Chiếc bánh chưng


“Xôi nữa ha con?” Dì Tư bán xôi trước cổng trường cười hỏi Tuấn.
“Dạ, dì bán cho con một gói xôi đậu phọng” Tuấn dừng xe đạp lại bên lề đường, và tụt xuống yên sau để cho dễ lấy xôi.
“Hồi hôm dì nấu hơi nhiều, nên cho con thêm chút, ăn cho no, học giỏi nghen con!” Dì Tư miệng nói, tay bới xôi vào miếng lá chuối, rồi rắc chút dừa bào và chút mè. Đôi tay thoăn thoắt gói xôi, miệng cười như lo cho mấy đứa con nhà dì vậy. Thì dì cũng có thằng con trạc tuổi Tuấn, cũng học cùng trường nhưng dưới Tuấn một lớp.
“Dạ, con cảm ơn dì!” Tuấn nhét gói xôi vào túi sách rồi đạp theo đám bạn vào sân trường.
“Cái thằng ngoan mà dễ thương hết sức!” Dì Tư nhìn theo dáng Tuấn mất hút sau cánh cổng trường. Dĩ nhiên là đứa nào thường mua xôi của dì cũng dễ thương và ngoan hết.

Tuấn là một đứa thích của nếp. Nghĩa là món gì dính tới nếp là Tuấn mê. Dĩ nhiên xôi các loại luôn là thứ Tuấn mê mẩn. Mỗi sáng đi học, bữa điểm tâm của Tuấn luôn là xôi, dù chỉ một gói nhỏ. Rất nhiều khi, không có xôi, chỉ thôi cơm nếp thôi, ăn với xì dầu là Tuấn cũng thấy vui rồi. Ngoài xôi ra thì phải kể đến các thứ bánh làm từ nếp như bánh ú, bánh tét và nhất là bánh chưng, thứ nào Tuấn cũng mê. Nghe mẹ kể, khi mới lên 5, Tuấn đã ăn hết một đĩa xôi đậu đen và trái chuối mà mẹ cứ ngỡ là chị người làm ăn vụng rồi đổ cho Tuấn.
Trưa nay tan học, Tuấn phóng vội về nhà chứ không la cà theo đám bạn như mọi ngày. Hôm nay đã là 26 Tết rồi, Tuấn về phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, và còn rửa lá, đãi đậu, giúp mẹ gói bánh. Năm nào cũng thế, Tuấn thấy háo hức với những việc đặc biệt đó, như dấu mốc bắt đầu một năm mới tốt đẹp. Dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các cánh cửa lớn, cửa sổ. Lau chùi, đánh bóng bộ lư thờ, và đôi khi quét lại nước vôi mới.
“Con có áo quần mới diện Tết thì cũng phải cho nhà mình một bộ mới chứ!” Mẹ Tuấn thường nói thế.

Việc dọn dẹp nhà cửa, thường là do Tuấn và em trai là Hùng, cùng làm. Nhỏ em gái, Phương thì phụ mẹ làm dưa món, và gói bánh, nhưng riêng cái việc rửa lá, lau lá, chẻ lạt và đãi đậu thì Tuấn thường phụ trách. Lá dong, mua từ chợ về, rửa vài ba nước cho kỹ. Rửa xong, lại phải lau cho thật sạch, thật khô, không thì bánh dễ bị hư sau này. Rồi gọt sống lá, phân loại và xếp. Những lá nhỏ để lót bên trong, lá lớn để gói bên ngoài. Lạt được chẻ từ ống giang. Lạt cần chẻ mỏng, càng mỏng càng tốt để cắt bánh lúc ăn. Bánh chưng không cắt bằng dao mà phải bằng lạt mới ngon. Lạt gỡ ra, đừng vất vội. Khi bóc bánh, chỉ mở lớp lá trên mặt bánh, rồi đặt từng sợi lạt lên bánh theo hình chữ thập (nếu cắt làm tư tấm bánh) hoặc thêm hai sợi lạt đặt hình chữ X (nếu cắt làm tám). Sau đó úp một chiếc dĩa lên mặt bánh, lật lại, gỡ nốt phần lá còn lại. chiếc bánh nằm trên dĩa mà bốn sợi lát ở dưới. Bấy giờ chỉ cần cầm hai đầu của từng sợi lạt mà xiết và chiếc bánh được cắt tươm tất, ngon lành.
“Tuấn ơi, nhớ rửa cho mẹ cái nồi lớn để còn nấu bánh nha” Bà Lan vừa trộn thịt vừa nhắc con.
“Con mới rửa xong lúc nãy rồi mẹ!” Tuấn vừa chẻ lạt vừa trả lời bà Lan. Chợt thằng Hùng chạy vào nói.
“Mẹ ơi, có ông nào tới!”
Bà Lan ngừng tay, ngẩng lên nhìn, chưa kịp đứng dậy bước ra thì đã thấy người đàn ông ấy đứng ở ngưỡng cửa xuống sân bếp. Cảm xúc lướt qua nhanh và dữ dội như hai giòng nước mắt lăn dài trên gương mặt bà. Vừa thấy thế, Tuấn, đang ngồi đưa lưng ra cửa, vội quay lại và nhận ra ngay. Nó đứng vụt lên.
“Bố!”

Cả nhà Tuấn ôm nhau sụt sùi. Ông Minh, bố Tuấn chỉ lặng im với nụ cười hiền chứ không khóc. Giây lát, như sực nhớ ra, bà Lan nói khẽ.
“Mợ mất rồi anh ơi!”
“Anh biết!” Ông Minh đã nhận ra điều đó khi bước vào nhà, nhìn lên bàn thờ thấy hình nội của Tuấn.
“Chị Cả bảo em giấu anh để anh đừng đau lòng” Bà Lan nói tiếp. Vừa nhắc đến người cô của Tuấn, bà Lan bảo Tuấn.
“Tuấn, con đạp xe qua nhà Cô báo cho Cô biết bố về rồi đi!”
“Dạ, con đi liền!”

Buổi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm và chưa bao giờ Tuấn thấy vui như thế. Có cả cô của Tuấn sang ăn cơm cùng. Mà suốt bữa, cô có ăn đâu, cứ chống đũa mà nhìn bố nó. Ông Minh cứ cười hiền lặng lẽ. Tuấn thấy bố nó thật là đàn ông, cứng rắn, chứ nó thì đã ướt ướt mắt mấy lần rồi. Đã 7 năm qua, từ khi bố đi tù cải tạo, Tuấn cũng mất đi một nửa nụ cười. Nó không còn giỡn như trước đó. Tuấn không giỡn được những khi thấy mẹ nó buồn, Những khi thấy mẹ quay đi chùi vội những giọt nước mắt, Tuấn thấy mặn chát như mỗi khi đau răng bị mẹ bắt ngậm nước muối. Tuấn không buồn ở trường lớp, khi mỗi đầu năm học, phải làm bản sơ yếu lý lịch và những gì nó phải viết về bố. Nó không buồn, đúng hơn, nó cam chịu. Tuấn nhớ bố. Khi ông Minh đi tù, thì Tuấn vừa 10 tuổi, Phương mới hơn 6 tuổi còn thằng Hùng thì đang trong bụng mẹ. Trong ba anh em, Tuấn có nhiều kỷ niệm với bố hơn cả. Và cũng vì thế mà nó buồn hơn khi nhớ bố.
“Ở trường, con có bị khó khăn gì không?” Ông Minh hỏi Tuấn sau bữa cơm tối.
“Dạ không bố.”
Thật sự, Tuấn không bị làm khó dễ gì ở trường. Tuấn cũng có nhiều đứa bạn cùng cảnh ngộ như nó. Đau xót hơn như Chức đã mất bố trong trại tù vì rừng thiêng, nước độc, vì bị đày đọa. Tuấn thường chơi với nhóm bạn này, chia xẻ cho nhau những lúc buồn đau. Và cũng có nhiều thầy cô thương Tuấn và đám bạn nó. Bởi vì các thầy cô ấy cũng là những người ở lại.

Từ hôm ông Minh được trả về, gia đình Tuấn bừng lên sức sống mới. Tuấn thấy như ngôi nhà cũng đẹp hơn những năm trước. Một phần nhờ bàn tay ông Minh sửa sang lại mọi thứ. Khỏi nói, Tuấn cũng biết mẹ nó hạnh phúc chừng nào. Đêm hôm nấu bánh, Tuấn thức suốt bên nồi nước sôi và lửa bập bùng, cùng với ông Minh, hai bố con cứ rù rì cả đêm.
Trưa hôm ba mươi, nhà Tuấn làm cỗ cúng rước ông bà về. Ngày Tết, bữa cỗ ngon nhất luôn là bữa cỗ cúng ngày ba mươi. Dù không còn khá giả như xưa, và mấy năm nay mẹ Tuấn đã tần tảo thu vén để qua ngày, nhưng ngày Tết, bà luôn cố gắng để có mâm cỗ tươm tất cúng ông bà tổ tiên. Bao giờ cũng có đủ 5 bát: miến, bóng, nấm, măng và mực. Mỗi thứ một chút, nhưng luôn có đủ. Tết năm nay có bố về, mâm cỗ như đẹp hơn. Những nén nhang cháy có tàn cong lại mà không rơi, như ông bà bước về chứng giám gia đình Tuấn đoàn tụ.
Ông Minh nâng dĩa bánh chưng đặt lên bàn thờ. Ông thấy nhớ lại một quãng đời đã qua. Nhớ lại thuở mẹ Tuấn, bà Lan mới về và cái Tết đầu tiên bà gói bánh với bà nội của Tuấn. Với tay lấy ba nén nhang, ông bật lửa châm rồi phất tay nhẹ. Ông vái rồi cắm nhang vào bát nhang đựng gạo. Chỉ đến lúc ấy, Tuấn mới thấy bố nó nấc lên.
“Mợ ơi!”

Một tràng pháo nổ giòn ngoài ngõ.

Nguyễn Hữu Dũng 
TV83, 12A2

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận