âm nhạc Phạm Duy


nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
còn gì đâu nữa mà khóc với cười
...

Với rất nhiều người Sài Gòn, âm nhạc Phạm Duy là nỗi hoài niệm về một quá khứ rất đẹp đã mất.  Có ai  đang yêu vào thời đó mà đã chưa từng một lần lảm nhảm một vài giai điệu tình ca Phạm Duy ... con đường Duy Tân, cây dài bóng mát, thương nhớ quay quắt những chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó, đê mê với vai anh em hãy tựa đầu, day dứt nghìn trùng xa cách người đã đi rồi ...   Nhiều lắm những bài tình ca Phạm Duy, viết trong bối cảnh của Sài Gòn hoa mộng thuở đó đã nằm sâu trong ký ức của rất nhiều người Sài Gòn.

Âm nhạc đó thấm đẫm tuổi thơ của mình.  Đó là khi ba mẹ thỉnh thoảng lại ngân nga: "đố ai biết lúa lúa mấy cây .." hay“quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruông vắng …” Ca khúc này, hình như là nhạc hiệu của chương trình Quê hương mến yêu trên TV và chương trình "Người cày có ruộng" trên radio thời đó.  Cũng như “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”,  đã từng là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Sài gòn.  Đó là khi từ chiếc máy hát vang ra tiếng hát Thái Thanh Cho tôi lại ngày nào Trăng lên bằng ngọn cau Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao Cha tôi ngồi xem báo Phố xá vắng hiu ...

Ký ức mình tràn ngập những giai điệu thiết tha đó từ chiếc máy hát cũ kỹ của gia đình.  Âm nhạc đó  đã là một phần đời sống của gia đình mình cũng như với rất nhiều gia đình miền Nam khác. Từ âm nhạc ấy, từ những lời ru của mẹ  từ lúc nằm nôi,  mình biết yêu nước Việt bằng trái tim con trẻ.

Bao nhiêu năm bị cấm đoán,  phải chui rúc trùm mền áp tai vào radio để nghe lén mỗi đêm thứ âm nhạc không hề chết đó.  Để rồi trong một chiều dừng chân ở vùng trung du Đoan Hùng, Phú Thọ hình ảnh Nương chiều của ông như đang trải ra trước mắt:  Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai.  Trâu bò về dục mõ xa xôi.  ...  Chiều ơi.  Áo chàm về quảy lúa trên vai.  In hình vào sương núi chơi vơi, ơi chiều …  Hay một chiều khác theo phà qua bắc Cần thơ ngắm chiều buông ... trên dòng sông Cửu long ..

Chỉ một chút thôi, mà cả ký ức tuổi thơ hiện về…

Tưởng rằng đã quên, nhưng khi tóc đã pha sương, cầm đàn khẽ bấm những giai điệu ấy mới cảm hết chất thơ, chất tình tự của âm nhạc Phạm Duy.  Đó là thứ âm nhạc vô cùng sang trọng, tao nhã và đầy chất hàn lâm của âm nhạc cổ điển.  Nhưng đó cũng là thứ âm nhạc đậm đà chất dân tộc, là sự sáng tạo vô đối các điệu thức ngũ cung hay các giai điệu đong đưa của dân ca Việt nam mà vẫn tự nhiên, khẽ khàng như tình ca của mọi thời đại  Sao Tua chín cái ối a nằm kề Thương em từ thuở mẹ về là về với cha ... hay Trèo lên lên trèo lên lên cây bưởi hái hoa ...

Không những đóng góp cho nền âm nhạc Việt nam một gia tài đồ sộ, Phạm Duy còn có công đưa âm nhạc thế giới đến công chúng Việt nam bằng những ca khúc ngoại quốc do ông chuyển ngữ sang lời Việt, từ nhạc hàn lâm thính phòng đến nhạc trẻ ...  Chiều tà (Sérénata nhạc Enrico Toselli), Dạ khúc (Seranade nhạc Franz Schubert), Trở về mái nhà xưa (Come Back To Sorrento, nhạc Ernesto De Curtis), Ôi giàn thiên lý đã xa (Scarborough Fair, nhạc Simon & Garfunkel) ... qua lời Việt Phạm Duy đã trở nên phổ biến và gần gũi với người thưởng nhạc Việt nam.

Âm nhạc của Phạm Duy đã và đang là một phần nuôi dưỡng hơi thở Việt, tâm hồn Việt.  Thật bất lực khi viết về một di sản âm nhạc lớn lao nhường ấy.  Âm nhạc đó sẽ sống mãi với người nghe.

Hôm nay Người ra đi, nhưng âm nhạc thì mãi mãi ở lại!

Với mình ông đơn giản chỉ là người nhạc sĩ trong ký ức tuổi thơ, người đã gieo vào lòng mình tình yêu quê hương đất nước qua những bức tranh đồng quê Việt nam vẽ bằng âm nhạc để mình thấy lòng mình cũng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi ...

TPT


2013/2/1 Nicholas Nguyen

Cỏ viết bài "âm nhạc Phạm Duy" hay lắm.

Tui nhớ bản nhạc Phạm Duy đầu tiên mà tui hát là trong sân trường Trần Quý Cáp năm lớp 3 hay lớp 4 gì đó, bài "Việt Nam, Việt Nam". Chỉ là thằng nhóc tám chín tuổi mà sao hát đến khúc
"Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi tòan thế giới" là nghe máu chạy rần rần trong người. Thỉnh thỏang theo ông bà già sang thăm ông bên ngọai ở hẻm Chu Mạnh Trinh lại gí mũi qua song cửa coi mấy anh chị con Phạm Duy tập đàn hát ở ngôi nhà chắn cuối con hẻm và học lóm được bài "Bé Bắt Dế" ở đây.   Những bài hát của ông về miền quê VN thì tui thấy chưa ai làm rung động lòng người hơn.

Cỏ còn thiếu phần Phạm Duy không những giới thiệu nhạc ngọai quốc vào dòng nhạc VN mà còn giới thiệu nhạc VN ra ngọai quốc nữa. Năm 1973, Phạm Duy cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật bản.  Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết và hiện nay Hồi ký âm nhạc của Phạm Duy đang được dịch ra tiếng Anh

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130131_eric_henry_pham_duy.shtml


From: Dung Nguyen (dunghn)
Sent: Thursday, January 31, 2013 9:55 AM 

Đakao đồng ý.
Nhạc của Phạm Duy sẽ mãi còn đó.
Cuộc sống riêng của ông là chuyện riêng của ông. Hay hay dở, tự ông gánh chịu. Oan nghiệt hay nghiệp chướng tự ông gỡ.  Huống chi ông đã ra đi, đâu có thể nói lại được với miệng lưỡi thế gian.
D không thích cái tính xấu của đa số người Việt: bươi móc chuyện đời tư của người khác.
Không chỉ “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nếu có chút tự trọng, hãy để con người Phạm Duy ra đi và giữ lại phần đẹp nhất: nhạc Phạm Duy.


Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận