Ơi

“Thục!”
“Ơi!”
“… Ơi lần nữa cho Tuệ nghe đi!”
“Ơi!”
“…!”
“Có gì vậy Tuệ?,” Thục cười với đôi mắt trong veo hỏi lại.
“.. Sau này, dù có về đâu, Tuệ sẽ nhớ hoài tiếng ‘Ơi!’ này …”
“Nhưng mà có chuyện gì hả Tuệ?”
“Tuệ xin lỗi Thục! Đưa Tuệ cuốn lưu bút đi, Tuệ sẽ viết thật dài …”
“Thục xé bỏ rồi!”
“…”
Tuệ chưa kịp nói gì thì lạng người đi vì bị một cú hích vào vai, buộc Tuệ nhảy xuống đất, buông ngã chiếc xe đạp.
Quay lại nhìn thì Tuệ đụng mặt Nguyện đang hầm hầm dựng xe Tuệ lên.
Hai tay nắm chặt ghi đông xe, Nguyện gằn từng tiếng.
“5g chiều nay gặp tao ở Ba Son.”
Nói rồi hắn xô chiếc xe về phía Tuệ, và quay lưng leo lên chiếc cup nổ máy phóng đi.
Cuối xuống nhặt chiếc cặp và tập vở bỏ vào giỏ xe, Tuệ lẳng lặng đạp đi, bỏ lại Thục với giòng nước mắt lăn dài.
“Tại sao phải như thế hả Tuệ?”
Tuệ không quay lại, chỉ nói khẽ, nhưng rõ từng chữ.
“Thục không được nói cho ai biết!”
Nguyện, dân xóm ngoài, cao 1m7, đẹp trai như tài tử Alain Delon của Pháp, con nhà giàu từ trước 75.
Nguyện học giỏi, đàn hát hay, nhảy đầm rất điệu nghệ. Nguyện cũng có đai đen Thái cực đạo.
Văn võ song toàn, Nguyện là niềm tự hào của xóm ngoài dù xóm ngoài không đông như xóm trong.
Sau năm lớp 10, quen trường quen bạn, từ những lần đi lao động chung, Nguyện đem lòng mến Thục.
Với khả năng và nhiều tài mọn, Nguyện tự tin chủ động làm quen với Thục trong dịp phát thưởng cuối năm lớp 11.  Cùng đứng trên bục nhận thưởng, Nguyện cười và hỏi thăm Thục. Từ đó Nguyện thường đến nhà Thục và đạp xe theo Thục khi tan học.  Bạn bè cùng xóm động viên Nguyện, dù không biết Nguyện mến Thục thật lòng hay không, nhưng tất cả xem chuyện Nguyện tấn công Thục như việc đem chuông đánh xứ người. Chuyện đó càng có ý nghĩa hơn khi bao lâu nay xóm ngoài bị xóm trong bắt nạt.
Con hẻm 60 Yên Đổ, nhìn từ ngoài đường thì cũng tựa như bao con hẻm khác giữa Sài gòn. Nhưng khi đi vào bên trong thì nó kéo dài, trổ ngang, ngoằn ngoèo như rễ cây lan đi khắp nơi của khu Cù Lao bên giòng kênh Nhiêu Lộc. Cuối con hẻm đâm ra bờ sông với xóm nhà sàn quanh năm hôi thối.
Nhánh đâm ngang bên phải thì trổ ra Hai Bà Trung ngay dốc Cầu Kiệu. Nháng bên trái thì trổ ra tận Công Lý, nhìn thấy chùa Vĩnh Nghiêm.  Đầu hẻm có một miếng đất trống nhỏ, là nơi ăn uống với các xe hủ tíu, mì, các hàng chè, bắp nướng.  Trong hẻm cũng có cả một nhà máy in nhỏ, và vài gia đình mở tiệm tạp hóa.  Có nhiều gia đình kê vài cái tủ kính nhỏ bỏ đá bên trong bán đủ thứ từ mía ghim, cóc dầm đến chùm ruột.  Tuệ thích nhất là món sấu dầm, rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi.  Đi dọc con hẻm vào buổi sáng sớm cũng rất vui với bao gánh quà sáng bán rong. Nhiều nhất vẫn là các gánh bán xôi đủ loại.  Xôi bắp, xôi đậu đen, xôi dừa, và một thứ xôi đặc biệt mà anh em Tuệ thường gọi là “xôi người Nam”.  Món xôi này có màu xanh lá mạ, trên là một lớp đậu xanh nghiền với dừa bào và đậu phọng, mè đường, dưới lót mấy miếng bánh đa ngọt.  Phần xôi gói trong lá chuối và ăn với cái sống lá dừa cắt khúc. Con nhà nghèo, không tiền ăn phở hay hủ tíu, mỗi sáng có một gói xôi đó là ấm lòng đi học.  Gánh xôi người Nam của bà Tư cũng là nơi Tuệ gặp Thục lần đầu khi về với xóm Cù Lao.
Nhà Thục ở gần chợ nhỏ, trong khi Tuệ và gia đình ở căn nhà sàn dọc con kênh.  Ba của Tuệ giành giụm được chút ít, đã sửa chữa lại căn nhà sàn nên đỡ ọp ẹp, duy cái mùi đặc trưng của con kênh thì đành phải sống với nó.
 
Tuệ học chung lớp với Thục từ những năm lớp 5 ở trường tiểu học Tân Định, sau 75.  Một sáng đi học, bấy giờ là khoảng 78, hay 79, giai đoạn khó khăn nhất, Tuệ vẫn thường phải đi học với cái bụng đói.  Đi ngang qua gánh xôi và Tư, Tuệ ngó hướng khác và bước mau để quên đi những gói xôi nóng, ngọt, bùi.  Để cho quên thực tại, Tuệ nhẩm lại bài học. Đang lẩm nhẩm thì Tuệ thấy áo mình bị kéo.
Tuệ vừa quay ngang nhìn thì một vật âm ấm được ấn vào tay Tuệ: một nửa gói xôi bà Tư với nụ cười của Thục.  Từ đó, hai đứa thường chờ nhau đi học. Điểm hẹn vẫn là gánh xôi bà Tư ở giữa hẻm.
Lối giữa hẻm có một khoảnh đất rộng, bà con trong hẻm từ bao đời đã họp thành một chợ nhỏ bán đủ thứ rau cỏ, thịt thà, đồ gia dụng.  Khi cấp kỳ, không kịp chạy ra chợ Tân Định, thì Tuệ thường chạy ra chợ nhỏ này mua trầu, cau hay vôi cho Ngoại.  Cái chợ nhỏ ấy chính là ranh giới chia hai, xóm ngoài và xóm trong. Từ chợ trở ra đầu hẻm mặt đường Yên Đổ là xóm ngoài.  Đa số là dân công chức, hay gia đình khá giả tập trung ở xóm ngoài. Nhà lầu, cửa sắt kéo, có cả xe hơi.  Từ chợ nhỏ vào sâu bên trong là khu nhà sàn và gia đình lao động, đây là địa bàn của xóm trong.  Không biết bắt đầu từ khi nào, sự phân định xóm ngoài, xóm trong đã có, dù không nói ra.  Trong bất kỳ cuộc thi đua nào, ở phường hay ở trường, dù là báo tường, ca hát hay bóng đá, bóng chuyền, sự đụng độ giữa hai xóm luôn nảy lửa.  Thật tình, cũng có những người bạn giữa hai bên, nhưng tựa như Lưu Chính Phong và Khúc Dương (*)  của hai phái kình địch trong võ lâm vậy.  Thỉnh thoảng gặp nhau đơn lẻ không sao, nhưng giữa đám đông bạn bè thì cứ làm lơ như không biết.  Dân xóm ngoài tuy bị áp đảo về quân số, nhưng tự hào là dân lịch thiệp, khá giả hoặc từng có mặt mũi trước 75, hơn hẳn bọn xóm trong đa số là gia đình lao động.  Băng xóm trong thì ỷ đông nên luôn lấn át trong mọi sinh hoạt và học hành, như cố xóa đi cái hàng rào giai cấp bằng mọi cách.  Nhà trường và địa phương đã cố gắng hòa hợp hòa giải nhưng bất thành khi ân oán giang hồ ngày càng chất chồng.  Với tính khí nóng nảy và háo thắng, coi trời bằng vung của tuổi trẻ, đã có nhiều cuộc đụng độ xảy ra gây thương tích trầm trọng, may là chưa thiệt mạng.
Tuệ và gia đình về xóm Cù Lao này vào cuối năm 74, ở chung với Ngoại. Tuệ là con trai lớn trong gia đình nghèo, nên chững chạc hơn đám bạn cùng lớp.  Tuy to con nhưng Tuệ rất hiền và nể bạn. Tuệ chịu khó, siêng học dù chỉ là trung bình khá chứ không giỏi xuất sắc. Vì vậy, Tuệ rất nể Nguyện và các bạn giỏi đầu lớp.  Nhà Nguyện lại ở xóm ngoài, nên Tuệ thường có vẻ né dù học cùng lớp. 
 
Cuộc hẹn lúc 5g ở Ba Son diễn ra chỉ giữa Nguyện và Tuệ. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra.  Chỉ thấy sau đó khi đi học, Tuệ bị bầm mặt, còn Nguyện thì lạnh lùng và cả hai im lặng tránh nhau.  Đám bạn thân xóm trong của Tuệ, không biết điều tra thế nào mà biết chuyện, đã tính chặn đường thanh toán Nguyện. Tuệ biết và gạt đi. 
“Chuyện riêng của tao và nó. Cấm tụi bay xía dzô!” 
“Móa nó! Nó đụng tới mày là đụng tới danh dự cả xóm, tụi tao không để yên!”
Đứa nào cũng nhao nhao lên đòi xử đẹp thằng công tử xóm ngoài. Tuệ lạnh lùng nói. 
“Bà mịa tụi bay! Tao nói rồi, không đụng đến nó! Tụi bay mà đụng đến nó thì đừng nhìn mặt tao!”  Nói rồi nó bỏ đi. Tụi bạn thương thằng bạn nghĩa tình, nên cũng thôi cái vụ chặn đường xử Nguyện dù vẫn còn ấm ức.  Sau lần đó, cả Nguyện lẫn Tuệ đều thôi không đến nhà Thục. Chuyện rồi cũng qua nhanh vì tất cả đang tập trung vào hai kỳ thi quan trọng cuối năm 12.
Giòng đời trôi theo cách riêng của nó mà không ai hiểu được. Như những giòng xe đan chéo vào nhau nơi bùng binh, khách bộ hành vẫn có cách băng qua mà không hề hấn gì. Tuệ và Thục cũng đi qua đời nhau như giòng xe và người đi bộ.  Ba năm sau khi rời ghế nhà trường, Tuệ và gia đình đi định cư ở bờ Đông xứ Mỹ, theo diện HO.  Từ con số không ở quê nhà, giờ sang xứ người, Tuệ như được chắp cánh. Hắn vừa đi làm giúp gia đình, vừa đi học lại để tự lập nghiệp.  Những ngày mùa đông tuyết trắng, lầm lũi đi trong giá lạnh, đôi lần Tuệ thấy nhớ nửa gói xôi bà Tư và nụ cười của Thục. Nhớ đến dại người!
 
Hè 2013.
Nhóm bạn cũ trung học tìm ra được Tuệ qua email, đã liên lạc và réo Tuệ về Cali họp mặt bạn cũ sau 30 năm bỏ trường.  Tuệ mừng khôn tả và quyết định lấy vacation để về gặp lại bạn bè.  Trong thâm sâu, Tuệ biết lòng mình muốn gì.  Ngày gặp mặt, Tuệ lái chiếc xe thuê ở sân bay đến điểm hẹn thật sớm, nhưng loanh quanh thế nào lại lạc.  Tuệ lộn exit, nên đã rẽ qua 91 West thay vì phải lấy 91 East. Mất một lúc để tìm đường vòng lại, vì vậy khi Tuệ đến nơi hẹn thì các bạn đã có mặt gần đủ.
Vừa cho xe vào sân đậu, bước ra khỏi xe, Tuệ đã bị một tên vỗ vai.
“Tuệ! Mày nhận ra tao không?”
Đã hơn 20 năm không gặp, vóc dáng hắn còn khiến Tuệ ngờ ngợ, nhưng giọng nói và nhất là chữ “tao” thì không lẫn được!
“Nguyện! Mày sang đây bao giờ?”
Hai thằng ôm nhau. Nguyện đập tay vào lưng Tuệ mấy cái, dường như muốn biết chắc là thật.
Buông nhau ra, Tuệ hỏi ngay.
“Thục đâu?”
Nguyện thoáng buồn, quay nhanh về phía các bạn nói khẽ.
“Mình vào với tụi nó. Mày uống với tao chai bia đi. Tí nữa tao kể mày nghe!”
Người ta thường nói “cơm cháy cá kho, kỷ niệm học trò”. Có nồi cá kho với mớ cơm cháy thì không dứt ra được, y như những kỷ niệm học trò, kể không khi nào hết.  Đám bạn cũ, Kim, Phương, Mỹ, Ngọc, Thanh, với Anh, Thế, Phước, Thượng rồi Nguyện, chuyện trò huyên thuyên như chưa từng được nói.  Đồ ăn thức uống thì ê hề nhưng chả ai đụng vào. Cứ thi nhau nói.  Bao nhiêu là kỷ niệm! Gặp nhau đây, để kỷ niệm ùa vào với kỷ niệm, tại sao phải giữ lại!
Sau vài chai bia, Nguyện kéo Tuệ ra một góc.
“Thục đã có chồng và hai con. Thục vẫn còn ở Sài gòn, dạy học. Tao xin lỗi mày!....”
Tuệ im lặng.
Một lúc sau Tuệ quay lưng lại Nguyện và nhìn xa xôi.
Nguyện tiếp.
Tao có lỗi với mày! Tao đã không giữ được lời hứa với mày. Nhưng đó cũng là ý của Thục, Tuệ à. Tao biết là Thục thương mày chứ không phải tao.”
Nốc hết chỗ còn lại của chai ken, Nguyện hỏi nhỏ với giọng buồn.
“Mày còn giận tao không? Mà sao mày vẫn chưa lập gia đình?”
Tuệ quay lại cười.
“Mày lấy mất của tao chữ ‘Ơi!’ rồi!”
Nguyện ngẩn người.
“Là sao? Tao không hiểu!”
Tuệ ôm vai người bạn cũ.
“Thôi bỏ đi. Số phận đã như vậy, mình biết làm gì hơn! Vô uống thêm đi mày! Nhóc của mày giống mày lúc nhỏ y chang!”
Rồi Nguyện kể thêm cho Tuệ nghe về xóm Cù Lao xưa, về ngôi nhà Ngoại của Tuệ đã bị phá, về giòng kênh bây giờ đã được xây kè thật đẹp.  Từ những câu chuyện của bạn bè, Tuệ được biết thêm về Thục.  Sau khi lấy chồng, Thục đã cắt hết mọi liên lạc với bạn cũ. Không ai gặp được Thục và Thục cũng không bao giờ góp mặt ở bất kỳ cuộc hội họp nào của bạn cũ.
Noel 2013.
Sẵn dịp hãng shutdown hơn 1 tuần, Tuệ lấy vacation luôn cả tháng để nghỉ.  Mất gần 3 tuần, Tuệ tìm ra được ngôi trường ấy.  Chiều nay, Tuệ tìm đến trước cổng trường. Có quán nước xéo bên kia đường, Tuệ bước vào gọi ly chanh muối và ngồi đợi.  Đường phố Sài gòn cuối năm hối hả và đông hơn ngày Tuệ bỏ đi.  Có tiếng chuông reo từ ngôi trường. Giờ tan học.  Học sinh túa ra, áo trắng như bướm vỡ tổ.  Thầy cô cũng theo học trò ra về. Chợt có tiếng gọi của một học trò.
“Cô ơi!”
“Ơi! Gì đó Xuân?”
….

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận