Anh Sẽ Tìm

Từ bậc tam cấp của nhà thờ nhìn ra biển, một hàng thông cao quanh năm rì rào theo gió và tiếng sóng.
Phía bên mặt là cái nghĩa trang của giáo xứ nhỏ bé này. Khoảng hai mươi ngôi mộ đá trắng ngay hàng thẳng lối yên lặng quanh năm nghe tiếng chuông chiều nhà thờ đổ.
Trong tiếng chuông chiều đó, có những khi hoàng hôn xuống, tháp chuông trắng toát in lên bầu trời xanh thẫm và hàng thông đậm mầu phía sau, tất cả toát lên một sự thanh khiết gần gũi.
Ở thị trấn nhỏ Coracle này, hầu hết các gia đình đã ở đây hơn 30 năm. Con cháu, những thế hệ sau của Coracle, kéo đi làm ăn ở các thành phố lớn hay các tiểu bang xa.
Giờ còn lại chỉ là thế hệ thứ hai, cũng đã bước vào thất tuần hay bát tuần cả.
Thỉnh thoảng, vài gia đình có con cháu về thăm thì nhà thờ nhộn nhịp, rất vui. Mọi người vui chung niềm vui đoàn tụ của những gia đình đó.
Bởi từ lâu, tất cả đã xem như một đại gia đình.
Mấy chục nóc nhà của Coracle có lối kiến trúc xưa và đẹp như trong cổ tích. Nhà nào cũng có giàn hoa quanh hàng rào và vườn cây.
Cả thị trấn chỉ có một trạm xăng, một tiệm tạp hóa bán thực phẩm và vật dụng cần thiết, một tòa nhà vừa là cơ quan hành chính, vừa là bưu điện.
Nhà thờ vừa là nơi cử hành thánh lễ, vừa là trường tiểu học.
Cuộc sống ở đây thật bình lặng, khiến người có cảm giác như một viện dưỡng lão lớn.
Mà thật sự thì Coracle cũng gần như thế. Chỉ khác là giữa núi đồi, và biển, giữa nơi thân quen và kỷ niệm, các cụ ông, cụ bà trông khỏe mạnh, vui vẻ hơn.
Thế hệ đầu tiên đến vùng biển này có nguồn gốc Anglo-Saxons, và họ đã đặt cho nó cái tên Coracle.
Coracle là tên gọi của những chiếc thuyền nhỏ, như dạng thuyền thúng.
Bronson và Catherine lớn lên với Coracle. Học cùng trường từ bé, và sau này lên trung học, college, cả hai cũng luôn cùng trường.
Bronson thường chơi đàn cho nhà thờ và Catherine rất thích ngồi nghe hàng giờ không chán.
Họ đến với nhau như đã được sắp đặt từ trước. Tình yêu vươn vai lớn dậy từ kỷ niệm ấu thời, vụt thành bướm, thoát ra cái vỏ đơn sơ, mộc mạc.
Catherine thường hỏi Bronson: “Anh có yêu em không?
Có! Nhiều lắm!
Muôn đời muôn kiếp nha?
Ừ!” lần nào Bronson cũng cười xòa và trả lời như thế.
1965. Bronson, với nhiệt huyết của một thanh niên vào đời, đăng lính thủy quân lục chiến.
Họ đã dắt tay nhau vào nhà thờ để nên vợ nên chồng trước ngày Bronson được gởi đến một nơi xa tít mù với cái tên lạ lùng: Viet Nam.
Những tháng ngày sau đó, trải dài với bao lá thư qua lại giữa hai bờ đại dương.
Bronson kể nhiều cho Catherine nghe về một đất nước lạ lùng mưa nhiều như Seattle, với tiếng đàn buồn não lòng từ thứ nhạc cụ độc nhất vô nhị chỉ có 1 dây.
Say sưa với những câu chuyện của Bronson, Catherine cũng thích thú với cái đất nước có những cái tên khó đọc.
Thư của cô gởi cho Bronson luôn đầy ắp nhớ mong. Catherine kể cho Bronson nghe về Darlene, cô con gái dễ thương có đôi mắt của Bronson.
Nỗi nhớ mong Bronson dày vò, khiến Catherine thường viết “Em ghét anh! Hết thương anh rồi! Em chỉ thương Darlene thôi…
Chiến sự ngày càng ác liệt và chính phủ Hoa Kỳ ngày càng sa lầy ở miền Nam Việt Nam. Thời gian phục vụ của Bronson cứ kéo dài như những cơn mưa nhiệt đới.
Và rồi, cũng đến ngày Bronson trở về.
Chỉ có điều anh trở về với lá quốc kỳ gấp chéo.
Chiều cuối năm ở Coracle đẹp lắm. Hoàng hôn xuống ngay chân nhà thờ, nếu ta đứng đúng ở góc của cái giếng nước nhìn ra biển.
Làm cùng hãng, biết tôi mê đi chụp ảnh thiên nhiên và biển, Darlene đã đưa tôi đến với Coracle.
Chiều nay, trong khi cùng tôi chụp cảnh mặt trời lặn, Darlene đã kể cho tôi nghe chuyện tình của song thân cô.
Sau khi Bronson ra đi, Catherine ở vậy nuôi lớn Darlene.
Đã có nhiều người đến với mong ước được đưa Catherine đi hết đoạn đường đời còn lại, nhưng bà đã khéo léo từ chối.
Kể cả George là người đàn ông mà Darlene rất mến.
Catherine mất cách đây 2 năm. Darlene đã chỉ cho tôi thấy bố mẹ cô nằm cạnh nhau trong nghĩa trang nhỏ của nhà thờ.
Trước khi mất, bà đã đưa cho Catherine xem lá thư cuối mà bố cô viết về.
“… Cuộc chiến này quá khốc liệt. Đất nước này quả thật chịu nhiều đau thương. Giờ thì anh hiểu vì sao âm nhạc Việt Nam luôn buồn. Anh không hình dung ra được số phận
mình sẽ ra sao. Anh luôn yêu em, từ ngày đầu. Dù có thế nào, anh cũng luôn tìm về với em. Muôn đời muôn kiếp anh sẽ tìm em….”
“Sau khi chết, chúng ta sẽ đi về đâu nhỉ?” Darlene bất chợt buông lời.
Tôi không biết là Darlene hỏi tôi hay đang nói chuyện với bản thân cô ấy.
Nắng đã tắt.
Nguyễn Hữu Dũng

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận