Hồng Long Tai


 
Tuần trước nhà anh bạn tôi hái hồng. Anh ở tiểu bang Virginia, bên ấy lạnh hơn Cali nên hồng được mùa sớm.
Tuy vậy, năm nay dường như lạnh hơn năm ngoái, chả thế mà cây hồng nhà tôi cũng đỏ rực.
Chiều nay cũng hái một mớ để biếu họ hàng. Cũng phải năm, sáu chục trái, và trên cây vẫn còn đầy.
Thường thì đến Noel nhà tôi mới hái hết. Khi ấy lá rụng hết, chỉ còn lại trái to và chín cây, rất ngọt.
Hồng thường có 2 loại: hồng mềm và hồng giòn.
Hồng mềm, trái dài, thứ này chỉ ăn được khi trái hồng chín mềm, đỏ trong. Lấy con dao thật sắc, hoặc có đầu nhọn, cắt ngang.
Dao không sắc thì sẽ làm nát trái hồng. Trái hồng mềm cắt ngang nhìn gần giống vú sữa. Hồng mềm thường có hột và hột cũng tựa như hột vú sữa.
Lấy muỗng múc ăn. Muỗng càng mỏng càng tốt. Loại hồng mềm nếu chưa chín ăn rất chát.
Hồng giòn, trái dẹp tựa cái bánh bía. Nếu để thật chín, thật mềm thì ăn cũng tựa hồng mềm.
Nếu thích ăn giòn thì khi trái đỏ ửng, là ăn được. Gọt vỏ, cắt làm 4, ăn giòn mà ngọt.
Dân Mỹ có farm thường trồng hồng mềm nhưng lấy trái cho ngựa ăn.
Người Việt mình phần đông nhà nào cũng có cây hồng giòn.
Tết đến, gia đình tôi thường có hồng khô bày trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên.
Thuở còn bé, tôi rất thích món hồng khô này. Khi ăn thường phải rửa qua nước nóng hay nước sôi để sạch bụi và phấn.
Ngày còn ở Sài gòn, có bao giờ tôi biết mặt mũi trái hồng nó ra làm sao.
Sang đây thì chợ nào cũng có bày bán. Khi mua căn nhà này, bố mẹ tôi trồng một cây hồng giòn.
Vườn sau còn có cả táo, bưởi, cam, đào trắng, đào vàng, mận (nectarine), chanh vàng và chanh xanh.
Cây lê thì chưa ra trái, nhưng cherry thì đã có trái năm nay.
Có lẽ khí hậu Sài gòn nóng nên khó trồng hồng trong khi ngoài Bắc thì có.
Thế nên mới có cốm và hồng để sêu Tết hay để dạm hỏi.
Thế nên mới có ca dao.
Không ngờ em đã có chồng
Để cốm anh mốc, để hồng long tai
Tưởng rằng long một long hai
Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.
Ngỡ ngàng! Tôi đâu có ngờ em đi lấy chồng nhanh đến thế, khi bạn bè còn bên nhau, ngược xuôi bơi giữa giòng đời, thì em đã dừng bến.
Cốm mốc tôi không tiếc. Hồng có long tai cả vạn quả tôi cũng không buồn.
Nhưng lòng tôi đã mốc và kỷ niệm đã long tai từ dạo ấy.
Giờ thì xa cách nghìn trùng.
Hồng đã có mặt trong các gia đình Việt ở Bắc Mỹ, nhưng có lẽ cốm thì sẽ chẳng bao giờ có được.
Xưa ở trong nước, khi người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, đã có những kỳ công mang cốm vào đất đai phì nhiêu nhiều sông rạch miền Nam.
Nhưng bất thành, bởi khí hậu và phong thổ đã khác. Hạt cốm trồng ở đất Bắc thì dẻo và thơm, nhưng cốm ở Cửu Long thì cứng và không thơm.
Ước mơ dựng lại làng Vòng nơi phương Nam đành tan theo hoài niệm.
Cốm lá sen và cái đòn gánh cong chỉ còn trong tâm tưởng.
Cuộc sống đã đổi thay, văn hóa cũng thay đổi, và nhiều thứ phải lưu vong nơi miền để lại.
Phong tục, tập quán.
Niềm kiêu hãnh dân tộc.
Nền văn hóa nhân bản.
Tất cả đã định cư nơi miền để lại.
Và cả tôi, một ngày nào đó.

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận