Mùa Xuân trong Cửa Phật


đêm qua sân trước một cành mai

Khi mùa Giáng Sinh và Tết Dương lịch đến là mùa đông lạnh giá cũng đang về mang theo tuyết trắng phủ ngập đường sá, dày nặng trên mái nhà, che lấp xe cộ ven đường… Đó là mùa lạnh miền Đông nước Mỹ. Còn ở miền Tây cũng bắt đầu có những cơn mưa tưới tẩm ruộng vườn đồi núi. Những con sông khô cạn qua mấy năm liền hạn hán cũng bắt đầu có nước tràn về, đầy sông, chảy lao xao róc rách len qua các lùm cây, bụi cỏ làm tươi mát không gian. …

Mùa đông đến cũng có nghĩa là mùa đông đang đi, đang trôi theo dòng thời gian với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân. Con người cũng bận rộn theo tháng năm, tất bật làm ăn sinh sống suốt bốn mùa nên nhiều khi quên đi tiếng đập của thời gian. Mỗi ngày như mọi ngày nên quá quen với sự đổi thay của nước chảy mây trôi ngày qua tháng lại để miệt mài với công việc của đời thường. Cứ thế cho đến khi ngừng, nghỉ, chợt ngẩng mặt nhìn trời thì chao ôi, cỏ cây hoa lá đang hồi sinh dưới nắng ấm của mùa Xuân mới đang về.

“Ô hay Xuân đến bao giờ nhỉ?
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình.
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo,
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh!”


Đó là lời của nhà thơ – là thi sĩ Huyền Không - là hòa thượng Thích Mãn Giác.
Khi mà thời gian tuông chảy đêm ngày không ngừng nghỉ và sự đời cũng chảy tuông như thế thì có gì mà không mới mẻ trong từng khoảnh khắc?  Nói đến mùa Xuân là nói đến sự tươi đẹp an lành. Thế nhân thường mượn mùa Xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên, nên tuổi trẻ được gọi là tuổi thanh xuân, tuổi đầy sức sống.  Và muốn được sống tươi vui như mùa xuân thì cần phải có Tâm Mùa Xuân, tức là lúc nào lòng cũng mới mẻ, tươi vui, không cũ kỹ, khô cằn như mùa thu lá rụng, mùa đông lạnh giá. Có lẽ nhà thơ muốn nói với chúng ta như thế.

Sư Tổ Trúc Lâm cũng có bài kệ về mùa Xuân mới:

“Thủy khởi khải song phi
Bất tri Xuân dĩ qui
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi”


Bản dịch:

Ngủ dậy mở cửa sổ
Ngờ đâu Xuân đã về
Một đôi bươm bướm trắng
Nhịp cánh nhắm hoa bay.


“Ngủ dậy”, phải chăng Tổ Sư muốn nhắn nhủ với chúng ta là chúng ta đã tỉnh giấc mê muôn thưở? để mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi mà không vướng mắc, để chỉ thấy chân tâm hiện tiền … sáng ngời, còn tìm đâu xa, mở cửa sổ liền thấy bướm trắng nhẹ nhàng bay đến bên cành hoa.

Xuân đến làm đổi mới không gian, con người và cuộc đời. Xuân đến cho ta niềm tin yêu mới, rọi xuống hồn ta những tia hy vọng. Ta cứ việc ươm niềm tin yêu hy vọng ấy vào những ngày đầu xuân thì ta sẽ buông bỏ được mọi ưu tư phiền muộn của cuộc sống, quên đi những vất vả khó khăn của đời thường, để trọn vẹn sống với những ngãy Xuân, ngày Tết. Lúc đó chắc chắn ta sẽ thấy được “Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh” như hòa thượng Mãn Giác đã thấy. Vậy ta hãy cứ vui xuân, hưởng xuân và hãy cứ khoác lên mình chiếc áo nhuộm màu vũ trụ mới toanh.

----

Ngày xưa, rất xưa, cách đây đến 10 thế kỷ, thiền sư Mãn Giác thế kỷ thứ 11 đời Lý cũng đã từng làm thơ ca tụng mùa xuân mới, cho dù Xuân đến, Xuân đi, Xuân tàn, nhưng qua thơ, Ngài đã để cho mùa Xuân khi tái sinh, bởi vì hoa lá, cây cành tưởng tàn úa khi đông qua, lại bắt đầu cho ta những chồi non, những nụ hoa tươi thắm.  Hãy lắng nghe tiếng thơ của Thiền Sư:

“Xuân khứ, bách hoa lạc
Xuân đáo, bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”


(bài kệ Cáo tật thị chúng - thiền sư Mãn Giác)

Bản dịch của Ngô Tất Tố:


“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.”


Thiền Sư Mãn Giác bắt đầu bài thơ bằng từ “rụng” và kết thúc bài thơ bằng từ “nở”.  Xét nội dung tuần hoàn, vốn không đầu không cuối thì rụng rồi nở hay nở rồi rụng thì cũng giống nhau thôi, nhưng hiệu ứng cảm xúc thì có khác. Phải chăng Thiền Sư muốn tạo cho nhân sinh một niềm tin – rụng rồi sẽ nở:
“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.”


Nhưng nếu nói ngược lại thì nó sẽ như là một lời cảnh báo: nở ra rồi thì cũng rụng thôi!  Luân hồi là giáo lý nền tảng của Phật Pháp, cũng như Nhân và Quả. Việc sống chết như hai mặt của một tờ giấy, có sinh thì có hóa, có hóa tất có sinh.

Người đắc đạo bình thản nhìn cõi tịch diệt như cõi trở về. Thơ của vị cao tăng viết khi có bệnh mà mở đầu đã nêu luật luân hồi hẳn là để đạt an nhiên cho tâm trí, thanh thản chấp nhận qui luật sinh hóa. Còn hay mất thì cũng là hư ảo. Lòng người sẽ lặng và trong như mong muốn của bao bậc tu hành.

Toàn bài thơ của thiền sư Mãn Giác là cả một khối giáo lý liền mạch về cõi vô thường - trong đời không có cái gì tồn tại mãi. Xuân đến xuân đi, hoa rụng hoa nở. Việc đời đổi thay, trẻ qua già tới.

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở)


Các lập luận trong bốn câu thơ đầu là cùng chiều.  Nhưng hai câu kết thì lại khẳng định: Mùa Xuân là vĩnh viễn, cái đẹp là vĩnh hằng – như là mâu thuẫn với thuyết không có gì là vĩnh cửu ở trên. Hay đó là phút đốn ngộ của vị thiền sư thoạt tìm ra chân lý? Thuyết vô thường của nhà Phật đã trở thành chân lý để giải thích mọi biến thiên.

Nếu hai câu đầu nêu thuyết luân hồi như một chính đề thì hai câu ba bốn lại như một phản đề. Chính đề từ giáo lý, phản đề là hiện tượng trong đời sinh động và cụ thể.

“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai”
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi)


Việc đời vô thủy vô chung, đuổi nhau ngay trước mắt mình, không thể không thấy. Còn sự già nua thì cứ đầu mình mà tới (tóc bạc), muốn tránh cũng không được.  Phối ý hai câu thơ lại sẽ thành tiếng thở dài ngậm ngùi trong luận đề phi lý của triết học hiện sinh.  Hai câu đối nhau chặt chẽ, bàn lẽ rộng xa, nhưng chứng cứ thì hội tụ vào thân xác con người (mắt, đầu). Đây chính là đặc sắc của Thiền học Lý Trần Việt Nam. Sống bền chắc với đời để mà vui cõi đạo (Cư trần lạc đạo).

Chúng ta nhiều khi chỉ nhìn thấy sinh già bệnh chết rồi trong một lúc nào đó thấy cuộc sống là vô vị, vô nghĩa, một ngày như mọi ngày, cuộc sống cứ trôi đi trong cái “hỉ nộ ái ố” nên chỉ thấy khổ đau, buồn chán mà không nhìn thấy được cái hạnh phúc tái sinh của muôn loài qua dòng trôi chảy.  Và chúng ta than khóc:

“Ai lại không nghe ít ra là một lần nỗi đìu hiu của ao đời bằng phẳng. Chúng ta nhảy múa gào khóc, quay cuồng để cho có việc, nếu không ta sẽ thấy một sự vắng vẻ vô cùng thê lương. Và dù siêng năng đến đâu đôi lúc ta cũng bắt gặp ở đáy hồn ta một nỗi trống không rất tuyệt vọng”.  (Xuân Diệu)

“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.”

(Chế Lan Viên)

“Mỗi người đứng một mình
Trên trái tim quả đất
Lòng xuyên qua tia nắng mặt trời
Và chưa chi chiều đã tắt”.

(Salvatore Quasimodo)

Chúng ta chưa thấy được hoa rụng rồi hoa lại nở, Đông qua Xuân đến hết chu kỳ của cuộc sống, con người và cỏ cây hoa lá lại tái sinh. Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân. Người già cứ đi vào cõi thiên thu thì trẻ thơ, em bé lại được sinh ra để rồi đi vào đời, biết đâu với một tâm hồn mới mẻ, trẻ trung hơn.  Dòng đời cứ trôi chảy như luân hồi sinh tử, như dòng thời gian cứ cuốn trôi sáng trưa chiều tối, như bốn mùa luân phiên đổi thay.  Cho nên học tu là học buông bỏ, chấp nhận cuộc sống như nó vốn là, nó cứ đến rồi nó cứ đi, nhưng ta thì vẫn phải sống.

Xuân đi xuân đến, hoa rụng hoa nở là niềm tin yêu hy vọng cho chúng ta. Hãy vui cùng Xuân mới, hãy cười với ngày Tết đến vì không gian đang đổi mới, ta cũng hy vọng hồn ta cũng mới theo. Những tâm hồn già nua ưa triết lý, lý luận thì dù triết lý lý luận có nhanh đến đâu cũng không thể bắt kịp nhịp đời đổi mới này.  Chỉ những tâm hồn trẻ thơ, không toan tính so đo, không chất đầy ý tưởng, những tâm hồn luôn mở rộng cửa đón chào sự sống nảy sinh trong từng giây phút mới là những tâm hồn sống thực sự trọn vẹn. Đó là những tâm hồn luôn mới mẻ.

Bài thơ của vị Thiền sư thế kỷ 11 là một quá trình giác ngộ chân lý. Câu thơ “Đêm qua sân trước một cành mai” đã hòa nhập với câu thơ “Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh” của hòa thượng Mãn Giác thế kỷ 20 để từ đó cùng nhau:

“Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng.”

(Huyền Không – HT Mãn Giác)

Cho mãi đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao nhân gian lại gọi ngày Tết là “Tết Di-Lặc”. Vì ngài là Phật của Tết, của Xuân. Vì Phật Di Lặc đã mãi mãi mang một nụ cười.  Có thứ màu trẻ trung nào hơn để trang điểm cho trẻ mãi bằng nụ cười? Phật Di Lặc không chỉ cười một lần. Ngài cười suốt thiên thu. Mùa Xuân trong cửa Phật thật có khác.



Nhưng làm sao cười hồn nhiên được khi lòng chất chứa bao thị phi ngang trái, thân dính mắc bao cảnh đời danh lợi nổi chìm? Nhà Phật bảo: “Buông xả, buông xả”.  Chỉ hai tiếng mà vẽ nên nền Đạo thiên kinh vạn quyển. Thì ra kinh đã vẽ đường cho chúng ta đi. Và đi là “vượt qua, vượt qua”. Vượt qua là buông xả, buông xả là vượt qua.


Có người hỏi Hóa thân Di Lặc:
- Phật Pháp là gì?
Hóa thân bỏ bị vải xuống.
Hỏi thêm:
- Có gì hay nữa không?
Hóa thân vác bị cất bước lên đường.
Trừu tượng một chút, ta có thể nghe được:
- Phật Pháp là gì? – Là buông xả
- Có gì hay nữa? - Sống

Thì ra buông xả mà vẫn cứ sống, sống khắp nơi, khắp chốn mà vẫn cứ là buông xả hết mọi sự.

Cũng có người hỏi Hóa thân Di Lặc:
- Hòa thượng ở đâu?
Hòa thượng đáp:
- Bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa. (Nhất bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý du.)
Âm hưởng của câu thơ chữ Hán nồng nàn và mênh mang, cho ta hình dung được nỗi cô liêu của một con người.

Ngày nhỏ tôi thuờng theo mẹ đi chùa nhưng tôi không vào lễ Phật mà thường quanh quẩn bên tượng Phật Di Lặc. Tôi thích nụ cười của Ngài, cười toe toét, cười một cách thoải mái. Năm đứa bé phá phách đeo bên mình móc tai móc mũi móc miệng … mà Ngài vẫn cười. Ngài là con người hạnh phúc, con người của mùa Xuân, ai nhìn vào cũng thấy hoan hỉ, cũng muốn cười theo. Nhưng làm sao cười được như thế? Chính là do tâm Ngài hỷ xả.

Rồi một ngày tôi gặp được hai câu:
“Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Mắt từ thường xả, xả những điều khó xả của thế gian.”
Được ghi dưới tấm ảnh vẽ hình đức Di Lặc. Tôi thích chí vô cùng và cố gắng nguyện sống được phần nào theo câu kệ ấy. Nguyên văn chữ Hán tôi cũng tình cờ đọc được:
“Đại đổ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Hàm nhan vi tiếu tiếu thế gian nan tiếu chi nhân.”
(Bụng lớn để dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng nở nụ cười, cười những sự khó cười nhất thế gian)

Cái duyên may cho tôi được đến với Ngài, yêu Ngài, kính Ngài và học theo hạnh hỷ xả của Ngài qua hai lần tình cờ đọc kệ.

Xuân đang về , Tết đang đến, hoa đang nở, nắng xuân đang rực rỡ ấm áp. Xin hãy ươm mầm hy vọng và tin yêu vào một năm mới tràn đầy hạnh phúc và bình an. Cái cũ đã đi vào dĩ vãng, ta đang có một năm dài mới mẻ với cái tâm mùa Xuân để cùng với hai vị Thiền Sư thấy:

“Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh” và  “Đêm qua sân trước một cành mai”

Đức Di Lặc đang vui cười đón chúng ta vào thăm Mùa Xuân trong Cửa Phật.


Hoàng Hương Thủy
Bà ngoại Xí Muội

Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai


Comments

Anonymous said…
Chúc mừng Cỏ đã viết lại
Lâu lắm rồi mới có ai đó viết cái gì để thưởng thức
Bạn Cỏ cũng có đứa giống Di Lặc nhưng chỉ giống cái trống cơm chứ không được thâm thúy như vầy

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận