Cô phàm viễn ảnh bích không tận

cô phàm 
ảnh Ngô Lễ


Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch là một trong những bài Đường thi  mình thích nhất.

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, 
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu 
Cô phàm viễn ảnh bích không tận. 
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. 

Từ lầu Hoàng Hạc phía tây, người xưa xuôi về Dương Châu mùa hoa khói giữa kỳ tháng ba. Bóng cánh buồm lẻ loi xa xa mất hút vào khoảng không xanh biếc, chỉ còn lại dòng Trường Giang chảy ở lưng trời.  

Câu khai "Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu"  được Ngô Tất Tố dịch "Bạn từ lầu Hạc lên đường"
Cố nhân hay người xưa - cũng giống như cố quốc, cố hương ... diệu vợi trong tâm thức - gợi lên sự xa cách về không gian,  thời gian, gợi tình cảm nhớ thương lưu luyến.  Dùng chữ bạn không gợi lên được cái diệu vợi tha thiết của cố nhân xa rồi ...

Buổi tiễn đưa không thấy bóng người  đi, mà chỉ còn bóng cánh buồm cô lẻ xa xa khuất dần vào khoảng xanh vô tận vào dòng sông lưng trời.  Khép lại bài thơ chỉ có hình ảnh dòng sông mênh mang như sự hóa thân vĩnh cửu của cố nhân trong sâu thẳm tâm hồn người ở lại. 


"Cô phàm viễn ảnh bích không tận.  Duy kiến trường giang thiên tế lưu"  được Ngô Tất Tố dịch: "Bóng buồm đã khuất bầu không.Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời".  Uyên thâm Hán học như Ngô Tất Tố mà cũng chỉ dịch được tới đó. 

Bóng cánh buồm cô độc xa xa mất hút vào khoảng không xanh biếc, chỉ còn lại dòng Trường Giang chảy ở lưng trời. Nhưng dịch ra văn xuôi như vậy cũng không lột tả hết ý, huống hồ không chỉ có ý mà còn có tứ, có tình, có chí. Sông và trời ở đây không phải bên nhau, không cùng nhau, cũng không nhập vào nhau, không phải là hai thành phần hai yếu tố, mà là một khối đồng nhất, là một "trường giang thiên tế lưu". Hai câu thơ này thật khó có thể dịch được. Cũng không thể giải thích được, chỉ có thể cảm. 

Một phần ba cuộc đời chống kiếm viễn du, bao tương phùng, ly biệt. Tứ tuyệt tống biệt của Lý mang một nét tương giao giữa tình viễn biệt và tiếng lòng mênh mang sông nước. Nhịp điệu thơ là nhịp lòng dào dạt, mênh mông mà thẳm sâu, buồn mà không lụy, quyến luyến mà không nặng nề, sầu phiêu du mà trong sáng, thanh cao.  

Với những hồn thơ tài tình khoáng đạt, niêm luật gò bó không ngăn được họ đi đến tận cùng chân thật của hồn người. Lý Bạch là như vậy. Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng vẫn ngọt ngào âm ba tiếng thơ của tình bạn, tình người trong tâm thức

tpt
---
Bản dịch Ngô Tất Tố: 

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên xuôi Quảng Lăng 

Bạn từ lầu Hạc lên đường, 
Giữa mùa hoa khói, châu Dương xuôi dòng... 
Bóng buồm đã khuất bầu không, 
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời. 

Bản dịch Nguyễn Hữu Vinh: 

Giữa lúc xuân về giã biệt nhau 
Bạn rời Hoàng Hạc lại Dương Châu 
Buồm đi xa tít chân trời biếc 
Mây núi Trường giang ngút một màu

không thấy cụ Tản Đà dịch bài thơ này hén


Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân