Hương Mỹ Nhân
Cuối tuần tui có dịp xem lại bộ phim "Scent of a woman" con gái tui mượn trong thư viện. Tui
được coi phim này lần đầu
hồi mới sang Mỹ vài năm. Giờ nhìn lại tài tử trong phim, thấy thiệt là
vật đổi sao dời, mà chắc là mình cũng vậy chớ khác gì! Ngày đó Chris
O'Donnell nhìn kháu khỉnh đẹp trai, mấy bà mà
gặp là té lăn đùng. Gabrielle Anwar thì tươi trẻ, ngây thơ. Cả hai cùng có nụ cười hơi
móm móm chút xíu, rất là duyên. Cả hai đều giã từ màn ảnh lớn về với màn ảnh nhỏ truyền hình.
Chàng học sinh nghèo Charlie Simms (O'Donnell)
được bố mẹ xoay xở cho vào học trong trung học nội trú danh giá Baird. Một tối trước kỳ ngỉ lễ Tạ
Ơn, khi đang đóng cửa thư viện của trường nơi cậu làm thêm thì Charlie và
George Willis, 1 người bạn học, chứng kiến vài người bạn đồng khóa khác bày trò phá hoại xe của thầy hiệu trưởng Trask.
Tiếng đồn đến tai vị hiệu trưởng, và ông này cho hai cậu học trò một tối hậu thư: người nào khai ra kẻ phá hoại sẽ
được ông giới thiệu vào đại học Havard hàng đầu nước Mỹ, kẻ kia sẽ đối diện hội đồng kỷ luật chờ xét xử đuổi học
Dù trong lòng nặng trĩu
ưu tư, phân vân giữa việc mách cho thầy hiệu trưởng để đổi một tương lai
hứa hẹn hơn hay sống với nguyên tắc của mình và chấp nhận nguy cơ bị đuổi học, Charlie vẫn nhận việc làm thêm trong khi các bạn về nhà hưởng
lễ Tạ Ơn cùng gia đình. Mướn Charlie là đại tá hồi hưu Frank Slade (Al Pacino), người
bị mù trong một tai nạn huấn luyện tân binh. Dự định của viên đại tá
thất chí này là xả láng những đồng tiền dành dụm trong vài ngày rồi tự
kết liễu đời mình.
Cuộc chơi
ngông của viên đại tá bắt đầu bằng đệ nhất khách sạn Waldorf-Astoria,
một đêm với kỹ nữ tiếng tăm thành New York, và lần cuối trong đời
cầm tay lái xe hơi phóng đi giữa phố phường, trong tiếng gió miên man. Tại nhà hàng của khách sạn sang trọng, đại tá gặp Donna (Anwar) đang chờ người
yêu. Tuy khiếm thị nhưng đại tá vẫn biết
được có người phụ nữ nhan sắc qua mùi nước hoa nàng dùng và thuyết phục
được Donna cùng khiêu vũ bản tango lả lướt làm ngất ngây người
xem. Ngày cuối của chuyến viễn du, đại tá Slade đánh lừa
Charlie đi mua thuốc lá, diện quân phục đại lễ và chuẩn bị tự sát. Linh
tính báo cho Charlie trở về đúng lúc, vừa thuyết phục, vừa giằng co,
cuối cùng Charlie đã làm đại tá Slade nhượng bộ.
Như một chiến binh thua cuộc đại tá Slade chấp nhận trở về với đời thường và Charlie quay lại trường
đối diện hội đồng kỷ luật mà vị hiệu trưởng sắp đặt như một phiên tòa. Giữa lúc hiệu trưởng Trask truy cứu và buộc tội
Charlie nói dối, bao che cho kẻ có tội và đề nghị hội đồng kỷ luật gồm cả học sinh và giáo sư đuổi Charlie khỏi trường thì đại tá Slade đột ngột xuất hiện. Bài tranh
cãi nẩy lửa của viên đại tá và thầy hiệu trưởng kết thúc bởi cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng của người
nghe và hội đồng kỷ luật chỉ hội ý trong một phút với số phiếu tuyệt đối tha bổng Charlie.
Phim kết thúc với cảnh vị nữ giáo sư môn Political Science, trong hội đồng kỷ luật, chạy theo cảm
ơn viên đại tá đã cho cả thầy và trò một bài học quý giá. Một lần nữa đại tá Slade gọi đúng tên thứ nước hoa bà đang dùng và nói với Charlie khi bà đã khuất bóng, mùi
nước hoa cho biết bà không là phụ nữ đẹp nhưng rất có duyên!
'Scent of a woman' không huy hoàng tráng lệ, không tình tiết làm nghẹt thở hay ứa nước mắt người xem.
Truyện phim rất đời thường, đôi chỗ bất hợp lý nhưng cái hay của Hollywood là chuyện bình thường nhưng
vẫn hào hứng, biết là sạo nhưng vẫn lôi cuốn người xem.
Đoạn đẹp nhất trong phim là cảnh đại tá Slade cùng Donna khiêu vũ bản “Por Una Cabeza”. Người Mỹ hay nói “It takes 2 to tango” (nhảy điệu tango phải có 2 người).
Tui không có kiến thức khiêu vũ hay âm nhạc nhưng xem Al Pacino và
Gabrielle Anwar cũng cảm nhận được rằng nhảy điệu quái nào chẳng có 2 người nhưng ở
những vũ điệu khác hai người có thể có đẳng cấp khác nhau, thậm chí có mức thích thú với vũ điệu khác nhau. Với tango hai người phải tương đương khả năng, ý thích, và phải
hiểu nhau thì mới tạo nên những bước nhẩy thật quấn quýt, hài hòa như đại tá Slade và Donna đã làm. Rất khác với
bước tango của Arnold Schwarzenegger và Tia Carrere trong phim “True Lies”
Hay nhất trong phim là cảnh đại tá Slade tranh luận cùng hiệu trưởng Trask. Chẳng hiểu sao Al Pacino có thể nhớ được
những lời thoại, đúng ra là một bài diễn văn ngắn, và diễn lại, đọc lại một cách hùng hồn, một cách giận dữ với ánh nhìn vô cảm như một người
mù thực sự. Có lẽ vì vậy ông nhận giải Golden Globe cho diễn viên nam xuất sắc nhất cho phim này.
Còn đây là những mỹ nhân xóm tui, nhìn mà tưởng như hương sườn nướng còn phảng phất đâu đây
Có mỹ nhân còn nói
- Trời làm Cali hạn hán quanh năm, chắc phải tắm ít xài nước hoa thêm vào!
- Kỳ lắm mày, mấy đứa xài chung 1 chai nước hoa mà sao ra mấy mùi khác nhau!
(Chuyện thiệt không phải tui xạo đâu nhe, có Đề với ông Hiền làm chứng)
Nguyễn Thế Nghiệp
Nguyễn Thế Nghiệp
Comments