“Thôi Về Đi!”


Ông bỗng nhớ rất rõ những tháng năm tiểu học với ngôi trường nhỏ mà mỗi chiều tan học, ông mải mê với đám bạn bên những cuộc chơi. Nào đánh đáo, nào bi, nào chơi quay. Nhắc tới chơi quay, ông thấy bừng sáng cả một trời thơ ấu. Ông khéo tay từ bé, tự làm lấy những thứ ông cần. Đi câu cá ở ao, ông ra vườn lấy một nhánh tre làm cần. Rồi tự làm mồi thật thơm, cá cứ lần lượt được ông giật lên, đầy cả giỏ, dù ông không thích ăn cá. Ông nổi tiếng sát cá trong đám bạn. Trở lại với con quay, ông tự làm con quay từ nhánh cây ổi. Con quay của ông đánh đâu thắng đó. Nhiều người gạ ông bán, hoặc đổi lấy những con quay làm bằng sừng đen bóng, ông không đổi. Cứ thế, ông có nhiều bạn thời tiểu học vì học giỏi và chơi cũng cừ. Và mỗi khi tan học, ông cứ nhập vào những cuộc chơi với chúng bạn cho đến khi người chị ông gọi về.
“Thôi đi về mợ mong!”
Lần nào cũng thế, nghe chị gọi là ông buông ngay, dù có đang thắng hay thua. Ông không bao giờ muốn mẹ mong hay làm phật lòng Người. Nhà ông thời bấy giờ cũng khá giả trong làng. Ngôi nhà ngói ba gian rộng mênh mông có sân phơi thóc mà mỗi vụ mùa gặt về, chị ông quét sân còng cả lưng. Làng ông nức tiếng về cốm, lẽ dĩ nhiên, nhà ông cũng có cốm. Tới mùa, cốm lọt nia khi sàng sẩy, ông gom lại, trộn mật rồi vo lại từng nắm, mang đi vừa ăn vừa chơi với các bạn.

Bữa cơm chiều vừa dọn ra, thì ông có phone của người cháu ở Canada. Hai cậu cháu nói chuyện như mọi lần. Được một lúc ông than mệt. Người cháu níu kéo để hỏi ông vài chuyện. Chợt ông nói.
“Thôi nhá, có hai người đàn bà đợi trước cửa!”
“Cậu nói sao? Người đàn bà đợi trước cửa nhà cậu hay nhà cháu?”
Ông không trả lời mà chỉ bảo.
“Nói chuyện với mợ nhé, cậu lên lấy thuốc uống rồi ăn cơm!”
Chưa hết bữa cơm chiều thì ông đi.
Ông thấy vợ ông và các con, các cháu bận rộn lo công việc, nhưng lòng ông nhẹ nhõm. Các con đã lớn và tự lo cho nhau được cả. Mấy đứa cháu cũng ngoan ngoãn, ông thấy yên lòng. Tiếng hai người chị ông sau lưng.
“Thôi về đi cậu!”

-DN

Nhạc phẩm “Phôi Pha” :  https://youtu.be/cJ88Q_2Q8ug

Nguyễn Hữu Dũng

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận