nhà vườn An Hiên - nơi thời gian ngừng lại

Trên đường viếng chùa Thiên Mụ, lúc gần tới chùa thì tình cờ nhìn thấy một cái cổng vòm cũ kỹ rêu phong với hai cánh cổng gỗ bạc màu thời gian trầm mặc nhìn xuống dòng Hương.  Phần cuốn vòm trên cánh cổng có phù điêu hình hổ, phía trên vòm cổng là một bức hoành cuốn thư nổi có hai chữ Hán, hai bên trụ cổng là đôi câu đối, tất cả các chi tiết trang trí này đều được khảm sành.  Phía trên cùng là hình hai con dơi sải cánh.  Hấp dẫn bởi vẻ u tịch cô liêu, thêm một chút tò mò ta đây lò bước vô coi thử, hy vọng nhà họ không thả chó.

Cổng vào với kiến trúc cổ kính, ẩn dưới cây xanh, 
có những hoa văn và câu đối khảm bằng sành sứ. 
Trên cổng là 2 chữ Hán “An Hiên”

Bước chân qua cánh cửa gỗ nâu trầm là một chốn êm đềm, thanh tịnh, nơi thời gian gần như ngừng lại từ trăm năm trước.

lối vô nhà nhìn ra sông Hương

Bên trong hai cánh cổng mở rộng là một lối đi với hai hàng cây đan nhau thành vòm dẫn tới một bức bình phong ở cuối đường với hình chữ Thọ ở giữa, hai bên là hai chữ Song Hỷ.

Cuối lối nhỏ vào nhà là một tấm bình phong 
ở giữa là hình chữ “thọ”, hai bên là hai chữ “song hỷ”






                                  
Sau bức bình phong nhuốm màu thời gian, là một hồ nước hình chữ nhật trồng sen và súng.  Phía bên kia hồ là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, nằm gần như ở trung tâm với điêu khắc tinh tế. Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ mái hai bên đắp rồng chầu, ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen. 




Ngôi nhà có kiến trúc truyền thống thể loại nhà rường Huế. Toàn bộ cấu trúc khung trong nhà đều được làm bằng gỗ, rui mè vì kèo đều được kết nối với nhau hoàn toàn bằng mộng, không có bóng dáng một con ốc hay vít nào. Những hoa văn, họa tiết được chạm trổ tinh tế bao quanh cột chính, hệ thống vì kèo của ngôi nhà.  Các cột được gối trên những bệ đá hình vuông.  





   


Không gian nội thất của ngôi nhà được phân chia rõ ràng theo chức năng sử dụng. Gian giữa là gian thờ, hai gian hai bên là nơi tiếp khách.  Hai chái nhà là nơi ở và sinh hoạt.  Trong nhà có vô số hoành phi, câu đối và cổ vật rất quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban cho gia chủ năm 1937, hiện đang treo ở gian giữa, và nhiều bài thơ của Vua Thành Thái, hiện cũng được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.





Khắp trong vườn, các thế hệ chủ nhân đã trồng hàng chục loại cây ăn trái như măng cụt, mít, bòn bon (dâu ta) ... và hàng trăm loài hoa quý. 



An Hiên viên được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19,  qua nhiều lần sang tên đổi chủ, nhà vườn cổ An Hiên về tay Tuần phủ Hà Tĩnh  Nguyễn Đình Chi vào năm 1936.  Sau khi ông Nguyễn Đình Chi tạ thế, vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến đã thừa kế và tiếp tục quản lý, giữ gìn khu nhà vườn. Chính bà là chủ nhân lâu nhất, giữ gìn và nâng cao giá trị của khu nhà vườn An Hiên cho tới khi bà qua đời vào năm 1997.  Hiện nay, nhà vườn An Hiên thuộc quyền thừa kế của con và cháu nội ông bà Tuần Chi.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, qua nhiều đời chủ sở hữu, nhiều thăng trầm của lịch sử An Hiên viên vẫn gần như còn nguyên vẹn cả về cảnh quan và kiến trúc truyền thống của của xứ Huế.  Nơi đây là cả một thế giới khác cuộc sống bên ngoài, sâu hơn, chậm hơn và bình lặng hơn. Đó là một không gian hoài cổ, trầm mặc, là nơi để lắng lại trở về dĩ vãng …

Bên cạnh những kiến trúc thành quách, cung đình, lầu đài, lăng tẩm… của vương triều Nguyễn xưa, Huế còn có một di sản kiến trúc khác – đó là nhà vườn - một dấu ấn đậm nét vừa mang nét tinh hoa quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống.  Không như những kiến trúc cung đình đã trở thành di tích hay phế tích; nhà vườn Huế vẫn sống và thở cùng nhịp với đời sống Huế.

Tới Huế hay trở về Huế nhớ ghé thăm An Hiên viên, 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế.  Trả một chút lệ phí dùng để duy tu và bảo tồn căn nhà, khách thập phương sẽ được đích thân gia chủ chiêu đãi trà mạn sen và kể chuyện ngày xưa.  Bữa đó Huế nóng nhảy dựng, mình xua tay lia lịa không trà lá chi hết chỉ xin một ly đá lạnh, đổ trà vô khà một hơi kiểu Sài Gòn, không còn chi những nét đoan trang thuỳ mị của gái Huế.



chuyến về thăm Huế hè 2017
tpt


Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận