Con đường xưa Tư đi

Nắng trưa Sài gòn như đổ lửa xuống những con đường trải nhựa của thành phố cũ. Nhìn xa xa lớp hơi nóng lung linh trên mặt đường tạo cảm giác có một lớp nước lóng lánh. Tư nhớ lại lời ông thầy Địa lý giảng về ảo giác của những lữ khách đi trong sa mạc, gục ngã giữa bãi cát mênh mông vô tận, mà nghĩ mình đã với tới một ốc đảo mát rượi. Nàng bỗng bật cười làm quái gì có ốc đảo nào ở giữa thành phố này và mình cũng chẳng thể nào lăn đùng ra trên con đường từ trường về nhà quá quen thuộc. 

Mỗi ngày từ trường Trưng Vương, Tư cùng đám bạn tan học đi bộ dưới những tàn cây rợp bóng mát của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, như một dòng sông bồng bềnh những chiếc áo trắng, rẽ nhánh ở Thảo Cầm Viên, xuôi đại lộ Thống Nhất, rẽ phải ở con đường mang tên hai vị nữ vương nước Việt, về nơi nàng ở gần ngã tư Phú Nhuận. Đọan đường khá xa cho những bước chân thiếu nữ lớn lên ở thành phố, quen với tiện nghi. Có lúc Tư thầm hỏi sao bố mẹ không sinh mình cao hơn chút xíu để mỗi bước chân dài thêm vài tấc thì đường trường có bớt xa. Nhắc đến bố nàng bỗng băn khoăn, chẳng biết giờ này ông đang ở đâu, cắm cúi miệt mài nơi xó xỉnh nào của nước Việt buồn, làm cái công việc mà nàng ghi vào học bạ là "học tập cải tạo" thay cho phần nghề nghiệp của bố. 

Tư vẫn có thói quen nghĩ miên man khi đi bộ một mình về nhà cho thời gian qua mau. Khi thì những mẩu chuyện vui từ những cô bạn trong cái lớp 10A5 ồn ào không bao giờ dứt. Chuyện nhỏ kia đi học về thấy mình có cái đuôi, đạp xe ngang nhà không dám vô phải chạy vòng vo đánh lạc hướng. Khì thì Tư nghĩ về người anh đánh cuộc sinh mạng với biển xanh, mong tìm được lối thóat cho gia đình, mà đã mấy mùa thu qua không tin lại. Đang cắm cúi nghĩ bỗng nghe tiếng xe đạp thắng kin kít, rồi tiếng con gái nói

- Lên đây tao chở về, trưa nay nắng bể đầu !

Ngỡ ngàng nhận ra Kim Liên, cô bạn học chung từ Võ Trường Tỏan, chẳng thân, thậm chí còn hơi e dè vì KL được biết là "chằng". Vậy mà có những người bạn đạp xe đi ngang và vô tình đi thẳng, chỉ một số tinh ý đã dừng xe, và Kim Liên là một bất ngờ. Cám ơn KL đã cho quá giang rồi quay vô nhà,  Tư ăn vội bữa trưa rồi dọn dẹp và đi đánh bóng những cây đàn guitar hong dưới hiên. 

Từ ngày miền Nam đổi chủ, như bao nhiêu gia đình khác, mẹ Tư cũng xoay xở để có thêm thu nhập cho gia đình, và chị em nàng có thêm một nghề mới, nghề làm đàn guitar dù rằng chẳng ai trong nhà biết chơi đàn. Trở nhẹ những cây đàn hong trong bóng mát, Tư nín thở dùng cọ phủ thêm lên những cây đàn một lớp véc-ni nội hóa, chẳng biết làm bằng thứ gì mà thứ véc-ni này mùi xông lên đến óc, nắng lớn thì khô nứt, ẩm ướt thì cả tuần lễ vẫn dính nhép như một chiếc bẫy ruồi khổng lồ. Nhìn những cây guitar mà lòng vui vui Tư bỗng nhớ đến tiếng đàn của Thụ, anh chàng trong lớp học mới được chia lại năm nay. 

Hồi đó lớp 10 nam nữ học riêng, cười nói hồn nhiên, những cô nàng bạo dạn còn dám chọc ghẹo cả cậu nào lạc vô khu vực những lớp nữ. Lên lớp 11 ban giám hiệu chia lại lớp học có cả nam lẫn nữ. Những rụt rè, e ngại ban đầu giữa "ta & địch" nhanh chóng qua đi, được thay thế bởi sự tò mò, hấp dẫn của 2 mảnh nam châm khác cực. Tò mò nhìn theo ai đó đang làm gì nhưng vội vã cúi đầu khi có ánh mắt đáp trả. Cuối năm, văn nghệ tòan trường, Thụ, trông như nghệ sĩ, đầu chải lệch 3x7 láng coóng, miệng luôn điểm nụ cười thân thiện, đệm guitar cho 3 cô bạn cùng lớp tập hát. Thay vì "Lá đỏ" như dự tính thì lại tòan tình ca Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Ba mái đầu chụm lại

- Sao tòan nhạc tình hông à ?
- Chắc đàn cho tao đó !
- Hông phải đâu người ta nhìn tao chứ đâu có nhìn mày !

Thỉnh thỏang đám bạn học cùng lớp cũng tổ chức đi cắm trại vùng ngọai ô Sài gòn. Tuổi trẻ ngày đó thiếu thốn phương tiện, những chuyến đi chỉ bằng xe đạp, tiền bạc cả nhóm gom góp lại, đứa có nhiều phụ đứa có ít để cùng đi. Vài cô bạn gái thu vén, xoay xở lo ẩm thực cho cả đám, chức năng của người nội trợ chắc bắt đầu từ những ngày xa xưa đó. Mẹ Tư như những bà cụ người Bắc khác, với quan niệm phải nghiêm khắc, khó khăn thì con mới vào nề nếp nên thường khi xin đi chơi xa Tư luôn bị mẹ từ chối. Có những lần nghĩ đến đám bạn đi chơi vui còn mình một mình ở nhà bỗng tủi thân ngồi khóc hu hu. Kể cho nhỏ bạn thân nghe thì nó nói

- Sao mày ngu vậy? Thì nói trường bắt đi lao động

Một chiều thứ 5 lớp chỉ có 2 tiết học, đang loay hoay với bàn cờ tướng vừa tập chơi Tư giựt mình vì người con trai cao nhòng cùng lớp, với chiếc răng cửa khuyết 1 mẩu ngồi xuống phía đối diện

- Cá độ chầu chè nghe ? Ai thua trả tiền chè cho Tiến, Hoàng và Tư
- Thôi, tui mới biết chơi à
- Vậy chấp Tư nghe ?
- Ừ, vậy cũng được, mà chấp cái gì ?
- Chấp Tư con Tướng, Tư kiếm Hoàng đi rồi tụi mình đi ăn chè Yên Đổ há!  

Hai năm cuối của bậc trung học đủ để những tình bạn và cả những mối tình học trò đơm chồi.
Con đường ngắn từ xưởng Ba son đến đầu đường Thống nhất với những hàng me đã vươn bóng mát che chở cho bao nhiêu đôi bạn, đã là điểm hẹn hò của bao nhiêu thế hệ. Đã bao nhiêu cựu học sinh của ngôi trường nhỏ, một chiều về ngang Thảo Cầm Viên, như một thôi thúc nằm trong ký ức, bỗng vô cớ bẻ tay lái để đi lại con đường cũ mà tưởng như thấp thóang bóng hình xưa vụt qua bay trong tâm tưởng.

Ngày rời Việt Nam, Tư thả cho chiếc xe chầm chậm trôi trên con đường của một thời dấu yêu, nhìn những gốc me trước cửa trường Võ Trường Tỏan, những chiếc xe bán nước giải khát, ngỡ ngàng nhận ra có những thứ qua đi sẽ không trở lại. Chợt nghe cơn gió mát thỏang qua trên mặt mang theo hạt bụi nào vương trong mắt.

.... Nhớ khói bay lạc vấn vương 
Cho hơi ấm lên môi người
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làn mây yêu thương, vướng trong hồn em ....
 
Nguyễn Thế Nghiệp

bài đã đăng trên tập san TV 50 tuổi

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận