Một nén hương cho Nhật Tảo


Một ngày cuối tháng 1 năm 1974, đáy đại dương sâu thẳm quanh vùng biển Hoàng Sa đón nhận hộ tống hạm Nhật Tảo và thân xác hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng với những Hải quân thủy thủ đã bỏ mình để cố giữ lấy một mảnh đất của quê hương.  

Vào ngày 11/1 48 năm trước Trung cộng khơi khơi tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng hòa và điều nhiều chiến hạm cùng tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa đổ bộ chiếm đóng các đảo dẫn đến cuộc hải chiến Hoàng sa năm 1974 và cái kết bi hùng của chiến hạm Nhật Tảo cùng 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã vị quốc vong thân.    "Anh hùng tử, khí hùng bất tử", toàn dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi ơn các anh.


Cố Trung tá Hải quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 và cố Thiếu tá Hải quân Nguyễn Thành Trí, Hạm phó,  tử trận trong trận hải chiến Hoàng sa năm 1974.

Sơ lược về tình hình trước trận chiến

Trước luận điệu ngang ngược của Bắc Kinh, ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Vương Văn Bắc lập tức bác bỏ và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.  Đồng thời, Bộ tư lệnh hải quân VNCH khẩn cấp điều một hạm đội gồm 4 chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa: HQ4 Khu trục hạm Trần Khánh Dư do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, HQ5 Tuần dương hạm Trần Bình Trọng  Trung tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng,  HQ10 Hộ tống hạm Nhật Tảo do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng và HQ16 Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt hạm trưởng là trung tá Lê Văn Thự. 

Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 vừa trở về Đà Nẵng sau chuyến tuần dương ở Vùng I Duyên Hải để chuẩn bị cho việc sửa chữa do máy phụ bị hư.  Hải đoàn Nhật Tảo đang vui mừng vì sẽ được đón Tết Giáp Dần cùng gia đình thì chiều 17/1 HQ10  Nhật Tảo nhận lệnh cùng với HQ5 Trần Bình Trọng hành quân khẩn cấp ra Hoàng Sa nhằm hỗ trợ Khu trục hạm HQ4 Trần Khánh Dư và Tuần dương hạm HQ16 Lý Thường Kiệt bảo vệ quần đảo.   Theo lời Thủy thủ cơ khí Trần Văn Hà của Nhật Tào thì: “Chiến hạm Nhật Tảo đã kết thúc chuyến tuần tra vùng 1, vào cảng Tiên Sa để chuẩn bị sửa chữa lớn, nhưng vì nhiệm vụ Hoàng Sa nên lại quay mũi ra biển. Mọi người vừa lên bờ chưa kịp ăn xong bữa cơm lại có lệnh đi ngay. Có người về trễ, nhảy với theo tàu, bị rớt xuống nước phải kéo lên”.

20 giờ ngày 17/1 Nhật Tảo rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa.  Hạm trưởng là Hải quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm phó là Hải quân Đại úy Nguyễn Thành Trí.  Trên đường ra Hoàng Sa, Hạm Trưởng ra lịnh kiểm soát tất cả mọi ụ súng, đem đạn từ hầm đạn lên các dàn súng nhưng tất cả các khẩu súng đều phải bao lại và nòng súng chỉa lên trời. Ngoài ra ông ra lịnh mang lương khô để ở các nhiệm sở tác chiến và kiểm soát lại 4 bè cấp cứu cùng các hộp mưu sinh thoát hiểm. HT còn ra nghiêm lịnh bắt buộc tất cả nhân viên phải mặc áo phao và đội nón sắt, đây là những chỉ thị rất sáng suốt của một cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm, tiên liệu được những điều có thể xảy ra cho chiến hạm trong một trận hải chiến. 

Đến gần nửa đêm 18/1 thì Nhật Tảo kịp đến vùng biển Hoàng Sa cùng ba chiến hạm Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt và Trần Bình Trọng chuẩn bị tác chiến.

Phía Việt Nam Cộng hòa có tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 làm soái hạm với đại tá Hà Văn Ngạc, hải đội trưởng hải đội 3 tuần duyên là quyền chỉ huy cao nhất,  tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, một biệt đội người nhái hải kích trên HQ5 (biệt kích hải quân) và biệt hải HQ4 (lực lượng đặc biệt hải quân) cùng một trung đội địa phương quân và một toán công binh đang trú phòng trên đảo Hoàng Sa.  Phía Trung Quốc có hộ tống hạm 271, 274, 281, 282, trục lôi hạm 389, 396, và hai ngư thuyền nguỵ trang số 402 và số 407 chở quân (không rõ loại), Tiểu Ðoàn 4 và Tiểu Ðoàn 5 thuộc Trung Ðoàn 10 Hải Quân Lục Chiến, và hai đội trinh sát.

Đại tá Ngạc chia hải đoàn thành hai phân đoàn đặc nhiệm.  Phân đoàn 1 gồm HQ-4 và HQ-5 do hạm trưởng HQ-4 chỉ huy, có nhiệm vụ đổ bộ nhóm biệt hải và hải kích theo tàu tái chiếm đảo Quang Hoà.  Phân đoàn 2 gồm HQ-16 và HQ-10 do hạm trưởng HQ-16 chỉ huy với nhiệm vụ là yểm trợ hải pháo và ngăn chặn tàu địch. Rạng sáng ngày 19/1, 2 chiến hạm HQ10 và HQ16 tiến vào lòng chảo Nguyệt Thiềm giữa bài Antelope và đảo Quang Hòa từ hướng tây bắc.  HQ4 và HQ5 cũng tiến vào lòng chảo từ phía tây nam áp sát đảo Quang Hòa để đổ bộ các biệt đội.  Đường tiến hai phân đội tạo thành vòng cung bao quanh Quang Hòa trong tình hình quân Trung cộng vẫn đang chiếm giữ đảo. Tàu Trung Quốc lập tức di chuyển đội hình bám chặt bốn chiến hạm Việt Nam.


Trận chiến  của Nhật Tảo

Khoảng 10:24 nhận được lệnh khai hỏa của Đại tá Ngạc từ soái hạm HQ5, Hạm trưởng Nguỵ Văn thà HQ10 lập tức ra lệnh các ổ súng tác xạ vào tàu địch.  Những phát đạn đầu tiên của HQ10 trúng ngay vào chiếc 389 của TC làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay ĐCH làm hư hệ thống tay lái nên tàu cứ xoay quanh. Sau khoảng 15 phút giao tranh Đài chỉ huy và phòng lái của HQ10 trúng đạn, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hầu hết các sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên giám lộ và vận chuyển có mặt trên đài chỉ huy và phòng lái đều tử trận. Hạm phó Nguyễn Thành Trí trọng  thương.  Ngoài đài chỉ huy và phòng lái, hầm máy và kho đạn cũng bị trúng đạn bốc cháy. 

Từ vị trí cách HQ 10 khoảng vài trăm mét, 389 của Trung Cộng tiến vào phía sau lái phải của tàu HQ10. Thấy tàu địch có ý định cặp vào mình, Hạ Sĩ I/VC Lê Văn Tây (xạ thủ pháo 20ly) và HS/VC Ngô Văn Sáu (tiếp đạn) không nao núng, tiếp tục ghì nồng súng 20 ly bắn xối xả vào 389.  Mặc dù đang bị thương nặng nhưng khi thấy giặc muốn tràn lên tàu, Hạm phó Nguyễn Thành Trí đã gượng đứng lên.  Từ phòng lái, Hạm phó Trí nhả một loạt M16 vào tàu địch rồi quay chiến hạm hướng mũi tàu HQ10 đâm mạnh vào hông trái của T-389 của Trung cộng.  389 bốc cháy, xoay vài vòng rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng.  HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, hai máy tàu đều chết, tàu bốc cháy và trôi lình bình trên biển…

Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa.  Một số nhân viên cơ khí chết cháy dưới hầm máy.  Những nhân viên bị thương, sống sót được đưa lên boong tàu.  HQ10 lúc này lâm vào tình trạng vô cùng bi đát, gần 70% quân nhân đã tử trận kể cả Hạm trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí đều tử trận trong đó có Trung úy Thạch cơ khí trưởng của tàu.  Hai máy chính và máy điện cũng như hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không còn sử dụng được, nước đang vào các hầm máy.  Trước tình trạng tuyệt vọng của HQ10 Hạm phó Trí từ đài chỉ huy bò xuống sân tàu ra lệnh cho nhân viên đào thoát. Khi tất cả đã xuống 5 bè, đại úy Trí với vết thương quá nặng, cương quyết ở lại tàu quyết tử với tàu địch.  Bất chấp từ chối đào thoát của Hạm phó Trí, hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long nhất định cặp và đưa ông xuống bè.  Trước khi hi sinh, thiếu tá Thà đã dự đoán trận hải chiến sinh tử nên đã cho chuẩn bị bè cứu sinh và cột sẵn một số lon nước, túi kẹo năng lượng. Chính nhờ sự cẩn thận này mà các binh sĩ rời tàu có thể cầm cự trên biển.

HSI/VC Lê Văn Tây (xạ thủ) và HS/VC Ngô Văn Sáu (tiếp đạn) cương quyết ở lại tàu không chịu đào thoát. Hai anh đang ghì hải pháo 20 ly sau lái bắn xối xả vào tàu địch.  Viết trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu kể lại những lời cuối cùng của hạ sĩ Lê Văn Tây: (trích) "Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Trung cộng, chuẩn úy cứ nhảy đi".   Thật đúng y như câu nói của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. (hết trích)

Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẵn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói mù mịt. HQ16 cách HQ10 không xa lắm, nhưng HQ16 nghiêng một bên và đang cố gắng vận chuyển thật chậm rời khỏi lòng chảo. 

Trận chiến của tàu Nhật Tảo với tàu Trung Quốc chưa kết thúc ở đó. Khi các bè chở quân nhân tàu Nhật Tảo rời tàu thì 2 Liệp tiềm đĩnh 281 và 282 của Trung Quốc chi viện xuất hiện và lại tấn công Nhật Tảo.  Các Hải quân chiến sĩ tử thủ Nhật Tảo lại tiếp tục khai hỏa cho đến khi HQ10 chìm hẳn vào lúc 3 giờ chiều, mang theo thân xác của Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ hải quân VNCH chìm vào lòng đại dương.

28 chiến sĩ hải quân đào thoát trên các bè cứu sinh. Hạm phó Nguyễn Thành Trí trút hơi thở cuối cùng ngay trong đêm,  5 chiến sĩ khác cũng lần lượt qua đời trên bè đào thoát do bị thương mất máu và kiệt sức.

Ngày 22/1 tàu dầu Kopionella của hãng Shell mang quốc tịch Hòa Lan đã phát hiện các bè đào thoát và vớt tất cả 22 người thuộc HQ10  lên tàu tuy nhiên Thượng sĩ nhất Trọng pháo Châu đã trút hơi thở cuối cùng vì kiệt sức.

Tàn cuộc chiến ngoài HQ10 cùng 62 hải quân tử trận thì  còn có thêm 7 hải quân thuộc HQ4,HQ5, HQ16, 1 biệt hải và 4 hải kích tử thương. 74  chiến sĩ Hải quân của Việt Nam Cộng Hòa đã đền nợ nước trong một cuộc chiến không cân sức cả về nhân lực lẫn khí tài.  Máu của các anh đã đổ cho quê hương, hoà trong giòng luân lưu của biển trôi dạt vào bờ biển VN, thấm vào lòng đất Mẹ VN. Nỗi đau dâng tràn vào lòng dân tộc quá khứ đã quá xa nhưng còn day dứt mãi. Lịch sử oanh liệt và nỗi buồn mán mác thì còn mãi với thời gian. 

Những người làm nên lịch sử ... Thác là thể phách còn là tinh anh ...

TPT

4 chiến hạm VNCH trong trận hải chiến Hoàng sa



lễ truy điệu Hạm trưởng Nguỵ Văn Thà


lễ truy điệu Hạm phó Nguyễn Thành Trí




Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận