Sài Gòn nhớ


Sài Gòn - một thời để yêu, một thời để nhớ là những hoài niệm về Sài Gòn của dân Sài Gòn và những ai trót phải lòng Sài Gòn.  Lưu lại đây để hai con gái - những đứa nhỏ lớn lên ở Hoa Kỳ - Sau này có dịp đọc và coi lại một Sài Gòn luôn nằm sâu trong tim của mẹ chúng nó.

Sài Gòn nhớ
trích trong group chat của nhóm bạn Trưng Vương niên khóa 80-83

From: Dung Nguyen
“… Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu

Cụ Tản Đà trong một phút buông hồn viễn xứ, dịch:
“Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Nơi đây không có sông, chỉ có xe cộ ngược xuôi như mắc cửi và thời gian trôi vùn vụt, nhưng sao lòng vẫn man mác một chữ sầu.

Trời Cali những ngày lập xuân giá lạnh, sương mù giăng giăng tựa khói sóng.  Đêm về, xa lộ vàng vọt ẩn hiện trong cái bềnh bồng khói sóng ấy, thỏang đôi lần lẫn lộn với phố xá xưa.  Giọng cô ca sĩ Cải lương chi bảo một thời với một trích đọan trong“Đời Nghệ Sĩ” mong manh như sương mù Cali làm chợt hiện trong tôi một góc phố Sài gòn, một vũng nước mưa hắt ánh điện câu trên lối về xóm nhỏ.


Không phải giữa hai nước mới có sự khác biệt, mà ngay giữa hai thành phố trong cùng một nước cũng mang sự khác biệt rõ rệt. Không phải sự khác biệt ở kiến trúc đô thị. Không phải sự khác biệt ở phong cách sống của người dân địa phương. Sự khác biệt nằm trong tâm hồn một thành phố. Phảng phất một vài thành phố mang những tâm hồn giống nhau trên một góc cạnh nào đó, khiếng lãng nhân như hụt bước, chạnh lòng như bất chợt tìm lại được con quay thuở xưa đầy bụi bặm. Sài gòn trong tôi, xưa hay nay vẫn mãi là Sài gòn. Hồn Sài gòn sẽ chẳng khi nào thay đổi một khi nó đã hiện hữu. Và nó đã hiện hữu hơn ba trăm năm nay. Trong một lần chấm thi TOFEL, bố tôi kể lại, người gặp một thí sinh nói năng rất lưu lóat, trôi chảy, với một kiến thức phải nói là đáng nể. Anh còn tự giới thiệu là người Sài gòn chính gốc. Thế nhưng khi được hỏi,“Tên Sài gòn có nghĩa gì? Và từ đâu mà có?”, thì anh ta chịu, sau vài phút ngập ngừng. Bây giờ bạn hỏi tôi cũng câu hỏi ấy, tôi sẽ trả lời bạn rằng“Mời bạn tìm cụ Vương Hồng Sển vậy.” Đó, thiết nghĩ, là câu trả lời lý thuyết theo kiểu nói có sách, mách có chứng. Thật ra, trong một phút, khó có ai trả lời chính xác, trừ khi bạn là môn đệ cụ Vương.

Sài gòn trong tôi có những sớm mùa đông, đến trường từ lúc tờ mờ sáng, khi trăng còn chưa lặn. Những chiếc xe bánh mì paté, thịt nguội, hay kẹp giò chả, với những ngọn đèn dầu tù mù bập bùng gương mặt người bán trước cổng trường luôn chào đón những đứa học trò nhỏ như tôi ngày xưa. Sài gòn mùa đông se lạnh với ngàn chiếc lá rụng dọc vỉa hè, nhưng chỉ se lạnh đủ để mọi người cùng khoe những chiếc áo len muôn màu muôn sắc. Cũng có nhiều chiếc đã bạc màu, đã sờn, nhưng hãnh diện vì rất ấm những kỷ niệm. Sài gòn mùa đông đôi khi cũng thật rét với những lo toan vất vả cho bao nhu cầu của Noel, của Tết cận kề. Sài gòn mùa đông thỏang khi cũng lạnh buốt đến tiềm thức khi bất chợt ngước nhìn về tương lai.

Sài gòn trong tôi là những trưa hè, lưng áo ướt đẫm mồ hôi trên những cuốc xe đạp từ Thủ Đức khi tan học về. Dưới cái nắng gay gắt như muốn chọc thủng đỉnh đầu, dáng cầu Sài gòn xa xa với đủ lọai xe ngược xuôi, bụi mù. Sài gòn mùa hè với những con hẻm im ắng trong giấc ngủ trưa êm đềm, thỉnh thỏang lại dội lên tiếng chửi“Tiên sư cha chúng mày! Cứ đến giờ ngủ trưa của tao là tụi bây mang banh ra đá là làm sao? Lũ mất dạy!” Những tiếng chửi rất thường như nắng, như mưa, rất Sài gòn, chợt đến và chợt đi. Tức đó thì la đó. Giận quá thì chửi. Chưa hả thì lôi cha mẹ, ông bà nhà nó ra mà chửi. Xong thì thôi. Khi có chuyện vui, lễ lạc tết nhất, vẫn vui vẻ qua lại. Chả cần phải nhờ đến 911 chi cho nhọc lòng xóm giềng. Có lẽ vì thế, mà cả Sài gòn không có một khu phố nào quá lạnh tanh, quá private như mọi nơi ở xứ này.

Sài gòn trong tôi là những chiều mưa bất chợt, không hẹn, như người bạn cũ lâu lắm rồi không gặp, tình cờ tái ngộ trên một quãng đường. Những chiều mưa bất chợt làm cho hồn tôi ướt đẫm!“D không nhớ mình là ai thật hả? Đại đây!” Hơn hai mươi bẩy năm rồi đó Đại. Bây giờ bạn ở góc trời nào? Giọng nói thảng thốt của bạn cứ như những cơn mưa Sài gòn bất chợt tuôn rơi, không báo trước, không biết bao giờ tạnh. Sài gòn mùa mưa, còn có những chiều mưa tầm tã. Sài gòn mùa mưa còn có những con thuyền giấy chở đầy những ước mơ lênh đênh theo giòng nước trong tiếng sấm ì ầm và màu trời xám xịt. Sài gòn mùa mưa còn có một bàn tay nhỏ lóng ngóng trao vội chiếc áo mưa

Sài gòn trong tôi là một ngôi trường cũ, giữa hai hàng cây cao vút cứ thích thả những chiếc chong chóng đời xoay tít rợp trời ngày cuối tháng 5. Sài gòn về giữa tiếng cười bạn thân với những hồn nhiên cuối mùa sót lại. Sài gòn theo nhau, những gót chân son tan học rong ruổi nẻo về. Sài gòn mộng mơ bâng khuâng khi ngỡ ngàng không phân biệt được đâu là mây, và đâu là mái tóc dài thả theo từng vòng xe …

Sài gòn trong tôi là những tối lang thang khắp mọi nơi. Những con đường, những khúc quanh, những hàng đèn, góc phố, những con hẻm, những âm thanh, tất cả, tất cả trộn lẫn, dấy lên, đánh thức cái hồn của Sài gòn. Con hẻm với vài ngọn đèn vàng càng làm cho nó dài hun hút trong tiếng vọng cổ ngân dài, nho nhỏ nhưng rõ mồn một giữa đêm khuya tịnh mịch. Tôi thường có những giấc mơ lạ kỳ. Tôi mơ thấy mình từ từ bay lên cao lơ lửng, mọi thứ xung quanh nhỏ dần và thấp bé. Phải chăng tôi đã hòa nhập vào hồn Sài gòn? Hay hồn Sài gòn đã nhập vào trong tôi? Để rồi tôi đã ngỡ ngàng, bâng khuâng khi bước qua vũng nước mưa trên phố Lansdowne, Toronto, mà ngỡ mình đang trở về con hẻm ngày xưa.

Một MC cho các chương trình video ca nhạc từng kể:“Ngày xưa, ông Cao Văn Lầu, tức ông Sáu Lầu, đã sáng tác một bản nhạc lấy tên là Dạ Cổ Hòai Lang để nói lên tâm sự của một thiếu phụ nhớ chồng …” Theo giòng thời gian, hai chữ“vọng cổ” được phát sinh từ đó. Có lẽ bây giờ, chúng ta cũng cần có một bản“Dạ Cổ Hòai Hương”. Cho tất cả những ai sống xa quê hương. Không phải chỉ cho người Sài gòn như tôi, như bạn. Không phải chỉ cho Cần Thơ, Ninh Kiều. Không phải chỉ cho Nha Trang phố biển. Không phải chỉ cho Huế thơ mộng. Càng không phải chỉ cho người Hà Nội với hai lần xa xứ.
Cho tất cả.

tản văn Nguyễn Hữu Dũng (Dũng Đakao)Trưng Vương 83 
12A2, TV83

-------

From: T P T

Sàigòn không có nhiều danh lam thắng cảnh hay các di tích xưa cũ như Huế và Hà Nội. Sài Gòn là một thành phố trẻ với những kiến trúc nguy nga tân kỳ, những con đường rực rỡ ánh đèn và nhộn nhịp người qua lại nhưng với mình, hồn của Sài Gòn không nằm ở những nơi đó. 

Sàigòn, đó là các con hẻm, một cõi đi về của mấy chục triệu người, là nơi cất giữ những cuộc sống đời thường của đô thị, nơi tiếp nhận người tứ xứ không phân biệt nguồn gốc.  Sài Gòn, đi dạo trên đường phố nếu thấy xa xa có xe bánh mì hoặc hủ tiếu, có khi là một quán café cóc ... là  nơi đó có những con hẻm. Đời sống hẻm còn là những tiếng rao ngân nga đầy nhạc điệu - từ món cháo gà, gỏi gà, xôi, chè, đậu hủ cho tới mài dao kéo, ve chai, dép nhựa ... suốt từ sáng tới chiều, tận tối.  Cùng với hàng rong là lời rao là tiếng nhạc từ những thanh tre của mì gõ, tiếng chuông leng keng của cà lem, tiếng còi trúc toe toe của bong bóng và tiếng lạch xạch của những thanh kim loại va nhau của những người tẩm quất dạo ... Trong những con hẻm Sài Gòn quanh co có cái tình cảm xóm giềng chảy trôi trong máu thịt của mỗi con người Việt Nam, thứ tình cảm xóm giềng mà dù đi bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng không tìm thấy được.   Vậy đó, đằng sau cái vẻ hào nhoáng ồn ào là một mạch sống âm thầm và bình lặng chảy dọc theo các con hẻm trong thành phố.  Bước vào một con hẻm Sài Gòn, đi thật chậm, quan sát thật kỹ mới có thể nghe thấy hết đời sống bình dị nơi thị thành. 

Sàigòn còn là các loại hàng quán đông về số lượng, phong phú về nội dung tạo nên một gương mặt đời sống mà không một thành phố nào trên cả nước sánh kip. Đó có thể là phở Hà Nội, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, bún nước lèo Sóc Trăng. Cũng có thể là hủ tiếu Nam vang, hay cơm gà Thượng Hải. Từ cơm tấm, cơm nị đến cơm niêu, cơm thố, bò bảy món, dê ngũ vị ... Hàng quán, nhất là hàng rong ... là niềm vui của Sàigòn mang lại, và tất nhiên đó cũng là nỗi buồn không thể tránh khỏi.

Sàigòn, một nét đặc thù vẽ nên diện mạo Sàigòn chính là những tiệm café. Mỗi tiệm một vẻ một không gian riêng để trở thành một “chốn nhớ” cho khách đến đây. Từ cafe lề đường ghế cóc vợt lọc cho người dân lao động đến cafe vừa chạy vừa rao ở các Xa cảng Miền Đông, Miền Tây cho lữ khách phương xa "phê đây phê đen phê đá phê sữa, sữa đậu nành đá chanh cà phê đây". Có khi là những tiệm café toạ lạc ở những góc đường đẹp, nơi du khách khắp nơi vừa thưởng thức cafe vừa ngắm nhịp sống Sàigòn trôi qua trước mắt. Tiệm café Sàigòn có khi là không gian êm đềm, bình yên và thơ mộng, có hoa lá cỏ cây như một vườn cảnh thu nhỏ, có âm nhạc với giai điệu ngọt ngào thì thầm rót vào tai những chia sẻ vui buồn ma những đôi tình nhân thường là khách quen để rồi trong kỷ niệm tình yêu của họ không thể thiếu bóng dáng của một tiệm café Sàigòn


ảnh Sầm Vĩnh Lộc
Sàigòn cũng có những thoáng mơ mộng với những con đường đã đi vào thơ vào nhạc.  Đó là con đường Duy Tân với hai hàng cây sao cao vút, đường Nguyễn Bình Khiêm với những hàng cây chò tỏa bóng hay đường Phùng Khắc Khoan, Gia Long xanh ngắt những hàng me. Vào mùa thay lá, lá me vàng bay khắp phố lẫn vàng trong nắng. Mùa hoa sao, hoa dầu, những cánh hoa như những nốt nhạc xoay theo gió tung thả tự do trong nắng trong gió.

Người Sàigòn không thâm trầm sâu sắc như người Huế hay người Hà Nội. Như nắng gió phương Nam, người Sàigòn phóng khoáng, hào sảng, chân tình và thân thiện. Người Sàigòn có thể nghèo tiền nhưng không nghèo tình.  Trà đá, xe ôm, vá ép, thuốc chữa bệnh cho người nghèo và nhiều thứ khác nữa … tất cả đều miễn phí giữa đất Sài Gòn đắt đỏ.  Rất nhiều lần, không thể đếm được nghĩa tình người Sàigòn với đồng bào các vùng thiên tai hay gặp nạn khắp mọi miền đất nước.  Và giọng nói Sài Gòn ngọt ngào thân thương "Mới đi học về hả cưng" (lần đầu nghe có người kêu mình Cưng mình cảm động muốn chớt) hay "Đi đâu diện đẹp quá ta" ...  Vậy đó, rất ư là thân tình, gần gũi.

Sàigòn có nhiều khuôn mặt, vừa thanh lịch trang nhã, vừa hào nhoáng tráng lệ, lãng mạn mộng mơ cũng như đông đúc bừa bộn. Tất cả đã làm nên một bản sắc Sàigòn để rồi khi xa thì vô cùng nhớ, khi gần thì đôi lúc vừa mệt vừa thương.

Sàigòn ... còn vô vàn điều để nhắc, để nhớ, để thương và để tiếc khi cái tốc độ đổi thay đang ngày một tăng nhanh. Rồi sẽ chẳng còn chiếc xích lô đạp dong ruổi khắp các ngã tư ngã bảy ay chẳng còn những gánh hàng rong và quán ăn lề đường. Và chẳng còn ngay cả những hàng me xanh như ngọc mà mỗi tâm hồn Sàigòn hẳn đã từng xao xuyến, ngẩn ngơ.

Sàigòn đang biến đổi và sẽ biến đổi nhiều hơn grong thời gian tới. 'Con đường Duy Tân cây dài bóng mát' (lời nhạc Phạm Duy) vẫn còn đó, nhưng hai hàng cây thì như lùn đi và khoảng không bên trên thì 'dường như nhỏ lại' vì cao ốc. Cao ốc đang và sẽ chiếm chỗ của nhưng căn biệt thự xưa cũ với mái ngói tường gạch, đường xa lộ sẽ thay dần những con hẻm nhỏ mơ màng.... Đó như là một tin vui, đồng thời cũng là nỗi buồn của những người hay đón trước và hay hoài cổ ... thấy cái đã mất và sợ cái đang có rồi cũng sẽ mất .... Như ai đó "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới..." (lời thơ Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương phổ nhạc).

Sàigòn trong sâu thẳm vẫn luôn là miền đất vô cùng hoa lệ dù em cũ kỹ hay hiện đại, dù em mộc mạc hay hào nhoáng, thơ mộng hay nhếch nhác ... 

Sài Gòn đang oằn mình trong cơn dịch, người thân, bạn bè nhiều người đã tức tưởi ra đi không kịp nói lời từ biệt.  Ở xa ngóng về Sài Gòn cầu xin ơn trên gia hộ người dân Sài Gòn được bình yên.

TPT
--------

2012/10/6 Nicholas Nguyen

Thảo và Đakao đã viết cho hai bài thật hay về Sài gòn dấu yêu của tui, về đất Sài gòn và đời sống Sài gòn.

Đó là Sài gòn để lại Và Long nhắc về một Sài gòn mang theo, một tiểu Sài gòn.

Tui thì đang đựơc chia xẻ kỷ niệm với những người bạn Sài gòn


Sài gòn đẹp lắm Sài gòn ơi

 -----

From: Dung Nguyen

Ơ, không phải chỉ riêng D vào vai Từ Thức nhỉ.
D cứ ngỡ chỉ những ai vẫn chưa về như D, như Nghiệp, là cứ mãi ôm ấp tình cũ với Sài gòn của tụi mình ngày mới lớn!
Nhiều khi, không trở về mà may! Bởi những hình ảnh cũ sẽ mãi đẹp và mãi bên mình.
Sợ! Sợ phải đối diện sự thay đổi hôm nay mà ngậm ngùi hơn.
Bởi con đường xưa đã không còn.
Bởi ngôi trường cũ đã không còn tà áo một thời. Nay, em đã khóac lên mình một manh áo mới. Xa lạ.
Bao nhiêu năm đi xa, D vẫn giữ hòai những hình ảnh cũ.
Của Sài gòn.
Của Trưng Vương.
Của Đakao, Tân Định, …
Và của các bạn.
D đã tự thêu dệt nên bao đoạn kết mà không có cái nào là hiện thực, dĩ nhiên.
Trong những thêu dệt đó, D gom góp những gấm hoa một thời áo trắng, đong đầy những nụ cười, tà áo của các bạn.
D trân trọng tất cả, dù tình cảm non nớt đầu đời chưa vời vợi.
Một lần dự lễ phát thưởng cuối năm, D đi về với Oanh. Nhớ hòai!
Những lần đến nhà Xuân Hạnh, cứ nhạt nhòa trong ánh đèn dầu của đêm cúp điện.
Hay những bước chân ngập ngừng theo sau lưng Đông Duyên.
Hoa bướm rồi bay xa.
Chỉ còn riêng D đứng lại, ngỡ trong tay đầy cỏ thơm.
D rải hết quanh mình những email, bài viết.
Các bạn sẽ bảo D lộn xộn quá! Đã có Hạ lại còn có “Chiếc dép”.
D lộn xộn lắm! Trong Sài gòn xưa, D có hết các bạn!
Những tháng ngày cuối trước khi rời xa, D cứ đạp xe loanh quanh khắp nơi.
D dừng trước hẻm nhà Oanh, trước hẻm nhà Hạnh nhưng không sao vào được.
Bởi khi ấy, mình đã không còn học chung.
D vào tận hẻm nhà Duyên rồi quay ra vì không biết căn nào.
Hơn 20 năm sau, D vẫn làm bóng hình … mơ về hẻm nhà các bạn, nhìn vào nhưng không sao với được.
Nhà cũ của D đã không còn.
Nhà Ngọai, nhà Nội cũng đã bị phá hết, xây lại.
Tất cả đã không còn! D về làm chi nữa?
Một lần Vũ Kim Chi cho D số phone của Xuân Hạnh.
D đã nói chuyện với Hạ.
Để nhận ra tiếng nói của người bạn xưa.
Và để nhận ra Hạ không còn như ngày xưa của Duy nữa.
Cuộc đời trôi!
D nghĩ D sẽ không về Sài gòn nữa.
Ít ra, D cũng còn Thảo và các bạn đây, chia xẻ được những suy nghĩ này.
D thấy vui.
Cảm ơn Thảo! :-)
DN
------

From: T P T

Sent: Saturday, October 06, 2012 12:52 PM

To: Dung Nguyen (dunghn)

Từ lúc 6, 7 tuổi người ta đã theo Từ Thức đi tìm động hoa vàng rồi.
Tìm được rồi khi nào mệt quá cái đôi chân này thì chun vô đó nằm ình ra khoan khoái ngắm hoa và ngắm cuộc sống trôi bên ngoài như một người vô can ...
----- 


From: Ly Nghiem
Ừ, thôi đừng về Dũng! Trừ phi Dũng muốn gặp lại người nào đó từng làm Dũng bàng hoàng nhớ! Năm 95 Ly về đã thấy cảnh sắc thay đổi rồi! Không còn là Sài Gòn trong ký ức mà mình mãi nhớ về.
Ly đã lang thang hết những đường phố, nơi chốn trĩu nặng lưu luyến của một thời ... Để rồi thấy hụt hẫng, tiếc nuối! Ngơ ngác cố tìm xem may ra còn cái cột đèn hay gốc cây già cỗi nào đã từng nghiêng tàng cho mình che mưa trú nắng. Mọi thứ đã bị vô tình mất đi, hay có ai đã cố ý thay đổi, để rồi người xưa có muốn tìm về chốn cũ thì bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường!

Nghiêm Hoàng Ly

----

2012/10/6 Nicholas Nguyen


"Con đường xưa Ly đi
Người ta kéo dây chì
Thế là Ly hết đi"

Nghe Ly tả thiệt giống Từ Thức từ động hoa vàng trở về trần gian á
Người xưa, cảnh cũ phải đem hỏi già làng thì mới có người biết
Mà tui thích cách Ly đem so sánh mấy anh chàng che dù cho Ly lúc trời mưa trời nắng là mấy ông cột đèn, nghe dễ thương ghê !



Comments

Unknown said…
Bài viết về Sài Gòn hay quá, sao chưa thấy đưa ra ngoài chia xẻ với những người Sài Gòn khác vậy ?
Cảm ơn cậu Hai
Thì đãng vô đây rồi mời tất cả người Sài Gòn

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận