Kiều




Ầm!  Tiếng nổ lớn khiến cho Kiều giật bắn người, nàng lao lên nhà trên.

“Bố ơi sao đánh nhau gần thế!”

“Má nó đâu? Cả nhà chui vào hầm hết!”

Ông Toản hai tay dắt Vân và Trung, vừa nói vừa chạy xuống bếp nơi có cái hầm dã chiến ông dựng ba hôm trước. Nói là hầm cho oai, thật ra nó chỉ là cái bàn dài kê trước bàn bếp, bên trên ông chất lên tất cả nệm ghế và chăn chiếu để cả nhà núp tạm bên dưới. Từ chiều hôm qua đã nghe tiếng súng nổ lác đác gần đây. Trên trời không lúc nào không có trực thăng bay. Oanh, nhỏ bạn thân của Kiều thì thầm cho nàng biết phía tòa đại sứ người ta kéo đến đông lắm. Trực thăng đang bốc người di tản liên tục lên xuống. Cả thành phố đang cơn hấp hối. Ông Toản chở vợ và ba con trên chiếc honda chạy về nhà ngoại của Kiều với hy vọng đi cùng ngoại và gia đình người bác, nhưng đến nơi thì nhà ngoại vắng tanh, mọi người đã đi rồi. Bà Loan thẫn thờ nhặt vội vài kỷ niệm nơi nhà ngoại Kiều và cả nhà nàng lại hối hả chạy về nhà ẩn náu. Đường phố vắng như thành phố chết với những đống quần áo nhà binh cùng nón sắt, súng ống, lựu đạn, vứt vương vãi bên lề. Chưa bao giờ Kiều thấy thành phố rơi vào cảnh như thế! Nàng lo sợ! Về đến nhà, ông Toản nằm vật ra giường mắt nhìn lên trần nhà, bất động. Những ngày qua ông đợi người em từ Nha Trang sẽ chạy vào để anh em cùng đi, nhưng chờ mãi chưa thấy gì. Bây giờ thì dường như đã quá muộn rồi. Đến quá trưa, những lời thông báo ngắn gọn từ người lãnh đạo cao nhất của miền Nam đã thực sự đặt dấu chấm hết cho nền Cộng Hòa Đệ Nhị. Kiều vừa mới 17.

Những ngày tháng sau đó, cả nhà Kiều sống trong lo âu như hàng triệu gia đình miền Nam. Ông Toản nhận lệnh tập trung cải tạo. Trước 1973, ông Toản từng là phó tỉnh, dù sau đó ông trở về dân sự nhưng tiếp tục nắm giữ các ghế giám đốc và tổng giám đốc nha, vì vậy người ta đã có giấy mời ông đi cải tạo ngắn ngày. Bà Loan linh cảm điều chẳng lành lòng như lửa đốt. Lần đầu tiên Kiều thấy bà Loan khóc khi ông Toản khăn gói đến địa điểm tập trung. Lệnh tập trung cải tạo từ 15 ngày đối với các sĩ quan và 1 tháng cho các viên chức chính quyền. Người trình diện tự mang theo gạo ăn cho cả tháng. Với lệnh rõ ràng như thế, ông Toản an ủi vợ con là sẽ trở về sau 1 tháng. Thế nhưng thực tế đã không phải như vậy. Một năm sau, cả nhà Kiều phải rời bỏ thành phố để lên vùng kinh tế mới Sông Bé.

“Chị và gia đình nên đi kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước, nếu muốn chồng chị sớm đoàn tụ.”

Người ta nói như có ý muốn giúp đỡ gia đình Kiều nhưng thực sự là lệnh, chỉ bởi căn nhà của gia đình nàng khá to lại nằm ở trung tâm quận Ba, dù là trong hẻm. Sáng hôm ấy khi dắt díu nhau rời căn nhà, Kiều thấy bà Loan buồn thiu nhưng không khóc. Dường như sau khi ông Toản đi rồi, nhiều lo toan ập đến khiến bà không còn thời gian cho cảm xúc riêng tư nữa. Bà đứng nhìn căn nhà mà hai vợ chồng đã gầy dựng nên bao năm qua, chỉ vài phút rồi tất tả dắt ba con quay đi. “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân.” Hơn 500 năm trước, cụ Ức Trai đã từng nói như thế như điều kiện tiên quyết trong việc trị nước bình thiên hạ. Con cháu đời sau không nghe, không học theo mà ngược lại còn đem gieo những hạt oan nghiệt để tàn phá cơ đồ. Thay vì quản trị người ta thích cai trị. Cả miền Nam như một nhà tù nên cần có cai để trị. Và cách tốt nhất để trị là lôi dân xuống tận cùng cái đói, cái nhục. Những năm tháng sau 1975, toàn miền Nam từ vùng kinh tế mới đến cả dân thành phố, đều phải khốn khổ vì miếng ăn. Lương thực thường nhật là bo bo, là khoai, là những thứ gạo đỏ, gạo hôi, dù miền Nam từng là vựa gạo xuất khẩu của Đông Nam Á. Theo thống kê của viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, sản lượng gạo miền Nam xuất khẩu trong năm 1974 đạt mức trên 7,000 tấn. Vậy thì lý do nào mà chỉ một năm sau cả miền Nam phải đói! Bà Loan không có câu trả lời mà có thì cũng vẫn đói. Một mình lo cho ba con, đôi lúc bả muốn buông hết tất cả. Nhưng nghĩ đến chồng còn trong tù, con còn nhỏ dại, bà lại cố đi qua từng ngày. Được cái, vì cùng cảnh, bà con quanh vùng biết thương nhau hơn.

“Dù sao mình cũng còn đỡ hơn mấy ổng đang trong tù cải tạo. Mấy ổng đói đã đành còn bị tụi nó làm nhục đủ điều.”

Một hôm, bà Yến bạn thân ngày xưa cũng đi kinh tế mới cùng đợt với gia đình bà Loan, ghé thăm.

“Ngày xưa mỗi khi chị đến chơi, là có trà, có bánh kẹo để mời, bây giờ chỉ có dĩa khoai mời chị…” Bà Loan nói nhỏ.

“Mình như chị em rồi, cùng khổ như nhau có khác gì. Chị đừng nghĩ ngợi gì, quý nhau là được rồi.” Bà Yến ôm vai bạn thủ thỉ.

“Chị Loan này, có người nhờ mình sang hỏi con Kiều đấy.”

“Ai thế chị?” Bà Loan quay sang hỏi.

“Ông bà Phú bên kia sông, cũng là chỗ xui gia với gia đình mình.”

“Thế à!”

“Mình thấy con Kiều cũng lớn rồi, chị gả chồng cho con là vừa và cũng …”
“.. đỡ một miệng ăn phải không chị!” Bà Loan nhìn xa xăm nói.

Có sự mở lời từ bà bạn thân, hai gia đình đã nói chuyện với nhau và đồng ý tác thành. Kiều hiểu những vất vả của bà Loan và gia đình nên thuận ý bà đi lấy chồng dù nàng thật sự hoang mang.

“Má! Con chưa muốn lấy chồng. Con muốn ở với má và các em. Con chưa sẵn sàng.”
“Đời là chuỗi những điều mình chưa sẵn sàng. Bố con chưa sẵn sàng để đi tù. Má chưa sẵn sàng để đưa các con lên vùng đất này.”

Sau khi nghe bà Loan giải thích, nàng im lặng chấp nhận không nói thêm lời nào. Cái tính chịu đựng đó là từ bà mà ra. Kiều giống y như bà Loan từ tính tình, dung nhan đến cả dáng đi. Hôm rước dâu, đám cưới nghèo diễn ra đơn sơ, không áo dài, không son phấn, Kiều vái lạy ông bà và cúi chào bà Loan theo chồng sang sông.

“Má!”

“Đi đi con! Nhớ giữ gìn đừng để ông bà mắng vốn nhà mình! Nín đi! Đây sang đó có xa xôi gì đâu.”

Bà Loan gắt nhẹ. Trung im lặng nhìn chị, còn Vân thì nằm khóc trên chõng tre phía trong.
Chiếc đò tròng trành nhẹ rồi ra giữa giòng trôi. Kiều ngoái nhìn mẹ và em rồi cúi đầu lặng lẽ.

“Má ơi! Rồi má với các em làm sao! Bố thì trong tù, con về với người lạ …”

Bà Loan nhìn theo con đò nhỏ một lát rồi vào nhà.

“Con Vân đâu rồi?”

“Dạ!”

“Ở nhà trông em, má ra ruộng mì đây!”

Nói rồi bà Loan đội cái nón lá tất tả đi. Ra đến ruộng mì, chui vào lùm cây cao không ai thấy, bà khóc.

“Bé Kiều của má!”

Nguyễn Hữu Dũng
TV83, 12A2  
 
Nhân vật chính trong truyện 80% dựa trên chuyện bà chị họ của Quỳnh.
Bố đi học tập, cả nhà dắt nhau lên Sông Bé, mới chừng 18 chị phải sang sông lấy chồng.
Bây giờ thì các anh chị vẫn còn ở Sông Bé nhưng ơn Giời, cuộc sống đã khá hơn xưa.

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận