TIP

Friday. Xong lớp ESL, vừa về đến nhà ông bác, nơi gia đình hắn đang ở nhờ sau bốn tháng mới đến Mỹ, hắn vội chuẩn bị để kịp giờ đi làm tối. Hắn làm busboy cho một nhà hàng trong vùng, cách nhà ông bác chỉ độ mươi phút đi .. bộ. Bà bác quen với Roger, ông chủ tiệm, nên hắn được nhận vào ngay. Dù chỉ mới sang được ba, bốn tháng, English chưa được một lon dằn bụng, nhưng hắn vẫn liều. Tánh hắn không thích ngồi một chỗ, và càng không thích chờ người khác làm cho mình, nếu tự hắn có thể làm được. Hơn nữa, chỉ có lao vào làm, lăn vào cuộc sống thì mới nhập vào xứ này được. Chẳng những thế, gia đình hắn bây giờ cần việc làm để ổn định càng nhanh càng tốt, đỡ gánh nặng phần nào cho gia đình người bác đã có công bảo lãnh sang đây. Nghĩ thế nên hắn không một chút đắn đo khi đi xin việc ở nhà hàng ấy. Hắn được trả mức lương tối thiểu thời bấy giờ: $4.25/giờ. Với hắn, thế là nhiều lắm. Chưa bao giờ đi làm, bây giờ có lương, lại là tiền đô! Hắn vui. Mỗi tuần hắn làm hai tối Friday và Saturday, từ 5PM đến 10PM, khi tiệm đóng cửa. Chỉ trong vòng hai tuần là hắn đã quen việc và nhanh nhẹn hơn. Giao tiếp thì khá lên đôi chút, dù nhiều khi thực khách nói hắn không hiểu hoàn toàn và chắc chắn là hắn nói thì thực khách cũng không hiểu bao nhiêu.

Le Chalet Basque, là một nhà hàng Âu, nấu theo goût Pháp và Tây Ban Nha. Nhà hàng này được khai trương từ 1962, lúc bấy giờ Roger là đầu bếp chính. Sau này ông đã mua lại nhà hàng và cả gia đình ông điều hành nhà hàng này đến hôm nay. Le Chalet Basque không nhỏ, cũng không quá to. Nó vừa phải, nằm gọn ghẽ bên con lộ San Pedro ở thành phố San Rafael, phía bắc San Francisco. Cái bờ tường rào bao bọc nhà hàng gợi nhớ trong hắn một ngôi nhà ven biển xa xưa. Ngoài sân, Le Chalet Basque có khoảng mười bàn theo đúng phong cách nhà hàng Âu, luôn để thực khách thưởng thức bữa ăn ngoài trời thoáng mát. Bên trong, nhà hàng có hai phòng ăn, mỗi phòng mười hai bàn, mỗi bàn có thể phục vụ bốn người ăn. Nhà hàng còn có thêm một bar rượu, là điều không thể thiếu ở bất kỳ nhà hàng Âu nào. Bob, bartender, rất vui tính, là người ở lại sau cùng để đóng cửa tiệm.

Một buổi tối ở Le Chalet Basque với hắn bắt đầu khi hắn bước vào bếp. Treo cái jacket lên mắc, bấy giờ là mùa đông, San Rafael khá lạnh. Việc đầu tiên hắn làm là bấm cái thẻ giờ làm, để biết giờ bắt đầu. Khi ra về, bấm một lần nữa, để Roger theo đó mà tính tiền trả lương. Sau khi bấm thẻ xong, hắn vào phòng ăn trên là nơi hắn phục vụ. Hắn sẽ chuẩn bị, bày biện mọi thứ trên bàn ăn, từ dĩa, nĩa, muỗng, dao, lọ tiêu, lọ muối, lọ nến và khăn ăn. Xếp cái khăn ăn đứng như đóa hoa tulip (bây giờ nhà hàng đã đổi cách xếp khăn ăn), hắn mất nửa ngày để tập cho thành thục và có thể xếp nhanh gọn. Xong phần chuẩn bị đó, hắn phải vào bếp kiểm tra lại phần ice-cream, để thực khách biết mà có thể gọi cho tráng miệng. Công việc chính của hắn là khi thực khách ăn xong mỗi món thì hắn phải dọn dĩa, bày set mới. Hoặc khi thực khách đứng lên ra về, thì hắn phải dọn dẹp bàn ăn, và bày set mới. Phải nhanh tay, gọn gàng với thái độ vui vẻ. Những dịp lễ như Lễ Tạ Ơn, Noel, hay những cuối tuần có đội banh 49ers của San Francisco đấu, tiệm rất đông và hắn chạy ướt lưng áo.

Khi ăn xong, thực khách lúc nào cũng để tiền tip trên bàn. Các bà waitress, (Le Chalet Basque thời hắn làm không có waiter mà chỉ có waitress) thường lấy tiền tip bỏ vào một cái box. Cuối ngày khi tiệm đóng cửa, các bà sẽ đổ ra, đếm và chia đều cho waitress và busboy. Hắn rất thích cái khoản tiền tip này, vì không phải đóng thuế. Đêm ít nhất thì cũng độ $15, hôm đông nhất thì hắn được $37. Cứ vào khoảng 9:30PM trở đi, khi thực khách thưa dần thì các bà waitress và hắn thay phiên nhau ăn tối. Nhân viên nhà hàng không bao giờ cần mang đồ ăn nhà đi. Trước khi ông bếp chính ra về, ông cẩn thận cook cho mỗi người một dĩa theo ý của mỗi người. Đây là thời gian hắn lên cân nhiều vì cuối tuần là được ăn cơm Tây. Sau này, khi move xuống Milpitas đi làm công nhân cho hãng điện tử, thì không còn lên cân như thế nữa.

Tối hôm ấy, có bà cụ và hai vợ chồng con gái bà đến ăn, theo như bà kể. Hắn cũng phục vụ như mọi lần. Bà cụ thích nói chuyện, và hắn, phép lịch sự, vui vẻ nghe và góp chuyện, dù English ăn đong của hắn sau bốn tháng ở Mỹ chưa được một đấu. Chả hiểu mặt mũi hắn khờ khạo, khốn khổ ra sao, mà sau khi ăn xong đứng lên ra về, dù con gái bà và chồng cô ấy đã để tiền tip, bà cụ vẫn cứ bỏ vào túi áo hắn một chút, nói:
“This is for you!”
Hắn nhìn bà waitress Lucy, ngầm hỏi phải làm sao.
“Take it, man!” bà Lucy cười nói.
Hắn vội nói cảm ơn rồi đưa bà cụ ra cửa.
Đó là một đêm cuối năm 1989.
….

Đầu năm sau, có người quen giới thiệu, hắn tìm được việc làm ở hãng điện tử lớn trong thành phố Milpitas. Thế là cả nhà hắn phải move và hắn nói lời tạm biệt Roger cùng Le Chalet Basque. Thời gian trôi mau, mới đó mà đã gần 25 năm. Hắn vẫn chưa bước chân trở lại Le Chalet Basque lần nào, dù đôi lần có đi qua. Cuộc đời vốn thế!

Đã từng cầm những đồng tiền tip nhỏ nhoi mà vui, để bây giờ mỗi lần đi ăn, bao giờ hắn cũng để tiền tip. Nhà hàng quen, hắn để tiền tip nhiều hơn. Chẳng phải hắn giàu có gì bởi bản thân vẫn còn cày cục mỗi ngày 10 tiếng, nhưng mỗi khi đặt tiền tip trên bàn ăn, hắn như thấy lại chính hắn những ngày xưa cũ, bên hàng rào của Le Chalet Basque.

Nguyễn Hữu Dũng 12A2

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận