The world is flat


Một đứa bạn gởi tặng cuốn sách Thế giới phẳng, nguyên tác The world is flat của Thomas Friedman, bản dịch Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Lê Hồng Vân, Hà Thị Thanh Huyền, nhà xuất bản Trẻ xuất bản.   


Thế giới phẳng viết về công cuộc toàn cầu hoá bắt đầu từ năm 2000 và sẽ diễn ra trong thế kỷ 21, với một mô hình xã hội, chính trị, kinh tế hoàn toàn mới, nơi thế giới trở thành nhỏ bé và mọi quốc gia kết nối chặt chẽ với nhau.  Quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người 

Cách đây rất nhiều ngàn năm, thế giới này của chúng ta được loài người nhận thức như là phẳng, như là cái khái niệm “trời tròn đất vuông” của người Việt xưa .  Ngày đó người ta tin rằng thế giới phẳng và rộng lớn mà con người không bao giờ đi đến được chân trời giới hạn của nó. Cho đến khi Copernic và Galileo đã chứng minh quả đất có hình cầu và chuyển động quanh trục của nó cũng như xoay quanh mặt trời, nhận thức con người về một thế giới phẳng đã chấm dứt. 

Nhưng vào đầu thế kỷ 21 này, Thomas Friedman, một ký giả và là một nhà kinh tế học người Mỹ đã thuyết phục chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới, một thế giới phẳng về mặt kinh tế hay nói cách khác là thế giới chúng ta đang sống ngày càng trở nên nhỏ. 

Thế giới của Friedman phẳng nhờ những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.  Sự ứng dụng rộng rãi mang tính chất toàn cầu của phần mềm Windows của Microsoft, sự phổ cập rộng rãi của mạng toàn cầu (world wide web) cùng với sự ra đời vĩ đại của Internet đã đưa thế giới xích lại gần nhau hơn. Mặt khác sự phân chia lao động rộng rãi xuyên quốc gia đang xảy ra trên toàn cầu khi con người ta di dân và làm việc qua lại trên nhiều quốc gia khác nhau . Khái niệm toàn cầu hóa mở trang báo nào ra cũng thấy.   Những yếu tố đó đã làm thế giới ngày càng nhỏ lại và phẳng ra. 

Tuy nhiên, khái niệm thế giới phẳng mới này chỉ phẳng về mặt kinh tế nhưng là một thế giới không hề phẳng về các giá trị triết học, đạo đức, văn hoá và thẩm mỹ.

Chợt nhận ra cái gia đình nhỏ của mình như cũng đang tan đi trong cái thế giới phẳng mới này, hòa vào dòng chảy không ngừng của nước Mỹ tiến về giấc mơ Mỹ (American dream).  Hàng ngày ra đường, đi làm ... gặp mọi người lại cười và được nghe và chào hỏi những câu cửa miệng:  How are you doing? What's up?  Whatcha doin?  Hôm nay thế nào?  Mọi người ổn chứ? ...  Ừ, rất ổn, rất tốt, trên cả tuyệt vời, cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn người Mỹ.  Đang được rất nhiều nhưng cũng mất rất nhiều.  Để đi lên phía trước mỗi người đều phải để lại đoạn đường phía sau. 


tpt

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận