BÌNH DỊ - âm nhạc Thanh Tùng
Nói về cái đẹp là không cùng. Cảm nhận về cái đẹp là mênh mông. Cái đẹp cũng mang nhiều hình hài khác nhau, nhưng tựu chung, những gì đẹp nhất luôn là những gì bình dị, đơn giản nhất. Ít nhất, đó là điều tôi cảm nhận được. Có những bàn tay được chăm chút, móng vẽ thật bắt mắt, nhưng đẹp nhất vẫn là bàn tay bình thường không màu mè của em với những ngón nhỏ hồng hào tự nhiên.
Thật nhiều những ca khúc với lời hát bóng bẩy hay giai điệu mới mẻ, tôi không phủ nhận là chúng hay. Nhưng cũng có những ca khúc sống mãi dù lời ca bình dị, mà giai điệu mượt mà. Những bài hát hiếm hoi không nhuốm màu đỏ từ người nhạc sĩ lạc loài. Tôi vô phép gọi ông là người nhạc sĩ lạc loài bởi ông không viết những bài hát mà thế hệ ông ca tụng. Ông chỉ viết về tình yêu, nỗi nhớ, về gia đình. Nhạc của ông là những bài tôi thích thời gian đó. Bình dị và đẹp!
Tôi quý và kính trọng ông, dù chưa bao giờ gặp, từ khi biết đến gia cảnh gà trống nuôi con của ông. Mà ông lại nổi tiếng và thành đạt, đào hoa, rất đàn ông. Mãi sau này, khi đã xa VN, tôi vẫn thường để ý những bài mới sáng tác của ông. Không nhiều! Ông thổ lộ với báo chí, từ ngày gà trống nuôi con, ông mất dần cảm giác sáng tác.
Ông có ba người con, hai trai, một gái. Cả ba đã thành thân, và thành đạt như ông. Vài năm nay, ông bị stroke và liệt nửa người và không còn nói được rõ ràng. Có người phóng viên hỏi thăm ông, nhắc lại chuyện cũ và hỏi ông: “Ông thương ai nhất?” Ông trả lời rõ ràng một chữ: “Bà”.
Ở cái thời mà người ta đổi vợ đổi chồng như một cái mode thời thượng, ông là người lạc loài. Ông đi tìm những gì bình dị, đơn giản trong giòng đời hào nhoáng. Nhưng tôi lại thấy cuộc đời của ông thật đẹp. Tình yêu của ông thật đẹp, như những tình khúc của ông. Bởi tôi cũng yêu những điều bình dị, đơn giản như thế.
Nguyễn Hữu Dũng
TV83, 12A2
Comments