một thời ... rất buồn ...


Có những niềm riêng làm sao nói hết
Như mây như mưa như cát biển khơi
Có những niềm riêng lòng không muốn nhớ
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi
(Lê Tín Hương)

Niềm riêng của mình nhưng có lẽ cũng là niềm chung của cả thế hệ chúng mình, những con nhỏ thằng nhỏ chỉ vừa 9, 10 tuổi, hay 11, 12 tuổi tháng tư năm đó.  Ngày đó chúng mình còn quá nhỏ để được làm "người yêu của lính" hay "người tình Trưng Vương, Gia Long", chưa từng được "uống ly chanh đường, uống môi em ngọt" hay sãi bước trong "khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát".  Nhưng chúng chúng mình cũng vừa đủ lớn để có ít nhiều ký ức về "những ngày Thủ đô tưng bừng phố xá", "Ngựa xe như nước rộn ràng, người dân no ấm sống đời tự do" của Sài Gòn và miền Nam một thời rất đẹp....  Cho tới ngày "Bão nỗi lên rồi ... "

Vù một phát, đã mấy chục lần tháng tư.  Mỗi năm, trước và sau ngày này mỗi người trong chúng mình chắc là khó tránh việc nghĩ về cuộc chiến đã qua và cuộc sống khốn khổ sau đó.  Trong tâm hồn của chúng mình, có lẽ có một khoảng thời gian ở tít tận thời thơ ấu và niên thiếu, chưa bao giờ quên.  

Một thời ... cố quên ...

Tháng 4 năm đó, chúng mình vẫn chỉ là những đứa con nít đang mài quần ở những năm cuối tiểu học hay ngập ngừng chập chững ở năm đầu trung học.  Ký ức chiến tranh tưởng rằng đã quên nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức, để rồi một lần nào đó, nhân một chuyện gì đó sẽ trồi lên, nhức nhối.  Rất nhiều đứa trong chúng mình trải qua thời thơ ấu trong các khu gia binh hay từng chứng kiến những thảm cảnh trong thời ly loạn, trên con đường chạy nạn, di tản hay vượt biển ...

Thế hệ của chúng mình, tuổi thơ là chiến tranh, bắt đầu trưởng thành là cuộc sống cùng khổ.  Hoa bướm ngày xưa là những tháng ngày dài xếp hàng chỉ để được mua vài ký khoai sùng, gạo mốc, mì vụn.  Hên hên thì gặp được vài chiến hữu cũng đang xếp hàng vậy là Go Go Go Ale Ale Ale lò cò, nhảy dây bày ra.  Một chút thì chạy ra nhảy, một chút thì chạy vô dòm chừng cái ghế nhỏ trong mình đem theo để ngồi chờ trong lúc xếp hàng chờ Hợp tác xã mở cửa - và cũng là bảo chứng cho sự có mặt của mình trong hàng ngũ chờ đợi.  Cứ vậy, chúng mình đã hồn nhiên đói khổ với nhau, khóc cười với nhau ... trong những tháng ngày đó.  

Thế hệ chúng mình rất nhiều đứa lớn lên trong những gia đình không có đàn ông, bởi cha anh cậu chú lớp còn trong trại cải tạo, lớp đã vượt biển hay bị đi bộ đội và thanh niên xung phong.  Lớn lên trong những căn nhà không nóc, giữa một xã hội hỗn mang nhưng sâu trong cốt cách chúng mình vẫn là nề nếp gia đình và nền tảng giáo dục mà chúng mình đã hấp thụ trong những năm đầu đời dưới mái trường tiểu học nhân bản và khai phóng.  Nghèo nàn, khổ cực không làm chúng mình chụp giựt; tủi nhục, bất công không biến chúng mình trở nên cơ hội hay oán hận, thù hằn.  Những bản lý lịch "nguỵ quân, nguỵ quyền" hay "tư sản mại bản, tiểu tư sản thành thị" cũng không ngăn được bước chân nhiều đứa trong chúng mình vào đại học với số điểm gấp hai, ba lần hơn đám con ông cháu cha của "bên thắng cuộc".  (Nói thêm nghe, mặc dù cái lý lịch đó làm mình khốn khổ thuở thiếu thời nhưng mình vẫn luôn tự hào về nó đó).  Từ vũng bùn tan hoang, khổ nhục chúng mình đã kiêu hãnh lớn lên thành Người.

Tháng 5 năm đó, như hàng nghìn sĩ quan quân đội và viên chức chính quyền miền Nam, ba mình cũng ra trình diện và bị đưa đi cải tạo.  Họ nói chỉ đi vài ngày nhưng một tuần hai tuần, một tháng hai tháng rồi cả năm trời ba vẫn biệt tung vô ảnh.  Mẹ ngoài giờ lên lớp, hễ rảnh ra là lại dắt  mình lần theo dấu vết của những quân đoàn cải tạo hóng tin ba.

Những tháng ngày đó cứ khoảng gần nửa đêm thỉnh thỏang lại có đòan xe nhà binh chạy ngang nhà mình trên đường Điện Biên Phủ (xưa là Phan Thanh Giản) hướng về ngã tư Hàng xanh ra Xa lộ.  Trên xe có nhiều người và cả bộ đội với súng đạn kè kè, đôi khi thấy được cả những dây đạn lóng lánh màu đồng dưới ánh đèn đường.  Lúc đầu cũng biết họ chở ai đi đâu.  Cho tới một đêm, đang ngồi học bài ở góc đường (mượn ánh đèn đường đó mà) thì lại có một đoàn xe chạy qua và từ một chiếc xe phi ra một vật chi đó rớt cái bộp xuống đường, tò mò chạy ra coi chỉ là một cái muỗng có quấn một miếng giấy: "Nhớ em và con, anh vẫn ổn" cùng địa chỉ.  Thì ra đó là những đoàn xe chuyển tù cải tạo.  Theo địa chỉ trên mảnh giấy mình đạp xe chuyển tới tận nhà.

Rồi có một ngày, như có phép màu, một người đàn ông lam lũ khắc khổ tìm tới nhà mình và đưa cho mẹ mình một miếng nhôm nhỏ, hình như là từ xác máy bay với dòng chữ "L19 Long Khánh, nhớ em và con" và địa chỉ nhà mình.   

Mãi tới giữa năm 76 mẹ mới nhận được tin chính thức của ba từ trại cải tạo cùng với giấy phép thăm nuôi.  Rồi thì sau này mỗi năm một lần mình được đi thăm ba cùng mẹ và em, đôi khi có bà nội và bác.  Thường là mất hai, ba ngày đường chỉ để gặp nhau hai giờ.

Một lần thăm nuôi đâu đó tận biên giới Miên Việt, một địa danh gọi là KaTum tận sâu trong rừng thẳm.  Lần đi thăm này gia đình mình đi chung với gia đình bác Phỉ.  Bác Phỉ, quận trưởng quận 11, là bạn học trường Quốc gia hành chánh với ba và ở chung trại với ba.  Một chiếc xe U Oat của trại đưa thân nhân tù vào tận rừng.  Gặp ba được hai giờ.  Các chú bác cùng trại với ba đãi nước sâm rừng uống vô mát lịm sườn đồi, bù lại ba tiếng nhảy cà tưng trong xe trên đường rừng.  Cả nhà hàn huyên đủ chuyện dưới sự giám sát của bộ đội.  Ba hỏi han đủ chuyện trường lớp học hành của hai chị em, mẹ thì rớm nước mắt nhưng vẫn phải ráng nuốt nước mắt vì sợ bị quát.  Mình vẫn nhớ hình ảnh mẹ và bác Phỉ gái mặc áo dài đi thăm chồng, đẹp và bi thương.

Trước lúc ra về ba cho mỗi đứa một túi bánh nhìn giống bánh bao. Ba nói là ba làm đó, để các con ăn lót dạ trên đường trở ra thị trấn vì 3 tiếng đường rừng chả có gì để ăn.  Nhìn theo dáng ba gầy guộc, xách bọc đồ thăm nuôi khuất dần sau những dãy lán trại mà lòng nao nao.  Lại ba tiếng đường rừng trở ra.  Xe lắc lư một hồi thì bắt đầu thấy đói bụng.  Lôi cái bánh ba cho ra ăn thì thấy một mảnh giấy vở học trò, loại giấy đen thui mà hồi đó ai cũng phải xài vì không còn chọn lựa nào khác.

"Con gái, ba chép tặng con bài thơ Hồ trường của Nguyễn Bá Trác, một chí sĩ cách mạng thời Pháp đô hộ nước Việt mình.  Bài thơ là cả một trời tâm sự bi thương và một hào khí ngất trời.  Bài thơ cũng là nỗi niềm của những người mang kiếp lưu đày như ba và cả thế hệ của ba".  

Một năm rồi hai năm ... Ba vẫn biền biệt.  Trong căn nhà vắng ba, mình và đứa em vẫn lặng lẽ lớn lên.  Dù thiếu thốn từ sự chăm sóc của cả ba lẫn mẹ cho tới miếng ăn hàng ngày nhưng chúng mình vẫn học giỏi, chăm ngoan.  Với đầu óc ngây thơ mình tin lời nhữg người cầm quyền nói rằng thành quả của mình sẻ giúp cho những người cha tù đày có điểm tốt, được mau về nhà.  Mình biết cái việc học giỏi và ngoan ngoãn của chúng mình phần nào bù đắp cho những đau khổ của ba mẹ và cả những cô giáo có chồng đi 'cải tạo'.  

Rồi tới năm thứ năm ba cũng được thả về.  Ba về nhưng không còn nét gì của người cha thanh lịch cao lớn năm xưa. ...  Ngày ra đi ba chỉ mới 40 tuổi, vẫn tràn đầy năng lực, tóc xanh lưng thẳng.  Ngày trở về ba lưng còng, tóc xám, môi xám, mắt xám ...  Tóc ba không phải bạc mà là một màu xám nhờ nhờ không phân rõ trắng đen.  Mắt ba cũng vậy, không rõ giới hạn hai tròng đen trắng mà như phai lẫn nhau thành một màu xám đục.  Da thì tái bủng beo, hai vai rũ xuống nặng nhọc mang lấy kiếp người.  Toàn bộ phủ lên ba là một màu xám tuyệt vọng cùng đường.  Mãi mãi đó là hình ảnh không phai trong ký ức suốt kiếp này.  Và trong ký ức xa xôi đó mình cũng không quên một khuôn mặt đàn ông lam lũ tay cầm một mảnh nhôm tần ngần trước cửa nhà mình.

tpt
group chat của nhóm cựu học sinh TV
TV83. 
---

Thảo ơi, dù khổ cực như vậy mà bồ vẫn học rất giỏi, lại còn tham gia hết những trận đấu của tụi mình.  
Tui phục mẹ bồ và cả mẹ tui, những người đàn bà đã chịu đựng biết bao khó khăn để vừa làm cha vừa làm mẹ.
Ơn Trời tụi mình học giỏi và cũng biết giúp đỡ mẹ chứ không đòi hỏi gì.  Tui còn nhớ lúc đó mẹ bồ và mẹ tui đều mở quán cafe kiếm sống nuôi con.  Bồ cũng như tui đều phải dọn bàn, pha nước uống, bưng bê, rửa ly tách ...  Bây giờ nhớ lại mình cũng đã từng trải bao cay đắng thời gian đó.  Và như vậy cuộc sống đã dạy mình vững mạnh phải không Thảo!  Tui thành thật phục Thảo ở sức chịu đựng, có làm có chịu và tinh thần phấn đấu không hề than thở.  Ráng cố gắng lên nha Thảo.

Hồ Thanh Nhã



Hồ Trường 
Nguyễn Bá Trác

Đại trượng phu không hề xé gan, bẻ cật 
Phù cương thường hà tất tiêu dao 
Bốn bề luân lạc tha phương 
Trời Nam, nghìn dặm thẳm 
Non nước, một màu sương 
Chí chưa thành, danh chưa đạt 
Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc 
Trăm năm thân thế, bóng tà dương 
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi 
Thiên địa mang mang 
Ai người tri kỷ? ... 
Lại đây cùng ta chung một hồ trường! 

Hồ trường, hồ trường 
Ta biết rót về đâu... 
Rót về Đông phương 
Nước biển Đông chảy xiết, sinh cuồng loạn 
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan! 
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chảy cát vương! 
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt... 
Có người quá chén như điên, như cuồng... 
Nào ai tỉnh... 
Nào ai say... 
Chí ta, ta biết 
Lòng ta, ta hay 
Nam nhi sự nghiệp ư... 
Hồ thỉ 
Hà tất 
cùng sầu đối cỏ cây.
-----


Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận