MB425 – Pulao Bidong Thiên Đường Tỵ Nạn

Nếu có ai hỏi là nơi nào mà tui nhớ nhất trong đời thì tui nhất định sẽ trả lời liền mà không cần suy nghĩ – hòn đảo tỵ nạn Bidong. Với những người tỵ nạn đi tìm sự sống mong manh trong cái chết gần kề rõ ràng trước mắt thì chuyện đến được Bidong như là một phép lạ nhiệm màu như được sống lại.

Những ngày dài lênh đênh trên biển cả không biết đến ngay mai, nhất là khi mình biết ra là tụi lái tàu cũng chẳng biết mô tê gì hết chỉ đâm thẳng phía Nam mà đi. Nếu như không có tàu hải ngọai hoặc giàn khoan cứu giúp thì chết chắc rồi. Sau này tui mới biết là có rất nhiều tàu nhân đạo và đại diện Liêp Hiệp Quốc đã cổ động việc cứu vớt người tỵ nạn biển Đông. Trên chiếc tàu nhỏ bé dài hơn 12m có 105 người với thực phẩm và nước uống không đủ cho một ngày dự trữ. Rồi ngày thứ hai trên biển, tàu bị cướp biển rượt chạy may là lúc đó trời vừa tối nên tàu tui tắt đèn chạy thẳng hết ga. Chạy khoảng một lúc thì tàu bị hư một máy nhưng cũng may tàu cướp mất dạng. Chưa bao giờ tui thấy trời tối thui như mực như cái đêm hôm đó và tưởng như là định mệnh của người thân và tui xong rồi. Rồi những lúc thằng Tùng vội vã mang xuống vài chiếc bánh sữa rồi cả chút mật ong cho em tui. Nó dám lấy cắp cả mật ong của tụi chủ tàu thì chuyện xém bị liệng xuống biển là tất nhiên rồi. Tình người trong cái chết kề bên và chậm chạp trước mắt lúc này thực đậm đà. Đôi lúc vì quá tuyệt vọng tui cũng muốn quay xuống nói với hai em tui đôi lời mà ngập ngừng không dám nói. Nói gì đây để cho tụi nó cu~ng tuyệt vọng ư? Thà là không biết gì còn hơn biết có phải không? Nhiều lúc nghĩ lại, tui cũng buồn lắm vì tui nghĩ có lẽ vì tui một phần mà Tùng không được may mắn lắm sau này. Nếu nó ở lại Việt nam có lẽ đã là một kỹ sư cơ khí thượng thặng rồi. Nhưng thôi, hãy trở lại với hòn đảo Bidong thần tiên của những người tỵ nạn Việt nam.


Từ xa trên chiếc tàu trở bọn tui vào Bidong, nhấp nhô những bóng người chạy ra chào đón. Nhiều người lắm, sau này tui mới biết, ngày nào ở Bidong hễ cứ thấy tàu vô là dân ở đây chạy ùa ra. Người thì lo kiếm bà con bạn bè, kẻ thì tò mò hỏi thăm tàu từ đâu tới, còn số lớn thì sẵn không chuyện gì làm ra coi cho vui. Tàu vô Bidong nhiều lắm. Gần như ngày nào cũng có một hoặc hai chiếc. Lúc đi vọ tui thấy mấy người trên đảo ai cũng bịt mũi hoặc tránh xa. Sau này thì mới hiểu là tụi tui lúc đó bốc mùi dữ lắm. Ở trên tàu gần bảy ngày ăn ngủ tiêu tiểu ói mửa cũng một chỗ mà. Có điều lúc trên biển thì đâu ai còn hơi sức nghĩ gì đâu. Vứa lên bờ thì họ cấp cho chút đồ ăn và quần áo. Những chiếc áo T-shirt đủ màu và quần xả lỏng cũ rích được tụi tui chiếu cố vồn vã. Ai mà mập mạp một chút thì tha hồ có đồ để chọn. Có điều những người tỵ nạn như tụi tui đa số là size extra small không thành thử kiếm đồ vừa cỡ hiếm lắm. Lấy quần áo xong, đi ra ngoài gặp hàng quán cà phê xập xình nhạc vàng coi thiệt bắt mắt. Những chiếc máy cassette kồng kềnh bự ngang cỡ người với đủ lọai nút bấm xanh đỏ nhỏ to hồi đó từ Việt nam có thấy bao giờ. Rồi hơn 10 năm nay mới được nghe nhạc vàng trước 75 thiệt là đã cái tai. Rồi đài BBC nói tiếng Việt ào ào nữa chứ. Hàng quán nào cũng đầy người ăn uống, nhấp nháp cà phê, tán dóc lung tung, hoặc phì phà điếu thuốc cán. Coi bộ ở đây giầu và vui hơn Sàigon nhiều ha. Tùng và tui hai đứa vui lắm. Hai thằng cứ chạy hết từ chỗ này qua góc nọ. Cái hòn đảo Bidong nhỏ chút xíu mà bọn tui cứ tưởng nó lớn hơn cả Sàigon.

Đến được mấy bữa thì tui biết là có nhiều nước cử phái đoàn tới phỏng vấn người tỵ nạn. Những người có diện làm cho chính phủ hoặc quân đội miền Nam trước năm 75 thì chắc chắn được Mỹ phỏng vấn. Úc và Canada cũng nhận nhiều người lắm. Gần như nếu ai sống ở Sàigon thì chắc chắn sẽ được Úc hoặc Canada nhận. Những nước này thích nhận người trí thức mà. Họ cũng nhận những người trẻ trung và có vẻ hiền lành. Những nước khác như Đúc, Pháp, Anh thì dè dặt hơn. Nếu không có bà con thân thích hoặc biết tiếng nước họ thì rất là khó khăn. Rồi thiên hạ đồn đủ thứ chuyện. Người nói đi Úc là sướng nhất, qua đó nó cấp tiền trợ cấp mỗi tháng khỏi đi làm. Kẻ thì bảo Canada nó cho không một căn nhà bự lắm. Đa số thì nói Mỹ chắc chắn hơn. Qua đó có Foodxìtem ăn thả giàn. Có điều Mỹ làm thủ tục lâu hơn. Như gia đình bác Q. là trung tá ngụy mà chọn đi Úc vì thủ tục lẹ hơn. Có ai biết đâu là bác đi thành phố Perth mà sau này tui có hận hạnh ghé qua. Tùng và tui thì không chọn lựa gì hết. Mình là gia đình ngụy quyền thì đi Mỹ thôi. Khỏi phải điền đơn nước nào khác. Lúc lên phỏng vấn có một ông Mỹ khoảng ba mươi mấy tuổi gì đó với một người thông dịch viên. Có ai ngờ ổng hỏi tui thẳng bằng tiếng Việt ngọt lơ. Hóa ra là lúc trước ổng đi lính trong Nam nên biết tiếng Việt kha khá. Xong phỏng vấn thì Tùng và tui hết chuyện để làm. Hai đứa chờ ngày tàu đưa ra trại chuyển tiếp Sungei Besi để lên đường đi Mỹ. Tùng nói tui là sang đến Mỹ là khỏe re rồi, đâu còn gì mà phải lo lắng nữa. Đúng là hai đứa ngây thơ mà. Ở trên đảo nhiều lúc cần tiền, tụi tui cũng túng thiếu lắm. Rồi Tùng và tui thay phiên nhay viết mấy lá thư gửi người thân bên Mỹ đòi đủ thứ . Nhiều lúc còn hăm he đe dọa nữa chứ. Nói là tại sao mấy người bên đó giàu có mà một trăm đô la cũng tiếc gửi qua trại tỵ nạn. Sau này khi qua Mỹ đi làm rửa chén nhà hàng ba đồng rưỡi một giờ thì lúc đó muốn xin lỗi cũng muộn rồi.

Ở trên đảo cũng có nhiều người hơn 1 năm hoặc nhiều hơn nữa. Những người này thường là có lỳ lịch không trong sáng hoặc vi phạm tội gì đó. Ở trên đảo Bidong đâu ai phải làm gì đâu nên ở không sanh ra đủ thứ chuyện. Trộm cắp, đánh nhau là thường. Có đám còn lấy cắp dầu cồn từ bịnh viện ra, rủ nhau uống say lăn ra 3 thằng chết còn mấy đứa nữa phải vô rửa ruột. Mã Lai cấm uống rượu và ăn thịt heo mà. Nghe nói sau này lúc trại tỵ nạn Mã Lai đóng cửa, đâu cũng hơn ngàn người từ Bidong được trả về Việt Nam.

Ngày nào cũng có tàu đưa người ra Sungei Besi hết. Mỗi lần tau ra đi, phóng loa trên đảo lại hát bài “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu trắng lê thê..” Ở trên đảo khoảng hai ba tháng trở lên, ai mà có người yêu hoặc người thân ra đi trước thì nghe buồn hết biết. Nhân chuyện mới nói nha, trên đảo dân số con trai gấp mười lần con gái nên mấy thằng choai choai tụi tui bày truyện tranh nhau tán gái. Lúc đầu là bởi vì không có mấy chuyện gì để làm. Nhưng phần lớn là thấy ai cũng cua gái thì minh tập theo. Có điều tui thì không được mấy may mắn gì đâu. Hôm đầu tiên gặp Đoan Trang rồi tới nhà bả chơi dù lúc đó chưa tình ý gì nhưng mà tui cũng tính từ từ để ý. Vừa bước dô cửa, thấy một chàng trai cỡ ba mươi tưởi vạm vỡ rắn chắc bước ra ném cho hai đứa tui cặp mắt Trương Phi làm tui rụng rời tay chân. Cái thằng bé nhỏ tội nghiệp nó lặn sâu tuột tận vô trong làm tui tưởng mình phải đổi tên rồi chứ. Nghĩ tới mà sợ thiệt nên từ đó về sau, mỗi lần gặp ĐT, đầu óc tui thiệt sự không còn một chút xíu gì gọi là attraction nữa. Hoa mà có chủ thứ dữ rồi thì tui chịu, nhất định không nhào vô nữa ...

Chiều chiều thì hai thằng rủ nhau đi uống cà phê, nghe đánh đàn. Sang mà, tiền người thân từ Mỹ gửi qua để làm gì. Cặp anh em họ Ngô đó, đêm nào cũng đàn hát với bọn tui vui lắm. Cái chiều xế bóng bên bãi biển, nghe sóng vỗ dập dờn, nhắp nháp ly cà phê, ngắm trăng sao lấp lánh, rồi thưởng thức bài “Buồn ơi ta xin chào mi… Khi người yêu đã bỏ ta đi…” nghe thiệt là mùi. Kể cũng buồn cười, hồi đó tui đã có người yêu gì đâu, chỉ có người tình trong mộng 11A4 thôi mà cũng bày đặt suy nghĩ mông lung “Buồn ơi ta xin chào mi… khi KT đã bỏ ta đi…” mà thiệt sự là tui ra đi mà không một lời từ giã mà… Nói chung chung thì hoàn cảnh và tâm sự làm tụi con trai tập tành yêu đương thương nhớ bậy bạ. Có người còn nói, giờ này ở đây mà không lo kiếm mảnh số 2 thì qua tới Mỹ đâu còn có cơ hội nữa. Nếu lấy Mỹ thì nó bự xác chắc dập mình phù mỏ qua’.


Cuối cùng thì cơ hội cũng đến với tui. Khoảng một tháng trước lúc lên Sungei Besi thì cô em họ tui gặp người quen. Em tui học lớp 11 năm đó rồi. Nó gặp một cô bạn khác lớp đi cùng gia đình. Hai đứa nói chuyện hồi lâu rồi quen thân nên hay đi lại với nhau lắm. Lần đầu gặp KL thì cũng không có gì. Nhưng lâu ngày thì quen thân nên mỗi lúc qua nhà, KL kêu tui anh Vũ ngọt xớt. Rồi có đôi lúc hình như cô nàng nhìn tui bằng cặp mắt long lanh đầy ý nghĩa. Hay là đầu óc tui bị truyền nhiễm bịnh yêu đương rồi nên nghĩ vậy. Tụi bạn tui còn bàn thêm là KL thích tui đó sao hổng chịu nhào vô. Chuyện chưa đâu tới đâu thì mấy hôm sau em họ tui và cả gia đình KL rời đảo trước đi Sungei Besi. Em ho tui theo diện minor nên đi trước. Còn gia đinh KL thì tới trước bọn tui khoảng nửa tháng và cũng theo diện đi Mỹ.

Mọi người đi hết rồi thì tui mới cảm thấy buồn buồn. Tui chợt nhớ đã mất đi giọng nói ngọt ngào mỗi buổi sáng khi KL ghé qua thăm nhà tui. Mà hồi đầu thì tui thiệt bực mình nha vì bọn con trai hay thức khuya nên lười dậy sớm. Rồi cặp mắt đen láy kia lâu lâu nhìn tui chăm chú. Rồi những tiếng gọi “nè anh Vũ” nghe bùi bùi làm sao. Mỗi chiều hoàng hôn trêni bãi biển Bidong “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về..” bây giờ nghe thiệt là thấm thía. Lúc này tui mới hiểu ra là mình sớm đã biết si tình rồi. Yêu thì chưa nói được câu nào nhưng khi người ta đi rồi thì biết thương biết nhớ. Chiều chiều Tùng và tui hai thằng không nói một lời nhìn sóng biển vỗ rạt rào mà lòng hai đứa không biết đi về đâu. Có ai biết hai chàng trai Trưng Vương năm xưa lúc này bên đảo Bidong đã biết yêu biết nhớ rồi không? Xa xa phía bên kia cầu Jetty, ĐT cũng vẫy tay vĩnh biệt ngưới bạn yêu dấu. Về sau này đôi lúc tui thấy ĐT khóc nhiều lắm nhưng cũng không biết nói gì hơn. Nhìn bầu trời đêm Bidong hom đó thăm thẳm, tui nhủ thầm khi gặp lại ở Sungei Besi sẽ không để cơ hội này vụt mất bay đi..

NTPhiVu

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận