Xóm nhỏ


Ba mẹ tôi li dị khi tôi chỉ là thằng nhóc mới bước vào lớp 6.  Ngày ra đi hai cha còn chỉ có vài bộ đồ vì ba tôi quyết định để lại tất cả.  Nơi đầu tiên tôi đến là cái nhà kho chứa bàn ghế cũ trong trường ba tôi, từ một ngôi nhà lầu tường đúc có người giúp việc lo từng bữa cơm này ba tôi phải mày mò tự học nấu ăn, còn giường là những cái bàn trong cái nhà kho ấy.  Hôm nào ba tôi kho cá khét, thịt cháy hay canh rút không còn nước thì hai cha còn ra đường gặm bánh mì.  Với một thằng bé, đây là một khung trời mới đối với nó.  Chiều xuống tôi đi lang thang từng lớp học tìm tòi khám phá, nhưng sợ nhất khi đến đêm về, đôi khi ba tôi không dẫn tôi đến lớp dạy thêm ba tôi dạy, tôi phải ở một mình trong ngôi trường đó.  Bóng tối, những tiếng mèo kêu thật quá khủng khiếp với tôi.

Sau sự kiện 4/1975 những người chiến thắng vào đến, đọc lý lịch.  Ba tôi là một trong những hàng ngũ cực kỳ không trong sạch khi ông nội tôi là Trưởng Ty, em họ của ba tôi là Thứ Trưởng Giáo Dục.  Ba tôi trở thành một thành phần không thể tin cậy được.  Tội cho ông, một ông thầy trẻ đẹp trai khá giả lúc nào đến trường cũng bằng xe hơi xe Vespa, từng làm chánh chủ khảo không biết bao nhiêu Hội Đồng thi Tú Tài toàn phần, giờ phải nhẫn nhục một mực ... Thưa Ông Hiệu Trưởng ....

Ba tôi có một biệt tài là ăn nói và xã giao (cái này chắc tôi có học ké quá).  Dần dần ông lấy cảm tình được với những người lãnh đạo mới, trở nên thân thiết vì những người đó sau một thời gian đã biến chất đã thoái hóa lộ ra bản năng tầm thường của một con người ... Tiền và Gái. Khổ thân ba tôi và ngay cả tôi, vì ở trong nhà kho của trường nên khi họ đi chơi, họ đến và bảo ba tôi phải chở đi.  Vùng ven ngoại thành, Vũng Tàu ... Không biết bao nhiều lần, tôi chỉ ngồi trên ghế sau, thu mình thật gọn nhắm mắt ngủ hay đôi khi vờ ngủ.  Tới những khách sạn nhỏ, họ kéo mhau cùng vào cũng níu kéo ba tôi nhưng ông bảo "Cảm ơn, tôi phải trông thằng con của tôi."

Trong bóng tối của chiếc xe, tôi thấy ba tôi bật đèn móc bóp rút bức ảnh chụp chung gia đình ra ngắm. Trong bức ảnh là một ông giáo sư thật trẻ, một cô gái cũng từng là hoa khôi truong Saint Paul và sau này là Văn Khoa.  Ngay cả cái tên của tôi cũng là tên của một cái phòng trà trên đường Tự do thời bấy giờ khi ba mẹ tôi còn hẹn hò.

Cho đến một ngày khi ông nằm trên bàn ngủ trong cái nhà kho của trường, cánh cửa lớp cũ chứa trong nhà kho ngã xuống đập ngay vào mặt ông và từ đó ông bị hư 40% của mắt.  Sợ nguy hiểm sẽ xảy đến cho tôi, ông quyết định dẫn tôi về nhà Nội.  Gọi cửa rất lâu, cuối cùng người xuất hiện là bà giúp việc của nhà Nội tôi, người đã trông nom ba tôi ngày còn nhỏ.  Bà rưng rưng nước mắt nói với ba tôi.  "Cậu ạ, ông không muốn gặp cậu, ông không cho vào. "

Ba tôi rơi nước mắt, dẫn tôi về rồi hôm sau, hôm sau nữa lại tới.  Cuối cùng ông Nội cũng cho ba tôi vào gặp Nội tôi. Ông chỉ nhìn ba tôi rồi nói "Tao đã nói với mày giữa tao với mày không còn là cha con gì nữa, mày có thể để con mày ở lại với tao, nhưng mày thì không được ở trong căn nhà này." Ngày xưa vì yêu mẹ tôi ba tôi đã chống đối gia đình.   Ông nội là Trưởng Ty Giáo Dục Gia Định,  các Bác là Tổng Giám Đốc Kỹ Thương Ngân Hàng, Bác sĩ Giám đốc Bệnh Viện Hải Quân rồi một loạt giám đốc, bác sĩ, dược sĩ, ông không muốn làm xui với một gia đình chỉ là nhân viên dưới quyền Bác tôi.

Thằng nhóc tôi đứng lên nắm tay ba tôi vừa kéo vừa nói "Ba ơi, đi Ba, con không muốn ở với Nội." Và hai cha con lặng lẽ bước ra khỏi căn nhà đó.  Cho đến bây giờ, tôi vẫn ghét nhà Nội tôi vô cùng.

Một người bạn dạy chung với ba tôi thấy hoàn cảnh tội nghiệp của hai cha con nên nói với ba tôi "Nếu anh không ngại, tôi có cái nhà chứa đồ cũ, anh có thể tạm dùng."  Đường Phan Đăng Lưu, hồ tắm Chi Lăng.  Có ai biết sau lưng những căn biệt thự kín cổng cao tường, to đùng ấy là một khoảnh trời khác.  Một xóm nhỏ như vùng quê với những căn nhà tranh,  nhà ván đôi khi bao bọc bởi một khu vườn.  Mỗi chiều phải ra giếng xách nước và để chống lại bóng tối thì chỉ có một thứ duy nhất ... đèn dầu.

Cái nhà chứa đồ cũ đó là cả một thiên đường đối với tôi dù nó trống rỗng bụi và mạng nhện giăng đầy.  Hai cha con cởi trần mặc quần đùi đi gánh nước lau chùi cả ngày cũng chưa xong, phải mất đến 2 ngày rồi sau đó đi mua một cái giường và một cái lu thật to để chứa nước tắm và nấu ăn.  Có lẽ tôi cũng dễ nuôi, từ một thằng nhóc ngày xưa được xe hơi chở đi học, ở nhà có người giúp việc, chỉ biết học nhưng tôi thích ứng được tất cả.  Trên giường hay chỉ là chiếc chiếu trên đất, tôi cũng nằm.   

Sáng, ba tôi đưa tôi đến trường.  Ngày xưa tôi học Thống Nhất xa tít mãi gần Tòa Đại Sứ Mỹ ... Tan học, móc túi còn tiền thì đón xe bus về nhà.  Không tiền ... lội bộ về nhà.  Và chuyện đi bộ trở thành thường xuyên với tôi.  Tối thì chong đèn ngồi học dưới đèn dầu hay đôi khi có trăng thì mang ra ngồi đọc dưới ánh trăng giống y chang phim kiếm hiệp.

Xóm này rất nghèo, hầu hết là gia đình lao động hay người không có học, bên trái của cái nhà kho tôi đang ở là nhà của một đôi vợ chồng trẻ, người chồng thì đạp xích lô còn người vợ thì đi làm thợ may cho một tiệm may nhỏ.  Nói là nhà chứ nó chỉ là một dãy nhà tôn vách ván cất sát và xài chung một vách.  Tôi rất lấy làm kỳ là khi mình ngồi trong nhà mình mà có thể nhìn thấy được nhà bên kia đang làm gì hay nói gì.  Cho đến ngày ba tôi mang về những tấm carton to đùng dựng lên che hết xung quach vách để khỏi trả lời câu hỏi của tôi  "Ba à, hai vợ chồng chú Thắng đạp xích lô làm gì mà con thấy cứ vật nhau suốt ngày."

Sau lưng cái nhà kho tôi ở là một khu vườn thật lớn trong đó có khoảng hơn hai chục ngôi mộ rải rác, tôi lại khám phá ra thêm một điều, trong cái xóm này nhà nào có vườn, trong đó sẽ có vài ngôi mộ của ông bà hay người thân của gia đình đang sinh sống an táng tại đây.  Bên phải nhà kho của tôi là một gia đình khác, chú thím có 8 người con.  Tôi thân với gia đình này nhiều hơn vì nhà đó có 3 anh lớn, cứ mỗi chiều lại hay rủ tôi ra cái nghĩa địa sau nhà đá banh, gãy đàn hay tập võ.

Và thằng nhóc tôi đâm ra ghiền cái khu vườn nầy, tối nóng không ngủ được lại chạy qua gọi các anh ra vườn hò hét tập võ và đôi khi ngả lưng trên một ngôi mộ nào đó ngủ một giấc tới sáng.

Nguyễn Anh Vũ TV83

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận