Thương xá Eden, nơi tập trung đông nhất hàng quán phố xá của người Việt miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Ở đó có thể mua đủ cái Tết như đang ở quê nhà. Cúc đại đóa vàng rực rỡ như nắng Sài Gòn, cả mai vàng Huế, kim quật ... bánh chưng, bánh tét và cả bánh tổ không biết là nhập từ Đà Nẵng qua hay ai đó làm ở đây, rồi giò chả, mứt món, măng miến, hương hoa, vàng mã ... không thiếu thứ chi. Chỉ là không mua được cái mùi vị, âm thanh và không khí Tết những năm xưa, rất xưa ...
Ngày xưa đó mình vô cùng ghét những ngày cận Tết vì hay bị bà ngoại sai đi cùng với cậu Út chạy biếu quà Tết khắp nơi. Treo trên xe đạp nào là bánh trái, mứt món và cả gà vịt, là đang còn sống đó, kêu quác quác ỏm tỏi phát dị.
Sài Gòn Tết những năm xưa ... Đó là khi những câu hát "Em đứng chờ tôi trước song thưa. Tôi đi qua đầu ngõ. Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa …. " bắt đầu ngân nga vang ra từ radio hay máy hát trong cái se se lạnh những ngày cuối năm, thì Tết đã về tràn ngập khắp phố phường Sài Gòn. Các khu chợ ngày càng nhộn nhịp đông vui và đầy ắp hàng Tết: mứt bánh, lạp xưởng, giò chả, rượu, hoa, dưa hấu, lá dong lá chuối, củ hành củ kiệu ...
Từ giữa tháng Chạp nhà nhà bắt đầu truốt lá mai và đem lư đèn ra chùi tro. Bà nội, bà ngoại mình đã bắt đầu ngâm hành phơi kiệu củ cải cà rốt để làm dưa món. Mình rất là không thích khi bị bà ngoại kêu lột củ hành ngâm tro, cái mùi .... không vui chi hết. Chỉ khi sau rằm Tết mới là thiên đường tuổi thơ của mình. Đó là mùi mứt gừng đang sên thoang thoảng trong cái se se lạnh những ngày giáp Tết. Đó là khi ngồi bên cái lò than riu riu kiên nhẫn chờ mẹ rim mứt để được lãnh cái thau khi mứt vừa khô. Một tay thau, một tay muỗng cạo rột rột cho lớp đường lẫn vài miếng mứt cháy sém tơi ra rồi bữa sau mang vô lớp đãi mấy "chiến hữu" tay mút tay quẹt. Sướng nhất là được mẹ cho ngồi xích lô đi chợ Tết, chợ hoa Nguyễn Huệ.
Khoảng 27 tháng Chạp, khi học sinh bắt đầu được nghỉ Tết thì nhà mình chuẩn bị gói bánh chưng bánh tét. Cả nhà chộn rộn đãi đậu, rửa lá dong lá chuối, giã lá bồ ngót để nhuộm xanh nếp. Trên cái sập giữa nhà, bà nội bà ngoại lui cui gói bánh, mẹ thì lúi húi cột cột. Mỗi đứa con nít tụi mình cũng được bà ngoại cho tự gói 1 cái, mình thường gói bánh ú cho dễ. Giây phút mong đợi là khi ba bắt đầu chụm lửa và thả bánh vô nồi, là khi nồi bánh bắt đầu sôi ục ục trên bếp củi toả ra mùi hương thơm lừng. Xung quanh nồi bánh là mấy cái ấm và nồi nước ké lửa để nấu nước tắm của đám con nít tụi mình. Mẹ thường bỏ vô mỗi cái nồi một bó lá hương nhu để gội đầu cho chị em mình. Hàng xóm cũng bắt đầu nổi lửa. Cả một đoạn đường là mười mấy cái nồi bánh, củi nổ lép bép. Ghế đẩu, ghế bố vòng quanh. Qua sáng hôm sau, vớt bánh ra xong là hai bà và mẹ mình lại quay qua làm nem tré. Nem 2 miếng mỏng mỏng dẹp dẹp gói trong lá chuối, úp lại với nhau cột bằng dây cao su. Tré thì gói bằng lá ổi từng lọn tròn tròn dài dài rồi bọc bằng rơm.
Tết Sài Gòn xưa còn là mâm cúng đón ông bà, là bữa cơm Tất niên gia đình đoàn viên chiều 30, là hình ảnh mẹ loay hoay tất bật sửa soạn mâm cúng Giao thừa, là bản nhạc Ly rượu mừng với tiếng hát Thái Thanh phát ra từ TV trong trong tiếng pháo nổ đì đùng "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi ... ", là đám con nít trong những bộ đồ mới chờ được lì xì ...
Rồi tiếng hai mệ nội ngoại dặn dò chị em mình sau Giao thừa phải ngồi yên không được chạy ra đường, phải để đàn ông trong nhà xông đất nhà mình. Mình vẫn cứ ấm ức hoài chuyện này, vẫn rất muốn dậy sớm là người đầu tiên đạp đất nhà mình năm mới mà cứ ngủ quên. Rồi thì cũng có một năm tờ mờ sáng mùng một năm đó mình thức dậy rón rén ra rút chốt cửa trước rồi chạy vòng cửa sau ra sân rồi vô cửa trước đạp đất nhà mình đầu tiên. Đang hí hửng đẩy cửa co chân đạp vô nhà thì bị ai đó bồng lên và bịt miệng lại. Quay đầu lại thì ra là ba, vừa nháy mắt vừa suỵt suỵt chỉ chỉ vô phòng hai mệ thì thào "bí mật bí mật".
Comments