tản mạn ngày chiến sĩ trận vong


Ngày Thứ hai cuối cùng của tháng năm là Memorial Day của Hoa Kỳ, đại khái là Ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong.
Vào những ngày cuối tháng Năm, nếu có dịp đi về phía DC sẽ thấy từng đoàn mô tô phân khối lớn chạy rầm rầm trên đường.  Phần nhiều đó là những cựu binh Mỹ từ khắp các tiểu bang đổ về National Mall (Quảng trường Quốc gia) tại Washington DC để tưởng nhớ đồng đội tại các khu tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Triều Tiên, Việt Nam, và cả chiến tranh Thế giới II hay Nghĩa trang quân đội Quốc gia Arlington.  Họ có một kiểu ăn mặc giống nhau, quần jean, áo da, hay áo rằn ri, giày bốt, và thường xăm 
đầy mình.  Hàng chục ngàn mô tô Harley Davidson, BMW ... từ vài trăm đến vài ngàn phân khối chạy rầm rầm quanh vùng DC, northern VA và southern MD.

trên đường đi làm một ngày cuối tháng 5

Thỉnh thoảng mình lại đến DC hòa mình theo dòng người trên Quảng trường Quốc gia Washington DC (National Washington DC Mall) lang thang khắp các đài tưởng niệm và bảo tàng viện ở đây.
Quảng trường Quốc gia Washington DC là một khu vực, tạm gọi là công viên, rộng bao la bao gồm các khu tưởng niệm và luôn cả viện bảo tàng nổi tiếng Smithsonian Institution.   Đài tưởng niệm Đại chiến Thế giới II, Chiến tranh Triều tiên, Chiến tranh Việt nam, tượng đài các Tổng thống Mỹ Washington, Lincoln, Jefferson và cả Martin Luther King - một người không là tổng thống và cũng không là người Mỹ da trắng.  Bảo tàng Smithsonian trưng bày đủ các thứ với các tác phẩm hội họa qua mọi thời đại và những bộ sưu tầm quý hiếm của nhiều dân tộc trên thế giới.  Từ đài tưởng niệm Lincoln có thể nhìn thấy Tòa nhà Quốc hội xa xa một cách khá rõ vào những ngày nắng đẹp (trời âm u thì miễn). Ở giữa Quảng trường là tháp tưởng niệm George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tháp có hình dáng giống như cây  viết chì, đứng uy nghi soi bóng xuồng hồ nước phản chiếu (Reflecting Pool).

với Jerry and Pati May 2006, trước mặt là Lincoln xa xa phía sau Washington Monument là chóp Tòa nhà Quốc hội tròn tròn




Washington Memorial với Hồng A1, Nov 2015


 Sep 2017



Jefferson Memorial
Sep 2017

Khu Tưởng niệm Chiến tranh Triều tiên là một quần thể nhiều bức tượng các chiến binh Mỹ. Xa xa là một bức tường với slogan  “Tự do không tự đến – freedom is not free”, “… tưởng nhớ những người lính Mỹ rời quê hương ra đi bảo vệ một đất nước mà họ không hề biết, những người mà họ chưa bao giờ gặp – …defend a country they never knew and people they never met”. Xa hơn nữa là đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ II với các cột đá biểu tượng cho các tiểu bang Hoa Kỳ và hai đài chiến thắng cao ngất ngưỡng.

Đài tưởng niệm Cựu Chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) gồm một cụm ba tượng đài:   The Vietnam War Wall (Bức tường Chiến tranh Việt nam), The Three Soldiers (Ba Chiến Sĩ) và Việt Nam Women's Memorial.  

Bức tường do Maya Ying Lin một sinh viên Mỹ gốc Hoa 21 tuổi, lúc ấy đang học kiến trúc ở Đại Học Tổng hợp Yale, tiểu bang Connecticut thiết kế. Đây không phải là đài tưởng niệm chiến tranh mà là đài tưởng niệm những người lính đã phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cả còn sống hay đã tử trận.


Nằm thấp so với mặt đất vài mét, Bức tường Chiến tranh Việt nam khiêm nhường ẩn mình dưới tán cây xanh rợp mát, gồm 72 tấm đá hoa cương đen ghép lại thành chữ V. Theo lối nhỏ lát đá, mình đi xuôi xuống lòng đất để tìm đọc tên những người lính Mỹ ngã xuống ở chiến trường Việt Nam xa xôi.  Họ tên của hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận hoặc mất tích tại Việt nam được khắc lên đá hoa cương theo thứ tự ngày tử trận với ước mong tên tuổi của họ không bao giờ phai với thời gian.  Hai đầu bức tường là hai chiếc bàn nhỏ có mái che với hai cuốn sách dày ghi rõ tên, đơn vị, ngày mất và vị trí từng người trên tường để người thân, bạn bè dễ tìm kiếm. 

Hầu như bất kỳ lúc nào trong ngày đều có nhiều người đứng cạnh bức tường đá này. Vài cựu chiến binh Mỹ buồn bã trầm ngâm, có người gục đầu vào tường, vài người khác âm thầm lau nước mắt. Có những lời cảm ơn, những lời chia biệt, những trang nhật ký, vài tấm ảnh hay những bông hoa xếp dưới chân tường.  Cũng có người để lại huân chương, đôi bốt nhà binh, chai rượu uống dở với hai cái ly, hoặc một mẩu bánh sinh nhật ...

Cuộc chiến đã qua nhưng những người lính không thì còn gì khi quay về với quê hương.


Một người cựu binh Mỹ,  chạm tay cúi đầu trước bức tường với những cái tên.  Người đã chết nằm trên tường và người còn sống đứng in bóng vào những tấm đá hoa cương, cũng không biết là ai mất mát hơn ai !!!





Chiến tranh Việt nam đã lùi xa gần năm mươi năm. Một thế hệ Việt nam khác đã lớn lên chỉ còn nghe kể và học sử về chiến tranh Việt Nam. 

Rồi mình vẫn còn sẽ đến đây và cả con cháu mình cũng sẽ đến đây nhìn những tấm đá hoa cương ghi tên những người lính tử trận, thấy cả bóng mình và đất trời trong đó và cầu xin hồn thiêng những người lính được bình yên nơi xa vắng trong đó có chú Út của mình.  Chắc rằng, Bức tường đá kia sẽ còn tiếp tục nói với nhiều thế hệ tương lai về chiến tranh và hòa bình, về đau thương và mất mát.

----


Từ Việt Nam Veterans Memorial vòng ra sau lưng Lincoln Memorial, băng qua Arlington Memorial Bridge bắc ngang Potomac river chừng 15 phút là Arlington National Cememtary.  Đây là một nghĩa trang quân đội được thành lập trên phần đất thuộc điền trang cũ của tướng Tổng Tư lệnh quân đội Liên minh Miền nam (Confederate) Robert E Lee.  Điền trang của tướng Lee bị chính phủ Liên bang Miền bắc sung công sau cuộc Nội chiến để xây dựng nghĩa trang quân đội chôn cất các binh sĩ Liên bang Miền bắc tử trận.  Ngày nay nghĩa trang là nơi an nghĩ của hàng vạn lính Mỹ tử trận trong cuộc Nội chiến của cả hai miền Nam Bắc, chiến tranh thế giới I và II, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam.

Tổng thống John Kenedy và vợ Jaquelin Kenedy cùng hai con đã mất của họ được an táng dưới chân một ngọn đồi trong nghĩa trang.  Một đôi trai tài gái sắc nổi tiếng nhất, quyền lực nhất địa cầu giờ đây cũng nằm dưới hai tấm bia sát đất.


Trên đỉnh đồi là nhà của tướng Lee.  Hơn một trăm bậc thang dẫn lên đỉnh đồi.  Thủ đô Washington nằm xa xa bên dưới, nổi bật lên là ngọn tháp Bút Chì (Đài tưởng niệm Washington), Đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln, Điện Capitol, phía bên phải là Lầu Năm góc.  Từ đỉnh đồi nhìn xuống là toàn cảnh các bia mộ thẳng tắp từng hàng, xen lẫn những cành hoa anh đào trắng nở rộ.  Nghĩa trang Arlington rộng lớn, thiết kế hài hoà và có một vẻ đẹp khó diễn tả.  


Ngôi nhà trên đỉnh đồi - Arlingon house - và toàn bộ khuôn viên nghĩa trang bên dưới từng là tài sản của ông, vị tướng Tổng Tư lệnh của quân đội Liên minh miền nam Confiderate.  Ngôi nhà và toàn bộ điền trang của ông đã bị tước đoạt.  Cũng vậy, chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng ngàn tư gia của sĩ quan quân đội và viên chức chính phủ Miền Nam cũng bị sung công, trong đó có ngôi nhà của ba mẹ mình tại góc Mạc Đĩnh Chi Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). 

Lang thang trong căn nhà của ông, đọc những dòng tiểu sử, những lời giới thiệu, chú thích về ông. Dòng tuyên dương của Quốc hội Mỹ về ông: “Không một ai ở miền Nam có thể mẫu mực hơn Robert Lee trong việc mang lại sự đoàn kết cho quốc gia chúng ta.” Lịch sử sẽ nhớ mãi câu nói để đời của viên tướng bại trận trong Nội chiến Mỹ: “I believe it is the duty of everyone to unite in the restoration of the country and the re-establish of peace and harmony” (Tôi tin rằng nhiệm vụ của mỗi người là đoàn kết trong việc hồi phục lại quốc gia và thiết lập lại sự hoà bình và hoà hợp).   

Trong số nhiều vị tướng của miền Nam Hoa Kỳ thất trận, không còn có mấy ai được người đời sau và Lịch sử nhắc đến cùng ngưỡng mộ như tướng Robert Lee.

Từ một vị tướng thất trận của miền Nam Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến đẫm máu - trải qua bao nỗi nhục đau, chịu đựng bao cay đắng của kẻ bại trận  Robert Lee đã kêu gọi mọi người buông bỏ những mất mát đau thương trong quá khứ để cùng nhìn về tương lai cho một quốc gia Hoa Kỳ hùng mạnh sau cuộc chiến tranh tương tàn cốt nhục .. ..


Nước Mỹ thật may mắn, kẻ thắng trận không dã man, người thua trận cũng bớt phần phẫn uất.

Từ nghĩa trang lái về nhà, bao nhiêu hình ảnh lẫn lộn.  Số phận của một vị tướng bại trận trong cuộc nội chiến Mỹ, gợi nhớ lại những ngày sau 30/4 năm 75, những tháng ngày đen tối nhất của gia đình sau khi chiến tranh kết thúc và Miền Nam bại trận.  


Mình vẫn không quên những ngày vượt núi băng rừng để đi thăm ba khắp các trại cải tạo khét tiếng ở những nơi rừng thiêng nước độc dọc biên giới Campuchia. Như mới thấy hôm qua, thân ảnh cao gầy của ba xách hai bao đồ thăm nuôi của mẹ dần khuất sau những lán trại trong rừng.  Mình cố rướn người nhìn theo và luôn sợ rằng đó là hình ảnh cuối cùng của ba mà không biết còn bao giờ gặp lại.  Ám ảnh của những lần nửa đêm công an và dân phòng vô lục soát nhà, súng đạn lạch cạch vây quanh những gương mặt còn ngái ngủ của cả nhà. Rồi một ngày ba trở về từ trại cải tạo, tóc bạc, mắt mờ, răng rụng gần hết.  Ba của mình năm đó chỉ mới vừa 45.  Ánh mắt ba buồn l khi đứa em gái không còn nhận ra ba.  Hình ảnh ba ngồi chẻ củi chặt từ cây trứng cá trong vườn, cô đơn lạc lõng và bất lực trước hoàn cảnh gia đình, đất nước.  Những đêm theo ba đi ngủ canh ghe neo đâu đó bên Nhà bè bị muỗi to như ruồi bu, chiếc ghe đó bác Canh mua bề ngoài là để chở hàng thuê nhưng thật ra là để vượt biển.  Rồi cuộc vượt biển không thành hãi hùng.  Nỗi cay đắng cầm lệnh tịch thu căn nhà đầy kỷ niệm và nhìn họ khóa cửa căn nhà thân yêu ngày rời VN ... Mình nhớ hết, thấy hết, biết hết và cảm nhận được hết dù chỉ mười mấy tuổi lúc đó.
Rồi mình lại nhớ đến câu nói của tướng Lee "A time to raise above the bitterness of the war” – một thông điệp mạnh mẽ không chỉ cho các bại binh của ông vào năm 1895, mà còn cho tất cả các nạn nhân của mọi cuộc chiến.  Căn nhà Arlington đã được chính phủ Mỹ quyết định bảo quản như một di tích lịch sử để tưởng nhớ đến vị tướng này.  Vị tướng đã vượt lên khỏi những vướng mắc, ràng buộc, đắng cay của một bại tướng miền Nam để đóng góp cho sự đoàn kết của dân tộc  và sự phồn vinh của đất nước Hoa Kỳ.

Rồi mình lại nghĩ bao giờ mới lại có một ngày lễ Chiến sĩ trận vong cho tử sĩ Miền nam Việt Nam để linh hồn các người lính được bình yên nơi xa vắng?


tpt

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận