Gánh hàng xôi


Sài Gòn - một thời để yêu, một thời để nhớ là những hoài niệm về Sài Gòn của dân Sài Gòn và những ai trót phải lòng Sài Gòn.  Lưu lại để hai con gái đọc và yêu thương hơn một Sài Gòn luôn nằm sâu trong tim của mẹ chúng nó.

tpt

Gánh hàng xôi

Hồi trước xóm tui có hàng xôi của hai mẹ con bà già người Nam, chẳng biết tên tuổi, chỉ thấy lối xóm gọi là bà Hai. Cứ độ 5:30 giờ sáng là thấy 2 mẹ con bà Hai dọn hàng ở đầu con hẻm vô Long Vân Tự. Từ trên xe ba gác, từng thau nhôm đựng đủ lọai xôi khác nhau được dỡ xuống đặt lên mặt ván của chiếc xe đẩy theo một trật tự nhất định, vòng bán nguyệt ngòai cùng là những thau xôi đậu phọng, đậu xanh, xôi bắp khô, xôi cẩm, xôi mặn, xôi khúc, xôi khoai mì, bắp ướt, bánh tằm. Vòng trong là những tô, chén nhỏ hơn nhưng chứa những thứ chẳng kém phần quan trọng. Những thứ có bỏ vào thì mới đủ để điểm mặt gọi tên những món xôi khác nhau, những món điểm tâm giản dị của Sài gòn bình dân, những dừa bào sợi, muối mè đậu phọng, đậu xanh tán nhuyễn, nước cốt dừa, đường cát, hành phi, mỡ hành. Trong cùng hết là những thứ dùng vào công đọan cuối của gói xôi trước khi giao vào tay khách, những miếng lá chuối lau sạch sẽ, cắt thành từng khổ khác nhau, xếp ngay ngắn với mặt bóng quay lên, những chiếc muỗng xúc cắt từ cuống lá dừa, những tờ giấy gói từ giấy nhật trình hay sách, vở học trò.
 
Khách hàng của má con bà Hai thường là những khuôn mặt quen thuộc trong xóm hay những người hay qua lại đọan đường Bạch Đằng. Khi là bác xích lô mua gói xôi rồi mượn tờ báo cũ vừa đọc vừa thưởng thức vị bùi của những hạt đậu xanh. Khi là chú bé mẹ sai xách chén đi mua đồ ăn sáng cho bố, trên đường về tự thưởng cho mình sợi bánh tằm thấm nước dừa thơm. Khi là 2 cô bé chung tiền mua gói xôi bắp, mỗi cô một muỗng, vừa di vừa ríu rít chụm đầu vô xúc trên đường đến trường. Khách lạ, khách quen đều được bà Hai tiếp đón bằng một nụ cười móm mém hiền hậu, và câu hỏi bất di, bất dịch "Cần gì không ... ?" mà phần bỏ trống đó là một quy luật mà tui suy đóan ra được sau nhiều lần đợi đến phiên mình được hỏi. Cái quy luật mà tui nghiệm ra là người đời trăm họ, ngàn tên nhưng với bà Hai thì thì chỉ có Út và Hai đến Mười, nhiều nữa thì cộng thêm nơi ăn chốn ở, công ăn việc làm của đương sự.  To con thì Hai, Ba, nhỏ con thì Chín, Mười. Đàn ông số chẵn, đàn bà số lẻ. Tỷ như Út Đakao, Hai Gấu, Chín Cỏ, Năm nhà băng. Vừa nghe khách đặt hàng, vừa xúc, vừa gói, bà Hai như một cỗ máy, chính xác đến chẳng cần nhìn mà tay vẫn xúc đúng thứ khách cần, đều đặn gói trước như gói sau. 

Quãng 79 - 80, thành phố dẹp lòng lề đường thì bà Hai hết chỗ bán chẳng biết hai mẹ con bà làm gì mưu sinh. Thỉnh thỏang nhớ lại thấy tiếc tiếc vị xôi mặn của bà Hai dạo đó với chút lạp xưởng thái mỏng, chút thịt gà rim, chút chà bông, hành phi. Nhớ cả những anh xích lô hay ngân nga chọc chị con gái bà Hai


"Cô hàng xôi ơi, bán tui hai đồng.  Thêm đồng nữa cho thấm tình tui với cô hàng xôi".


Giá còn bà Hai thì tui đãi mấy ông bà Tám ở đây một bữa, giờ không có bà Hai thì tui đi họp với cà-ri đơi.


Nguyễn Thế Nghiệp (Gấu)
TV83, 12A5

------

Date: Wed, 26 Dec 2012 23:25:37

Cỏ tui vừa coi TV với con gái. Trước khi rửa chân trùm mền đáo vô đây thấy Gấu cái này hay quá nè. Hay hơn nữa là Cỏ tui từ chị Hai thành 9 Cỏ. 

Để nấu ra được chừng đó xôi và vô vàn các thứ lỉnh kỉnh chắc mẹ con bà Hai phải hì hục cả đêm. Gấu có khi nào tán em hàng xôi để được miếng xôi cháy vét nồi không hở? Ai chứ 8 Bolsa dám lắm

----
2012/12/27

Ha ha ha Ròm định tắt máy ngứa ngáy sao cũng vào đây đọc.  Thấy ổng viết rành rẽ từng món một Ròm nghi lắm, bảo đảm là ngày xưa chắc ổng get line để tán tỉnh cô con gái của bà Hai lắm á.  Bữa nào bả mà bán ế coi chừng bả đốt phong long, ngứa ngáy như bị trét mắt mèo đó.  Nghe Nghiệp nhắc tới bánh tằm thấy thèm ghê nhe, những sợi bánh dai dai, mau hồng, màu xanh, màu trắng trộn với dừa bào thêm chút mè đường và chút nước cốt dừa nữa, hương thơm làm sao đó...
Ròm đây chỉ biết thổi xôi mặn thôi, ai thèm thì ròm nấu cho.  

Gấuở trong hẻm Long Vân Tử hả?  Ngày xưa Ròm có người bà con sống ở đó nên Ròm cũng hay vô cái hẻm đó lắm.  Ròm nhớ là phải đi qua cái cầu nho nhỏ rồi tới cái chùa Long Vân.  Nhà Gấu có phải qua cầu không? 

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận