Mầu Thời Gian
Sài Gòn - một thời để yêu, một thời để nhớ là những hoài niệm về Sài Gòn của dân Sài Gòn và những ai trót phải lòng Sài Gòn. Lưu lại để hai con gái đọc và yêu thương hơn một Sài Gòn luôn nằm sâu trong tim của mẹ chúng nó.
tpt
Mầu Thời Gian
Tui đến với nghệ thuật điện ảnh (nói cho xôm) không qua ngưỡng cửa Holywood mà qua những tờ quảng cáo tung ra từ chiếc hơi cũ kỹ năm nào. Ngày đó, bà cụ tui hay đi chợ Hàng xanh và chỉ khi lễ lạc hay cần bao gạo chỉ xanh thì bà mới ra chợ Bà Chiểu. Những dịp như vậy tui luôn đòi đi theo để được mê mẩn vuốt ve những chú gà sống đủ màu hay đứng ngắm mấy bà chủ sạp trái cây dùng giấy bản đánh bóng những cây trái đủ mầu sắc, rồi chất từng chồng cao như Kim Tự Tháp.
Một lần đang đứng chờ mẹ mặc cả mua hàng thì chợt có tiếng nhạc inh ỏi đang tiến lại gần. Tiếng nhạc vang lên từ một chiếc xe hơi cũ kỹ có gắn loa trên nóc, chạy chầm chậm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, thỉnh thỏang trong xe lại vung ra một nắm những tờ giấy mầu mà đám con nít chạy theo sau hò hét đua sức lượm. Còn đang tần ngần muốn chạy ra lượm một tấm nhưng lại sợ mẹ mắng thì một anh mặt mày vui vẻ ngồi trong xe đã chìa ra cho tui 1 tấm
- Nhỏ, cầm về nói má mày cho đi coi phim này hay lắm nghe, phim mầu, màn ảnh đại vĩ tuyến ?!
Trên tấm giấy in hình người đàn ông để ria mép trông rất oai và giòng chữ "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" vắt ngang bên trên còn bên dưới in chữ nhỏ hơn là giờ chiếu ở rạp Cao Đồng Hưng.
Rạp Cao Đồng Hưng gần nhà tui nhất. Con nít xóm tui thường gọi rạp này là Cạo Đầu Heo. Thường rạp này để trình diễn cải lương, thọai kịch, khán giả đa số là mấy bà, mấy cô tiểu thương ngòai chợ, thỉnh thỏang rạp cũng chiếu vài phim cũ, một thời ăn khách. Tui thích nhất là đôi khi đi ngang qua, gặp một vài đào kép lên đồ sân khấu với áo mão cân đai, đi qua đi lại trước phòng vé như một hình thức câu khách của bầu gánh. Gặp những lúc như vậy bao giờ tui cũng kèo nài người lớn dừng xe lại cho tui coi chút.
Tuy mỗi lần được coi phim ở CĐH tui rất thích nhưng những rạp ở trung tâm Sài gòn vẫn có sức hấp dẫn hơn. Tui thích những rạp hát Lê Lợi, Rex, Eden, Casino Sàigòn với những phố xá đông đúc, nườm nượp người ăn mặc đẹp đẽ, dù phải nắm chặt tay mẹ vì sợ lạc. Lần nào coi phim xong tui cũng được mẹ dẫn đi vòng quanh khu trung tâm thành phố, khi thì ghé nước mía Viễn Đông (?) trên đường Lê Lợi uống ly nước mía mát lạnh mầu vàng rực sủi lớp bọt trắng bên trên, khi ghé nhà sách Khai Trí mua tờ Thiếu Nhi hay cuốn Sách Vàng, lúc dạo phố Lê Thánh Tôn thử đôi dép sandal mới. Tui thích đi Sài gòn với mẹ vì được ngồi xích lô len lỏi giữa phố xá đông người lại không ai chắn phía trước, lẫn vào dòng xe cứ bồng bềnh như đang cưỡi sóng.
Sau 75 thì nhà vắng bớt người và tui bắt đầu học chăm sóc cho chính mình, kể cả việc coi phim. Lần đầu tự đi coi phim, tui đi với anh em Nguyễn Đăng Nhân học chung với tui từ lớp 5E Nguyễn Bỉnh Khiêm và có hình chụp ở càfé Thần Thọai dịp sinh nhật Uyên năm rồi. Tụi tui đi xe bus xuống Casino Sài gòn coi "Gấu mẹ vĩ đại" thì phải, phim cao bồi mọi da đỏ do Đông Đức sản xuất. Coi phim xong, ba đứa tui mua đồng kẹo bột, thứ kẹo bán khắp các cổng trường tiểu học ngày đó, thắng bằng đường mía đen với gừng vắt thành những viên nho nhỏ hình con sò và được phủ một lớp bột mỏng bên ngòai cho khỏi dính. Rồi vừa ngậm kẹo bọn tui vừa đi bộ từ Thư viện Quốc gia về lại đài phát thanh. Vừa đi vừa vung cành cây bẻ vội dọc đường, chém vào không khí như những chiếc búa tomahawk, ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành người hùng của phe ta. So với những phim do Holywood sản xuất thời nay thì chắc không thể nào bằng, nhưng lúc đó coi những phim như Gấu mẹ vĩ đại, Người cá, Alibaba và 40 tên cướp là cả trời hạnh phúc cho đám trẻ con.
Dần theo năm tháng trôi, những người hùng như Dianov của 'Trên từng cây số' hay D'Artagnan của 'Ba chàng ngự lâm pháo thủ' trở nên kém phần hấp dẫn. Tui bắt đầu để ý đến những bộ phim tình cảm tâm lý xã hội, đa số của các nước Đông Âu. Thích thú nhìn những người thanh niên ở độ tuổi của mình trong một cuộc đời khác, khung trời khác. Nhìn lên màn ảnh rộng hay màn hình TV mà cứ ngỡ đang nhìn nhân vật trong phim qua cửa sổ nhà mình, một chút ước mơ pha lẫn một chút cảm giác thua kém. Tui và mấy tên bạn thường lựa coi những phim của Tiệp khắc, Balan, Hungary vì phim của những xứ này thường ít tính giáo điều và có phần "cởi mở" hơn phim Soviet. Có khi phim coi rồi, gặp đứa khác rủ chẳng có thứ giải trí gì khác lại coi tiếp, vậy mà mấy chục năm qua cũng chẳng còn nhớ chi tiết của những bộ phim này, chỉ còn đọng lại mỗi cái tên, những Cánh cửa mở rộng, Với cả tâm tình, Anh không thể nói lời từ biệt, Gia đình Novak, Mười bảy khoảnh khắc của mùa Xuân, Moskva không tin ở những giọt nước mắt... Những cái tên mà có lúc đã đem lại mộng mơ, lãng mạn cho những người bạn cùng trang lứa. Những cái tên đã có thời làm tui mơ ước được yêu thương, được nắm một bàn tay nhỏ len lỏi trên những vỉa hè nhộn nhịp mang tên mấy ông vua quan họ Lê
Rồi điện ảnh của Tây Âu, của Hoa kỳ tìm đường len lỏi vào Sài gòn của tui, qua những tụ điểm chiếu video công cộng (thời đó đầu máy video còn thuộc diện nhà nước quản lý), hay chọn lọc hơn một chút, ở nhà chiếu phim tư liệu Phan Kế Bính, qua vé mời được đem biếu hay bán chợ đen. Mỗi lần coi phim "tư bản" thì thiệt là hấp dẫn, ngòai truyện phim hay, tài tử đẹp, tuổi trẻ của tui còn bị lôi cuốn bởi phố xá, quần áo, cả cách "tụi nó" khóac tay nhau đi dạo phố. Có thời cả Sài gòn của tui bàn tán về "Con bạch tuộc", về thanh tra cảnh sát Catanik (?).
Những năm đầu nơi xứ Mỹ, học tòan phần, làm bán phần, tui hay thiếu ngủ, chờ xe bus ngủ, ngồi trên xe bus ngủ, đang ăn cũng ngủ. Một ngày kia đang vất vưởng trong trường sau khi thi một môn học cuối khóa, môn thi kế mãi tận buổi chiều. Về nhà thì xa mà thư viện thì đầy sinh viên đang ôn bài. Đi ngang rạp hát dành cho sinh viên ở Hemenway Hall của Đại học Hawaii, tui bỗng nảy ý định mua vé vào ngủ 1 giấc. Thời đầu 199x, vé coi phim ở các rạp như Consolidated Theaters hay Waikiki Theaters bên Hawaii cỡ 5$, thì vé coi phim trong trường chỉ 1.25$ chỉ có điều là phim cũ, bù lại trường hay chiếu double features (1 vé 2 phim) và thường là 1 phim Mỹ và 1 phim ngọai quốc. Vào trong rạp tui mới khám phá ra mình không phải là người phát minh ra ý tưởng mua vé coi phim để ngủ. Tui chọn một hàng ghế tương đối vắng gác chân lên ghế trước còn trống rồi chìm dần vào giấc ngủ.
Trong giấc ngủ chập chờn, có khi chòang tỉnh vài giây đồng hồ mới nhớ mình đang ở đâu. Giữa trắng đen của những bóng hình xa lạ xung quanh, trên màn bạc sao có cả nắng vàng của ghế đá công viên trước cửa rạp Rex. Có người con gái áo tím với mái tóc rũ che nửa gương mặt đang cúi đầu đọc tờ tạp chí. Có bác đứng tuổi chống chiếc xe đạp với bình khí đá và những chùm bóng bay đủ màu sắc.
... Sài Gòn ơi! nắng vẫn có còn vương trên đường
Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về ...
( Ahhh, Thôi cha nội ! Cha đi lâu rồi hỏng biết chớ Sài gòn bây giờ mưa ngập tới 'rúng', ở đó mà mơ mưa ngập!)
Nguyễn Thế Nghiệp
TV83, 12A5
TV83, 12A5
----
From: Dung Nguyen (dunghn)
From: Dung Nguyen (dunghn)
Cảm ơn Nghiệp cho quay lại cuốn phim MTG hay quá!
Xem mà thấy cả mình trong phim.
Bác lùi lại thêm một tí kể luôn về cái thời tụi mình còn học tiểu học đi xem phim trong những chiếc xe đậu dọc trường học. Chừng đâu $5 thời đó, được ghé mắt vào cái lỗ bên hông thùng và xem phim hề Charlot, xem phim cao bồi ...
Hồi còn tiểu học trước 75, em ghiền thứ này á bác. Đi học ra không về nhà mà cứ đứng coi miết!.
From: Trang K Duong
Đứa nào ngồi chổng mông, hở quần xì líp ... thấy xixy quá ...
From: Thao Tonn
cửa sau trường Đinh tiên Hoàng cũng có một xe chớp bóng như vậy thường trực
Cỏ thường dụnhổ tóc bạc cho ba xin $5 kên (đồng không tròn mà có khía nhưnhững cánh hoa) tan học ra chổng mông coi
Comments