Bao Vinh một thời vang bóng

Một lần về Huế đạp xe lang thang tình cờ lạc vô phố cổ Bao Vinh mình đã ngẩn ngơ trước vẻ u hoài man mác nơi đây.  U hoài man mác là bởi Bao Vinh một thời từng là thương cảng sầm uất trong chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh của xứ Đàng Trong trong suốt 2 thế kỷ.  Thời gian trôi, nhiều thứ đã không còn, từ một thương cảng sầm uất Bao Vinh giờ đây chỉ còn lại những nếp nhà xưa cũ rêu phong và những bến đò ngang âm trầm.  Còn đâu khung cảnh trên bến dưới thuyền rộn ràng một thời cảng thị.

ngã ba Sình trên sông Hương

Vào năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn vị trí ngã ba Sình trên sông Hương để mở cảng Thanh Hà và sau đó là Bao Vinh (hiện nay là nơi hợp lưu giữa sông đào Bạch Yến và sông Đông Ba đổ ra sông Hương).  Nhờ vào vị trí đắc địa chỉ cách cửa biển Thuận an không xa nên từ giữa thế ký XVII đến XIX, Bao Vinh đã thu hút nhiều thuyền buôn tứ xứ từ Trung Hoa, Ấn Độ, Ma Cao cũng như nhiều nước Châu Âu đổ về để trao đổi hàng hóa, vật phẩm ...  

Năm 1885 kinh đô Huế thất thủ vô tay quân Pháp, Bao Vinh bị tàn phá nặng và dần mai một từ đó.  Dấu tích còn sót lại của một thời vàng son chỉ còn vài ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi, một cái đình làng và một bến đò ngang lẩn khuất xen kẽ trong những ngôi nhà mới xây sau này.  Vậy thôi cũng đủ để Bao Vinh mê hoặc một đứa con Huế xa quê (là tui đây).

một dãy phố Bao Vinh

chợ quê Bao Vinh

sân đình


Bao Vinh có nhiều kiểu kiến trúc nhà xen lẫn nhau nằm san sát dọc hai bên đường - kiểu nhà thấp ba gian hai chái với mái ngói liệt âm dương từ thời các Chúa Nguyễn, kiểu nhà tứ giác của thời Pháp thuộc và cả những ngôi nhà phố mới xây.  Đây đó thấp thoáng những giàn hoa giấy bên những mảng tường rêu phong và những ô cửa cũ kĩ nhuốm màu thời gian.  Đường phố Bao Vinh cũng giống như ở phố cổ Hội An với những nếp nhà thấp san sát nhau dọc hai bên đường.  Sau lưng những ngôi nhà cổ là dòng sông trong xanh với một bến đò ngang.  Có lẽ không còn nhiều, giữa nơi phố thị lại có bến đò ngang như ở Bao Vinh.  Gắn bó với sông nước, đời sống vạn đò cũng trở thành điểm nhấn nổi bật của khu phố cổ này.  Hồn của Bao Vinh xưa vẫn còn vương vấn trong cuộc sống bình dị của những người dân chân chất và nồng hậu, trong hình ảnh hoài cổ quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê góc phố.  

nhà cổ dạng 3 gian từ thời Chúa Nguyễn 


 bên trong một căn nhà cổ Bao Vinh

nhà kiểu thời thuộc địa



hẻm nhỏ mơ màng 
và nhịp sống êm đềm ở Bao Vinh








những ngôi nhà lưng quay ra sông 

Bên kia là làng Tiên Nộn, làng Phú Mậu, làng hoa giấy Thanh Tiên và làng Sình chuyên nghề vẽ tranh thờ cúng.  

Bước xuống bến đò ngang ngồi trên một chiếc đò nhỏ thỏa thuê ngắm Bao Vinh từ sông Hương. Từ sông nhìn vào Bao Vinh từa tựa Hội An với những ngôi nhà lợp ngói liệt, lưng quay ra sông.  Đâu đây vương vấn cái không gian lãng đãng mê hoặc khi nắng chiều chầm chậm buông xuống vàng hoang hoải trên mặt sông và bóng tối dâng tràn lên khu phô cũ.

bến đò Bao Vinh

chiều vàng trên sông

Bao Vinh khi màn đêm buông xuống

Trải qua hơn hai thế kỷ thăng trầm số lượng nhà cổ ở Bao Vinh còn sót lại chỉ chừng mười mấy căn, phố cổ Bao Vinh đang chết dần, thật đáng tiếc.

Vây đó, từ bao đời nay Bao Vinh vẫn âm thầm làm bạn với người dân Huế, hòa lẫn vào nhịp sống Huế, và giờ đây ... hớp hồn khách lãng du. 

tpt

Huế hè 2017




Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận