Bao giờ cho đến ... ngày xưa !

"Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm xưa". 
Quang Dũng

Hồi nhỏ xóm tui có ông già hớt tóc dạo mà cả xóm hay gọi vô cắt tóc cho trẻ con.  
Ông chỉ biết có 2 kiểu: hớt chải và húi cua. Hớt chải là hớt xong còn ít tóc trên đầu có thể nhúng cây lược vào nước chẻ đường ngôi, lật trái, lật phải, lật ra phía sau. Húi cua là hớt như lính mới tổng động viên, xung quanh đầu láng cóong, con ruồi đậu lên cũng trượt chân té, còn đỉnh đầu thì tóc dài chưa đến một lóng tay.

Đa số cha mẹ trong xóm tiền bạc không nhiều nên tòan chọn húi cua cho được lâu.  Mỗi lần ông già hớt tóc đạp xe vô xóm, nghe tiếng kèn toe toe và tiếng rao "Ai ...hớt tóc đơơơiii" là con nít xóm tui cắm đâu chạy. Đứa nào chậm chân hay kẹt trong nhà sẽ bị điệu ra ngồi trên chiếc ghế trước cửa chờ ông già hớt tóc đi qua. Ông hớt tóc dạo chắc chỉ độ ngòai 50 nhưng việc làm cẩn trọng như đã có cả trăm năm trong nghề. Ông nhẹ nâng đầu thằng bé đang cúi gầm vì nỗi đau mất tóc, nghiêng đầu chú nhóc sang trái một chút, lui lại 1 bước ngắm nghía rồi lại sửa đầu sang phải chút, tác phong nghiêm cẩn như đang lắp một chiếc đầu mới cho cậu nhỏ.


Ông thợ hớt tóc mở chiếc hộp gỗ trên yên sau, sắp ra những thứ đồ nghề được lau chùi, tra dầu sáng lóang. Vài tông-đơ, vài chiếc kéo, một lọ phấn với chiếc chổi quét hình dáng như quả cầu lông, một dao cạo chuôi bằng gỗ đã lên màu nâu óng vì mồ hôi và vì năm tháng.  Ông đập nhè nhẹ chiếc chổi quét, phủ một lớp bụi phấn em bé lên chỗ tóc sẽ được cắt, một ít phấn bay trong không khí làm lan tỏa một mùi hương nhè nhẹ thơm thơm, rồi nhịp nhàng đưa chiếc tông đơ chạy từng đường trắng bóc trên mái đầu xanh. Cái cảm giác cúi đầu nhìn xuống, thấy từng lọn tóc đen nhánh nuôi dưỡng bấy lâu cho giống tài tử ciné, tí tách rơi theo từng nhịp tông-đơ của ông già, ôi sao nó buồn não nề.

Hồi đó tui đang tuổi lớn, quần áo mặc vài tháng là chật, tóc cắt dăm bẩy tuần lại tốt um nên tui thường xuyên là khách của ông già hớt tóc. Thường xuyên tóc trên đỉnh đầu không bao giờ dài quá 3 phân để có thể chải, và vì vậy nó cứ mọc dựng đứng lên như một rừng phi lao. Lớp tui có thằng Bình con dì Hai làm gác dan trong trường, là một đứa lêu lổng, nghịch ngợm, và  hay trêu chọc bạn bè. Nó cho tui ngay một biệt danh là nhím đầu đinh và nghĩ ra nhiều trò tinh quái để mọi người chú ý đến cái đầu đặc biệt của tui. Khi nó vẽ cái đầu người với vài cọng tóc dựng đứng trên bảng, khi cùng vài đứa khác trong xóm đi theo tui như cái đuôi luôn miệng kêu "đầu đinh", hoặc làm bộ rờ vô tóc tui rồi ôm tay chạy đi. Lúc đầu tui hơi tức nhưng sau cũng quen và chẳng để ý. Rồi một ngày đang bị chọc ghẹo thì tui có cảm giác có ai đó đang nhìn, ngước lên và thấy cô bạn nhỏ cùng lớp với ánh mắt xót xa, thông cảm, bỗng nhiên có cảm giác được an ủi lạ kỳ. Từ đó thỉnh thỏang tui lại mong cho tụi thằng Bình chọc ghẹo trước mặt cô bạn nhỏ để tui có lại  cái cảm giác gây gây thích thích đó.


Phải mất vài tháng tui và cô bạn đó mới quen nhau, phải mất vài năm tui và cô bạn đó mới thân nhau. Phải mất vài mươi năm tui mới thấy lại cận ảnh của cô bạn đó. Giờ đây bên tui đã có những người bạn mới, những người sẽ luôn bênh vực tui nếu có một bất công xảy đến nhưng sao vẫn nhớ mãi cái ánh mắt xót xa ngày xưa đó, ngày gương mặt đó chưa một vết chân chim.  Phải chi tui có chiếc đũa thần quay ngược được thời gian.

Ơi, bao giờ cho đến ... ngày xưa !

Gấu Nghiệp


Nhất sinh nhất thế nhất song nhân, tranh giáo lưỡng xử tiêu hồn.
Tương tư tương vọng bất tương thân, thiên vì thùy xuân!

Một đời một kiếp một đôi người, tranh nhau tiêu hồn ở hai nơi.
Nhớ mong trông ngóng mà không gặp, trời xuân nở rộ là vì ai! 

Họa Đường Xuân
Nạp Lan Tính Đức

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận