Thiên Thọ lăng - nơi an nghỉ của Hoàng đế Gia Long

Thiên Thọ lăng là nơi yên nghỉ của Thế tổ Cao Hoàng đế Gia Long 1762 - 1820, vị hoàng đế đầu tiên của triều nhà Nguyễn và người vợ kết tóc Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.  Lăng vua Gia Long tọa lạc tại làng Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế, là một vùng đồi núi nằm giữa hai dòng Tả trạch và Hữu trạch thượng nguồn sông Hương.  Nơi đây là một khu vực hoàn toàn bị cô lập, phương tiện duy nhất để đến đây là đường thủy.  Người dân trong vùng phải dùng đò ngang để qua lại hai dòng Hữu trạch và Tả trạch.

Cho đến năm 2014 đường sá được mở rộng, có cầu phao bắc qua sông Tả trạch.  Qua cầu phao đi thêm chừng 4 cây số là tới lăng.  Từ đó vùng đất này không bị cô lập nữa và người dân đã có thể dễ dàng viếng lăng vua Gia Long bằng xe gắn máy, xe hơi không qua cầu phao được vì cầu không chịu được tải trọng lớn.  Cũng trong năm 2014 cầu bê tông bắt qua sông Hữu trạch nối liền La khê bãi và La khê trẹm và xe hơi có thể chạy tới thẳng lăng vua. 

Hè 2017 mình đưa hai con gái về Huế, viếng Thiên thọ lăng để thắp cho ông tổ nhà mình - Thế tổ Cao Hoàng đế Gia Long - một nén hương.

Ba mẹ con bắt ba chiếc xe ôm từ kinh thành Huế chạy qua cầu Trường tiền theo đường Lê Lợi qua ga Huế vô đường Điện Biên Phủ (không biết lúc xưa tên chi), qua luôn chùa Từ Đàm ra hướng đàn Nam Giao rồi theo đường Minh Mạng chạy dọc theo sông Hương, thấy quán ăn Không gian xưa đẹp đẹp ghé vô làm một bụng.

Tiếp tục theo đường Minh Mạng tới chợ Tuần nơi sông Hương chia thành hai nhánh Hữu trạch và Tả trạch hướng lên thượng nguồn.  Lăng vua tọa lạc giữa hai dòng Hữu trạch và Tả trạch.  

Tiếp tục theo nhánh sông Tả trạch đi lên thượng nguồn rồi qua cầu Phao bắc qua Tả trạch phập phù ớn lạnh.  Từ cầu Phao đường sá nhỏ hẹp dần, đi một hồi thì thấy bảng chỉ đường vô lăng, đi thêm chừng 4 cây số là vô tới lăng vua.  

rừng trúc và đồi thông trên đường vô lăng


Đường vào lăng rợp bóng cây, hai bên đường là bạt ngàn những cánh rừng trúc và thông.  Từ xa đã thấy hai cột trụ to là cổng vô khu vực lăng tẩm.  Nói là cổng thứ thật ra lăng vua Gia Long chả có thành quách cửa ngõ gì, chỉ có hai biểu trụ cao sừng sững giữa núi đồi đánh dấu khu vực lăng tẩm.

Lăng tẩm vua Gia Long nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng trong dãy núi Thiên Thọ.  Phía trước lăng tẩm là một hồ sen lớn, xa xa là ngọn núi Đại Thiên Thọ, bao bọc chung quanh và phía sau lăng tẩm là một dãy gồm nhiều ngọn núi xanh biếc.  Nơi yên nghỉ của vua thanh vắng, yên bình, sơn thủy hữu tình hội tụ đủ các yếu tố phong thủy  tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ,  tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (theo lời mấy cụ thủ lăng).  

hồ sen trước thềm lăng và hai biểu trụ đánh dấu khu vực lăng tẩm

Tổng thể khu lăng tẩm chia làm 3 khu vực.  

Chính giữa Trung Tâm là phần mộ của vua và hoàng hậu, lăng vua Gia Long là lăng duy nhất nơi vua và hoàng hậu được song táng theo quan niệm Càn khôn hiệp đức.    



Bửu thành môn, cửa vào Huyền cung nơi an táng Gia Long Hoàng đế và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu
.  Qua Bửu thành môn là Huyền cung với bức bình phong che chắn trước hai ngôi mộ của hoàng đế và hoàng hậu. Phía dưới là sân chầu với hai hàng văn võ quan viên, ngựa voi bằng đá chầu hai bên.

hai hàng thạch quan, thạch tượng và thạch mã hai bên sân chầu

Cà Na Xí Muội cùng các quan viên bằng đá


bình phong ngay sau Bửu thành môn, 
 che chắn cho hai phần mộ

Hai nấm mộ bằng đá nằm song song trong Huyền cung, có cùng khuôn khổ, kích thước, trên có mái chảy xuôi.  Mộ phần nhà vua phía bên phải nhìn từ ngoài vô.  Không một nét chạm trổ cũng chẳng sơn son thếp vàng, hai phần mộ chỉ là những phiến đá thanh trơ trụi phẳng lì qua thời gian ngả dần sang màu xanh xám làm nên vẻ tĩnh mịch, uy nghiêm giữa chốn cô liêu u tịch.  Bao quanh hai ngôi mộ đá là vòng tường thành gọi là Bửu thành.

Hai ngôi mộ nằm sát bên nhau, cùng nhau như tình cảm thủy chung giữa nhà vua và hoàng hậu đã từng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến gian lao khổ cực của vị vua khai sinh ra triều Nguyễn.  Đây là điểm độc đáo nhất của Thiên Thọ lăng mà không có ở lăng tẩm nào khác của triều Nguyễn khi hoàng hậu được an táng và thờ phụng cùng với hoàng đế.



tường Bửu thành phía sau hai ngôi mộ

Bên trái lăng mộ là Bi đình, một cái đình nhỏ bên trong là tấm bia to khắc bài Thánh đức thần công của vua Minh Mạng để ghi nhớ công ơn vua cha Gia Long.

Bi đình và bia đá bên trong

Bên phải lăng mộ là tẩm điện với Điện Minh Thành là công trình kiến trúc chính trong khu vực tẩm, nơi thờ phụng hoàng đế và hoàng hậu thứ nhất của vua Gia Long.  Bên trong điện thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của Vua Gia Long như cân đai, mũ mão, yên cương ngựa.  Minh Thành với ý nghĩa là hoàn thiện và rực rỡ vậy nhưng khu tẩm điện này lại rất đơn giản, chỉ có dấu ấn thời gian, không cầu kỳ, không sơn son thếp vàng như phần lớn các tẩm điện ở các lăng tẩm khác.

Điện Minh Thành

cổng tam quan bằng gỗ dẫn vào điện Minh Thành 

 

bàn thờ trong điện Minh Thành phía sau đặt di ảnh Hoàng đế

Ngay dưới chân đồi không xa nơi an táng Gia Long Hoàng đế và Thừa Thiên Hoàng hậu là lăng Thiên thọ hữu của Thuận Thiên Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua, thân mẫu Minh Mạng Hoàng đế.

Thiên thọ hữu, lăng mộ Thuận Thiên Hoàng hậu

Hoàng đế Gia Long có tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, là vị vua thiết lập nên triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.  Ông lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất đất nước, kết thúc nhiều thế kỷ nội chiến ở Việt Nam, lập quốc hiệu Việt Nam.  Ông có hai hoàng hậu: Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống thị Lan, thân mẫu Hoàng tử Nguyển Phúc Cảnh và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần thị Đang, sinh mẫu Vua Minh Mạng.

Không chỉ quy giang sơn về một mối, Hoàng đế Gia Long còn kiện toàn bộ máy hành chính, đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp ... quy hoạch xây dựng kinh đô Huế và tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng sa và Trường sa.   


nhà hàng Không gian xưa trên đường vô lăng, ngon và rẻ

cầu phao phập phù, dập dờn ớn lạnh
 hai đầu nhô cao để đò có thể chui qua

tpt

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận