Ngũ Bách Niên

Tết đã ở sau lưng dù hôm nay thật ra mới là mùng bốn Tết. Mà theo như ngày xưa thì chưa hết Tết bởi vì tháng Giêng là tháng ăn chơi, hay ít nhất như 30 năm trước thì vẫn còn Tết đến hết mùng Năm.
Đấy là nói khi còn ở Sài gòn, chứ giờ đây ở Cali thì hết cuối tuần là hết Tết rồi. Mọi sự đã trở lại nhịp sống bình thường, nhanh chóng. Chẳng phải vì là Tết Ta mình, mà ngay cả Tết Tây của dân bản xứ cũng thế.
Họ cũng chỉ làm gọn trong một ngày hay một cuối tuần rồi quay lại nhịp sống hàng ngày. Có lẽ vì thế mà thời gian ở đây trôi mau hơn, dân Mỹ cũng lướt qua được mọi thứ mau hơn, vui cũng như buồn.
Sáng nay, trên đường đi làm, nghĩ lan man đến những năm Ngọ trong đời, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh con ngựa trong lời sấm nổi tiếng.
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình.
Cứ giáp một vòng mười hai chi, người ta lại đem lời sấm ra đoán và giải, khách quan hay chủ quan, vô tâm hay chủ tâm, để cùng nhìn về tương lai.
Tương lai của dân tộc, tương lai của riêng mỗi người.
Thì mỗi độ Xuân về, Tết đến, người ta vẫn lũ lượt kéo nhau đi xin xăm, coi bói đầu năm đấy thôi.
Tờ báo Xuân nào cũng không thể thiếu mục Tử Vi Trọn Năm, dù xem theo Tây phương hay theo đẩu số.
Tình duyên, gia đạo, công danh quan lộ, … ai cũng muốn nhìn thấy cuộc đời bày ra trước mặt, dù biết rồi có khi lại mất ăn mất ngủ!
Ấy là do tâm lý chung người ta mong muốn mọi chuyện được tốt đẹp, tương lai tươi sáng.
Vậy còn sấm?
Khi nhắc tới sấm, ai cũng nhớ ngay đến sấm Trạng Trình. Thật ra trong lịch sử Việt Nam, có nhiều lời sấm về sự sụp đổ của một triều đại này hay sự ra đời của một triều đại mới.
Ví như sấm truyền của các thiền sư La Quý và thiền sư Vạn Hạnh. Nhưng nổi tiếng hơn cả là sấm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bởi bài sấm ấy tiên đoán vận mệnh nước Việt trong … 500 năm.
Và đã hơn 400 năm qua, mỗi khi xuân về, người ta lại tìm đọc những lời sấm của cụ. Để làm gì?
Để tìm hy vọng với một vận mạng tươi sáng hơn cho dân tộc.
Hai câu sấm nêu trên, tôi tin rằng chưa thể ứng với năm Giáp Ngọ này. Chả phải tôi có tìm hiểu sấm của cụ, mà chỉ vì hai câu trước đó.
Long vĩ xà đầu khởi chiến chinh
Can qua xứ xứ khởi đao binh
Trong hai năm đã qua, tuy có những cuộc chiến đã xảy ra, nhưng đó chưa thể là “xứ xứ khởi đao binh” và, vì vậy “thân dậu niên lai” chưa đến và chưa thể “kiến thái bình”.
Ngoài bài sấm nổi tiếng, cụ Nguyễn còn có những câu tiên tri khác, ví như:
Hồng lam ngũ bách niên thiên hạ,
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
Theo ý của cụ thì phải 500 năm, sau thời của cụ, nước Việt (Hồng lam) mới thực sự hưng thịnh, tươi sáng.
Xem lại tiểu sử của cụ thì cụ mất vào năm 1585. Như thế có thể xem như là thập niên 80 của thế kỷ 16.
Vậy thì 500 năm sau, là thập niên 80 của thế kỷ … 21, nghĩa là 2080 – 2090.
Từ đây đến lúc ấy, chúng ta còn 70 – 80 năm nữa.
Giáp Ngọ này, bạn và tôi, đã gần cái tuổi tri thiên mệnh cả (ấy là tôi nhắc đến con số thôi, chứ thực tình tôi chưa tri được điều gì).
Như vậy, có lẽ, chúng ta không có diễm phúc chứng kiến được “diên trường ức vạn xuân” của dân tộc.
Nhưng đã sao!
Chỉ cần biết rằng, thế hệ sau mình sẽ thấy được điều đó là đủ mãn nguyện.
Như chồi cây mới trổ.
Mong lắm!

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận