Lời Thiên Thu

Ngũ giác gồm có thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác. Trong ngũ giác ấy, giác quan nào là quan trọng hơn cả, với bạn?  Dĩ nhiên, cả năm đều là quan trọng, bởi nếu thiếu một sẽ là khiếm khuyết, là tật nguyền, là bất hạnh.  Nhưng với tôi, có lẽ mất thính giác sẽ là sự mất mát lớn.
Nếu không còn thị giác, thế gian sẽ mãi là đêm đen. Nhưng với âm thanh quanh đời, tôi vẫn có thể hình dung ra được cuộc sống.  Khứu, xúc và vị mất đi cũng sẽ là niềm đau, nhưng mất đi thính giác thì đáng sợ.  Đáng sợ bởi vì cuộc đời sẽ là một chân không bao la mà cảm xúc cứ rơi tự do đến vô cùng mà không nơi bấu víu, không làm sao nhận ra được chính mình.  Thị giác có được nhờ sự phản xạ của ánh sáng. Thính giác mất rồi, âm thanh phản xạ đi về hư vô.
Ở một hoàn cảnh nào đó, âm thanh nói cho tôi biết, tôi còn sống.
 
Tiếng xe lửa sáng sớm.
Tiếng máy bay cuối ngày.
Tiếng khóc của trẻ thơ.
Tiếng nghẹn của người già.
Tiếng cãi nhau bên hàng xóm.
Tiếng hàng rong lịm dần cuối hẻm.
Tiếng xào xạc của gió.
Tiếng thánh thót của mưa.
Tiếng hát của bạn tôi …
Những nỗi niềm.
Tôi mê nghe nhạc, xưa đến giờ.
Ngày còn là sinh viên, cứ phải nghe nhạc mới làm homeworks được.
Giờ đi làm vẫn thế. Coding cũng phải nghe nhạc.
Lái xe lang thang đi chụp hình cũng nghe.
Process hình cũng không rời cái headphone.
Lục tìm tự điển Hán Việt, thấy câu: Cố hòa thanh nhập ư nhĩ nhi tàng ư tâm, tâm ức tắc nhạc.  Cho nên tiếng nhịp nhàng vào tai và giữ ở trong lòng, lòng thấy yên vui tức là nhạc.  Hỏi Google, Music là gì? Google trả lời: vocal or instrumental sounds (or both) combined in such a way as to produce beauty of form, harmony, and expression of emotion.  Âm nhạc là tiếng hát hoặc thanh âm của nhạc cụ (hay cả hai) kết hợp lại để diễn tả vẻ đẹp của đường nét, sự hài hòa và cảm xúc.  Cảm xúc là nơi hội tụ của Đông, Tây, của các nền văn hóa khác nhau và, của cổ, kim.
Còn nhớ, những ngày đầu trong giá lạnh của mùa đông San Francisco, tôi tím người trong nỗi nhớ.
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu, ân ái trao nàng mấy câu
Thấy từng câu, từng nốt nhạc thật thấm thía. Cảm xúc của người nhạc sĩ và tôi xa nhau hơn 40 năm những vẫn cùng nhịp.  Đương nhiên có người thấy những câu ấy là bình thường. Bởi cảm xúc không có công thức.  Không cứ phải ép mình vào hoàn cảnh đó, thêm chút lắng đọng là tạo thành cảm xúc.
Đôi khi, chỉ cần hai ba chữ, chạm đúng vào nỗi niềm nào đó, chút kỷ niệm bừng lên, đủ để cảm xúc bay bổng.  Anh đang vui, cười nói giữa bạn bè, thốt nhiên, bản nhạc ấy giăng ngang “..tựa như vắng ai …”, vậy là nghe lặng im.  Có đâu phải vì gia đình anh gặp chuyện gì!
Tư duy mỗi người chúng ta có khác nhau, dù có cùng background.
Kỷ niệm mỗi người chúng ta lại càng khác nhau nhiều.
Để từ đó, cảm xúc không giống nhau.
Không sao! Nếu như bản nhạc nào đó khiến bạn thấy lòng bình yên, lắng đọng, vậy là đủ.
Dù là nhạc gì. Dù là màu gì.
Lòng ta có khi tựa như vắng ai
Nhiều khi đã vui cười nhiều khi đứng riêng ngoài
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà
Tiếng hát bạn tôi vẫn nhiều cảm xúc và tôi vẫn nghe.
Cảm ơn bạn!

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận