bản tình ca đất phương nam

Ai về miền đất phương nam
Cho tôi nhắn gởi bao niềm nhớ thương



Lớn lên ở Sàigòn vậy nhưng mình chưa bao giờ được về miền Tây cho tới một ngày năm 15 tuổi theo ba về miệt đó để rình cơ hội vượt biển.   Hơn 40 năm qua, vậy mà vẫn chưa quên được cảm giác lần đầu tiên xuống miền Tây.  Quen nhìn sông Hương và sông Thu Bồn nước trong vắt thấu đáy nên mình thấy thật lạ khi ngó những dòng sông mênh mông cuồn cuộn đục ngầu phù sa với những về lục bình trôi vất vưởng.  Ruộng thì liền lạc cò bay thẳng cánh chứ không phải từng khoảnh nhỏ như ở ngoài miền Trung quê mình.  Rồi thì những cái cầu tõm không cửa chỉ có miếng phên thấp thấp, lúc ngồi xuống vẫn thò cả cái đầu ra ngoài ai đi qua cũng ngó nên rất là khó làm việc.  Đêm tới thì nằm nghe tiếng côn trùng ra rả, ếch nhái ễnh ương kêu ềnh oang và cả tiếng ai đó nghêu ngao vài câu vọng cổ buồn tênh bên bờ kênh tối đen như mực ... Buồn thúi ruột nhớ nhà, nhớ Sài Gòn muốn tẩu hoả nhập ma.

Ừ thì hồi đó, khi người ta còn nhỏ, người ta chỉ thấy sông nước miền tây sao mà ... đục đục, dơ dơ mà có biết đâu chính cái thứ đục đục đó lại là phù sa nuôi dưỡng vùng đất phương nam màu mỡ.  Khi người ta còn nhỏ, người ta chỉ thấy người miền Tây thì quê quê, sến sến ... chứ không cảm nhận được cái chất hào sảng của người dân miền sông nước.  Ta chỉ thấy cái vùng đất phương nam này không thi vị và lãng mạn như những vùng quê miền trung và miền bắc.

Cho tới một ngày ... đưa Mẹ và hai con gái nhỏ đi chơi về miền Tây.  Từ bến Bạch Đằng lên ca nô chạy một lèo tới Cồn Phụng Bến Tre.   Ngồi xuồng ba lá (ghe tam bản) len lỏi qua những con rạch đục ngầu đầy những bụi dừa nước mà trước đây từng cho là dơ dơ mà nay lại thấy vô cùng thú vị.



Miền Tây ngày trở lại.  Đã lâu thật lâu mới lại tỉnh giấc trong tiếng tắc ráng xình xịch trên sông, nhìn lại những về lục bình lững lờ trôi, nghe lại những câu vọng cổ  và ngắm lại những chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm ... Và người dân miền Tây, vẫn đó rất nhiệt tình, hào sảng và chân phương.  

Một sáng đang lang thang trên bến Ninh kiều ngó nghê thì nghe ai đó chào mời:  “Cưng ơi, ngồi xuồng chị đi dạo chợ nổi không chị đưa đi?”.  Ngó quanh không thấy ai khác rứa thì cưng đây chắc mẩm là ta rồi.  Chao ơi, xưa chừ từ ông bà ba mẹ cho tới bồ bịch và cả chồng cũng chưa từng có ai kêu mình "Cưng ơi" cả.   Nghe thiệt đã tai đó.  Mát lòng, mát dạ và khoái chí 'cưng' đây liền khoát tay khoa chân bước xuống ghe lượn một vòng chợ nổi Cái Răng, ăn thử đủ thứ trái cây, trừ sầu riêng ra, thì 'cưng' cháp hết từ quýt tiều, nhãn xuồng tới mãng cầu, vú sữa, măng cụt, chôm chôm, ổi xá lị ... 

Lượn chán chê cưng về khách sạn dẫn mẹ và con vô một cái quán cơm gần đó, bà chủ quán mặt trắng lốp kem Hoa lan với đồ bộ xoa hoa hoè hoa sói: "Để tui coi em cho cô Hai và Bác gái ăn cơm!”. Lời chào mời giản dị, mộc mạc và chân phương nhưng rất nồng ấm.  A, từ "cưng" thành "cô Hai" nghe cũng oách thiệt.   Không phải coi chừng hai đứa con lèng èng, cô Hai bèn xơi một bữa cơm canh chua cá bông lau, cá lóc kho tộ và một con gà vườn xé phay ngon quên đường về.

Đứng trên chiếc phà qua bắc Cần Thơ, có lẽ là một trong những chuyến phà cuối cùng trước khi cầu Cần Thơ hoàn thành, thầm mong những chuyến phà qua sông vẫn được giữ lại ... để nhớ, để thương (và để làm du lịch nữa).

Vậy đó, qua bao năm, ngày trở về mình mới nhận ra sự chân chất hào sảng của người dân đất phương nam, yêu mến những thứ mà nhiều năm trước mình đã từng cho là rất 'ngộ'

Rồi nước cứ chảy qua cầu, mình cũng già đi theo năm tháng, đã ngao du qua rất nhiều nơi chốn mới hay chưa có nơi nào mang đến cảm giác ấm áp nhiệt tình chân phương hết sức dễ thương như ở Miền Tây.

Kể từ đó mình bắt đầu nghe thích những bài hát mang âm hưởng rặt chất Miền Tây như "Bài ca đất phương nam", "Điệu buồn phương nam", "Chiếc áo bà bà"...  và nghe cả những bản vọng cổ mà mình từng cho là sến sến.  

Hẹn một ngày 'cưng' đây sẽ về thăm lại miền Tây thương mến để ngắm 

Chiều buông trên giòng sông Cửu Long như một cơn ước mong, ơi chiều.  Về đâu ơi hàng cây gỗ rong nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.   Buồn tôi không vì sao bỗng dưng theo đò ngang quá giang thương chiều. 

Bởi vì thương nhiều nên nhớ (ơ) tình yêu.


TPT

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận