Khuôn Mặt

Thứ mà Duy chán nhất trong công việc hàng ngày là họp hành. Nhất là những cuộc họp của các xếp lớn từ director trở lên. Ở các cuộc họp đó, người ta chỉ nói đến sách lược kinh doanh, đường hướng thị trường, nghĩa là không ăn nhậu gì cụ thể đến công việc hàng ngày của một kỹ sư quèn như Duy. Vì điều lệ của hãng, các xếp lớn phải họp, phải nói, bởi đó là công việc của các quan. Trách nhiệm của kỹ sư như Duy là ngồi nghe, và đặt câu hỏi nếu có. Nhưng đặt câu hỏi thì được gì khi mọi sách lược đã được thượng tầng thông qua cả rồi! Hỏi cho có khí thế dân chủ thế thôi. Công việc thì vẫn là công việc và vẫn phải làm cho kịp thời hạn. Và những điều các xếp nói trong cuộc họp thì cũng đã được thông báo cho toàn bộ nhân viên biết qua các emails và news trên trang web của hãng rồi, đi họp chỉ là hình thức thông báo cá nhân mà ở đó tất cả chỉ gật, một nửa là ngủ gật, nửa kia gật cho qua giờ.

Hôm nay nhóm Duy cũng có một cuộc họp như thế với Vice President. Xếp lớn, VP, còn khá trẻ so với chức vụ, nói năng hoạt bát, sôi động, lôi cuốn, nhưng nhìn khắp phòng họp cũng không ít người ngủ gật. Cuộc họp lại diễn ra lúc 1PM, là cái giờ đại kỵ cho họp hành, bởi vì sau giờ ăn trưa, dù ăn nhiều hay ít, thường ai cũng dễ ngủ gục. Cuộc họp hôm nay, xếp lớn trình bày đường hướng tương lai sau khi sát nhập ba nhóm lớn lại thành một. Dĩ nhiên là rất buồn ngủ, nhưng chẳng lẽ cứ gật gù trước các quan lớn thì kỳ quá! Duy cố gắng chăm chú nghe, để tránh bị phân tâm bởi cơn buồn ngủ, Duy chỉ tập trung vào một điểm duy nhất: khuôn mặt của diễn giả. Bỗng Duy nảy ra một ý tưởng, không biết phải nói thế nào, nhưng ý tưởng đó đủ cho Duy giết thời gian trong cuộc họp dài này.

“Nếu bây giờ, mình giúp đấng Sáng Tạo, sắp xếp lại khuôn mặt con người, mình sẽ làm sao?”

Trước hết, ta cần phải nghiên cứu version đang có. Cái khuôn mặt con người hiện nay với đầu tóc, mắt, tai, mũi và miệng, là nơi tập trung tiếp nhận thông tin cho các cơ quan: thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Có thể nói khuôn mặt chính là I/O interface của cơ thể chúng ta. Nghĩa là cần có, là bắt buộc phải đủ từng ấy thứ. Đôi mắt, hai tai, mũi và miệng. Trong số này, thì tóc gần như không giữ vai trò quan trọng ngoài việc trang điểm cho khuôn mặt. Rất nhiều người không có tóc mà vẫn bình thường. Thế ngày mai xuống tóc nhé? Để xem sao.

Đôi mắt. Không có đôi mắt, sẽ không nhìn nhận được thứ gì trên thế gian này ngoài một màu đen. Không có đôi mắt, hình ảnh trở thành vô nghĩa. Không có đôi mắt, Canon, Nikon, Sony, Fuji, Leica … sẽ không tồn tại. Nhưng tại sao phải cần tới một đôi, mà không chỉ là một như một miệng? Một con mắt lớn, theo kiểu mắt cá (fish-eye) là có thể nhìn được mọi thứ, cần chi tới hai con mắt! Và rồi, tại sao cần có mi mắt, lông mi và lông mày? Che chở cho mắt? Cá đâu có mi mắt! Vậy lúc chết cứ cho mở mắt trừng trừng như cá nhé!

Tai. Cũng lại có hai cái. Ừ, thì cũng có lý, vì ở hai bên mang tai. Nhưng thêm cái vành tai làm chi cho … dư thừa? Chỉ cần cái lỗ nhỏ có đủ không? Nhiều vành tai cứ vểnh lên trông kỳ chứ không đẹp.
Mũi. Nếu chỉ để thở thì miệng cũng làm được chức năng này. Để ngửi thì cũng chỉ cần một lỗ chứ không tốn chỗ làm chi cho hai lỗ mũi. Và tại sao phải có cái sống mũi? Dựng cái sống mũi lên làm chi để rồi có người phải mang mũi tẹt, như Duy đấy, thế là không công bằng!

Miệng. Là nơi nạp năng lượng kiêm luôn chức năng của cơ quan ngôn luận, chưa kể một chức năng kích thích tim mạch: hôn. Và miệng cũng đâu chỉ là nơi biết mở ra và đóng lại! Còn có đôi môi, rồi lưỡi và bao nhiêu là răng với răng. Lưỡi chỉ có một mà sao răng lắm thế! Chỉ cần hai cái răng lớn cho mỗi hàm thôi, có tiện không?

Với những suy nghĩ đó, Duy bắt tay vào việc sắp xếp lại khuôn mặt sao cho hiệu quả hơn và không lãng phí … nguyên vật liệu. Một khuôn mặt không tóc, với một con mắt lớn theo kiểu mắt cá, hai tai là hai lỗ nhỏ, một lỗ mũi nhỏ và cái miệng với chỉ hai cái răng lớn dài suốt hàm. Giản tiện đến mức tối đa rồi đấy!

“Nhưng mà … gớm quá! Là thứ gì chớ chả phải người nữa.”

“Gớm gì! Nhìn mãi rồi sẽ quen mắt thôi và sẽ thấy đẹp!”

Ừ! Cái gì nhìn mãi cũng sẽ quen mắt và khi quen mắt rồi ta không còn thấy hãi nữa. Sau khi loài khủng long bị xóa sổ, đấng Sáng Tạo đã cho ra version mới là con người hiện này, thì có lẽ, khủng long nhìn con người cũng đã từng thốt lên điều tương tự.

“Gớm quá! Là thứ gì chứ chẳng phải khủng long!”

Đúng thế! Nhìn mãi rồi sẽ quen. Quen rồi sẽ thấy đẹp bởi cái gì đơn giản cũng đẹp.

“Thế nhưng …”

“Còn nhưng nhị gì nữa?”

Ừ, đơn giản là tốt nhưng đơn giản đến mức tối thiểu thì không còn chỗ cho sự đa dạng. Khuôn mặt mà Duy vừa sắp xếp lại không có chỗ cho hai chữ “phong phú” dung thân. Nếu thế gian này có cả tỷ người mang khuôn mặt Duy mới sắp xếp lại thì sẽ chẳng phân biệt nỗi ai với ai bởi ai cũng giống ai cả. Tỷ người như một. Nhớ nhung sẽ chết mòn. Tương tư không tồn tại. Mọi người nhìn nhau như đang soi gương chính mình. Thương nhớ không nơi bấu víu. Hội họa, âm nhạc, nghệ thuật sẽ lụi tàn. Duy thấy lạnh gáy!

Thốt nhiên, Duy nhớ đến nàng! Nhớ mái tóc mà chỉ nhìn sau lưng từ xa, Duy vẫn không lẫn với ai khác. Nhớ đôi mắt đẹp biết cười đã theo Duy suốt những năm tháng xa nhau. Nhớ đôi tai nhỏ nhắn dễ thương mà Duy thích cắn nhẹ mỗi khi gần nhau. Và nhớ ơi, đôi môi!

“Thưa Người! Đây có thể chưa hẳn là verion hoàn hảo nhất, nhưng không thể đơn giản hơn được.  Cần như thế để thế gian này tồn tại.”
….

“Hey, wake up and get back to work!”

“Oh, ok!”

Haidzzzz! Đã bảo là cố không ngủ gật trong cuộc họp rồi mà!

Nguyễn Hữu Dũng

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận