mẹ tôi

mẹ là dòng suối ngọt ngào
mẹ là nải chuối buồng cau

Mẹ tôi sinh ra ở một làng quê Bắc Việt. Mồ côi từ nhỏ đến năm mười chín tuổi thì mẹ được bác Cả gả về với bố. Mẹ xuất giá tòng phu, giã từ làng quê thanh bình với "con trâu già gọi bếp hồng xa" để làm người phố thị. Nghe mẹ kể những ngày đầu lạc lõng ở 36 phố phường của thủ đô, về căn nhà nhỏ, tài sản đầu tiên mà bố mẹ ky cóp gầy dựng nhưng đã đành dứt áo ra đi ngày đất nước chia cắt, để những đứa con có được một tương lai tươi sáng hơn. Nghe để biết nỗi lo của mẹ, chỉ học hết lớp ba trường làng, chỉ quen với mảnh vườn, với chợ búa bếp núc, theo chồng với đàn con nheo nhóc về trại định cư ở một phương trời xa.

Những năm tháng tuổi thơ, tôi thích những tối mẹ bắc ghế ngòai hiên nói chuyện cùng mấy bà hàng xóm, nằm trong lòng cho mẹ xoa lưng ngủ thiếp đi và chẳng thấy chỗ nào an tòan hơn lòng mẹ. Những năm tháng chiến tranh có những đêm chòang tỉnh dưới bàn tay mẹ lay và tiếng mẹ thì thầm "Pháo kích, vào hầm, con". Những dịp lễ tết, chạy chơi trong xóm mệt, lẻn vào bếp xem mẹ nấu nướng, nắm áo mẹ giựt khẽ, mẹ biết ý cắt cho miếng đầu của khoanh giò hay giúi cho miếng thịt gà và bảo "Hư!"

Những năm dài theo mệnh nước nổi trôi, bố ngược Bắc xuôi Nam đi làm công chức cho chính phủ cộng hòa, mẹ âm thầm nuôi đàn con lớn khôn. Ngày miền Nam thất trận, mẹ gói ghém, sắp xếp hành trang cho bố, linh cảm của người phụ nữ biết rằng sẽ có cuộc chia xa. Nhưng mẹ không ngờ còn phải nhiều lần sắp xếp hành trang tiễn những người đàn ông khác trong đời mẹ vào nơi lành ít dữ nhiều, những người đàn ông do mẹ mang nặng đẻ đau. Để rồi có những đêm thức giấc sau khi ngủ đã lâu con vẫn thấy dáng mẹ lom khom, miệt mài lần giở từng trang kinh tiếng Phạn thỉnh thỏang lại thêm một câu tiếng Việt "A Di Đà Phật, lậy Phật phù hộ cho những ai quá giang, quá hải được bình an"

Tuổi thơ của mẹ không nhiều những ngày tháng thần tiên cắp sách đến trường nhưng mẹ đã làm tất cả để con của mẹ có được những ngày tháng thần tiên đó. Dù việc đó phải trả bằng sự lạm dụng của thằng con nghịch ngợm viện cớ học bài để mẹ rửa nốt đống chén bát hay xin mẹ tiền học thêm để trốn đi ciné. Mẹ ít học nhưng ước mơ của mẹ thì thật nhiều. Một chiều mưa chờ xe búyt cùng mẹ trước cửa trường Đại học Văn khoa, mẹ chỉ những anh chị sinh viên đang ra vào "Mai mốt Nghiệp vào đây học giống mấy anh chị này". Thời thế chẳng cho con mẹ cơ hội để vào học Văn khoa. Ngày con ra trường ở Đại học Hawaii, mẹ chân gãy vừa khỏi khập khiễng đi trăm mét lại nghỉ đến chòang cho con vòng hoa chúc phúc. Ngày con rời Hawaii cũng
dáng đi nghiêng nghả mẹ tiễn con đến tận cửa ra máy bay, phi cảng máy lạnh con quay đi mà sao như có vị biển trên môi

Rồi tin dữ đi xa, lặng người nghe tin mẹ bị tai biến mạch máu não để từ đó chẳng còn nghe tiếng mẹ cười. Năm lớp ba đọc quyển sách tập đọc có bài cậu bé mù ngẩng mặt xin trời cho mắt sáng lên một phút vì đã quên chân dung của mẹ. Có những lúc ngồi bên mẹ trong nhà dưỡng lão con cũng ao ước một phép mầu để hiểu mẹ cần gì

Sáng đầu tuần đang chờ đám bạn ồn ào náo nhiệt bắt đầu một ngày mới trên internet thì chuông điện thọai reo từ Hawaii, tiếng chị như từ chốn xa vắng nào vọng lại "Mẹ mất rồi !"

Ai cũng do mẹ sinh ra, ai cũng có một người mẹ, và ai chẳng một lần xa mẹ

Có những lúc xa mẹ chỉ là khoảnh khắc để biết cái nôn nao ngóng đợi mẹ đi chợ đường xa.
Có những lúc xa mẹ vì thời thế đẩy đưa. Đã bao nhiêu người con đất Việt nghẹn ngào quay đi lúc chia tay, trong mắt lệ nhòa hình ảnh mẹ già mòn mỏi trông theo như vết bỏng trong tiềm thức mà chẳng biết ngày nào gặp lại

Và bất hạnh thay, có những lúc xa mẹ lại là thiên thu cách biệt

Dù mẹ có ở cõi trời nào chăng nữa, gia tài của mẹ để lại cho con là bài học làm người, không làm điều ác, không gieo tiếng ác cho người sẽ đi cùng con mỗi ngày như có mẹ bên cạnh. Lòng yêu kính của con đối với mẹ chỉ được thêm vào nỗi ước mơ, một lần nữa được trông thấy mẹ, một lần nữa được nghe tiếng mẹ cười

Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho tôi
Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ
Một bông hồng cho những ai không còn mẹ

NTN

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận