M Ã N H S Ư - Phạm Duy

Phạm Duy qua cách nhìn của cậu Hoàng Xuân Sơn

Bạn thân mến,
Khi bạn yêu cầu tôi viết một bài về nhạc sĩ Phạm Duy (PD) cho một số báo đặc biệt, thật tình tôi rất phân vân và e ngại.(*)
Phân vân là vì với nhạc sĩ PD, tôi rất nễ phục về tài năng nhưng lại thiếu lòng say mê về những ca khúc ông đã viết ra cho dù đó là những ca khúc được nhiều người xưng tụng . E ngại là vì tự biết mình không có khả năng chuyên môn về nhạc học để viết nên một bài nhận định nghiêm túc về một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ . Thôi thì tạm mượn hình thức lá thư này để chia sẻ với bạn một vài cảm nghĩ của một người thưỏng ngoạn bình thường về những soạn phẩm của một nhạc sĩ nổi tiếng nhiều mặt.
Gần đây, đọc các nguồn tin trên liên mạng có một số luận cứ phản bác sự nghiệp ca nhạc của PD. Những người này cho rằng tài năng của PD chỉ đóng khung ở những Bài Thơ Phổ Nhạc. Vượt ra ngoài khuôn khổ này, nhạc PD chỉ là một mớ tuyên truyền nhàm chán, ý cạn, và càng ngày càng ít người thích hát hoặc nghe nhạc PD. Ðành rằng những ca khúc PD phổ từ thơ của các thi sĩ như Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Minh Ðức Hoài Trinh vv ..là một nhánh xuất chúng trong sự nghiệp âm nhạc của ông, nhưng không phải tài năng người nhạc sĩ chỉ dừng lại ở đó. Theo tôi, PD là một trong những người viết ca từ hay nhất của thời đại chúng ta . Và hẵn người nhạc sĩ cũng tâm đắc điều đó khi ông cho ấn hành tuyển tập Ngàn Lời Ca – Phạm Duy (1987) trong đó chỉ thuần lời ca mà không chủ lấy một nốt nhạc.
Ngữ âm trong các ca khúc của PD thật là chuẩn xác và tân kỳ. Thử nhặt nhạnh một ca khúc PD viết từ thập niên 40 : Quê Nghèo (Bao Giờ Anh Lấy Ðược Ðồn Tây – 1948) ; để diễn tả khung cảnh xác xơ của một làng quê nghèo thời giặc giã, ông đã viết :
. . . . “ ruộng khô có những ông già rách vai
cuốc đất bên đàn trẻ gầy
có người bừa thay trâu cày “
hoặc:
“ nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
có tiếng o nghèo thở dài
vỗ về trẻ thơ bùi ngùi “ . . . .
Cả một hình ảnh rờn rợn thê lương của miền quê thời chinh chiến ! Cụm từ “có-tiếng-o-nghèo-thở-dài “chữ dùng thật tân kỳ và hình ảnh đậm nét ở vào một thời điểm sáng tác mà các lời ca đa số chỉ là ước lệ .
Ngôn ngữ tân kỳ và giàu hình tượng của PD còn tìm thấy trong nhiều ca khúc khác :
. . . . “ Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
in hình vào sườn núi chơi vơi, ơi chiều “ . . .
(Nương Chiều)
. . . .
“ Xuân! Hoa còn tươi mãi, hoa vì thế giới biết sum vầy cuộc vui”. . .
(Hoa Xuân)
. . . .
“ Trong tim thì sôi máu – Khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo – Trên môi một nguyện cầu” . . .
(Kỷ Niệm)
. . . .
“ Vài cánh xương hoa – Nằm ép trong thư
Rồi sẽ tan như bụi mờ
Vạt tóc nâu khô – Còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mờ “ . . .
(Nghìn trùng xa cách)
Những chữ và câu đẹp khác cũng được thể hiện trong những ca khúc cổ điển tây phương, PD soạn lời việt :
. . . . “ Hồn lìa rồi, nhưng em ơi
tình còn nồng đôi con ngươi “ . . .
(Chủ Nhật Buồn – Sombre Dimanche)
. . . .
“ Rồi lả lơi – Hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi “ . . .
(Khúc Hát Thanh Xuân – When We Were Young, One Day)
. . . .
“ Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh -
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh –
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn “ . . .
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan
Về đây nhé cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn . . .
(Trở Về Mái Nhà Xưa – Come Back To Sorriento)
“nấm nhà buồn”, chữ dùng thật tân kỳ, gợi tưởng. Nấm nhà như nấm mồ của kẻ đi xa trở về, nơi sẽ quy hồi cuộc nhân sinh!
Và chữ dùng như thế này thì thập phần mới mẻ và rất đỗi thơ mộng:
. . . . “ Vẻ sầu của đóa cười –
Tình bền của lứa đôi –
Thoáng hương trong chiều rơi ” . . .
Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ uá phai mau
Cho người cứ mãi phụ nhau . . .
(Dạ Khúc – Serenade)
Một khía cạnh nổi bật khác về ca từ PD là việc CHUYỂN NGỮ các ca khúc nước ngoài phổ thông và thịnh hành . Tôi nhấn mạnh từ Chuyển Ngữ . Là vì không như một số nhà soạn lời Việt chỉ dựa theo giai điệu để viết lời ca khác, PD đã cố gắng dùng chữ và lời phần lớn giữ được ý nghĩa của ca từ nguyên bản. Mà hát lên nghe vẫn thuận tai, hay , nếu không muốn nói là tài tình. Ðan cử một vài thí dụ :
“ A ha! Ðêm nay ai cũng cho em là xinh nhất nơi đây, à ha ha”...
(Ce soir je serai la plus belle pour aller danser ... – La Plus Belle Pour Aller Danser)
. . . .
“ Cuộc tình, mà tôi biết sẽ tàn phai ...”
(Je sais que cette fois c’est la fin ... – Je Sais)
. . . .
“ Người yêu nếu ra đi – Một hôm nắng lên cao-
Xin hãy mang đi theo – Cả mây trắng trong veo-
Lời chim hót mang đi – Cùng tia nắng xôn xao-
Ngày ta mới yêu nhau – Tình ta mới dâng cao- ...”
(If you go away – On the summer day – Then you might as well –
Take the sun away – All the birds that flew – In the summer sky –
When our love was new – Anh our hearts were high ... -
If You Go Away)
Ðể minh họa thêm cho cái chất nên thơ và đầy hình tượng trong âm ngữ PD, đề nghị bạn ở một lúc nào đó khi tâm hồn thanh thản, hãy lắng nghe bản nhạc valse bất hủ Le Beau Danube Bleu của J.Strauss mà phần nhạc bạn đã thuộc nằm lòng, lời Việt Dòng Sông Xanh – Phạm Duy với tiếng hát khi cao vút khi dìu dặt của Thái Thanh :
“ Một dòng xanh xanh . . .
Một dòng tràn mênh mông . . .
Một dòng nồng ý biếc . . .
Một dòng tình thương mến . . .
Một dòng còn quyến luyến
. . . . . .
Ánh dương lên xôn xao –
Hai ven bờ sông sâu –
Cười ròn tiếng người –
Ðẹp lòng sớm mai –
Những cô em tươi môi –
Ngồi giặt yếm yên vui –
Thả ý thắm mơ hồ –
Chở gió về xuôi –
Hát vang lên cho vui
Cô nàng ngồi bên tôi . . .
Sông về sông dào dạt ý
Hát tang bồng theo tầu mà đi . . .
Bạn có thấy hình ảnh đó tuyệt vời không ? Từng chữ,từng chữ, từng âm thanh quyện vào nhau đẩy xô lui tới, cuồn cuộn dạt dào như sóng ...
Thử làm một cuộc thăm dò nhỏ: nhạc PD không khó hát nhưng kén người trình diễn có trình độ để có thể lột tả hết nội dung, cái thần của bài hát. Còn như hát thường thường thì nghe cũng đường được. Nhưng chắc chắn là không “mùi” bằng một người hát “tới” nhạc boléro phổ thông. Bởi thế, nhiều người rất tránh hát nhạc PD nếu phải bắt buộc trình diễn trước đám đông nếu không có kỹ thuật và thần thái âm nhạc cao.
Trường hợp PD là một trường hợp dẫy đầy mâu thuẫn: ông được xưng tụng rất nhiều mà bị công kích cũng lắm! hành trình ca nhạc PD cũng đi từ thái cực này đến thái cực khác: từ tình ca đằm thắm thơ mộng sang đến vỉa hè ca, tục ca với ngôn ngữ trần trụi thô nhám, dung tục. Nhạc sĩ PD tự ví mình là một người tình lang chạ. Ðiều đó có lẽ phù hợp với cuộc sống nội tâm quá ư mãnh liệt của ông. Có thể gọi ông là người nhạc sĩ sung sức và “quậy” nhất thời đại. Nguồn nhạc của ông phong phú, đa dạng chứng tỏ một tài năng lẫy lừng, điều đó ít ai chối cãi. Nhưng chính cái sức sống bạo liệt hung hăng như một mãnh sư đã khiến ông xông xáo dám làm mọi chuyện khác người và không chịu dừng kịp lúc. Chính những hành động bất cẩn và bất cần này đã khiến nhiều kẻ yêu mến ông phẫn nộ. Và trên một ý nghĩa nào đó, thần tượng trước mắt đã sụp đổ!
Thử nhắm mắt lại, tôi không còn thấy một PD mặc áo bà ba đen bình dị ôm đàn hát cùng với Steve Addis ru khúc Giọt Mưa Trên Lá trong khuôn viên đại học ngày nào. Mà chỉ thấy trước máy ghi âm, trên bục giảng một sư vương tóc bạc trắng, mắt ngó lên trời, tiếng nói sang sảng, tay khoát vài cử chỉ bâng quơ, mép nhấc lên kiêu ngạo.
Hình ảnh nom thật dễ nễ nhưng . . . cách biệt làm sao!
HOÀNG XUÂN SƠN
Lập xuân Nhâm Ngọ
(*) Viết theo yêu cầu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng+, cho báo Văn hải ngoại. Có hiệu đính .

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận