Cổ tích của tuổi 50
Bờm lờ mờ tỉnh giấc giữa những tiếng beep beep khó chịu phát ra từ chiếc
đồng hồ báo thức. Thò tay tắt vội nút báo thức rồi rụt vào lại trong
chăn, nàng lẩm bẩm rủa, 'thằng cha nào sáng chế cái đồng hồ báo thức này
hình như để tiếng chuông reo ở note F... nghe khó chịu vô cùng '
Trời mùa đông vùng này của Canada vào dịp Giáng sinh lạnh dưới không độ
nên chui ra khỏi chăn ấm mỗi sáng là một cực hình, nhưng nhớ đến gương
mặt nhăn nhó của Chris, anh xếp da đen, Bờm lồm cồm bò dậy. Hai lát bánh
vào lò nướng, ít kem đánh răng lên bàn chải, chỉnh nhiệt độ hoa sen
sang nước nóng, hôm nay vội, không làm ca sĩ phòng tắm. Trạm xe buýt ở
đây gắn kính xung quanh chỉ chừa một khoảng nhỏ thay cửa nhưng cũng đủ
để những cơn gió buốt thấu xương lùa vào. Dù đã mang 3 lớp vớ nhưng cái
lạnh vẫn làm chân Bờm tê nhức mất cảm giác. Nàng chợt nhớ câu chuyện về
những người đi lạc trong tuyết, bị giá buốt đến hư cả một phần chân tay.
Nỗi sợ làm Bờm quên cả ngượng ngập trước những ánh mắt tò mò, cởi giầy,
cởi vớ, kiểm soát những ngón chân khi đã lên được trên xe.
Xe buýt thả Bờm trước khu trung tâm thương mại nơi nàng làm cho một nhà
băng. Rảo bước từ bến xe vào sở, Bờm đang nhìn lối đi với những đống
tuyết được đẩy vun sang hai bên chợt thấy một khoảng trời trong xanh
trông thật ngược ngạo với thời tiết xung quanh và nghe ê ẩm trên lưng.
Vừa đau, vừa tức vì quần áo lấm lem Bờm gượng đứng lên, giọt nước mắt
chợt ứa. Bỗng một bàn tay chìa ra nâng nàng dậy. Một cụ già râu tóc bạc
phơ đỡ nàng vô một băng ghế gần đó
- Con có sao không? Ngồi tạm đây tí nào!
- Cám ơn cụ, cháu chỉ bị một mẻ sợ chứ không sao, thôi để cụ đi lo việc phát quà cho các em bé kẻo muộn
- Hơ hơ, con lầm rồi. Phát quà cho các em là cụ Claus, Santa Claus, đồng nghiệp của lão. Còn lão đây là Bụt, Hiền Như Bụt.
- Cụ làm cháu nhớ mẹ ạ! Trước mẹ cháu vẫn cho ăn sáng, bánh mì chấm hộp sữa có in hình cụ
- À đấy là ông Thọ, hàng xóm của lão
- Ngày xưa, thuở còn đi học cháu cũng có người bạn tên 'Sữa ông Thọ', cũng đẹp như hàng xóm của Bụt
- Này con, ta thấy con hiền lành, phải sống xa gia đình nơi xứ lạ quê
người mà tâm tưởng luôn hướng về những kỷ niệm đẹp với gia đình và bạn
bè. Nay ta cho con 3 điều ước khi nào mong muốn hãy đem ra sử dụng.
Bụt nhìn quanh rồi chợt nhớ, rút từ trong túi đưa cho Bờm 3 cọng giá
- Con cầm lấy, khi con mơ ước gì, nghĩ về điều đó và bẻ 1 cọng, ta sẽ giúp con toại nguyện
- Thưa Bụt, thế có cần chanh ớt, không ạ?
- À không, sáng ta đi ngang California, mùi thơm ngào ngạt đưa ta vào
Phở Factory, ta gói theo mấy cọng giá về giới thiệu với thiên đình. Nay
tiện thể ta hóa phép đưa cho con. Thôi ta đi đây, con nhớ lời ta dặn, cứ
như thế, như thế
Bụt đi rồi, Bờm ngồi thừ người ra một lúc, có điều chi thôi thúc nàng
phải thử ngay một điều ước, giống như người trúng vé số muốn đổi ngay vé
trúng để biết xem thực hay mơ. Biết đâu ông cụ bị Alzheimer, chưa làm
phép đã trao cho mình mấy cọng giá thì chỉ có nước mang về nuôi thỏ!
Trời lạnh thế này thì ước gì mình ở Việt Nam, nhớ những lần đạp xe đi
cắm trại trên núi Bửu Long cùng lũ bạn, đạp xe giữa trời nắng hoa cả mắt
nhưng thật vui. Bờm vừa nghĩ vừa bẻ một cọng giá. Vạn vật bỗng nhòa đi.
--- ** ---
Bờm tỉnh giấc vì tiếng chuông cửa nhà nàng đổ dồn dập. Tiếng Đoan, cô bạn cùng lớp, vọng qua khe cửa sắt
- Con Bờm, mày hẹn tụi tao rồi không đến, cho chúng ông nhóc mỏ trước
cổng trường. Tao thấy mày rồi, đừng có mà trốn nghe con, mở cửa ra!
- Bờm: Xì, tao dậy trễ một chút làm gì mà tụi bay ầm ĩ. Làm như tụi bay chưa ngủ quên bao giờ.
- Thanh trưởng lớp: Em Bờm tối qua đi chơi với bồ về trễ nên mới ngủ quên? Khai thật đi thì mấy chị tha cho
- Ngọc nháy mắt: Bờm không thích tụi mày giỡn như vậy, nó sợ có người đau lòng, phải hông cưng?
Đường đi núi Bửu Long quãng 30 cây số, với sức vóc 17 bẻ gẫy sừng trâu,
chẳng mấy chốc cả lớp đã qua cầu Bình Triệu, cầu Gò Dưa, chợ Thủ Đức với
những cửa hàng treo đầy những chùm nem xanh mướt. Xéo bên trái ở chợ
Thủ Đức, cả đám đạp xe leo một con dốc dài, đủ làm mồ hôi dính những sợi
tóc mai vào thái dương, bên cạnh những đôi má ửng hồng. Chiếc xe đò
chạy qua, gã lơ xe làm tiếng chuột kêu hướng về những cô gái và nhận
được những cái bĩu môi đáp trả
- Dzô Dziên
- Chuột hai chân kìa tụi bay
Qua cây cầu bắc ngang sông Đồng Nai, mà Bờm chẳng nhớ tên, thì vào địa
phận Châu Thới - Bửu Long. Hồ Bửu Long xanh biếc, do nước tịnh nên chắc
chứa nhiều tảo, gần bờ mà hồ cũng khá sâu, đáy đầy những dây rong dài cả
mấy thước. Nhỏ Đoan khá lỳ lợm, chẳng biết bơi mà vẫn khoác phao xuống
nước, bị mấy tên bạn trai đẩy ra khỏi bờ, la chói lói, phải gọi bằng anh
đám kia mới kéo vào. Đám con trai mấy đứa nghịch ngợm, leo lên cây điều
ở ngôi chùa trên đỉnh đồi, bị chú tiểu rượt chạy thục mạng!
Nắng dịu bớt thì cả đám thu xếp để nhắm về thành phố trước khi trời tối.
Xe khổ của trưởng lớp, đang dựng lúc dừng chân giữa đường bỗng lăn
đùng, gẫy một bên tay lái. Một chàng nhanh nhẹn đổi xe rồi bẻ cành cây
xỏ vô ruột của phần tay lái còn lại, làm điểm tựa cho cân bằng để chạy
về.
Buổi tối trước khi chìm vào giấc ngủ sau một ngày nhiều hoạt động, Bờm
bẻ cọng giá thứ hai và ước ao gặp lại những người bạn mà tưởng như thuộc
về một thế giới xa xôi nào đó. Tiếng Tây ban cầm văng vẳng trong tai
hòa lời hát của người bạn trai với đôi mắt ướt đưa Bờm vào giấc ngủ hứa
hẹn nhiều mộng đẹp
Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả
Anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều khi nắng vành nhuộm mái tóc em (*)
--- ** ---
- Dậy em, dựng ghế lên, máy bay sắp hạ cánh
Tháng mười năm đó anh Xã đưa Bờm đảo một vòng miền Tây xứ Cờ Hoa, thăm
bà cụ thân sinh ra anh và để Bờm gặp lại mấy người bạn thời trung học.
Khi máy bay hạ dần cao độ và tiếp viên hàng không đảo quanh, nhắc nhở
hành khách cài dây an toàn là lúc cái cảm giác háo hức của những buổi
trưa ngày đó trở lại với Bờm. Những buổi trưa chờ tiếng thắng xe trước
cửa của đám Phương, Mỹ, Thúy để cùng đến trường. Những buổi chiều 3 tiết
học ùa ra cùng đám con gái đạp xe nghênh ngang trên đại lộ Thống nhất,
quẹo con đường có ngôi chùa cổ kính với hai hàng dầu rải những chiếc
bông xoay tròn trong gió, rải cả lên những xe chè đậu đỏ bánh lọt, bò
bía với từng đám con gái bu quanh.
Máy bay chạm đất nhẹ nhàng, tiếng thắng kin kít hòa cùng lời chào của người nữ tiếp viên phi hành
- Đón chào quý vị đến với Los Angeles. Nếu ghé thăm Hollywood, xin hãy
nhớ mỗi người đều có một giấc mơ. Nếu quý vị là cư dân Los Angeles, mừng
quý vị về lại nhà!
Đường về Little Sài-gòn, 6 làn xe nhưng vẫn chật cứng. Đoan luồn lách thành thạo giữa dòng xe cắn đuôi nhau trên xa lộ.
- Ê, mày chạy chậm lại, tao không vội
- Tao chậy vậy là chậm rồi, chậm nữa thằng đằng sau nó nhấn còi
- Mày muốn chở tao thì phải chạy chậm nữa
- Hồi đó đi xe đạp thì tao muốn chở mày vì mày nhẹ hơn đứa khác, còn bây giờ thì đừng hòng, mày cằn nhằn bà cho mày đi bộ!
Buổi chiều ngồi cùng đám bạn cũ Bờm thấy lòng lâng lâng. Ngày nào là
những đứa học trò nghịch ngợm, chụm đầu tán dóc giữa những khoảnh khắc
chuyển tiết, hay lấm lét chuyền nhau câu trả lời kiểm tra môn Sử. Giờ
đây chụm đầu bàn chuyện dậy con, chuyền nhau cách giữ gìn, kiểm tra sức
khỏe
Chia tay đám bạn ở tiểu Sài-gòn, Bờm và nhỏ bạn 'ngựa rằn' hướng về xứ
xương rồng thăm Ngọc. Ghé một siêu thị Á châu mua ít đồ nhắm cho anh Xã
tỉnh ngủ khi lái xe trên xa lộ xuyên bang. Đứng trước gian hàng rau tươi
khu Produce (nông phẩm), Bờm chợt nhớ cọng giá cuối cùng.
Bụt đã đưa ta về với ngày tháng thần tiên của ký ức. Bụt
đã mang cho ta một mái ấm gia đình của hiện tại, đã cho ta gặp lại
những người bạn của một thời hoa bướm xưa. Ta có cần Bụt cho ta biết
những gì sẽ tới của tương lai ? Hay ta cứ sống với những gì đang có.
Quel sera sera. Vui ta nhận, buồn ta chịu.
Nghĩ rồi Bờm thả cọng giá đó vào thùng giá trong siêu thị và lặng lẽ quay đi.
Biết đâu cọng giá đó sẽ loan truyền sự mầu nhiệm sang cả
thùng giá, rồi cả họ nhà giá, và nhiều người nữa sẽ cùng được san sẻ cơ
may đó. Biết đâu có người bạn nào đó của ta cần một phép mầu để hưởng
một mùa xuân nữa bên gia đình, bạn bè.
Một cụ già đang lựa trái cây ở gần đó ngước nhìn theo Bờm, nở nụ cười hài lòng!
--- ** ---
Từ đó Bờm sống hạnh phúc mãi mãi
Chỉ thỉnh thoảng Bờm phải nghe anh Xã cằn nhằn "Em mắc chứng gì, hồi này
đi ăn phở cứ bẻ đầu từng cọng giá trước khi bỏ vào tô? Rề rà quá!"
(*)
Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả
Anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều khi nắng vàng nhuộm mái tóc emDạ Chung
Comments
Chuyện người quen trong xóm mang ra kể cho vui