trumpet


Cảm ơn tiếng kèn của Chris Botti đã khơi cho người viết một cảm hứng để … viết trở lại.


“Mời Bố uống sữa.”
“Ừ, để đó cho Bố!”
“Thưa Bố con đi làm!”
“Ừ!”
Vừa bước ra phía cửa thì Bố nói với theo.
“Tí nữa Bố đi chợ mua trái cây. Ngày mai giỗ Má, con ráng về sớm.”
“Dạ!”
Thả hai đứa nhỏ đến trường, anh vào hãng vẫn còn sớm. Chỉ mới khoảng 8g. Ngày nào cũng thế, đều đặn. Từ ngày má mất, đã hơn ba năm, anh thấy hụt hẫng nhiều, dù đã ngoài 50. Và anh thấy thương bố anh hơn. Hai bố con gần nhau nhiều hơn xưa. Có nhiều buổi chiều, vợ anh thấy hai bố con anh ngồi bên nhau ngoài sân, yên lặng bên nhau không ai nói một câu. Thật lâu.
Ngày trước, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, bố anh là cây kèn cự phách của ban quân nhạc phủ Tổng Thống. Ông rất giỏi về nhạc và có thể chơi rất nhiều nhạc cụ, nhưng khi cầm cây trumpet thì ông như hóa thân vào tiếng kèn. Ngoài giờ hành chánh và những lần công vụ, thỉnh thoảng ông cũng đi chơi ở vài phòng trà của bạn hữu. Cuộc sống gia đình ông thời bấy giờ, nhờ đó, rất khá và có tiếng tăm. Sau ngày tháng Tư đổi đời, ông phải vào trại tù, gia đình vợ con bị ép đi kinh tế mới, cửa nhà không còn. Tiếng kèn tắt lịm.
Cuối những năm 90, ông và gia đình may mắn được sang Mỹ định cư theo chương trình HO. Ông như tìm lại được niềm vui. Sinh nhật thứ 65 là một sinh nhật đáng nhớ trong đời ông.
“Chúng con có một món quà nhỏ mừng sinh nhật Bố!”
“Ôi giời, chúng mày bày đặt làm chi cho tốn kém! Cứ kéo về đông đủ là bố với má bây vui rồi!”
“Ơ ông hay nhỉ! Thì cứ nhận cho các con vui đi!”
“Ừ thì mở! Bà mở hộ tôi!
Nghe ông nói, bà liền đỡ chiếc hộp và cẩn thận gỡ lớp giấy gói. Thói quen của bà từ ngày còn hẹn hò với ông: bà không bao giờ xé toạc lớp giấy gói như lũ trẻ. Bà cẩn thận tìm nơi dán cuối cùng, gỡ từ đấy gỡ đi. Bà thường bảo các con phải trân trọng những gói quà như trân trọng tấm lòng người tặng quà. Gói quà càng gói cẩn thận, tươm tất, thì tấm lòng người tặng càng đáng quý. Đấy là bà đang nói về ông! Bởi ông luôn tự tay lựa, mua và gói tặng quà cho vợ những dịp sinh nhật, hay kỷ niệm ngày cưới, dù chỉ ông và bà biết với nhau thôi.
Lớp giấy gói vừa gỡ ra, là một chiếc hộp dài đen bóng. Bà mở chiếc hộp để lộ ra một cây trumpet mới thật đẹp. Ông ôm vào lòng, nghẹn ngào, cùng với bà bên cạnh. Anh cố ý tránh cho bố sự xúc động.
“Bố Má ngồi sát lại cho con bấm một tấm hình kỷ niệm!”
Năm năm sau má mất vì ung thư ruột. Bố và các con tất tả lo hậu sự cho má bởi chưa ai chuẩn bị cho điều này. Ngày cuối đưa má đi hỏa thiêu, trước giờ hành lễ, bố nói nhỏ với các thầy điều gì đó, rồi ông vòng ra sau áo quan, cúi xuống lấy chiếc kèn trumpet.
“Xin phép các thầy các sư cô, xin phép quý vị, tôi muốn thổi một bài tiễn nhà tôi!”
Tiếng kèn cất lên, cao vút. Anh nhớ rất rõ, bản nhạc này bố anh chưa từng chơi trước đây. Hẳn là một bài ông mới sáng tác, không biết lúc nào. Tiếng kèn như xoáy vào lòng người. Các con đứng lặng nghe từng nốt, từng nốt mà nước mắt rơi. Sau đám tang má, bố không bao giờ đụng đến cây trumpet nữa.
“Tử kỳ đã không còn, thì Bá Nha còn là Bá Nha với ai!”
Ăn trưa xong, vừa vào cuộc họp, thì anh có phone của vợ. Anh tắt máy để vợ nhắn vào máy, như thường lệ, để tiếp tục cuộc họp. Chỉ vài giây thôi, phone lại reng, vẫn là vợ anh. Xin phép bước ra ngoài, anh trả lời phone vợ, nhưng chưa kịp nói gì thì đã nghe vợ khóc.
“Bố bị đụng xe. Anh về ngay đi!”
“Có nặng không? Bây giờ bố đang ở đâu?”
“Người ta đưa bố vào Bascom rồi. Anh đến ngay nha.”
Quay vào báo cho người xếp, anh thu xếp túi xách rồi phóng ra parking, lao đến bệnh viện. Vừa chạy vừa lo. Anh biết tính bố xưa nay lái xe rất cẩn thận.  Gần hai mươi năm lái xe xứ này, bố chưa một lần bị ticket! Chưa bao giờ bố phóng nhanh cả. Anh mong là cú đụng sẽ không quá nặng. Đó là một chiều cuối tháng Mười, những ngày của bí ngô và bắp. Các bác sĩ cho biết bố anh không bị nguy hiểm tánh mạng, nhưng phải ngồi xe lăn những ngày còn lại và trí nhớ bị ảnh hưởng nhiều do cú đụng đã tác động đến đầu và cột sống.
Vì hoàn cảnh, anh được sự chấp thuận của cấp trên nên từ ngày đó, phần lớn anh làm việc ở nhà. Một tháng hai lần, anh vào hãng để họp và giải quyết những vấn đề cần thiết.  Từ ngày xảy ra tai nạn, bố anh trở nên ngây ngô và không nói một lời nào. Khi đói thì ông chỉ xoa bụng. Khi nào buồn ngủ là ngủ dù đang ngồi xe lăn. Buổi chiều anh đẩy xe đưa bố ra cái park gần nhà. Hai bố con cứ ngồi im lặng. Bố anh cứ nhìn về một nơi thật xa, ánh mắt sâu thẳm, lẫn một chút gì đó không hồn. Hỏi gì ông cũng chỉ ngơ ngác nhìn người hỏi mà không nói một câu nào. Một năm sau, anh lấy một khóa học ở college cho một niềm đam mê mới. Anh muốn làm một điều gì đó cho bố.
“Bố ơi, hôm nay tụi con đưa bố đi chơi nha bố!”
Bố anh nhìn anh ngơ ngác như mọi lần.
Anh và vợ sửa soạn cho bố xong, đẩy xe bố ra chiếc minivan rồi chạy đến trường college nơi anh đang theo học. Hôm nay là lễ tốt nghiệp. Sau phần xướng danh, trao bằng, buổi lễ bước vào phần kết thúc. Theo thông lệ của khoa, người sinh viên tốt nghiệp thủ khoa sẽ trình diễn bài thi của mình trước mọi người. Anh bước ra với cây kèn trumpet, cúi đầu chào mọi người. Anh nhìn thấy bố anh ngồi hàng đầu bên cạnh vợ anh, giữa các giáo sư kính mến của anh. Ánh mắt của bố vẫn ngơ ngác như mọi ngày. Hít một hơi dài, anh nâng cây trumpet lên và bắt đầu phần diễn của mình. Tiếng kèn vút lên cao, lanh lảnh, như thấu tận trời xanh. Tiếng kèn xoáy vào lòng người nghe, chạm đến những nỗi niềm sâu lắng nhất. Tiếng kèn lan rộng khắp hội trường, từng nốt từng nốt rơi vào khoảng không im lặng, thấm đẫm. Anh thấy mình chơi vơi và không gian mở ra trước mặt là một mùa đông tuyết trắng ở Canada nơi anh gặp lại nàng sau bảy năm xa cách. Cái xiết tay thật chặt và câu hỏi anh mang theo suốt đời.
“Bây giờ anh không nắm tay em hở?”
Anh như thấy đoạn phim quay chậm lại khi anh và nàng cùng bước qua đường.
Đó cũng là bản nhạc cuối cùng mà bố anh đã thổi. Tiếng kèn dứt. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Anh chạy đến bên bố anh. Ông nhìn anh với giòng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Ông bập bẹ.
“Bà ơi!”

Nguyễn Hữu Dũng 
TV83, 12A2

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận