Lối xưa, thềm cũ ... trên đỉnh đèo Hải Vân

Trên cung đường xuôi ngược Bắc Nam, du khách khi lên đến đỉnh đèo Hải Vân, sẽ nhìn thấy hai cái cổng thành xưa, đứng chênh vênh trên sườn núi u hoài, trầm mặc với thời gian. Đó là những gì còn sót lại, dấu tích cuối cùng của Hải Vân quan trên địa điểm cao nhất của con đường cái quan nối liền Huế với Đà Nẵng. Nơi đây từng là lũy phòng thủ cho cửa ngõ phía nam của kinh thành Huế xưa.

dấu tính còn lại của Hải Vân Quan xưa
Ảnh: H. Hải

Vào một ngày cuối xuân năm 1987, theo một đoàn hành hương mình với con em và một người bạn đã đi ngang Hải Vân quan trên đỉnh đèo Hải Vân và "Dừng chân đứng lại trời, non, nước".



đứng ở trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn nghoèo, 
quanh co mình vừa đi qua ở phía dưới vô cùng ngoạn mục và thú vị

Từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1 sau khi qua cầu Nam Ô, chiếc xe đò cũ kỹ của đoàn mình bắt đầu ì ạch bò lên đèo, con đường dốc dần lên, vòng vèo cho tới khi lên đến đỉnh.  Trên đỉnh, bên phải đường đèo có hai cái cổng vòm bằng gạch phủ đầy rêu xanh, kiểu như mấy cửa mình thường thấy trong kinh thành Huế xưa. Tài xế ngừng xe cho mọi người xả hơi.  Đang đứng trên dốc núi xanh ngắt, hít căng lồng ngực, cố gắng nén xuống cơn nhộn nhạo cảm giác như não chìm xuống, ruột trồi lên khi vượt đèo thì anh tài xế chỉ chỉ lên đồi:  "lên đó coi đi, không hối hận đâu".  



Leo lên đồi vừa bước qua cổng vòm lớn hướng về phía nam thì mình sững sờ như bị điểm huyệt - xa xa dưới kia - xóm chài Lăng Cô thình lình hiện ra. Một dải cát trắng mịn, dăm ba chiếc ghe neo trên cát, vài mái tranh thấp thoáng giữa những tán cây xanh trải dài một bên là đầm Lập an, một bên là vịnh biển Lăng Cô, như một dải lụa trắng giữa điệp trùng màu xanh.  Thấp thoáng giữa các dãy núi là con đèo vòng vèo quanh co ôm vào lưng núi như sợi chỉ trắng quấn trên triền núi xanh lục.

làng chài thấp thoáng dưới kia, 
một bên là vịnh biển Lăng Cô, một bên là đầm Lập An (còn gọi là đầm An Cư)
ảnh Nguyễn Đình Khả (cùng đoàn)

 làng chài Lăng Cô 


Ngoái lại thì toàn cảnh vịnh và thành phố Đà Nẵng bên dưới hiện ra đột ngột, trải dài, nhấp nhô như được khảm nạm giữa núi và biển, xa xa là cảng Tiên Sa và bán đảo Sơn Trà.

vịnh Đà Nẵng và thành phố xa xa bên dưới

Vào trong cổng là dãy nhà hoang ép sát phía bên phải và hai cái lô cốt xám xịt còn lại từ thời Pháp thuộc nằm bên trái.  Cạnh đó là chiếc cổng nhỏ hơn hướng về phía đông bắc. Cửa này bị xây bít hai đầu. Sát bên cổng vòm là một toà nhà dạng công sự thời chiến xây áp sát. Khu vực này có nhiều đoạn lũy đá ngắn, dày chừng 1m còn khá nguyên vẹn, đứt quãng, xen lẫn với nhiều đoạn phế tích lũy, chứng tỏ hai chiếc cổng này từng là cổng ra vào một đồn lũy ngày xưa.  

Đứng giữa hai cổng thành xưa, nhìn xuống đoạn đường ngoằn ngoèo, quanh co mình vừa đi qua ở phía dưới, sau lưng trùng trùng núi non, trước mắt biển rộng, trên đầu là trời cao, gió lộng mây bay ... vô cùng sảng khoái, tự do, tự tại.  Nhìn cửa ải uy nghi trầm mặc lại mơ hồ nghe như có tiếng vó câu dồn dập của người chinh phu xuất quan chinh chiến ... 
"Đường chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi đường trường
Nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió
Bóng từ xa sắp dần qua
Bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ
Với hành lương độ đường
Chiếc hùng gươm danh tướng
Dưới tà huy
Đếm nhịp đi
Với ngựa phi
....
Dấn... bước tang bồng giữa nơi núi rừng
Bên nợ tình thâm
Bên nợ giang san
Bên đồi ai oán
Bên rừng đa đoan
Đón đưa bóng chàng".  

(Hòn vọng phu - Lê Thương)

Chiều xuống, cả đoàn lại leo lên xe cà rịch cà tang đổ đèo.  Lại cái cảm giác nhộn nhạo lên không được, xuống không xong của cái bao tử.  Âu Dương Phong lúc luyện Cửu âm chân kinh do Hoàng Dung đọc ngược cảm giác chắc cũng đến vậy là cùng.  Vòng vèo lên xuống qua mấy cái cua khuỷu tay rồi thì Lăng Cô bất ngờ hiện ra mờ ảo huyễn hoặc trong buổi chiều tà.

ảnh Hồ Cầu


---

Ngược dòng lịch sử thì Luỹ phòng vệ Hải Vân Quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên đỉnh đèo Hải Vân để kiểm soát việc qua lại trên đường cái quan đoạn giữa Đà Nẵng và Huế và phòng thủ cho cửa ngõ phía nam của kinh thành. Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước nhìn về Đà Nẵng trên đình trán có bảng đá khắc ba chữ Hải Vân quan (海 雲 関), ngạch sau hướng về Huế với dòng chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan (天 下 第 一 雄 関) phía trái mỗi bảng đá còn có lạc khoản: Minh Mạng thất niên cát nhật tạo (明 命 柒 年 吉 日 造). Hai bên tả hữu mỗi cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Trên tường phía Đà Nẵng có 6 ụ pháo. Bên trong luỹ có
Trú Sở là nơi làm việc, sinh hoạt của vị quan Trấn Thủ, Vũ Khố - nơi cất giữ thuốc đạn, thuốc súng, đạn tròn, cần thiết cho 5 khẩu pháo bố trí trên lũy, và cho các khí giới khác. Các khẩu pháo đều mang 5 chữ Hán, theo chiều dọc của súng phía trước lỗ châm ngòi, có nghĩa được chế tạo năm thứ 7 đời Minh Mạng. Hải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên. (Theo sách “Đại Nam thực lục")

Kể từ đó, người xưa khi vượt ải Hải Vân đều phải qua hai cửa quan. Hai cửa nằm vuông góc với nhau, nghĩa là khách qua ải sau khi vào cửa này phải đi vòng theo một hành lang rộng hình chữ L nằm giữa hai bờ thành xây cao và dày, rồi mới đến đựợc cửa bên kia. Cả hai cửa đều được xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, kiểu như mấy cửa mình thường thấy trong kinh thành Huế xưa nhưng không có vọng lâu, bên trên là đài quan sát có bậc thang lên xuống. Mỗi cửa thành có hai cánh cửa to lớn nặng nề làm bằng gỗ, đóng mở theo giờ giấc thức ngủ của mặt trời. Vuông góc giữa hai cửa là khuôn viên của bộ phận đồn trú.

người xưa vượt ải
ảnh André Salles

Title : Annam. Tourane à Hué. La porte du col des Nuages

Author : Salles, André (1860-1929). Photographe 

Publication date : 1898

https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53172456m/f1.item.r=Salles,%20André


bên ngoài Hải Vân Quan
ảnh André Salles


đường quan thiên lý Bắc Nam
nhìn từ Hải Vân Quan về hướng Bắc

vịnh Đà Nẵng và quan đạo từ Đà Nẵng ra Huế
nhìn từ Hải Vân Quan

Hải Vân Quan là một thành lũy quân sự quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ thì cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885, sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884), số lính chỉ còn khoảng 5 người.  Trong giai đoạn 1886-1918, khi con đường thuộc địa số 1 vượt đèo Hải Vân được người Pháp khai mở và lưu thông, Hải Vân Quan đã mất đi vai trò của cửa ải phòng thủ phía nam kinh đô Huế. Sau khi toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, cửa ải đã bị bỏ hoang. Năm 1918, khi Henri Cosserat, một nhà nghiên cứu người Pháp tới Hải Vân quan khảo cứu cửa ải không còn ai canh gác, tuy bị hoang phế nhưng diện mạo các công trình xây dựng còn tương đối rõ nét về vị trí, quy mô, cấu trúc...

Họa đồ lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân - Henri Cosserat 
 Võ Hương An hiệu đính sang tiếng Việt

Năm 1885, Camille Paris, một viên chức Pháp đảm trách công việc thiết lập đường dây điện thoại nối Huế với Đà Nẵng khi vượt đèo Hải Vân đã mô tả về quang cảnh và cách thức bố phòng của lũy phòng thủ đèo Hải Vân vào thời điểm ông lưu trú tại đó: “Cái cổng, được gọi là Hải Vân Quan, do một người đội trưởng và năm người lính An-nam canh gác. Một bức tường dày trên đầu có miệng răng cưa để trí pháo, liên kết điểm cao gần đó. Có sáu khẩu pháo xưa cũ, ba khẩu mỗi bên, không khẩu nào bằng đồng, mà chỉ bằng gang. Nhà cửa gồm có trạm gác và một trạm chưa xuống cấp, nằm vắt theo quanh đỉnh đèo. Hai cánh cửa rất lớn bằng gỗ kiền xoay trên những bản lề gắn vào bức tường dày 5m, một cánh chặn sự xâm nhập vào đỉnh đèo theo con đường đi Huế, một cánh thì phòng vệ mạn dốc thẳng đứng về phía vịnh Đà Nẵng. Không thể đi theo lối nào khác ngoài hai cánh cửa này".

Năm 1896, tướng Lyautey, khi đó vẫn còn là Thiếu tá chủ sự phòng quân vụ tháp tùng Toàn quyền Đông Dương Rousseau và vua Thành Thái đi từ Lăng Cô đến Đà Nẵng bằng cách vượt đèo Hải Vân đã mô tả về luỹ phòng thủ đèo Hải Vân: "Đỉnh đèo được chặn lại bởi các lũy phòng thủ rất xưa của người An-nam có rãnh răng cưa trí pháo, không cho tiến ra Huế. Mới đây, trước khi có con đường mới, mà hàng ngàn phu lục lộ chúng tôi vừa xáp mặt trên đường đi qua, vẫn đang còn làm việc, thì lối vượt đèo dựng đứng về phía Đà Nẵng đã không thể nào thực hiện được. Chính tại đây, năm 1856, một trong những đại đội đổ bộ của chúng ta bị lọt vào trong cơn lăn xuống của những hòn đạn tròn đặc ruột, mà cũng đủ bị nghiến xương đến 300 người chứ chưa nói là người An-nam phải nhọc công bắn xuống. (đọc đoạn này thấy đã ghê) Các đống đạn, còn đó trong phòng khi chúng tôi ăn cơm trưa, bên cạnh mấy khẩu pháo xưa cũ đang cùng nhau ngủ yên mãi mãi". Trong cuốn Lettres du Tonkin et de Madagascar (Những lá thư từ Bắc kỳ và Madagascar), tướng Pháp Hubert Lyautey đã kể lại kỷ niệm thua trận đắng cay này của quân đội Pháp trên cung đèo Hải Vân.

Về sau, Henri Cosserat khi viết phóng sự Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân - Fortin du Col des Nuages (đăng trên tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), số 2/1921) đã đã trích dẫn sách của viên tướng viễn chinh Lyautey và tường thuật của các quan viên người Pháp nói trên về luỹ phòng thủ này.
(Henri Cosserat, Bulletin des Amis du Vieux Hue - tập VIII, bộ sách Những người bạn cố đô Huế - năm 1921, bản dịch của NXB Thuận Hóa, Huế)

Cuối năm 1946, sau khi quay trở lại xâm lược Việt Nam, người Pháp đã cải tạo Hải Vân quan thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ trên đỉnh đèo hiểm trở. Hai cổng quan cũng bị xây thêm phía trên để tăng thêm độ cao của các cổng nhằm mở rộng tầm kiểm soát trấn giữ con đường huyết mạch từ Huế vào Đà Nẵng. Đường Thiên lý từ phía Nam dẫn lên Hải Vân quan và từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế bị san ủi, bồi lấp. Xung quanh Hải Vân quan, quân đội Pháp đã xây 5 lô cốt để phòng thủ ngọn đèo. Sau năm 1954, hệ thống đồn bốt này được chuyển sang tay quân đội Mỹ.   Sau này, lại thêm đường điện cao thế ... được xây dựng cùng với những công trình do quân đội Pháp, Mỹ xây dựng trước đây đã khiến bố cục nguyên gốc của Hải Vân quan bị thay đổi hoàn toàn.

Thời gian trôi, trải qua một cuộc bể dâu, Luỹ phòng thủ Hải Vân quan chỉ còn lại hai cái cổng thành trơ gan cùng tuế nguyệt.  Nghe đâu chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phục hồi nguyên trạng của cái luỹ phòng thủ trên đèo Hải Vân này.  Chờ coi!!

tpt

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận