Những ngày cuối tháng 4 của 41 năm trước


Tháng 4 năm 75 đánh dấu một biến cố quan trọng của rất nhiều gia đình ở miền nam VN, trong đó có gia đình mình.

Hàng năm đến tháng 4 sau năm 75, chú mười Khoa, em ruột của ba, vẫn đến chơi nhà mình và gợi nhớ lại kỷ niệm mà chú chua xót nói: "biết vậy, tao khai báo bà con giòng họ hết". Là những bà con nào theo CS mà lúc trước chú biết nhưng che dấu hay cố tình làm ngơ. Khổ nỗi, ai nỡ cho bà con mình vào tù. 

Chắc nhiều người dân miền nam còn kẹt lại sau 75 biết "vậy" là sao rồi, chẳng cần nhắc tới.

Riêng mình, ở cái tuổi đã có ý thức CS khác với quốc gia nhưng chưa biết chi tiết cái gọi là: Mặt trận dân tộc miền nam như thế nào thì 41 năm sau sự sụp đổ của một chế độ mình vẫn hình dung được những ngày đó ba mẹ và anh chị em đã làm gì và đi đâu. Dù rằng không thể nhớ rõ căn nhà nào, biệt thự nào, cơ sở nào, con đường nào mình đi qua hay gương mặt nào mình gặp. 

Muốn không nhớ hay cố quên nhưng vẫn nhớ vẫn không quên. Để làm gì không biết lý do, nhưng quả thật đôi khi trong giấc mơ mình vẫn mơ cái ngày ba mẹ và chị em tìm đường thoát khỏi Saigon nơi mình sinh ra và lớn lên.

Hai tuần đầu của tháng 4, em dâu của chị Sáu phụ việc nhà đi từ miền trung đến Saigon trú ngụ vì như chị nói chỗ chị ở bị VC đến rồi.

VC là ai mà phải chạy trốn vậy? 
Mình không biết. 

Mình và chị Hiền, Hằng, hai chị của mình và hình như có cả Tuấn, cậu em út vẫn phải đi học bình thuờng và đi xem phim nữa: "chàng đẹp và nàng lang thang". Mình hãy còn nhớ những tháng ngày cuối cùng của VNCH, rạp chiếu phim bắt buộc có màn chào cờ. Nhưng hôm đó không có ai đứng lên để chào cờ. Tự nhiên có ai đó la lên: Mọi người phải đứng lên chào quốc kỳ, bao nhiêu chiến sĩ hy sinh cho VN vv....Thế là mọi người đứng lên. Thanh niên nào đó không biết có còn nhớ không? Nhưng lời nói và hành động của anh thật hay và có lý tưởng. Không biết anh có biết rằng quốc kỳ đó sắp rơi xuống để thay thế cho quốc kỳ khác không?
Vài ngày sau đó, mẹ và ba cho Tuấn, cậu em út đi theo chú Hiển, em ruột của ba vào phi trường Tân Sơn Nhất. Phi công VN chuẩn bị bỏ Saigon ra đi được mang theo gia đình. Tuấn, Lĩnh (cậu em họ) và Hân (con gái của chú Hiển) theo chú Hiển vào căn cứ phi công để chờ lệnh bay ra khỏi SG.
Mình và Tuấn chỉ cách nhau có 11 tháng nên chị em hay chơi chung, dù là chị em cứ cãi nhau như chó với mèo nhưng khi Tuấn không có nhà mình cũng nhớ.

Tiếc là ba với mẹ đã không kiên nhẫn chờ đợi và chắc vì nhớ con nên 1 tuần sau không thấy chứ Hiển bay nên ba mẹ quyết định đem Tuấn về và chắc ba mẹ dự định sẽ cho Tuấn đi cùng với gia đình vì ông Mike, người bạn Mỹ của ba đã làm giấy tờ bảo lãnh cả gia đình rồi.

Đúng là cái số mình và gia đình phải kẹt lại SG, giấy tờ ông Mike chưa về kịp mà VC tiến đến càng lúc càng gần. 

Mình vẫn đến trường như thuờng lệ, nhưng có khi đang ở trong lớp thì được báo là có gia đình đến đón. Thế là 3 chị em đi về. Chắc lúc đó mình sướng lắm, không phải học mà.

Thế rồi những ngày cuối tháng 4 đến. Chú Hiển đã bay đi với gia đình riêng của chú, không có Tuấn cũng như không có Lĩnh.

Giấy tờ của ông Mike không đến hay đang kẹt ở đâu đó. Không có hy vọng ra đi chính thức bằng máy bay. Làm sao thoát khỏi SG đây?

Mợ Phụng, người hàng xóm sát nhà nói với mẹ: "bác nghe tin tức đi nếu có phát bài hát này thì có địa chỉ mấy địa điểm xe bus Mỹ đến đón đi đó bác". Bài hát đó mình hãy còn nhớ: Goodbye, goodbye my love goodbye. Right, goodbye my love Saigon, we are leaving you.

Mình không rõ VC là ai nhưng mình đã khóc nói với bạn hàng xóm: VC sắp tới rồi, tụi nó sẽ đào đất lên bắt mình cuốc. Ba đi ngang qua thấy mình khóc thì la lên: "Có gì mà khóc". Chắc trong lòng ba cũng lo lắng lắm mà phải trấn an con nít ranh đó thôi.

Phải kiếm đường thoát cho gia đình thôi dù là SG đang có lệnh bị giới nghiêm 24/24. Có nghĩa là ai ra đường là có thể bị bắt.

Ngày cuối tháng 4, trời còn rất tối, ba lái xe chở mẹ con đến bùng binh Nguyễn Huệ thì bị cảnh sát thổi lại. Mình không biết sợ là gì vì mình không biết SG đang bị giới nghiêm. Ông cảnh sát hỏi: "anh đi đâu"? Ba trả lời: "anh thông cảm, tui đưa vợ con tìm đường đi thôi hà". Ông cảnh sát nói:" anh còn đưa vợ con đi được chứ tụi tui còn ở đây, không đưa vợ con đi đâu được hết, thôi anh đi đi". Không biết số phận ông cảnh sát đó và các ông cảnh sát khác gác ở khu Nguyễn Huệ, trung tâm SG ra sao? Các ông đó có bỏ ngũ kịp không?

Đến bưu điện SG thì đã có rất đông người chờ để có xe bus Mỹ đến đón. Dân SG mơ mộng Mỹ tốt đến thế cơ à? Cho xe bus đến đón dân VN khi mà các anh GI cũng rất lo cho thân các anh ta sao? Bao nhiêu xe bus cho đủ?

Đến sáng không có chiếc xe bus nào cả. Gia đình trở về. 

Trưa hôm đó chú Ba, là người làm công cho ba đưa mẹ và 5 chị em đến địa điểm khác để lại có xe bus Mỹ đến đón. Lần này là một biệt thự hình như là cơ sở của Mỹ ở VN. Chờ một lúc mẹ và chị em buồn tiểu, nên mẹ và mình với Tuấn kiếm nhà vệ sinh. SG những ngày cuối tháng 4 hình như nhà máy nước không làm việc. Tuấn và mình đang tìm nước uống, thì có anh Mỹ trẻ khoảng 20 tuổi, da trắng, tóc vàng mắt xanh, anh ta hỏi mình với Tuấn bằng tiếng Việt rất sỏi:"khát nước hả?" Thế là anh ta vào cái phòng gần đó đem ra một lon Seven Up nguội tức là không lạnh. Chị em cầm lấy uống nhưng không nhớ có cám ơn anh Mỹ đó không. Trong tiềm thức của mình, lính Mỹ rất dễ thưong, đẹp trai, và tốt bụng. Điển hình là ông Mike, bạn của ba. Với các anh lính Mỹ mà lâu lâu mình gặp trên xe lính lúc mình đi học. Có khi chị Dung, chị cả, chở mình đi học bằng xe PC, xém chút bị xe camion Mỹ cán. Không biết lỗi của ai, nhưng anh lính ngồi trên xe mặt xanh lè vì sợ. Có khi mình ngồi sau xe hơi ba lái, mình ngoái đầu ra sau nhìn mấy anh lính Mỹ. Mấy anh chỉ nhìn mình nhếch mũi, như là các anh thấy con bé xinh xinh trên xe hơi đó mà. Sao chưa bao giờ mình gặp lính Mỹ nào hà hiếp con nít cả. Lính Mỹ đi tới đâu thì cho con nít kẹo cao su, bánh kẹo. OK Salem là cái câu hồi xưa mình hay nghe nói.

Trở lại hành trình tìm đường thoát, lúc mình và Tuấn quay lại biệt thự nơi được cho là sẽ có xe bus đến đón thì quả thật có xe bus đến đón nhưng chỉ có những ai có tên trong danh sách mới được lên xe bus mà thôi. Có lẽ những người có tên trong danh sách là người làm việc cho Mỹ. Thế nên số người còn sót lại không được xe bus nào đón cả.

Cuối cùng một anh Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi nói với tất cả:"bà con đến đường Đoàn Như Hài, cảng Newport sẽ có tàu đưa đi".

Sau đó anh ta chạy ra cổng leo lên xe jeep phóng nhanh tông lên lề đường rồi lái đi chắc để kịp đến tòa đại sứ Mỹ đón chuyến bay: Goodbye my love goodbye.

Chú ba không chở mẹ và các chị em đi ra cảng Newport vì chú cho rằng mình đã bị Mỹ lừa rồi.

Thế là mình lại về nhà. Ba đang có mặt ở nhà với một gia đình không chính thức của ba. Oái oăm thay, ba đem gia đình khác của ba về nhà khi gia đình ruột thịt chính thức của ba chưa đi đến đâu.
Mẹ giận dữ (không có gì đáng ngạc nhiên) nói xéo, trách móc. Mình không biết bà đó và gia đình của bà đó là ai nhưng mang máng mình biết rằng bà là cái người làm cho mẹ buồn.

Ba ơi, nỡ lòng nào ba muốn bỏ tụi con khi mà tụi con và mẹ bơ vơ, nếu tụi con đi được thì chừng nào tụi con mới được gặp lại ba?

Thế rồi, ba cũng quay lại với gia đình mình vì chẳng có con đường khác để thoát. Ngày 30 tháng 4 năm 75, ba chở mẹ và 5 con đến lãnh sự Tây Đức để tránh nạn.

Mình ở trong đó nên không hề biết SG thất thủ ra sao?

Nhưng nghe nói, chú ba và chị Sáu (người giúp việc) phải kéo tủ lạnh chắn cửa sắt vì sợ những người hôi của đến phá cửa vào nhà.

41 năm qua, những ngày cuối tháng 4... 

Hồ Thanh Nhã  
TV83 12A5

Comments

Unknown said…
Good one, TN. Khoe khong :)
Unknown said…
Nha khoe. Con Vu? Vu dang o dau the? Di lam viec o nuoc ngoai hoai nen hoi Vu dang o dau thoi.

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận