K S Đ

Sáng nay lái xe đi làm, hắn chợt nhớ ra hắn đã đi làm ở xứ này .. 26 năm rồi. Hơn một phần tư thế kỷ đã qua. Từ những ngày đầu làm busboy cho một nhà hàng Tây. Có một tối, hai ông bà khách order món steak và họ nhờ hắn lấy giùm chai A1, hắn lanh lẹ vào bếp mang ra chai … ketchup. Cả bàn cười mà hắn chẳng hiểu vì sao họ cười. Rồi hắn dọn đi thành phố khác, vừa làm thợ vừa đi học lại. Và những ngày đầu đi làm sau khi ra trường, những project đầu tiên được giao, hắn đã run và lo không biết bắt đầu từ đâu. Nghề dạy nghề, bây giờ hắn đã làm ở hãng này 15 năm, hắn tự tin nhận bất kỳ việc gì được giao kể cả những việc hắn chưa bao giờ làm. Chưa làm thì sẽ làm, sẽ biết, chỉ cần biết hỏi đúng nơi, đúng chỗ. Không ai biết hết mọi chuyện! Hắn gọi đó là triết lý “KSĐ”. “KSĐ” là Không-Sợ-Điếc. Vì đàng nào cũng điếc rồi! Việc gì cũng làm. Thật ra, “KSĐ” là Không-Sao-Đâu. Suy nghĩ đó được hắn áp dụng vào mọi nơi mọi lúc, những lúc khó khăn hay gặp nguy hiểm. Những lần lên núi, leo xuống biển hay chui vào bụi của những lần đi săn ảnh, cứ lao tới. KSĐ! Và luôn cả những khi thật buồn.

Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 9 thì giáo xứ nơi hai nhóc nhà hắn theo học và gia đình hắn sinh hoạt, có tổ chức Festival, nôm na là Hội Chợ. Do trường yêu cầu làm volunteer, mỗi gia đình có con theo học phải làm đủ 40 tiếng volunteer cho một năm học, đa số phụ huynh đăng ký làm việc ở Festival. Hắn và vợ cũng đăng ký làm đủ thứ, nhưng vui nhất vẫn là bán thức ăn ở quầy Việt Nam. Những năm trước hắn làm đủ thứ ngoại trừ nấu ăn vì có nhiều anh chị nấu ăn rất giỏi. Hắn chỉ làm linh trừ bị, được sai vặt hoặc lấy thức ăn khi khách order. Cuối ngày hắn thường đứng đường kéo khách, rao mời “Food for sale! Dinner for sale! Eggrolls, chicken, everything for $2 only!” Hắn không nghĩ là hắn có khiếu đứng đường, nhưng nghe hắn rao, nhiều người dừng chân và mua, nhiều lúc các anh chị trong quầy lấy thức ăn không kịp lơi tay.

Thế rồi, mỗi năm số anh chị làm volunteer thưa dần. Con cái các anh chị lớn lên, chuyển trường đi highschool, các anh chị không cần phải làm volunteer nữa, những kỳ hội chợ thấy vắng đi dần những gương mặt thân quen. Có hợp rồi có tan! Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc thiếu người làm ở quầy thức ăn Việt Nam. Hậu quả là hội chợ năm nay gian hàng Việt Nam phải bỏ bớt nhiều món: không còn mì xào, không có gà rooti, và ngày cuối cũng không còn bánh kẹp, là những món nhiều người hỏi. Điều đó cũng chưa đáng sợ. Chuyện mà hắn lo nhất là khi nhìn bảng phân công cho ngày cuối, hắn thấy tên hắn ở dòng “Chiên cơm, chiên chả giò, chiên gà”! Từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ hắn có bao giờ vào bếp đâu! Liều thật! Nói hơi quá, hắn cũng từng vào bếp, nhưng chỉ để … ăn hoặc rửa chén thôi. Giỏi nhất là nướng thịt, tức là thịt đã ướp rồi, hắn chỉ có thổi lửa và nướng. Ngày còn độc thân thì có mẹ nấu ăn, khi có gia đình thì vợ nấu ăn giỏi, hắn chả bao giờ phải đụng tay vào bếp. Bây giờ đi chiên cơm??? Chiên chả giò, hay chiên gà thì dễ thôi. Chả giò đã cuốn sẵn, gà cũng ướp rồi, chỉ việc bỏ vào nồi dầu deep fried canh vàng là vớt ra khay bán thôi. Nhưng chiên cơm thì khác!
KSĐ!!!


Thì xem các anh chị làm rồi làm theo! Đầu tiên lôi bịch cơm ra bỏ vào khay, loại khay bánh bèo $10. Cơm thì các anh chị đã nấu trước cho vào từng bịch để trong cooler. Bỏ cơm ra khay, lấy đũa dằm cho tơi ra. Sau đó lấy 6 trái trứng, đập vỏ bỏ vào cái tô nhôm lớn. Cho thêm vào một nắm đậu, bắp và carot xắt hột lựu, thứ trong bịch các chợ thường bán, rồi đánh trứng cho đến khi thật sánh. Lấy nửa ly dầu ăn, loại ly uống pearl-tea, đổ vào chảo bắc trên bếp. Nhóm lửa lên, mở gas cho lửa lớn. Lấy xẻng khua nhẹ cho dầu đều mặt chảo và cho dầu mau sôi. Khi nghe tiếng dầu lăn tăn sôi thì đổ trứng, lấy xẻng khua đều và đổ khay cơm vào, trộn đều khoảng một phút, rồi rắc đều vào khoảng một cup bột nêm. Cup là loại cup nhỏ đựng tương khi order phở togo ở tiệm. Bột nêm thì đã được trộn từ trước thêm muối, tiêu, đường. Tiếp tục đảo, và trộn cơm đều, và phải dằm các cục cơm do trứng kết lại. Chừng một phút thì cho vào 12 - 14 muỗng café nước tương (xì dầu) tùy theo cơm nhiều hay ít. Vặn nhỏ lửa xuống và tiếp tục đảo cơm cho rời các hột cơm. Nếm thấy vừa, thì cho vào một nắm hành lá xắt nhỏ là được. Bê cái chảo cơm vô quầy, trút vào khay cơm để bán. Mang cái chảo không ra bỏ trên bếp vẫn còn lửa, đổ vào một ly nước đầy và clean cho sạch chảo lẫn cái xẻng. Tắt bếp và lau cho khô. Vậy là xong một mẻ cơm chiên.

Xong mẻ đầu, rồi mẻ thứ hai và cứ thế, hắn chiên được đâu cũng 4, 5 mẻ cơm chiên. Cả người mua ăn lẫn các chị đứng bán đều khen cơm chiên ngon! Vợ hắn cũng khen “Từ giờ trở đi bố cứ chiên cơm cho cả nhà ăn nhá!” Té ra là hắn cũng có khiếu nấu ăn tiềm ăn mà bao lâu nay bị dìm hàng! Nhưng thôi, dại gì vỗ ngực nhận! Cứ im im để vợ hắn nấu cho ăn có phải hơn không.  Mà mấy ông bà ấy cũng liều thật! Giao chiên cơm cho một người chưa từng nấu ăn. Giống như ném khẩu súng vào tay tên linh mới đẩy ngay ra trận, súng đạn vèo vèo, oánh đi! Thì cũng phải có lần đầu mà! Oánh thì oánh! Cũng may là thắng trận. Nhưng quần ướt mem!  Mồ hôi đấy! Bên bếp nóng cả buổi mà.

Nguyễn Hữu Dũng

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bình loạn

2015-09-22 16:31 GMT-07:00
From: Nicholas Nguyen

Tuần trước tui đọc trên Yahoo có cái news là người ta phỏng vấn 1 nhóm người hưu trí là 'điều gì mà họ cả thấy đáng tiếc nhất' thì câu trả lời thông dụng nhất là 'I regret that I worried too much'.
Tui cũng biết 1 trong mấy điều kiện để sống hạnh phúc là không lo lắng nhưng mà sao tui không bỏ được điều này. Tui thuộc loại lúc nào cũng có cái để lo. Đi học thì lo thi cử, lo điểm. Đi làm thì lo mất việc. Yêu thì lo 'từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ'. Có con thì lo nó con một mai mốt mình đứt bóng không biết nó sống ra sao (cái này nói thiệt chớ không nói giỡn nữa). Đakao KSĐ là giỏ
 
From: Dong Duyen Pham 
Sent: Wed, Sep 23, 2015 9:01 am
Subject: Re: KSĐ!

Nghiệp lo học, lo làm, lo con mình là con một sao giống y như những mối lo cuả ĐDuyên, nhưng lo yêu thì hong có phần tui. 
 
Ai những nằm đầu qua Mỹ cũng có những kỷ niệm khó quên há Dũng. Nhớ năm học đầu tiên ở Mỹ, cả năm không hề hiểu thầy nói gì.  Bạn bè VN nhiều người bỏ học, còn mình thì cứ chai lì ngồi trong lớp cười trừ mỗi khi bị thầy hỏi.  Về nhà chỉ biết cắm đầu đọc sách.  Vậy mà cũng ra trường được, đeo khăn vàng đàng hoàng.  Ra trường còn khủng khiếp hơn nữa.  Lúc còn đi học thì làm thêm ở hãng điện tử, đâu cần nghe nói nhiều.  Sau khi ra trường đi làm nói chuyện với đồng nghiệp thì ngược lại, mình nói thì họ cười trừ vì họ đâu có hiểu mình nói gì đâu mà trả lời. Có một chuyện mà mỗi lần nhớ lại mình vẫn tự cười mình. Những ngày đầu ở Mỹ, ai tới gần mình cũng sợ và tránh ra chỗ khác vì ai cũng nghiêng người về phía mình và nói  Kiss me làm mình hoảng hồn.  Có bạn nào đoán được là người Mỹ nói gì lúc đó không?

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận