Chuyện kỳ thị ở Mỹ (4)


Florida, tiểu bang khung trời đầy nắng ấm, hoa lá cây cối thảo dược hòa lẫn với hàng ngàn cây số bờ biển cát đường trắng mịn. Lần đầu tiên ra tắm biển ở Florida, cát trắng toát như tuyết làm mình liền nhớ đến cồn đảo An Thới Phú Quốc, chốn thiên đàng hạ giới mà mình đã lạc vào trước khi rời VN. Khi cát đường dính chân, khó mà giũ hết được. Thế là Florida trở thành quê hương thứ hai của thằng ngố.
Khi còn thời niên thiếu, nơi giao thiệp trong xã hội nhiều nhất là học đường, mà nói đến học đường ở Florida thì không thể nào quên được người thầy độc nhất vô nhị của thằng ngố. Mrs. Mauldin, người gốc Tô Cách Lan, có mái tóc đỏ hoe nảy lửa (fiery redhead) và làn da đầy tàn nhang như sao trên trời ngày thiếu trăng. Lần đầu tiên gặp mặt liền hình dung ngay đến Kim Mao Sư Vương. Hôm đó người từ văn phòng đưa mình đến trước lớp, gõ cửa thì thấy một bà giáo tay vịn vai một đứa nhỏ đi trước bước ra. Sau khi nghe người trên văn phòng giới thiệu, bà giáo liền hỏi tên thằng ngố. Sau khi nghe tên và lập lại, người từ văn phòng lại đẩy mình tới trước, cái bà vô duyên liền đưa tay ra sờ mặt mình. Thật là xấu hổ hôm đó. Tít tịt thò lò mũi xanh, người mang tật lúc nào mũi cũng ướt đẫm vì allergy, chưa kịp chùi thì lại bị bà mó phải. Bà chỉ mỉm cười và tiếp tục đụng tới miệng và xuống tới cằm, sau đó xoa sang hai má. Bà thọc tay vào túi, lấy khăn lau tay và gọi mình theo vô lớp. Thì ra bà hoàn toàn mù đôi mắt.
Bà đặt mình ngồi bên cánh phải của lớp, xóm nhà lá ghetto, ngay gần thằng Frederick kiêu căng, con Tammy nết na, con Gina lì lợm và thằng Keith khoác lác, tất cả đều là da đen. Đây là lần đầu tiên trong đời mình tiếp xúc trực tiếp với trẻ con Mỹ đen không kể đến Ban. Lớp Mrs. Mauldin thì rất ư là vui nhộn nhưng vẫn giữ được khuôn phép trật tự tối đa. Tếu lắm, khi giảng bài, nếu bà hỏi, thì học sinh nhôn nhao lên reo tên mình để được bà cho phép trả lời. Nhưng chưa chắc ngậm miệng là được thoát. Mỗi đầu tuần, bà chọn một số học sinh làm thêm việc giúp bà giữ trật tự. Đứa thì phải để bà đặt tay lên vai dẫn bà đi khắp nơi trong trường khi cần. Kẻ phải ghi tên những đứa nghịch ngợm trong lớp khi yên lặng làm bài và cộng thêm hai đứa trai gái làm giám thị khi đi restroom. Sau giờ trưa bà có một người phụ tá đến giúp bà chấm bài và thu dọn lớp.
Lúc đầu học được mấy tuần, mình đang mừng khôn tả vì bà giáo mù nên không lo bị bắt trả lời như trong lớp bà Behan, thà hồ mà chơi hay ngủ. Có một lần, khi mất một thời gian hơi lâu để giảng dạy và cắt nghĩa một đề tài, bà hỏi một câu cũng khá khó, khó đến nỗi cô bé da trắng tóc nâu Karen, (Hìhì.. Mê the smart alec, miss knows it all) học sinh xuất sắc lúc ấy cũng không biết trả lời. Cả lớp đều yên lặng, một lát sau, bà liền gọi tên thằng ngố. Mình trả lời thì được bà nói, “Phải.” Đang mừng thầm vì trả trả lời đúng nhưng lại bị bà la cho một vố và học từ bà được một bài học đích đáng nhớ đời. Bà mắng, “Mày không tôn trọng bà giáo mù này, biết câu trả lời mà không lên tiếng, không biết giúp người tàn tật. Ở xã hội Mỹ này, khi cần phải làm việc gì hoặc lên tiếng để có lợi ích cho mọi người thì phải làm, giữ riêng cho mình là ích kỷ.” Bị bà giáo mắng thì cũng đúng một phần, nhưng hơi oan một tí vì bà đâu có biết là thằng ngố ngay từ ngày đầu lúc nào cũng bị thằng Frederick quái quỷ chọc ghẹo. Ngày nào nó cũng tìm cớ làm mình tức. Hôm thì chê quần áo cũ hôi mặc lại hoài và lôi thôi, hôm thì ở dơ mắt đầy ghèn, mũi thò lò, mồm thối như stinkin’ fish (Híhí.. Chắc vì ăn mắm tôm, cá khô và húp nước mắm cả đời.) Nhưng tức nhất là khi nghe mình nói chuyện với mấy đứa khác hay trả lời bà Mauldin thì sau đó nó lại nhái dọng, chọc vấp lỗi văn phạm và cách phát âm khoét tai của thằng rờ bougie mới sang Mỹ được hơn hai năm. Nghĩ lại mới biết lý do nó ghét mình. Nó ghét sau khi khoe portfolio tập vẽ đầy hình hí họa học mót thì không được mình khen. Khen sao được, so với Ban nó kém xa một trời một vực. Ghen khi thấy mình ra sân chơi, chạy nhảy đua, chơi banh thắng được thằng Keith và con Gina dễ dàng. Còn sang lớp toán của ông Urquhart thì tụi nó thua mình xa lắc xa lơ. Nó tưởng nó giỏi đủ để đấu ngang hàng với Karen, nhưng cả hai đều bị mình đo ván nhiều lần. (Hehe…Tụi nó đâu biết thằng ngố ăn gian, được rút tuổi.) Ông Urquhart có tật là ngay sau khi thi, bài mới nộp của đứa đầu tiên là ông chấm liền. Mình lúc nào cũng nộp trước, ông chấm song là khen, “Pupils, all these junks are easy (pause for a second then follow), if you understand! He makes 100 again.” Nhưng có lẽ nó hận nhất là khi nghe cô bé Tammy khen và bênh mình, “Mày không thích nó vì nó giỏi hơn mày hết mọi thứ.” Và vì nó thích Tammy! Mà Tammy thì lại thích thằng ngố.
Side note - Mình thì chẳng biết gì mãi đến năm 2010 vừa rồi, khi tới bưu điện ở Parker để khiếu nại vì cái hard drive thất lạc khi gửi về VN cho Chị Chi. Đang phân bua với một nhân viên bưu điện thì Tammy, là manager, chạy ra và nói, “Hi Huan, còn nhớ tôi không?” Mình thì lắc đầu vì không nhận ra. Tammy mặt tỏ lộ hơi buồn và nói, “Tammy đây. Tôi lúc nào cũng nhớ đến tên VN giỏi nhất lớp. Bạn là người tôi biết thông minh nhất. Trong lớp bà mù, Huan lúc nào cũng làm điểm cao và nói nhiều chuyện vui thú. Sau này, tôi nhớ kỳ thi Vật Lý (Physics Quiz Bowl) đầu tiên ở Gulf Coast, bạn giúp đội Bay High thắng đội tôi, Karen và tụi Mosley (trường khác trong vùng). Gần đây, khi nghe nhiều người da đen ở đây khen và nhắc đến Bác Sĩ Vũ ở nhà thương, tôi biết chắc đúng là bạn.” Khi nghe Tammy nói, mình nhận ra Tammy và cảm thấy quê quá phải đính chính, “Không phải là tôi đâu, đó là anh tôi hay đứa em cùng tên đó. Tôi hiện tại chỉ ở nhà coi bốn đứa con.” Sau khi hàn huyên một chập, trước khi chia tay, Tammy nói, “Nói với vợ của Huan, cô là người diễm phúc nhất đời, có được người chồng khôn ngoan ở nhà dạy dỗ trông nom các con.” Kể đến đoạn này thì cũng hơi nhột và gượng, nhưng phải kể để con cháu biết. Người chủng tộc khác đều cũng có cảm nghĩ, tình cảm và mộng ước như người Việt, chẳng khác một chút gì.
Trở lại chuyện kỳ thị. Ba đứa, thằng Frederick, thằng Keith và con Gina thì ghét ghét đắng thằng ngố và kiếm đủ cớ để trêu. Một hôm, sau giờ học dài và đến lúc được đi tiểu, thằng Keith ranh mãnh, nó lén đợi thằng ngố đang đứng đái thì nó vươn người tới ngắm xem ‘Bác Hồ sống trong quần chúng’ của thằng ngố. (Biết vậy lúc đó quay ra tè thẳng vào mặt nó.) Thằng bố láo, bắt chước Ba Tầu tìm ẩn tướng của Mạc Đĩnh Chi. (Xin đừng hiểu lầm là mình tự so sánh với Lưỡng Quốc Trạng Nguyên nhá, tổn thọ lắm đó) Sau đó nó quay ra nói với thằng Frederick, “Của nó cũng đen, nhưng lạ lắm, nhỏ mà lại không có đầu!” Thằng ngu ngốc, không biết chim VN không bị cạo lông cắt bì. Thằng Frederick thì được cơ hội nghìn năm một thuở, rú lên cười, “Haha…Chinese has no head!” (Hìhì…Hay là lúc đó nó nói ‘tiny’) Thằng ngố lồng lộn lên kiếm cách trả đũa, liền nói, “Còn hơn mày, đồ ngu cu đen mà tên lại là chim đỏ ‘red dick’!” Không ngờ cú võ miệng tầm thường lại làm nó điên tiết. Thằng hèn liền xúi thằng Kieth cùng với nó đánh mình. Thằng Keith thì còn hơi ngán nên chỉ dọa, “Tao biết võ karate, mày mà đến là tao đánh.” Xong cũng bày đặt đi múa một đường mèo cào chó cắn. Mình tưởng tụi nó dám ăn thua đủ bèn sừng sộ la lên và liền xuất chiêu song long thần chưởng ra. Nó trúng song chưởng, văng vào tường, la lên và cả hai chạy ra ngoài. Không ngờ tụi nó hèn như vậy, chiêu chẳng gì đặc sắc mà không né được. Ra đến ngoài, gặp con Gina, tụi nó cậy đông không còn sợ nữa. Thằng Frederick liền la lên, “Headless Chinese!” Thằng ngố tức quá quát lại, “You Black! Chicken!” Tammy và cả lớp nghe vậy cười sặc sụa. Con Gina, thứ đồ lì lợm, chẳng ngán một thằng con trai nào trong lớp, liền xông tới trước đòi giao đấu. Nhưng nó sợ khi thấy thằng da trắng phốp pháp Dale đủng đỉnh từ restroom bước ra. Hôm đó, nó lại là giám thị nhà chồ. Mình thì mừng vì tên này cũng chơi với mình, không thân lắm nhưng có lẽ không méc đâu. Bà Mauldin nghe tiếng ồn ào liền bước ra hành lang. Không ngờ cái thằng Dale mách lẻo, nó liền chạy đến bà Mauldin và méc. Nó đểu lắm không kể rõ tự sự, chỉ kể mình đánh và chửi thôi. Còn hai đứa kia chỉ gọi thằng ngố là Chinese.
Mrs. Mauldin tức lộn ruột, bà bắt ba đứa ra đứng trước lớp. Trước hết bà mắng mình về tội kỳ thị, dám chửi người ta vì mầu da. Bà nói tiếp, “Dù ai có gọi mình là Chinese hay là gì, nếu không phải thì lo gì. Mà nếu phải đi nữa thì chẳng có đáng gì phải động thủ ẩu đả vì ‘gậy và đá mới đả gẫy xương, lời chửi sẽ chẳng bao giờ hại được mình.’ (Sticks and stones may break my bones, But words will never harm me.)” Một lần nữa thằng ngố bị oan. Mình than với bà, “Nhưng mà nó dám nhìn….” Bà Mauldin bực mình hỏi, “Nhìn gì?” Cố phân bua cũng không được vì đâu có ai tin với lại sợ đám con gái tụi nó cười thí mồ nên ngậm miệng chịu đòn. Không hiểu hôm đó tại sao bà Mauldin sai người đưa hai thằng kia sang cho ông thầy Sewel xử lý cho vài hèo, còn mình thì chính tay bà đánh? Bà bắt đi ra ngoài hành lang, đứng chống tay vào tường và bị đánh ba roi. Sau này với biết, bà chưa hề đánh đứa học sinh nào trước đó. Đòn bà đánh thì chẳng đau gì chỉ tức vì bị oan. Hậm hực đi về chỗ ngồi. Vừa ngồi xuống thì Tammy thỏ thẻ nói, “Kỳ sau gọi tụi nó là N word.” Mình hỏi chữ đó nghĩa là gì đánh vần như thế nào? Tammy thì chỉ nói, “Gọi như vậy tụi nó mới tức.” Và đánh vần chữ đó cho mình nghe.
Tuần sau, đi ăn bữa trưa, mình cố tình đứng đợi để đi sau hàng với thằng Dale. Khi có cơ hội, mình hạch sách và chửi nó là thằng phản bạn. Nó chẳng nói một câu gì, chỉ đợi mình đang không để ý, sucker punch, táng cho mình một quyền ngay mép trên, chảy cả máu. Đang tính đánh lại thì nghe tiếng bà Mauldin phán, “Huan, tại sao mày đi ở sau hàng, không đi trên đây?” Nghi ngờ bà này quá, không ngờ thuận phong nhĩ của bà lại thâm hậu đến độ vậy? Sau này hỏi ra mới biết, thằng Dale thù mình vì hôm lễ Valentines, thằng ngố lỡ, không để ý, lại tặng ngay nó thiệp có hình con heo đang thổi sáo vào bao kẹo của nó. Chữ ký tên rành rành ra đó thảo nào nó thù là phải. Thằng bạn khác, Jimmy mập ú, cũng được tặng con heo khác thì lại lấy làm thích thú. Ngố thật, khi không đi mua Walt Disney’s Three Little Pigs Valentines cards!

Sau này, một lần đi qua Texas trên đường đi nhận việc ở Intel Phoenix, Arizona, bị hai tên gác biên giới bắt giữ. Một tên cầm súng nhắm mình, một tên hỏi giấy tờ. Trong khi hỏi, nó dùng câu tục tĩu Tây Ban Nha (….ga tu madre) để trêu gan mình. Nhớ lời khuyên của Mrs. Mauldin, hôm đó thằng ngố ngậm miệng không một lời phản kháng.




Dạo đó, Bà Mauldin và ông Urquhart (Đến bây giờ, nhắc tên ông, mình vẫn không nhịn cười được vì hồi đó gọi ổng là Ông Ớ Quạc và khi thấy quảng cáo con vịt Aflac nó kêu quạc quạc thì không thể nào nín được) làm đơn cho trường đem thằng ngố đi thử IQ test. Chẳng biết họ đo hay xác định như thế nào, chỉ thấy đưa một đống bài thi. Mất cả một ngày hỏi tùm lum, đọc chẳng hiểu con khỉ khô gì. Chỉ thấy câu nào có hình và số thì làm đại. Vài tuần sau, bà Mauldin nói, “Họ chẳng thể nào đo được, thôi không bắt mày đi thì tao mừng.” Mười mấy năm sau, bà cũng dạy thằng cháu. Hôm đó nhận được bức thư ngắn từ bà yêu cầu gặp phụ huynh của nó để bàn đến sự phá phách của nó trong lớp. Mình bèn đi thăm bà. Vừa bước vô lớp, khi nghe tiếng chào bà thì liền hỏi, “Có phải big Huan đấy không?” Mình bật ngửa hỏi, “Sao bà giáo lại biết là con?” Bà không trả lời chỉ cười rồi hỏi, “Đến bây giờ mới thăm bà giáo già này à?” Mình đánh trống lảng và đề cập ngay vào vấn đề thằng cháu Davis Phương. Bà liền nói, “Nó không thể nào có họ hàng gì với mày vì tao dạy thêm hai đứa em ruột của mày, một đứa anh họ, và một đứa cháu họ nữa. Thằng trời đánh thánh đâm này chẳng sợ ai vì bây giờ không ai được phạt đánh đòn nữa. Ta chỉ bắt được nó ngồi ghế riêng một mình ở góc kia kìa.” Mình phải kể và giải thích hoàn cảnh bất hạnh về gia đình nó. Sau khi hai thầy trò chuyện trò một lúc khá lâu, trước khi về bà Mauldin nói, “Về chuyển lời với hai đứa em và các người thân, tôi rất ư là hân hạnh được làm bà giáo của gia đình họ Vũ.” Hôm đó mình đã nói và bây giờ phải lập lại, “Mình hãnh diện được làm học sinh của một bà giáo Mỹ tuyệt vời.”


Mít đặc 12A5

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận