Thị trấn Tortilla Flat


John Steinbeck chắc hẳn nhiều người đã đọc qua, đọc kỹ hay nghe nói tới.  Thị trấn Tortilla Flat của JS hẳn nhiều người cũng đã đọc, bản dịch hay bản chính.  Truyện xưa như Diễm nhưng cũng rất mới qua bản dịch của Lâm Vũ Thao, nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành trung tuần tháng 11 này.  Thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck là một trong ba cuốn mới nhất của tủ sách Cánh cửa mở rộng có với lời giới thiệu của Phan Việt:


John Steinbeck từng nói "Không ai thực sự biết về người khác. Điều tốt nhất mà một người có thể làm là mặc định rằng những người khác cũng giống anh ta".
Nếu đúng như vậy thì khi đọc Thị trấn Tortilla Flat của Steinbeck, bạn phải mặc định rằng, giống như Danny của câu chuyện này, nếu bạn được thừa kế hai cái nhà, bạn sẽ để một căn bốc cháy; với căn còn lại, bạn để ngỏ cho các bạn bè, huynh đệ của bạn tới sống cùng bởi vì họ đã từng chia rượu với bạn, đã cùng bạn ăn cắp gà và bánh mì, đã cùng bạn tán tỉnh các cô gái, đã ngủ trong rừng thông, nhặt đồ trên bãi biển, đánh lộn và vào tù. Dĩ nhiên là cả chó của họ cũng sẽ được đến ở – toàn bộ năm con. Hàng ngày, trong căn nhà chỉ toàn tình huynh đệ ấy, bạn và các huynh đệ của bạn sẽ thức dậy vào buổi trưa, khi mặt trời đã lên cao và rọi qua những tán lá thông vào nhà; và rồi trong lúc bánh xe thế gian tiếp tục lướt qua cái thị trấn nhỏ miền duyên hải California, bạn và các huynh đệ của bạn tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình ái, những việc thiện tâm vì những người cùng quẫn, một chút đánh lộn đây đó, thi thoảng cũng tích cóp mua một cái chân nến vàng để dâng Thánh Francis, nhưng quan trọng nhất là tìm cách xoay sở để có thể tới quán lão Torrelli mua một ga-lông rượu mà say sưa.
Đấy là một cuộc sống từ chối gần như tất cả các phép tắc của thế giới hiện đại; thậm chí cả các tiện nghi của nó. Nhưng nếu bạn là một “paisano chân chính” như Danny hay những người bạn của chàng thì bạn sẽ không bao giờ nghi ngờ sự tuyệt vời của cuộc sống này.
Thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck là câu chuyện sinh động về các “Chí Phèo” kiểu Mỹ ở một cái “làng Vũ Đại” kiểu Mỹ. Một câu chuyện sẽ khiến người đọc bật cười nhiều lần vì sự hài hước và thông minh rất “Chí Phèo” của các paisano Mỹ, đồng thời không khỏi ngậm ngùi cho họ. Thị trấn Tortilla Flat đánh dấu sự cảm thông và thấu hiểu tuyệt vời của Steinbeck với người nông dân (và con người nói chung), cũng như những dự cảm của ông về số phận họ trong những vận hành lớn của xã hội và trong cái tổng thể lớn lao, bí ẩn gọi là “đời người”. Đây là một cuốn sách sâu sắc bên dưới cái vỏ đơn giản – một cuốn sách mà về nhiều mặt còn đáng yêu hơn những tác phẩm kinh điển, đồ sộ của Steinbeck như Chùm nho uất hận hay Phía đông vườn địa đàng.

Tủ sách Cánh cửa mở rộng là sự hợp tác giữa nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt với Nhà xuất bản Trẻ. Thị trấn Tortilla Flat qua bản dịch của Lâm Vũ Thao.

Note:  Phan Việt thuộc phe tóc dài đó.


Vào truyện:


Đây là câu chuyện kể về Danny, về những người bạn của Danny và về ngôi nhà của Danny. Nó là chuyện làm thế nào mà ba yếu tố này hợp thành một, cho nên ở thị trấn Tortilla Flat nếu bạn nói tới nhà của Danny thì không có nghĩa là bạn nói về một kết cấu bằng gỗ lốm đốm vôi bạc thếch, có cội hoa hồng dại rậm rạp um tùm. Không phải vậy, khi nói tới nhà của Danny người ta biết là bạn đang nói về một chỉnh thể hợp thành từ những con người, từ ấy sinh ra sự ngọt ngào và sướng vui, lòng nhân ái và cuối cùng là một nỗi sầu bí ẩn. Bởi vì nhà của Danny không phải là không giống chiếc Bàn Tròn, và các bạn của Danny cũng không phải là không giống các Hiệp Sĩ Bàn Tròn. Đây cũng là câu chuyện về việc nhóm bạn này đã hình thành như thế nào, đã đâm hoa kết trái thành một tổ chức đẹp đẽ và khôn ngoan ra sao. Câu chuyện xoay quanh những chuyến phiêu lưu của các bạn của Danny, những việc thiện họ làm, cùng bao suy nghĩ và nỗ lực của họ. Cuối cùng, câu chuyện kể lại việc linh hồn của nhóm đã mất đi thế nào và nhóm đi đến chỗ tan rã ra sao.
Ở Monterey, thành phố cổ kính miệt duyên hải California ấy, ai cũng biết những chuyện này, chúng được kể đi kể lại nhiều lần, đôi khi còn được thêm thắt. Đã đến lúc câu chuyện truyền kỳ này nên được chép lại để trong tương lai các học giả, những người chỉ nghe phong thanh về các huyền thoại này, không thể nào tuyên bố như họ từng tuyên bố về Vua Arthur, về Roland, hay Robin Hood - “Làm quái gì có Danny, làm quái gì có những người bạn của Danny, mà cũng chẳng có ngôi nhà nào cả. Danny là một vị thần thiên nhiên còn các bạn của Danny là biểu tượng nguyên thủy của gió, bầu trời và mặt trời”. Lịch sử này phải được chỉnh đốn ngay bây giờ và cho muôn đời để các học giả chua ngoa không thể buông lời mỉa mai khinh thị


         Monterey tọa lạc trên sườn một ngọn đồi, phía dưới là vịnh xanh biếc, còn sau lưng là rừng thông với những thân cây cao sẫm màu. Mạn dưới chân đồi là nơi sinh sống của người Mỹ, người Ý, những người đánh bắt và đóng hộp cá. Nhưng trên đồi nơi rừng và phố đan xen, nơi những con đường không biết tới nhựa đường và các góc phố vắng bóng đèn xanh đỏ, các cư dân cố cựu của Monterey cư ngụ như người Anh bản địa xưa cố thủ tại xứ Wales. Họ là các paisano.
Họ sống trong những căn nhà gỗ cũ kỹ dựng trong những cái sân đầy cỏ dại, quanh nhà thấp thoáng bóng thông rừng. Các paisano hãy còn chưa dính đến chủ nghĩa thương mại, chưa vướng víu vào các hệ thống kinh doanh rối rắm của Mỹ, và họ chẳng có gì để có thể bị đánh cắp, khai thác hoặc thế chấp, cái hệ thống ấy chưa tấn công họ mạnh mẽ lắm.
Paisano là ai? Một paisano là là một người mang dòng máu lai giữa người Tây Ban Nha, người da đỏ, người Mexico và đủ thứ dòng máu da trắng. Tổ tiên anh ta đã sống ở California hơn một hay hai trăm năm. Anh ta nói tiếng Anh giọng paisano và nói tiếng Tây Ban Nha cũng giọng paisano. Khi bị chất vấn về chủng tộc, anh ta phẫn nộ tuyên bố mình mang dòng máu Tây Ban Nha thuần khiết và xắn tay áo lên cho người ta xem phần thịt mềm phía trong cánh tay mình gần như có màu trắng. Màu da anh, giống như màu của một cái tẩu thuốc nâu sánh lên, anh đổ tại cháy nắng. Một paisano là như thế và anh ta sống ở cái thị trấn nằm trên sườn đồivề mạn phía trên của Monterey tên là Tortilla Flat, tức Tortilla-bằng-phẳng, mặc dù nó chẳng bằng phẳng chút nào.
Danny là một paisano, chàng lớn lên ở Tortilla Flat, mọi người ai cũng yêu quý chàng, nhưng chàng cũng không đặc biệt nổi bật trong đám trẻ con huyên náo của Tortilla Flat. Chàng có quan hệ máu mủ hoặc yêu đương với gần hết mọi người trong thị trấn. Ông nội chàng là người có địa vị; ông sở hữu hai căn nhà nhỏ ở Tortilla Flat và được mọi người kính trọng vì giàu có. Nếu có những lúc chàng thanh niên mới lớn Danny ưa ngủ trong rừng, làm thuê trong các trang trại chăn nuôi, và vất v kiếm đồ ăn với rượu uống từ một thế giới chẳng mấy thân thiện, thì chẳng phải là vì chàng không có lấy những người bà con giàu ảnh hưởng. Danny nhỏ con, da ngăm ngăm và sôi nổi. Ở tuổi hai lăm cặp giò chàng cong hệt như đường cong hai bên hông ngựa.
Bấy giờ, khi Danny hai mươi lăm tuổi, người ta đã tuyên chiến với Đức. Lúc nghe tin chiến tranh, Danny cùng với bạn mình là Pilon đang có hai ga lông[1] rượu vang (nhân tiện, Pilon là thứ người ta quẳng thêm vào khi gút một thương vụ - một chiếc giày chẳng hạn). Joe Voi, anh chàng người Bồ, thấy ánh lấp lánh của mấy cái chai giữa đám thông và thế là chàng nhập bọn với Danny và Pilon.
Rượu trong chai vơi đi thì lòng ái quốc của ba chàng bốc lên nghi ngút. Và khi rượu cạn thì họ khoác tay nhau, vì tình thân hữu và vì sự an toàn, đi xuống đồi, rồi cuốc bộ vào Monterey. Trước một trạm đăng lính họ ầm ĩ tung hô nước Mỹ và thách thức nước Đức. Họ hú hét đe dọa Đế quốc Đức cho tới khi viên trung sĩ có nhiệm vụ ghi danh lính thức giấc tròng quân phục vào rồi bước ra đường yêu cầu họ im lặng. Anh ta ở lại đó ghi danh cho họ.
Viên trung sĩ bắt họ xếp hàng trước bàn mình. Họ vượt qua mọi bài kiểm tra trừ bài về độ tỉnh táo và rồi viên trung sĩ bắt đầu hỏi Pilon.
“Anh muốn sung vào ngành nào?”
“Ngành quái nào chả được,” Pilon tự tin nói.
“Tôi đồ là chúng tôi cần người như anh bên bộ binh.” Và Pilon được ghi vào bộ binh.
Rồi anh ta quay sang Joe Voi, khi đó anh người Bồ đang tỉnh ra.
“Anh muốn vào đâu?”
“Tôi muốn về nhà,” Joe Voi rầu rĩ nói.
Viên trung sĩ cũng ghi cho chàng vào bộ binh. Cuối cùng, anh ta khua Danny, lúc đó đang ngủ gục dưới chân anh.
“Anh muốn vào đâu?”
“Hử?”
“Ý tôi nói là, ngành nào?”
“ ‘Ngành’, ý anh là sao?”
“Anh biết làm gì?”
“Tôi ấy à? Gì tôi cũng làm được.”
“Trước đây anh làm gì?”
“Tôi ấy à? Tôi chăn la.”
“Ồ, thế à? Anh có thể chăn được bao nhiêu con la?”
Danny chồm người tới trước, hỏi một cách vừa mơ hồ vừa chuyên nghiệp.
“Các anh có bao nhiêu con?”
“Khoảng ba chục nghìn,” viên trung sĩ nói.
Danny phẩy tay.
“Thắng hết chúng lại!” chàng đáp.
Thế là Danny đi Texas huấn luyện la trong suốt thời gian chiến tranh. Pilon thì hành quân quanh vùng Oregon cùng bộ binh, còn Joe Voi, như sau sẽ được làm rõ, đi tù.

tpt


Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận