Đọc "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức

-------- Original message --------
From: "Dung Nguyen (dunghn)"
To: Nicholas Nguyen,Thao P Ton
Subject: RE: Bên Thắng Cuộc


Hai ông bà đã đọc hết cuốn 1 chưa? Sao chờ mãi chả thấy ai bình luận gì cả.
Đây là bài D viết cho một nhóm bạn trên net. Nick “Lun Xit” là ông anh của Quỳnh.

D đã đọc hết một mạch trong đêm. Đọc xong là đâu 2g sáng. Cảm ơn anh HoangKhan copy cho đọc.
Trước đó ít ngày thì đọc "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" của Hoàng Hải Thủy. Một sự trùng hợp.

Ban đầu đã không định đọc "Bên Thắng Cuộc" khi biết Huy Đức cũng chỉ mới 13 tuổi vào cái ngày VNCH của mình mất nước. Tự nghĩ anh ta chỉ hơn mình 4 tuổi vào thời điểm đó thì những gì anh ta viết không thể nào đầy đủ được. Hơn nữa, anh ta là người của "Bên Thắng Cuộc" thì cái nhìn không thể nào khách quan hay gọi là trung dung được. Chợt nhớ, người cộng sản thích dùng những chiêu vuốt ve, xuống nước khi họ đang ở thế yếu, lại thêm cái nghị quyết 36 vẫn đang tiến hành, thì đây "Bên Thắng Cuộc" có phải là một trong những bước đi đó? Thế thì hà tất ta phải đọc và quan tâm đến những chuyện của cộng sản?! Lâu lâu họ xì ra một chút, bà con xúm vào khen thơm và mình cũng bâu vào theo? Lẽ nào!
Đến khi bác Lunxit bảo đọc đi, và hãy đọc cho kỹ, thì dứt khoát là phải đọc. Bởi vì D tin bác Lunxit. Vậy là đọc. Và không dứt ra được cho đến khi đọc xong.

Đa số anh chị em ở đây chắc chắn đã đi qua hơn 10 năm đen tối cơ cực của những tháng ngày ấy, tính từ sau 30/4/75 đến khi Việt Nam bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 80. Tin là ACE cũng như D, vẫn chưa quên những tháng ngày cơ cực và tủi nhục đó.

Những chương đầu của "Bên Thắng Cuộc" đã quay chậm lại những tháng ngày đó, hiện rõ, mồn một trước mắt D. Thấy lòng nặng trĩu và buồn. Thấm hơn khi nhìn ra những tăm tối, vất vả, tủi nhục mà bố mẹ, chú bác mình đã chịu đựng trong hơn 10 năm đó. Những gì Huy Đức viết ra, không mới với những người trong cuộc và thua cuộc. Cay đắng! Những gì "Bên Thắng Cuộc" phơi bày càng cho thấy rõ dã tâm của cộng sản Bắc Việt trong việc tàn phá VNCH đến tận gốc rễ: hành chánh, quân sự (bắt bớ, tù đầy, cải tạo), công thương nghiệp (đổi tiền, đánh tư sản, buôn bán lẻ), văn nghệ sĩ (bắt bớ giam cầm, tuyên án những tên biệt kích cầm bút), khoa học kỹ thuật (triệt hạ hàng loạt những bậc thầy trong mọi ngành khoa học và thay vào đó là những người từ miền bắc) đến cả văn hoá, thuần phong mỹ tục (đốt sách, phá hoại văn hóa dưới các chiêu bài chống tư tưởng tiểu tư sản, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan). Một sự tàn phá, một kiểu "đấu tố" dưới hình thức mới, có hệ thống.
Càng đọc càng thấy buồn và hận. Nếu bảo rằng cuốn "Bên Thắng Cuộc" là một bước đi cho cái gọi là hòa hợp hòa giải, thì điều đó không đúng, ít nhất, với D. Bởi vì càng đọc càng thấy hận sự tàn phá của người cộng sản, càng thấy không thể hòa hợp điều gì được!

Lại có người bảo rằng "Bên Thắng Cuộc" đánh bóng các nhân vật lãnh đạo của cộng sản bắc việt như Lê Duẩn, Trường Chinh, ... Điều đó cũng không đúng! Đọc "Bên Thắng Cuộc" chỉ thấy rõ sự tàn ác, thiển cận, ấu trĩ và độc tài của những nhân vật đó chứ không thấy điều ngược lại. Nhân vật duy nhất trong toàn bộ "Bên Thắng Cuộc" đã được Huy Đức trau chuốt tô điểm là Võ Văn Kiệt. Tại sao? D google, đi tìm và được biết, Huy Đức là nhà báo thân cận rất gần với Võ Văn Kiệt trong giai đoạn sau này. Huy Đức đã có nhiều bài viết về Võ Văn Kiệt như thế, và trong "Bên Thắng Cuộc" hình ảnh của Võ Văn Kiệt càng đậm nét hơn trong toàn bộ bức tranh VNCH bị tàn phá. Nhưng làm vậy để làm gì? Võ Văn Kiệt không cần giải độc nữa bởi ông đã không còn. Nếu có chăng là giải độc với lịch sử, nhưng chuyện đó chỉ có lịch sử mới khả dĩ làm được. Không phải Huy Đức!

Vậy thì Huy Đức viết "Bên Thắng Cuộc" với mục đích gì?
Vuốt ve cộng đồng hải ngoại và những người của bên thua cuộc? Huy Đức cần gì ở cộng đồng hải ngoại? Gần như không có điều gì ngoài niềm cảm thông chung.
Hòa hợp hòa giải, theo nghị quyết 36? Ngược lại! Những dẫn chứng cụ thể, những con số người chết trong các chiến dịch X-1, X-2, các vụ đổi tiền cướp tài sản trắng trợn, những vụ lường gạt người vượt biên mà thây người chất chồng, từng giòng chữ, từng hình ảnh, con số đó, làm sao có thể hòa hợp hòa giải! Vì cơ đồ của nước Việt, chúng ta mong các thế hệ tương lai có thể đến với nhau không thù hận để chung sức xây dựng một nước Việt tốt đẹp. Sẽ là hạnh phúc cho các thế hệ tương lai khi thù hận không còn. Nhưng không còn thù hận không có nghĩa là quên đi những chương lịch sử cho dẫu có đen tối. Nói như thế để thấy rằng, hòa hợp hòa giải là chuyện của quá khứ và những người có thẩm quyền chứng nhận sự hòa hợp hòa giải là những người đã chết từ sự tàn ác của cộng sản. Hãy đi mà hỏi họ về hòa hợp hòa giải.

Thế thì "Bên Thắng Cuộc" nhắm vào điều gì? Hỏi điều này, D thấy cần phải hỏi thêm, "Bên Thắng Cuộc" được viết cho độc giả nào? "Bên Thắng Cuộc" được viết cho bên nào? Thì câu trả lời tự nó đã ở ngay chính cái tựa sách: bên thắng cuộc. Có cuốn sách nào viết ra cho các nhân vật trong sách đọc không? Các nhân vật trong sách đã sống, đã chết theo cuốn sách thì cần gì phải đọc! Sách viết cho những người không phải là nhân vật trong sách đọc. Để biết! "Bên Thắng Cuộc" viết cho những người của bên thắng cuộc đọc. Hay nói đúng hơn là cho thế hệ sau của bên thắng cuộc đọc. Bởi như bác lunxit nói, các thế hệ sau bị những cái loa tuyên truyền rao giảng một chiều mà không nhìn thấy được sự thật như cái đèn tối thui không ánh sáng. Thì đây, "Bên Thắng Cuộc" chính là phần sự thắng trắng trợn làm nền cho những cái đèn tối và những cái loa rỗng.

Huy Đức không tham vọng viết cho bên thua cuộc đọc. Bởi điều đó là không tưởng! Anh không phải là người thua cuộc, không đi qua những tủi nhục của người thua cuộc thì không thể viết được. Nhưng từ góc nhìn của bên thắng cuộc, Huy Đức đã thấy được cái thua của bên thắng cuộc. Như cảm giác hụt hẫng khi mang ý nghĩ "phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối" để rồi khi đối diện với hiện thực là "Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi." Nếu như có một cuốn sách tương tự được viết từ người của bên thua cuộc, thì liệu người của bên thắng cuộc có khách quan đọc không? Khó! Nhưng Huy Đức đã từng là người của bên thắng cuộc, và Huy Đức viết từ những dẫn chứng, những cuộc nói chuyện, .. tất cả từ người bên thắng cuộc, thì ít nhất, cuốn sách ấy không phải là của tàn dư Mỹ Ngụy, không phải là ý đồ thâm độc của đế quốc Mỹ hay các thế lực phản động hải ngoại!

Hãy nhìn thực tế và hỏi thực một điều: liệu cộng đồng hải ngoại có thay đổi được chính phủ Việt Nam hiện hành không? Nếu được thì là bao giờ? Đã hơn 30 năm rồi.
Có chăng thực tế hơn khi người trong nước tự thay đổi cuộc sống và tất cả? Những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Huỳnh Thục Vy, Lê thị Công Nhân, và Huy Đức là những người đi tiên phong trong việc đem sự thực đến với những thế hệ hiện nay và mai sau trên phần đất của bên thắng cuộc.
Chúng ta có cần những người như thế không? Không! Bởi vì ta đang sống ở xứ sở tự do, và đã xa rồi những đau thương. Chúng ta muốn quên những đau thương đó với hy vọng cuối đời những đau thương sẽ liền da. Không ai có quyền trách cứ gì ta.
Nhưng còn những người, những thế hệ đang đi tới? Thì đó là chuyện của họ, của các thế hệ đó. Họ phải tự đương đầu thôi.
Vậy thì hà cớ gì ta phải chống hay chưởi cuốn sách này?
From: Nicholas Nguyen
To: T P T; Dung Nguyen (dunghn)
Subject: Đọc "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức



Hôm nay tui mới đọc xong phần một, viết cái nhận định không Cỏ lại nói tui cứ đi đòi sách này sách kia mà chẳng chịu đọc.  Đây là lần đầu tui đọc tùy bút của một nhà văn, nhà báo miền Bắc viết về cuộc chiến và hậu chiến VN theo kiểu tư liệu (documentary), với những dữ liệu thuộc lọai mật từ một quốc gia khép kín, với những phỏng vấn từ người trong cuộc, từ chứng nhân của những sự kiện lịch sử. Dĩ nhiên tui cũng có những băn khoăn thắc mắc về độ chính xác của những dữ liệu như vậy. Chẳng phải tui không tin vào sự trung thực của Huy Đức (HĐ), tui chưa thấy dấu hiệu nào để không tin là HĐ biên tập đúng những gì HĐ được nghe và được thấy. Tui cũng đồng ý với suy tư, trăn trở của HĐ trong phần giới thiệu "Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm...". Có chăng là tui thắc mắc những người HĐ phỏng vấn cũng chỉ nhớ theo ký ức, và thời điểm mà HĐ ghi chép lại, liệu thế giới đã thay đổi và ít nhiều có ảnh hưởng đến suy nghĩ của người được phỏng vấn hay không? 

Những chương đầu của cuốn sách, Huy Đức nói về những ngày, giờ cuối của chiến cuộc. Mười mấy năm ở lại VN tui cũng được đọc một số hồi ký, bút ký của những người tham chiến phía bên kia. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tui thấy những người lính, những viên tướng miền Nam, những người thất trận, được nhắc đến với thái độ phần nào công bằng, tôn trọng. Nói cho cùng, thì cũng có những con người làm cho người khác không tôn trọng được mình. Như ông tướng ngồi an toàn êm ấm ở tổng hành dinh, tìm cách móc nối với bên kia để tìm kiếm an tòan cho riêng mình, mà còn chê bai đồng đội của mình đang xông pha trận mạc như vầy thì sẽ không bao giờ có sự tôn trọng của tui.
“Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại.Tối 29-04-1975, Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói với Tướng Nguyễn Hữu Hạnh ông đang bị bọc hậu và xin rút về bên này sông Đồng Nai để cố thủ. Theo ông Hạnh thì giọng Tướng Lê Minh Đảo lạc đi”.

Điều tui thấy còn khiếm khuyết trong phần này của cuốn sách là Huy Đức vẫn chỉ biên tập từ góc cạnh của người tham chiến hay của người dân miền Bắc, những người mang tư tưởng, lý tưởng (?) “giải phóng miền Nam” và thiếu đi cái nhìn của một phần không nhỏ người dân miền Nam, những người coi đòan quân Nam tiến là lực lượng xâm chiếm chứ không là lực lượng giải phóng. Huy Đức chỉ mới trình bày những người Sài gòn đổ ra xem, ra vẫy ngày 30 tháng Tư 75, mà một số vì tò mò, một số đúng là có vui mừng vì sống sót, vì cuộc tiến công không tàn phá Sài gòn như nhiều người dự đóan, vì nghĩ là dù sao đi nữa từ nay là hòa bình. Còn thiếu hình ảnh, suy tư của những người dân Nam “chạy lọan, chạy giặc” từ ngày miền Trung thất thủ, những dòng người lê lết, dắt díu nhau từ bỏ nhà cửa, ruộng nương đổ về Sài-gòn trên đường di tản chiến thuật Phú Bổn, trên quốc lộ 13.

Lật chương kế tiếp, cảm nhận được Huy Đức nhận ra cách đối xử với quân nhân viên chức miền Nam đã khiến người công sản thống nhất được giang sơn chứ không thống nhất được lòng người.
“.. Nhưng sự khác nhau căn bản giữa hai cuộc chiến tranh nằm ở chỗ: ở Mỹ, năm 1865, những chiến binh miền Nam được các tướng thắng trận mô tả như “một đoàn quân tả tơi, nhưng hiên ngang”, còn ở Việt Nam, năm 1975, những người lính miền Nam Việt Nam bị những người Chiến thắng gọi là “tay sai”, là “dã thú”
Bất hạnh thay cho đất nước!

Tui đồng ý với kết luận này của HĐ “Cải tạo không chỉ là câu chuyện của từng số phận mà còn là một phần trong ‘cuộc bể dâu’ cuối thế kỷ 20 của Việt Nam.” Nhưng lại không đồng ý với nhận xét này của Huy Đức
“Đại tướng Robert E. Lee đã xin cho những người lính của ông được mang lừa ngựa, mà họ đã đem từ nhà tham chiến, trở về quê cũ làm ăn. Còn Đại tướng Dương Văn Minh, cuối tháng 4-1975, đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong những động thái chính trị trước đó, không có dấu hiệu nào cho thấy Tướng Minh và “bộ tham mưu” của ông đã lo lắng cho số phận của hàng triệu binh sỹ miền Nam.”

Có những người bại trận đã chấp nhận tất cả, kể cả cái chết chứ nhất định không cầu xin ân huệ nào cả. Chuyện đối xử với kẻ bại nên xuất phát trong từ tâm của người thắng cuộc. Mà xin chắc gì đã được cho, khi mà ở thời điểm đó ngay cả người lãnh đạo được coi là khoan dung cũng có suy nghĩ như vầy


“Chủ trương đưa những sỹ quan cao cấp, những người có “nợ máu” đi cải tạo lâu dài cũng không hẳn là để “trả thù” mà, theo ông Kiệt, còn “để họ thấy sai, thấy sự lầm lạc và hiểu cuộc chiến tranh của Cách mạng là chính nghĩa”

Phải mất bao nhiêu năm sau, bao nhiêu con người tàn tạ, bao nhiêu gia đình tan vỡ, không chỉ những người trong vòng lao lý phải chịu đựng mà cả vợ con họ ở nhà cũng vạ lây vì lý lịch, vì là ‘đối tượng’ thì những người cộng sản cởi mở nhất mới nhận ra rằng
“Đúng như ông Võ Văn Kiệt thừa nhận, đòi hỏi những sỹ quan thua trận ‘tiếp thu ánh sáng chính nghĩa’ từ những người đưa mình vào tù là một yêu cầu quá cao.”
Lòng người đã mãi mãi chia ly! Bất hạnh thay cho dân tộc!
Bỏ qua câu chuyện cải tạo và những hệ lụy của nó, cuộc bể dâu 75 đã ảnh hưởng đến tòan bộ người dân miền Nam. Đọc những chiến dịch X1 (cải tạo), X2 (đánh tư sản), X3 (đổi tiền) mà nghe như đang lạc vào phòng thí nghiệm khổng lồ mà người dân miền Nam như những chú chuột bạch được đem ra để thử những lý thuyết quái đản.


“…một người mua bán máy nông cơ như Lưu Trung lại liên quan đến một âm mưu sâu xa ‘làm dư ra lực lượng lao động nông thôn để cho Chính quyền Sài Gòn bắt lính’ “
mà cuối cùng là người dân miền Nam cảm thấy mình bị tước đọat, cảm thấy những người chiến thắng năm xưa đã hành xử như một đòan quân viễn chinh chứ chẳng phải đòan quân giải phóng. Thử một vài trích đọan mà Huy Đức trình bày
“Khi ấy tôi còn trẻ, hào hứng với những cái mới nên nghe nói một đồng tiền mới giá trị bằng 500 đồng tiền cũ cũng có cái gì đó tự hào. Sáng ra vẫn tả xung hữu đột đôn đốc đoàn viên hoàn thành nhiệm vụ”. Nhưng, tới trưa, theo ông Trần Kiêm Đoàn: “Đi đâu cũng thấy dân kêu gào thất vọng … nhiều gia đình buôn bán ở cửa Đông Ba, hàng xóm của ông, cũng đang kêu khóc.”
hay

“Từ tháng 2-1977 đến tháng 9-1978, Ban Cải tạo đã “trưng mua và mua, trưng thu và tịch thu” hầu hết phương tiện vận tải của tư nhân. Nói là mua và trưng mua, nhưng thực chất, “giá xe do Nhà nước định trên thực tế chỉ tương đương với 1% giá thật. Đã vậy, công ty chỉ mua chịu trả dần, mỗi lần một ít. Có người đến khi không còn ở công ty, hoặc đã chết vẫn chưa được trả hết. Mà dù có được trả hết thì khoản tiền đó cũng không đủ mua chiếc xích lô”.

Đúng ra thì người dân miền Nam đã hiểu những điều này chứ không phải đợi đến giờ khi HĐ phân tích. HĐ chỉ xác định những điều đó bằng dữ liệu HĐ có được, và tui cảm thấy HĐ đã làm điều đó trên cương vị của một người có trách nhiệm, có lương tâm. Giá như những người lãnh đạo ở VN thời đó cũng nhìn ra những điều này:
“Đã mất hàng chục năm sống trong rừng hoặc sống trong một xã hội khép kín, bưng bít nhưng "Cách mạng" lại quá nồng nhiệt, nôn nóng giáo dục cho những người được học hành từ những xã hội cởi mở hơn, tiếp cận với thế giới đa dạng hơn. Niềm tin và sự nhiệt tình ấy lại được hỗ trợ một cách đắc lực bởi quyền lực tuyệt đối của cả một bộ máy. Cách mạng càng hăng say, càng để lại nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho những người dân ‘trong vùng giải phóng.”
Đúng, tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần
Thể chất thì trở nên nghèo nàn, suy kiệt hơn.Tinh thần thì trở thành một lọai công dân hạng hai, sách vở bị tịch thu, thiêu hủy, râu tóc, quần áo bị cắt, xé. Bản thân bị coi như hư hỏng, xấu xa
“Khi ấy, không chỉ có ông Vũ Quần Phương nghĩ con đường “trở thành người tốt” cho các cô gái Sài Gòn là phải được dẫn dắt bởi các “cô gái Trường Sơn”.
Tệ hơn nữa bao nhiêu ước mơ, đã bị thui chột vì chủ nghĩa lý lịch
“Nhiều gia đình miền Nam, trên thực tế, bị đặt ở thứ hạng 14, 15. Nếu như các gia đình “Ngụy” coi sự phân biệt ấy là những gì phải chịu trong “cuộc bể dâu”, thì đối với nhiều thanh niên, việc Cách mạng không cho vào đại học như là “một cái tát tai nghiệt ngã… Như một thân cây đang vươn lên khao khát đón ánh nắng cuộc đời thì bị bẻ cụt ngọn”.
Để rồi bao nhiêu thanh niên miền Nam phải dấn thân vào những lựa chọn nghiệt ngã để thoát khỏi số phận dành cho mình. Một số tình nguyện đi TNXP, tình nguyện ra chiến trường với ước mơ bằng cách cống hiến họ được thâu nhận, được đối xử công bằng hơn trong xã hội mới.
Hơn sáu vạn giáo sư, bác sỹ, sinh viên, thanh niên lẽ ra có thể dành những năm đẹp nhất của cuộc đời mình để cống hiến cho xã hội những gì mà họ thành thạo nhất. Vậy mà, để được chế độ thừa nhận, họ đã phải xuống biển, lên rừng, bàn tay chai sần đi và kiến thức chuyên môn thì mai một.”
Thực tế đã không đơn giản như ước mơ. Huy Đức đã vạch ra những điều mà bao năm nay nhà cầm quyền vẫn chối từ: Vì sợ hãi, vì không tin ở sự trung thành của những thành phần cấu thành TNXP, những thanh niên tình nguyện này thoạt đầu đã không được trang bị vũ khí khi phục vụ ở chiến trường. Chuyện Huy Đức kể dưới đây tui đã được nghe trên diễn đàn x-café năm năm trước giữa một thành viên Dũng Đakao, cựu TNXP và Taxi 810, cựu bộ đội chiến trường Kampuchia.
“ Hàng ngàn thanh niên xung phong đã ra chiến trường khi Pol Pot giết thường dân ngoài biên giới.Trận đánh - giữa một bên là những tên lính Khmer Đỏ hung hãn với một bên là những thanh niên chưa có một ngày được huấn luyện chiến đấu và vũ khí thì chỉ có vài người được trang bị - đã biến thành một cuộc thảm sát. Khi lực lượng Sư đoàn 7 kịp đến bao vây và tấn công, tiêu diệt toàn bộ chín mươi sáu tên Pol Pot, thì bọn chúng đã kịp giết chết hai mươi bốn người: Xác Đại đội trưởng Ngô Đức Minh bị đốt; bảy cô gái thanh niên xung phong bị hãm hiếp trước khi bị giết giã man.”
Khi được trang bị vũ khí, những thanh niên phục vụ chiến trường này đã chiến đấu như những đơn vị quân sự thật sự. Chính những đội viên thanh niên xung phong xuất thân từ những người lính chế độ cũ, từng được coi là “Ngụy”, giờ ấy đã tổ chức huấn luyện cấp tốc cho đồng đội về chiến thuật, về cách sử dụng vũ khí để đánh lại kẻ thù.”
Một phần thanh niên và người dân miền Nam thì chọn con đường liều mạng với biển khơi để tìm lối thoát cho mình, mở ra một trang sử đau thương của dân tộc, dựng nên bia tưởng niệm tại nhiều nơi trên thế giới, và đưa một từ mới vào tự điển loài người “boat people” hay “thuyền nhân”
“Trong suốt một thập niên rưỡi sau 1975, vượt biên với nhiều người miền Nam là lối thoát duy nhất, nhưng cũng là lối thoát đắt giá nhất. Hàng nghìn người đã phải trả bằng chính sinh mạng của mình. Hàng ngàn người khác tuy “tới được bến bờ tự do” nhưng sự bình yên không bao giờ trở lại sau những nỗi kinh hoàng trên biển…Theo số liệu của UNHCR, con số thuyền nhân Việt Nam đã từng cập bến các quốc gia lên đến gần một triệu người…Nhưng, biển mênh mông, những gì thống kê được chưa phải là toàn bộ sự thật.
Không phải chuyến vượt biên nào cũng có người sống sót để nói đến số phận của những nạn nhân còn lại. Vĩnh viễn không ai biết có bao nhiêu người Việt Nam vượt biên trong giai đoạn từ 1975 đến đầu thập niên 1990 đã bỏ mình trên biển, bao nhiêu con tàu đã bị biển nhận chìm, bao nhiêu con tàu đã bị hải tặc cướp và giết hết, bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã bị chúng hãm hiếp.”
Qua BTC của HĐ, cảm nhận chính mà tui thấy được là trong thể chế CS, những nhà lãnh đạo đã có quá nhiều quyền lực, và khi họ có quyết định sai lầm thì cả dân tộc, cả thế hệ sẽ phải chịu đựng. Vận mệnh đất nước nằm trong tay vài người chóp bu kiểu “trong nhờ đục chịu.” Tóm lược ở đây về vài lãnh đạo VN mà HĐ trình bày (thực hư thì thiệt tình tui cũng hổng rõ)
Lê Duẩn
Nhân vật có vẻ nhiều quyền lực hơn cả HCM, nhất là trong giai đoạn quan trọng nhất của VN khi cuộc chiến VN kết thúc cho đến lúc chiến tranh với Trung cộng và Kampuchea.
Có tính khí của một nhà độc tài, một khi đã nghĩ mình đúng sẽ không cần biết cảm tưởng, ý kiến người khác
“Anh Ba là một con người giàu tình cảm cách mạng, có khi sôi nổi. Do đó, một mặt thì dễ gần gũi với cán bộ, quần chúng mặt khác lại có những phản ứng quá mức đối với những ý kiến khác mình. Điều đó đã hạn chế không khí dân chủ trong nội bộ, nhất là về những năm cuối đời”.
Năm 1976, Bí thư Thứnhất Lê Duẩn tuyên bố: “Chế độ ta là chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết là đường lối của giai cấp vô sản…Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và không hợp tác với ai… Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó thì bắt”
Nhưng có cả suy tư của một người biết cân nhắc lợi ích đất nước với những áp lực của cường quốc khác (nếu những tài liệu HĐ có là đúng). Dường như những người lãnh đạo VN ngày nay thiếu hẳn điều này
Trong chỗ riêng tư, vợ Lê Duẩn, bà Nguyễn Thụy Nga kể: “Anh (Lê Duẩn) nói: ‘Lần Việt Nam xin đạn pháo để chuẩn bị giải phóng miền Nam, Trung Quốc nói không có, nhưng Việt Nam đã dự trữ từ lâu đủ đạn để đánh. Khi xin 2.000 chiếc xe vận tải Giải phóng thì Trung Quốc ra điều kiện ‘phải cho 500 lái xe Trung Quốc theo’. Anh nói: ‘Một thằng tôi cũng không cho, nếu không có xe thì chúng tôi vác bộ, thồ bằng xe đạp’. Các anh khác bảo: ‘Anh làm gì mà căng thế?’. Anh nói: ‘Trung Quốc nói làm đường cho Lào sau đó họ lập làng Trung Quốc trên đất Lào. Bây giờ họ muốn thăm dò ta về đường Trường Sơn thì nay mai họ sẽ chiếm Trường Sơn. Về chiến lược, ai đứng chân trên đỉnh Trường Sơn người đó sẽ khống chế cả Đông Dương, cho nên mình phải tính”.
hay.
Sau ngày “chiến thắng đế quốc Mỹ”, theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Cuba nhiều lần thiết tha mời anh Ba Lê Duẩn sang thăm. Fidel cứ giục mãi, nhiều đồng chí nhắc, anh Ba mắng: ‘Các chú muốn dân đói à?’. Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại Giao: ‘Đúng là Fidel sang ta mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không tuyên bố chống Mỹ thì Cuba không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi được’.
Võ Văn Kiệt
Nhân vật lãnh đạo CS có vẻ dung hòa nhất, biết nghe những ca thán của dân, biết lưu dụng người tài của chế độ cũ, che chở bằng khả năng cá nhân cho những người nói điều phải, cố gắng tìm đường cho những người bên phe thua cuộc hòa nhập (TNXP). Ông cũng là người tìm cách cho các nhà máy, công ty lương thực xoay sở tăng sản xuất và giảm nạn thiếu lương thực (đói)
Tuy nhiên những việc ông làm chỉ ở tầm cỡ cá nhân kiểu cung cách của một người nông dân nghĩa khí, thấy bất bình thì che chở người gặp nạn trong gia trang của mình
Chưa thấy ở ông cái dũng khí kiểu “thất trảm sớ” để chỉ ra cái sai của chế độ, của lãnh đạo, những cái sai làm ra khổ lụy cho bao nhiêu người. Nhưng có lẽ ở thời điểm đó trông chờ điều này ở ông Kiệt là điều không tưởng.
“Tháng 9-1982, Bộ Chính trị vào làm việc tại Sài Gòn, phê phán xé rào hết sức nặng lời, có người còn quy thành phố là “phản động”. Tại hội nghị, theo ông Nguyễn Văn Huấn, thư ký của ông Kiệt: “Ông Tố Hữu bóng gió: Sáu Dân định làm vua Sài Gòn”.
Một giai thoại khác về VVK trong BTC:
“Ông Võ Văn Kiệt quyết định gặp gỡ giới trí thức Thành phố. Với hy vọng có được sự chia sẻ từ những người Sài Gòn vốn được coi là có cảm tình với “Cách mạng”, ông Kiệt đã nói khá chân thành: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Cả hội trường im lặng. Rồi, giáo sư Nguyễn Trọng Văn đứng lên: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi phải là các anh”.
… Ông Báu kể, Võ Văn Kiệt làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu. Cuối cùng, ông nói: “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của ông Kiệt khiến cho mọi người im lặng, và nhờ nó, Giáo sư Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt.”
Đỗ Mười
Đọc những mệnh lệnh, những huyền thoại về ông này tự nhiên tui liên tưởng đến những chú bé bị phạt đội nón tai lừa trong những truyện tranh châu Âu ngày trước
“Trong một cuộc họp, khi nghe ông Đỗ Mười thao thao nói về “hợp tác hóa”, về chủ trương phải đưa những người bần cố nông lên làm lãnh đạo hợp tác và “phải đào tạo họ", Giáo sư Châu Tâm Luân hỏi: “Nhà nước định đào tạo trong bao lâu?”. Ông Đỗ Mười nói: “Tình hình gấp rút, đào tạo ba ngày”. Giáo sư Châu Tâm Luân nhớ lại: “Tôi bắt đầu ngao ngán vì muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ cái đầu mà… những ‘cái đầu’ thì như thế”.
Và những cái đầu như ĐM lại có trong tay quyền sinh sát.
“Ở nhà máy dệt Thành Công, từ chỗ không có một đồng dính két, từ khoản vay 120.000 USD đầu tiên trong năm 1980, Thành Công lãi được 82.000 USD; năm 1981, tích lũy ngoại tệ của Dệt Thành Công lên đến 1,3 triệu USD. Nhưng như thế là sai phạm. Ông Đỗ Mười ra lệnh thanh tra
Sau khi thanh tra hết sổ sách không những không thấy thâm thủng mà còn thu về nhiều, ông Đức trưởng đoàn thanh tra nói: “Dệt Thành Công ăn nên làm ra như vậy là rất đáng mừng. Nhưng trước khi tôi đi, anh Đỗ Mười dặn: ‘Chú vô Nam, thằng nào phá rào là phải bắt. Chú không bắt được thằng nào, tôi bắt chú’. Chắc chuyến này về tôi để ông Đỗ Mười bắt”.
Đọc qua từng giai đoạn mà HĐ trình bày tự nhiên hình dung ra, liên kết lại những hình ảnh mình cũng trải qua dạo đó. Con đường Bạch Đằng vương vãi xe quân sự còn cả súng đạn trưa 30 tháng Tư, đoàn xe Molotova lạ mắt với những người lính khăn mặt vắt trên cổ, đầu gắn cành lá chẳng rõ để che nắng hay để ngụy trang. Đêm trước đổi tiền, lối xóm chạy đôn đáo mua vội gạo củi mắm muối, xe bánh mì bên kia đường giá tăng gấp năm nhưng chập tối vẫn hết sạch. Ngày đánh tư sản, vợ con chú Sình chủ Depot nước đá xéo trước cửa ngồi ôm nhau khóc bên ngoài, trong nhà đầy thanh niên đeo băng đỏ trên tay. Khan hiếm sản phẩm, lớp Tám nhìn cô bạn gái ĐtHT, áo mặc phải cạp vải hai bên hông cho vừa tuổi thiếu nữ đang lớn, thấy buồn buồn tự nhiên tránh nhìn. Xuống thuyền vượt biển, những đêm khuya mẹ khóc bên kinh kệ cho đến ngày nhận tin những đứa con đã đến bến bờ bình an.
Hỏi ai đó trong guồng máy điều hành đất nước
Lãnh tụ chỉ sống vài mươi năm
Đảng phái, thể chế, triều đại tồn tại vài trăm năm
Đất nước, dân tộc hiện hữu vài ngàn năm và mãi mãi
Vậy nên vì ai?

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận