Một thoáng Thượng Hải - Shanghai


Bay chuyến đêm của Shanghai Airline đến Thượng hải vào sáng sớm ngày hôm sau.  Chỉ một đêm, cảnh quan, thời tiết, âm thanh, sắc màu đều hoàn toàn khác. Thượng hải đầu xuân, lạnh và mưa phùn giống mùa xuân xứ Bắc VN.

Thượng Hải thành phố đầy quyến rũ nằm bên cửa Trường Giang (*), nơi con sông đổ ra biển Hoàng hải và Nam hải, Thái Bình Dương.   Thượng hải là đô thị hiện đại và lớn nhất, thủ đô kinh tế của Trung Quốc. Hải cảng tại đây thuộc loại sầm uất nhất nhì thế giới.

Tên Thượng Hải xuất hiện vào đời nhà Tống lúc đó chỉ một làng chài hẻo lánh, lạc hậu.  Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đau đớn và biến động, Thượng Hải đã trở thành một đô thị mang dáng dấp đa văn hóa, đa chủng tộc.  Và vào đầu thế kỷ XX, Thượng Hải đã là trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất vùng Viễn Đông.

Ngày nay, đến Thượng Hải, du khách sẽ cảm nhận được hình bóng quá khứ và nhịp sống hiện tại, song hành tại Nam Phố và Phố Đông, được phân cách bởi con sông Hoàng Phố (**). Nếu Nam Phố là Thượng Hải của một thế kỷ rưỡi trước, nơi tập trung vô vàn dấu tích của Thượng Hải thời còn là tô giới của các thế lực ngoại bang, thì Phố Đông lại là cơ sở tài chính và thương mại với các kiểu dáng cao ốc hiện đại, tân kỳ.  


*****

Phố Đông Thượng hải 

Phố Đông xưa kia là vùng đất hoang vu tựa như khu Thủ Thiêm bên kia bờ sông Sài Gòn vậy. Hơn chục năm trước quận Phố Đông của Thượng Hải là vùng quê nghèo với những cánh đồng rau mà mỗi vụ thu hoạch phần ngon nhất luôn dành chở sang bên kia sông Hoàng Phố.  It có ai ngờ được rằng chỉ hơn 10 năm sau ngày khởi công xây dựng, phố Đông trở nên huy hòang và rực rỡ như ngày nay. Giờ Phố Đông là đô thị hiện đại có những công trình đồ sộ nhất Trung Quốc như tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu (Oriental Pearl) cao thứ ba thế giới, toà nhà Kim Mậu (Jin Mao) và một rừng cao ốc khoảng cả ngàn công trình.  Nghe đâu một công ty của Mỹ đang đầu tư xây dựng khu Thủ Thiêm thành một Manhattan của Sài gòn.  Một ngày không xa Thủ Thiêm cũng sẽ vươn mình trỗi dậy như Phố Đông của Thượng hải.

Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông (Oriental Pearl) nằm ở mũi của Lujiazui thuộc quận Phố Đông, bên Sông Hoàng Phố. Đây là tòa tháp  cao nhất Trung Quốc và thứ ba thế giới, là niềm kiêu hãnh của Thượng Hải và là nơi tụ họp của người dân Trung Quốc mỗi khi có dịp đến Thượng Hải.  

Bến Thượng Hải 

Bến Thượng Hải thuộc quận Hoàng phố.  Khu vực này nằm trên đường Trung Sơn, bên trong khu Thượng Hải Công cộng Tô giới trước kia (tô giới cho ngoại kiều định cư).  Từ đây có thể buông tầm nhìn sang hai bên bờ Đông và Nam của con sông Hoàng Phố để chiêm ngưỡng những kiến trúc khác biệt của Phố Đông và Nam Phố.


Phố Đông Thượng hải và tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông bên kia sông Hoàng phố.

Ảnh chụp từ bến Thượng Hải.

Hôm đó có đoàn quay phim trời mưa mù và lạnh

Trên bến Thượng hải



Phố cổ Thượng Hải

Nằm gọn giữa hai đường Renmin Lu ở phía Bắc và Zhonghua Lu (chả biết tên Hán Việt của hai con đường này là gì) ở phía Nam. Trước đây đường này là vách tường thành phố Thượng Hải cũ. Giữa hai con đường đó, có nhiều đường hẻm quanh co với nhiều nhà cửa xây cất theo lối Trung Hoa xưa.

Thượng Hải là sự hòa trộn hài hòa và ngẫu hứng giữa Đông và Tây, cũ và mới. Khu chợ Dự Viên, còn được gọi là Phố Cổ (Old Town) gần bờ sông Hoàng Phố  tuy mới được duy tu phục chế lại nhưng vẫn bảo tồn lối kiến trúc thời Minh với mái ngói cong vút, gác gỗ đỏ au, lung linh đèn lồng ... khá nguyên vẹn.   Tại đây, trong lòng Thượng hải lớn và hiện đại này, vẫn còn đó một khu phố cổ với những kiến trúc lầu đài, lối sống, tập quán và sinh hoạt Trung Hoa xưa .. 

Nhà cửa trong khu Phố Cổ vẫn giữ kiến trúc cũ bên ngoài  nhưng bên trong được sửa chữa thành tiệm ăn, khách sạn, cửa hàng lưu niệm ... những cửa tiệm mang những thương hiệu hiện đại như kem Häagen-Dazs cafe Starbucks và cả thức ăn nhanh Mc Donald cùng chen vai thích cánh trong Phố Cổ Thượng hải.

Nếu muốn tìm lại không gian của những khu chợ Tàu đầu thế kỷ trước, chỉ cần lạc bước tới đây để hòa mình vào dòng người như nước bên những tửu lâu, khách điếm ... đủ loại tại phố cổ Thượng Hải.


Một bên là Thượng hải cổ xưa và một bên là Thượng hải hỉện đại



Bắt đầu vào Phố Cổ Thượng hải
nơi đây nom giống cảnh trong mấy bộ phim kiếm hiệp Tàu
nếu mình bỗng dưng có khinh công tuyệt đỉnh  phi lên phi xuống,
bay qua bay lại trên những mái nhà này thì ...

kem Häagen-Dazs
 và Mc Donald của cao bồi Mỹ 
cùng với Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu



đủ loại mùi nơi đây từ mùi thuốc bắc đến mùi thức ăn và cả mùi ... người



nếu những Tây Tàu Ta Ấn Mẽo đang ngao du biến hết hoặc mặc cổ trang
 thì nơi đây như thể vừa bước ra từ lịch sử mấy ngàn năm Trung hoa






Ra khỏi khu này, Thượng Hải là một thành phố rất hiện đại và to lớn.


Một Thượng hải tân kỳ và hiện đại bên cạnh một Phố Cổ một thời vang bóng








Khu Tô giới Pháp

Và có một Thượng Hải cổ  khác trong khu Tô giới Pháp cũ với căn nhà xưa của Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai và khu mua sắm Tân Thiên Địa (Xin Tian Di). Mùa đông, những hàng cây trụi lá, những con phố mờ sương bên những khu nhà kiểu thuộc địa thế kỷ 19…


khu tô giới Pháp

Cuộc sống của Phố Tây đa dạng như những chiếc xe ngược xuôi trên con đường Tự Trung (Zi Zhong) trước Tân Thiên Địa: xe đạp có, xe gắn máy có và xe hơi thì sang rẻ đủ loại.


khu mua sắm ăn chơi Tân Thiên Địa



Con đường phía trước khu tô giới Pháp





Dự Viên - Yuyuan Garden 

Dự Viên (Yuyuan Garden) nằm lọt trong Phố Cổ, được xây từ thời nhà Minh (thế kỷ thứ 16) với những lầu son, gác tía, hồ sen, rừng trúc là khu vườn và nhà cổ êm đềm tĩnh lặng giữa thành phố Thượng Hải ồn ào và náo nhiệt.  Dự Viên là một điển hình của nghệ thuật kiến trúc viên lâm  phối hợp giữa nhà cổ và vườn cảnh thời cuối Minh đầu Thanh lớn và xưa nhất ở Thượng Hải.


Nhà cổ và vườn cảnh, non bộ trong Dự Viên




Dự Viên do quan tổng đốc tỉnh Tứ Xuyên tên Phan Doãn Ðoan (Pan Yunduan) xây năm 1559 đời Vua Gia Tĩnh triều Minh để báo hiếu tặng cha mẹ nên đặt tên là Dự Viên, “viên” là vườn và “dự” có nghĩa là bình an và sức khỏe. 

Công việc xây cất kéo dài trong gần 20 năm, đến khi xây xong thì cha mẹ ông đã qua đời và ông cũng không an hưởng công trình ở đây được bao lâu. Sau khi ông chết thì dòng họ ông cũng lụn bại dần và khu vườn cảnh đóng cửa không ai ở.

Qua bên kia bức tường ngăn Dự Viên với khu thương mại bên ngoài là những khu vườn cảnh cây cối, bông hoa được bố trí một cách hài hòa bên cạnh những suối nước, ao sen, non bộ đá tảng và kiến trúc lầu, đài đầy nét mỹ thuật Trung Hoa.  





Những đình viện bên trong Dự Viên cũng có kiến trúc mái cong và màu đen, trắng, đỏ như khu phố bên ngoài. Tuy được xây cất vào hai khoảng thời gian cách biệt nhưng kiến trúc Dự Viên và khu phố cổ bên ngoài vẫn hài hòa.


Lầu đài bên trong Dự viên cũng có kiến trúc tương tự với khu Phố Cổ bên ngoài  



Các khu vườn trong Dự Viên được ngăn cách bằng những 
vòng tường
với những cổng qua lại hình tròn hay bán nguyệt


Các kiểu cổng trong Dự viên

nguyệt môn

Cổng chữ nhật, rất ít thấy trong các kiến trúc cổ Trung Hoa









Dự Viên hiện nay rộng 5 mẫu (acres) các đình viện bên trong xây theo kiểu Tô Châu, có nhiều gian nhà hiện làm nhà cổ bảo tàng bên trong bàn ghế trang trí nội thất còn giữ nguyên thủy cách nay hơn 400 năm. Những nhà bảo tàng này muốn vào xem phải mua vé riêng.





kiểu dáng đồ gỗ thời Minh

Khu vườn cảnh được chia thành 6 khu vườn bao bọc bởi 5 vòng tường, mỗi khu có kiểu cách bài trí khác nhau gồm Ðại Thạch (the Grand Rockery), Vạn Hoa Hiên (the Ten Thousand Flower Pavilion), Ðiện Báo Xuân (the Hall of Heralding Spring), Ðiện Ngọc Hoa (the Hall of Jade Magnificence), Nội Viên (the Inner Garden) và Hồ Sen (the Lotus Pool). Nổi bật nhất là khu Ðại Thạch (The Grand Rockery) với hồ cá và những tảng đá hình thù ngoạn mục được lấy từ lòng đáy Thái Hồ gần Tô Châu nặng 2,000 tấn để tạo thành hòn non bộ cao 14 mét trên đó có ghềnh đá cheo leo, hang động sâu thẳm.



Non bộ trong Đại Thạch


Đại Thạch Viên


Lầu, đài trong Đại Thạch


Vườn Đá (Đại Thạch viên)


là ta trong Đại thạch viên


Phía Ðông của Vạn Hoa Hiên là bức tường rồng với con rồng uốn lượn trên bức tường, vảy rồng là những miếng ngói xanh. Rồng là biểu tượng của Hoàng đế nên chỉ có cung vua mới được làm tượng rồng.  Để tránh tội phạm thượng tượng rồng trên bức tường tại biệt phủ quan tổng đốc Tứ Xuyên  chân chỉ có 4 móng thay vì 5 móng như hình rồng ở hoàng thành.


tường rồng trong Vạn Hoa Viên
Ðiện Ngọc Hoa hiện còn những bộ đồ gỗ hồng tâm (rosewood) hiếm quý có từ đời nhà Minh. Nội Viên (the Inner Garden) là bản thu nhỏ của Dự Viên, từ năm 1956 trở thành khu vườn cảnh phối hợp Ðông và Tây. Những khối đá hình dáng lạ kỳ, những hồ nước tĩnh lặng bên những bức tường cổ kính khiến Nội Viên dễ thư giãn tâm hồn con người.








Điện Báo Xuân

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Nguyễn Du)
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Thôi Hộ)


Nhân diện đào hoa tương ánh hồng (Thôi Hộ)
haha

Trải qua hơn 400 năm, Dự Viên cũng thăng trầm với lịch sử. Vào giữa thế kỷ 19  Xiaodao Hui nổi loạn  chống lại nhà Thanh và chiếm đóng Dự Viên, rồi vào đầu những năm 1900 Bát Quốc Liên Quân Âu Châu vào đóng quân tại đây đã làm hư hao Dự Viên rất nhiều. Năm 1949 quân Anh trả Dự viên lại cho chính quyền Trung Hoa và sau này Dự Viên được sửa chữa tôn tạo lại theo kiểu nguyên thủy và hiện nay dùng làm công viên bảo tàng.


Chùa Ngọc Phật -  Jade Buddha 

Chùa Ngọc Phật (Jade Buddha) lớn và cổ nhất của Thượng Hải, bày các pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng ngọc trắng, khắc từ một khối cẩm thạch, có nạm kim cương và đá quý ở sâu bên trong (tượng do Huệ Căn Đại sư ở Phổ Đà Sơn sang Ấn Độ lễ Phật tích, đi ngang Miến Điện được xứ này tặng mang về).

Rất tiếc hôm đó Chùa Phật Ngọc quá đông du khách, không thể tìm được một khoảng không nào để có đuợc bối cảnh ra hồn để chụp ảnh.



****



Thượng Hải đó với Phố Đông tân kỳ và hiện đại, Phố Cổ cổ xưa và trầm mặc và Nam Phố lộng lẫy hoành tráng với con đường Nam kinh bán toàn đồ hiệu với giá phỏng tay.  Thành phố bên bờ biển Hoa Đông đầy quyến rũ, là nơi giao thoa hài hòa giữa một Thượng Hải cổ kính thời phong kiến, một Thượng Hải âm trầm của thời thuộc địa và một Thượng Hải tân kỳ, hiện đại và phồn vinh của hôm nay.  Bên cạnh đó cũng có những khu đô thị mới với những con đường trên cao, những cầu cạn chạy xuyên giữa những tòa chung cư cao tầng xấu xí, là kết quả của những năm đổi mới.

Một lần đến Thượng Hải lang thang vào những con ngõ như mê cung của khu phố cổ, mua sắm thỏa thích ở Tân Thiên Địa, len lỏi trong những con hẻm ngang dọc ở khu Tô giới Pháp để cảm nhận không khí châu Âu của thế kỷ trước xâm nhập trong từng hơi thở, và khi hoàng hôn buông xuống thì đến một quán bar trên bến Thượng Hải làm một ly margarita và ngắm thành phố về đêm.





(*) Trường Giang còn được gọi là Dương Tử Giang.  Con sông này mang nhiều tên khác nhau tùy theo khu vực mà nó chảy qua. Dương Tử Giang nguyên thủy là tên gọi phần hạ lưu Trường Giang đoạn chảy qua Dương Châu. Sau này những nhà truyền giáo châu Âu dùng tên Dương Tử  để chỉ cả con sông (Yangtse, Yangtze Kiang).

  (**)  Vào cuối thời Chiến Quốc, Đại thần nước Sở là Xuân Quân Thân Hoàng Yết được Sở Khảo Liệt Vương ban cho dải đất Tô Châu.  Ông cho sửa sang lại cung điện hoang phế của Ngô Vương Phù Sai để ở và cho đào Tùng Giang ở Thượng hải.  Hạ lưu Tùng Giang được mang tên ông Hoàng Yết Phố (bến Hoàng Yết).  Về sau Hoàng Yết Phố dần dần biến thành Hoàng Phố Giang (sông Hoàng Phố) như tên gọi ngày nay.

tpt

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận