê trên đất đến ngẳng cổ. Thấy vậy mẹ tui nói:
- Thôi con dẫn nó về nhà bác đi, để vậy tội nó con ạ. Rồi bà lặng lẽ quay đi.

Con ToBe thấy tui dẫn đi thì mừng lắm, tưởng lại được đi chơi. Đường từ nhà tui đến nhà bác Y. đi bộ chỉ 10 phút, tui đi chậm để giữ con ToBe lâu hơn chút mà nó cứ cắm đầu chạy rồi thỉnh thỏang ngoái lại nhìn, như ngầm hỏi sao bữa nay tui chậm chạp vậy? Đến nhà bác Y. tui để cô Bình và con ToBe vào rồi đóng cánh cổng sắt lại chứ không theo vô. Ngôi nhà lớn có dáng vóc lạnh lùng vẫn làm tui có cảm giác e ngại mỗi khi đến thăm, dù bác Y. là bạn với ông già tui từ những ngày trong trại định cư. Con ToBe quay ngoắt lại khi nghe tiếng cổng đóng. Khi nhận ra tui không theo vào thì con chó nhỏ chợt hiểu ra mình đã bị lừa bởi chính người nó tin yêu nhất! Nó hốt hoảng nhảy vội lên cánh cổng, cào vào tấm lưới sắt miệng ư ử những tiếng kêu tuyệt vọng. Cuối cùng như nhận ra rằng nó không là đối thủ của tấm lưới sắt, con ToBe nằm phịch xuống đất, mặt gối lên hai chân trước ngước mắt nhìn tui. Ánh mắt buồn bã như lóng lánh ánh nước! Cũng ánh mắt này mười mấy năm sau số phận lại trao cho tui lần nữa, từ một người con gái. Những ánh mắt mà sau mấy chục năm tưởng chừng đã cũ, nhưng thỉnh thỏang gặp lại trong cơn mơ nào, sao vẫn thấy xót xa như đến từ hôm qua! 

Tui quay lưng chạy về nhà, trời đang nắng mà phố xá bỗng nhạt nhòa. Ngang qua nhà thờ Hàng xanh, ngừng lại trong sân nhà thờ để nghỉ và để khóc cho vơi nỗi buồn, ngước nhìn tượng Chúa với khuôn mặt nhân hậu, tui lâm râm khấn cho con ToBe được quay lại với mình. Cũng may là phép lạ đã không xảy ra, chứ không dám tui đi tu từ dạo đó. Về đến nhà tui leo lên giường lấy gối che mặt, phần vì nhớ con chó phần vì để bà già tui thấy là tui còn đang giận lắm, rồi tui ngủ thiếp đi lúc nào không biết, cho đến lúc có bàn tay nào lay dậy.
- Dậy rửa mặt đi con rồi ăn cơm mẹ để phần kia. Mai đi chợ với mẹ rồi mình ghé thăm con chó.

Từ đó thỉnh thỏang theo mẹ đi chợ Hàng xanh tui vẫn ghé qua thăm người bạn nhỏ của mình, và lần nào cũng vậy, con chó nhỏ gặp tui là nhảy như điên cuồng và đôi lần chạy theo tui về mà chẳng lưu luyến, đắn đo với ngôi nhà mới của nó. Chừng độ một năm sau thì trộm đạo nổi lên khắp nơi, ToBe được người em bác Y. xin đem về nuôi ở chợ Bình Tây để trông nhà, trông hàng, và từ đó tui không còn gặp lại người bạn nhỏ của mình. Tui nghe mẹ tui có lần đi thăm người chủ của ToBe về kể, nó giỏi trông nhà nên được nhà chủ thương và giữ lại cả 2 đứa con của nó. 

Vậy mà trước giờ tui cứ tưởng chó ToBe của tui là chó đực !

Tặng những người bạn cùng trang lứa
Những người đã cùng tui lớn lên trong một giai đọan khó khăn
Mà vẫn không đánh mất cái hồn nhiên của những chú …
(Thôi, không nói nữa không lại bảo là tui hỗn!)

-----

bình loạn 

From: KimTam
Subject: RE: Chó Con
Date: Sun, 30 Sep 2012 12:56:25 -0400

Đọc bút ký của bác xong Ròm bị speechless lun, cho nên các bác không cần hét tui phải IM đâu.  Đọc mẩu chuyện của bác tui coq thể nhìn thấy toàn cảnh một thời thơ ấu của bác cững như những biến động chung mà các gia đình chúng ta đã phải chịu trong thời cuộc lúc bấy giờ. 

Cám ơn bác đã chia xẻ những mẩu tâm tình trong cuộc sống.  Hy vọng Ròm sẽ còn được đọc những phần tiếp theo. 

Nói thiệt lòng là Ròm thấy mấy chàng TV của chúng ta ai cũng có tâm hồn phong phú và lãng mạn.  Đáng tiếc là hồi đó hổng ai bít hết, hên cho mấy ông đó.
Tâm


From: Trang K Duong
Sent: Sun, Sep 30, 2012 12:01 am
Subject: Re: Chó Con 

Bài viết hay quá, thật nhiều chi tiết, ... làm sao mà Nghiệp có thể giữ và nhớ được tất cả.
Trang chỉ tò mò là .. mười mấy năm sau, Nghiệp 1 lần nữa, bị ám bởi cái cặp mắt long lanh, ngây thơ, và helpless .. như ánh mắt của puppy ngày nào. Có thể cho tụi này đọc Chương II về cô ấy chăng ?

đang mong được đọc tiếp .... 
KTrang 


From: T P T
Sent: Sunday, September 30, 2012 10:23 AM
Subject: Re: Chó Con

Cứ tưởng là Nghiệp chỉ email kể vài hàng về chú chó thôi đâu ngờ hay vậy
Cả một đoạn đời thơ ấu của Nghiệp mà ai cũng như tìm thấy có một phần mình trong đó.
Văn hay và rung động thiệt đó. Thiệt là thú vị khi khám phá được bên trong của ai đó.
Nhớ mẹ không?  Thấy kể chuyện nhắc đến mẹ nên đoán chắc là N đang nhớ mẹ. 
Để Thảo làm tiếp phần 2 "tình sử đôi mắt cún con" cho đám kia nghe nghe hihi.  Không viết thì để đây viết dùm cho.  Chỗ nào biết thì kể, không biết thì chế nghe.
 2012/9/30 Nicholas Nguyen
Thảo nói đúng nhiều khi nhớ bà già thiệt đó và không ở gần nên cũng áy náy lắm
Thôi để tư từ có gì kể được mà không ảnh hưởng đến người ta thì kể, Thảo chế tầm bậy là thôi rồi Lượm ơi


From: Trang Nguyen
Sent: Saturday, September 29, 2012 8:20 PM
Subject: RE: Chó Con

Làm sao mà Ng có thể nhớ & diễn tả tâm trạng sau bao nhiêu năm ...xa xôi đến như vậy.
Thật là dễ thương & cảm động.  Ng. đã ;à, cho tuị Tr. nhớ lại ...caí tuổi thơ nghèo, thiếu thốn & ngu ngơ.  Tr. còn nhớ là hồi 11 tuổi lúc đó bố Tr. bị goị đi trình diện 15 ngày (Đaị uý hay Thiếu tá gì đó, quên rồi), tuị Tr. leo nheo 6 đứa ở chung vơí bà nội...bà Tr. giàu lắm, di cư từ Bắc vào...nhà lúc nào cũng thủ vàng...nhưng không dám cho ai biết....khi bị hù cho đi kinh tế mơí gì đó, nhớ mang máng thôi nha....bà nội bắt tuị Tr. phải đóng kịch là nhà nghèo...bảo Tr. xách caí rổ mây ra ngoài đường ngồi bán chanh....  Ngaỳ xưa đi học có tài xế chở, nhà có ngươì làm....chỉ biết chơi & học....đến lúc con nhỏ ra đường ngồi nhìn thiên hạ đi qua đi lại quá đông....bắt sợ...xách caí rổ về...khóc hu hu bà ơi chaú không bán được traí nào cả....


Date: Sat, 29 Sep 2012 22:00:36 -0700
From: Nghiệp Nguyễn
ĐTrang là người mà cuộc đời cũng có nhiều sự kiện lắm thỉnh thoảng mới hí ra chút, kể đi

From: Trang Nguyen
Kể ra sợ bị cười đó chứ...
Có những lúc lái xe...đầu óc suy nghĩ lung tung...mà viết xuống daì & hay như D, Ng. chắc là Tr. thua.... Từ từ..khi nào nổi cơn thì mơí viết được..hy vọng là thế đi.

Sáng nay trên đường ra biển...sau lưng là mặt trơì sắp mọc & trước mặt là trăng tròn sắp biến...đẹp ơi là đẹp.  Chắc chắn là có nhiều ngày như thế mà mình thì cứ ngồi ì trong office thành ra chẳng biết mô tê gì cả....(cho thở daì chút xiú)
Today is a beautiful Sunday..... Sunday rồi, tháng Chín trôi đi nhường lại cho tháng Mươì....vậy đó mà sắp hết năm 2012.....

From: Dung Nguyen (dunghn)
Sent: Sunday, September 30, 2012 12:57 PM
Subject: RE: Chó Con

Bắt đầu từ những đọan ngắn như thế thôi
Mấy chốc mà thành nữ văn sĩ
Chóng lên, bạn chờ.

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận