Toà thành cổ bên cửa biển Thuận An xưa

Cửa biển Thuận An cũ dân gian thường gọi là cửa Eo hay cửa Lấp (*),  là nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông.  Tại đây có một toà thành cổ rêu phong, hoang phế, u hoài.  Đó là những gì còn sót lại, dấu tích cuối cùng của Trấn Hải thành,  một luỹ phòng ngự phía đông của kinh thành Huế xưa.


Một pháo đài, một thắng cảnh 

Trấn Hải thành là chốt chặn tiền tiêu, là công trình phòng thủ quân sự quan trọng nhất trên thủy lộ từ biển Đông tiến thẳng vào kinh đô Huế.  Không chỉ là công trình quân sự, nơi đây còn là được xem là một trong những thắng cảnh tiêu biểu của đất thần kinh.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên Huế, vào năm 1813 vua Gia Long cho xây dựng ở bờ bắc cửa Eo một toà thành luỹ gọi là Trấn Hải Đài để phòng thủ kinh đô và kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển, đồng thời vua cũng đổi tên cửa Eo thành cửa biển Thuận An.  Thành được xây bằng gạch vồ gồm hai lớp, có hai cửa: cửa chính nhìn về hướng nam có ghi ba chữ Trấn Hải Thành và cửa phụ ở mặt sau. Dọc theo ngoài chân thành là hệ thống hào rộng và sâu.  Trên thành có 99 ụ để súng được đắp vào năm 1931 dưới thời vua Minh Mạng.  Vào năm 1834 vua Minh Mạng đổi tên Trấn Hải Đài thành Trấn Hải Thành và cho xây thêm trên đài Quan Hải Lâu với những ống kính thiên lý để quan sát, canh phòng mặt biển từ xa, theo dõi tàu thuyền qua lại ngoài khơi và ra vào cửa biển.  Năm 1840, theo lệnh vua Minh Mạng, triều đình Huế cho treo trên chòi cao cột cờ Quan Hải lâu một chiếc đèn lồng “chu vi trên dưới 7-8 thước, trong bồi giấy trắng, ngoài bồi bằng lụa mỏng” và được thắp sáng hàng đêm như là ngọn hải đăng cho tàu thuyền qua lại vùng biển Thuận An. Trong suốt 4 đời vua đầu triều Nguyễn:  Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức Trấn Hải thành liên tục được gia cố, tu sửa, bảo trì.  Dưới triều Tự Đức, triều đình cho củng cố hệ thống đồn lũy ở Thuận An, xây thêm nhiều hải đồn để phòng thủ.  

Không chỉ là một công trình quân sự, Trấn Hải thành còn được xem là một trong những thắng cảnh tiêu biểu của đất thần kinh xưa và các hoàng đế nhà Nguyễn thường ra đây, lên lầu Quan Hải theo dõi và duyệt các cuộc tập trận của thủy binh và ngắm cảnh vịnh thơ. Trong chùm thơ Thần kinh thập nhị cảnh với bài Thuận Hải quy phàm (Buồn về cửa Thuận) hoàng đế Thiệu Trị  đã mô tả khung cảnh cửa biển Thuận An về chiều vừa thanh bình nhưng cũng thật hùng tráng trong khí thế của một tiền đồn:

“Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An, lớp lớp tường thành, cúi nhìn biển cả. Lầu cao ngắm biển, trời nước mênh mông. Nắng chiều vạn dặm, sóng lặng gió mát thoảng qua. Thuyền buồm căng gió, ngàn chiếc nương sóng quay về. Quân thuyền diễn trận nối đuôi nhau như đàn cá, trở về như tên bắn. Chiến hạm tuần dương đối đầu rẽ sóng tựa thoi đưa. Ghe đánh cá xếp hàng về chợ. Thuyền tải hàng theo lớp về kho…” (theo bản dịch của sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa 1997).


Một trận tử thủ và nền tự chủ đã mất

Thuận An không luôn luôn thuận hoà và an bình như mong ước của vua Gia Long khi đặt tên cho cửa biển này.  Sau khi vua Tự Đức băng hà và triều đình Huế đang lúc rối ren, thực dân Pháp đã điều 7 chiến hạm và 1.050 quân dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Amédée Courbet tấn công vào thành Trấn Hải và các pháo đài ven biển có nhiệm vụ bảo vệ thủy lộ tiến vào kinh đô Huế.  

Vào ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1833, 7 chiến hạm của thực dân Pháp gồm thiết giáp hạm Bayard, tuần dương hạm Château Renaud, Annamite và Lynx tiếp đến là các tàu thiết giáp hạm Atalante, pháo thuyền Vipère tàu hộ tống hạm Le Drac đã tiến vào cửa biển Thuận An.  Sáng ngày 18 các hạm đội Pháp đồng loạt khai hoả nã đạn vào Trấn Hải thành.  Sáng ngày 20 tháng 8, đô đốc Courbet bắt đầu xua quân lên bờ, quân triều đình Huế từ dưới hào lũy xông lên kiên cường chống trả quyết tâm đẩy lùi quân Pháp, nhưng bất chấp mọi cố gắng, các hải đồn tại cửa biển nhanh chóng bị quân Pháp bao vây.   Thống chế Lê Chuẩn và Chưởng vệ Nguyễn Chung trúng đạn tử trận.  Hữu quân Đô thống Lê Sĩ trọng thương nhưng vẫn kiên cường chỉ huy quân sĩ chiến đấu cho đến khi kho đạn của thành Trấn Hải bị cháy, ông mới tắt thở.  Sau 3 ngày đêm kiên cường chống trả Trấn Hải thành hoàn toàn thất thủ vào rạng sáng đêm 20 tháng 8 năm 1883 sức mạnh hoả khí của thực dân Pháp.   Toàn bộ phòng tuyến cửa biển Thuận An bị quân Pháp chiếm đóng.  Quan trấn thủ thành Trấn Hải Lâm Hoằng tuẫn tiết theo thành. Tham tri bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn - lúc đó nhận lệnh vua Hiệp Hoà thương thuyết với quân Pháp bất thành - cũng nhảy xuống cửa biển tự vẫn.  5 vị tướng lĩnh, đại thần và hơn 600 binh lính thủ thành đã đền nợ nước trong cuộc tử thủ cửa Thuận An.

Cuộc tử thủ bi hùng của quan quân tướng sĩ triều Nguyễn đã khiến đối thủ kính sợ và nể phục.  Picard Destelan - một sĩ quan chỉ huy chiến hạm Pháp - sau khi chiếm thành đã tường thuật trận đánh và khí phách anh hùng của quan quân tướng sĩ triều Nguyễn trong hồi ký: “Hai bên lối lên của cửa biển là hai dãy pháo đài mà từ 10 năm nay, những người lính Việt Nam đã tốn nhiều sức lực, làm việc không biết mệt mỏi, củng cố cho vững chắc, đưa đến một số khẩu pháo lớn, hoả lực đáng kể để bảo vệ cửa biển.  Những người pháo thủ Việt Nam đã chịu đựng dũng cảm 3 ngày những cuộc bắn phá tới tấp của các tàu chiến Pháp.  Nếu họ biết điều chỉnh chính xác hơn nòng pháo thì chúng ta (quân Pháp) sẽ bị tổn thất nhiều hơn. Những người pháo thủ Việt Nam không thiếu khéo léo và can đảm, nhưng không may cho họ, các khẩu pháo của họ chưa được cải tiến và rất lạc hậu.  Họ vẫn còn dùng mồi lửa để châm thuốc nổ và không có máy ngắm.  Tuy vậy, những người pháo thủ bảo vệ cửa Thuận An đã chiến đấu rất ngoan cường chống lại chúng ta và tôi thấy mình có nghĩa vụ phải ghi lại những dòng này để tưởng nhớ đến tinh thần chiến đấu hi sinh của họ.  Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm.  Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất ở sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên vĩ đại ...".  (Nguyễn Thế Long dịch nguyên văn từ cuốn “Lịch sử Đông Dương” của Phillipe Héduy - Tạp chí Huế xưa và nay, số 8/1994, tr.46.)

Thành Trấn Hải thất thủ, mất tiền đồn bảo vệ ở cửa Thuận An, kinh thành Huế bị uy hiếp, triều đình Nhà Nguyễn dưới triều vua Hiệp Hoà trong thế chẳng đặng đừng đã phải ký Hòa ước Quý Mùi (hay hoà ước Harmand), công nhận nền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

Sau khi chiếm Thuận An, quân Pháp đã đồn trú ở Trấn Hải thành từ đó cho đến năm 1954. Vì vậy, ngay trong Trấn Hải thành, ngoài dấu tích của những công trình kiến trúc triều Nguyễn còn có những lô cốt, công sự của người Pháp để lại.  Ngày nay, thành Trấn Hải là nơi đồn trú của đồn biên phòng cửa Thuận An.

Trong không gian tĩnh lặng ở phía sau thành có một cái am nhỏ do do dân Thuận An xây dựng và hằng ngày khói hương để tưởng nhớ những người lính đã bỏ mình trong trận tử thủ thành Trấn Hải vào năm 1883.

"Trải qua một cuộc bể dâu" (Kiều - Nguyễn Du) Trấn Hải Thành chỉ còn là phế tích.  Nhìn từ phía biển chỉ còn thấy một bức thành vòng cung phần lớn bị rêu phong và dây leo che phủ.  Đi quanh, tìm hoài cũng không còn thấy dấu tích một ụ súng nào.  Từng hạt cát, mỗi viên gạch nơi đây đều thấm đẫm máu của tiền nhân đã đổ cho nền tự chủ của nước nhà.  Vẳng trong tiếng sóng biển nghe như có "Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.  Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn." (Chinh phụ ngâm - nguyên tác Hán văn Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm diễn Nôm)

TNPThảo




Đôi điều đọng lại ...

Những năm đầu thế kỷ 20, khi làn sóng thực dân tràn vào châu Á thì hầu hết các nước Á châu từ Ấn độ, Trung hoa, Mã lai, Nam dương, Phi luật tân ... trước sau đều rơi vào ách đô hộ của thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha ...  Việt Nam cũng không ngoại lệ.  Vậy nên, thử xỏ chân vô giày vua Hiệp Hoà, nếu mình là vua thì sẽ làm gì?  Đánh "còn cái lai quần cũng đánh ..." hay nghị hoà để bảo tồn kinh thành Huế và tránh cho trăm họ một hồi can qua?

-----

(*) Cửa Eo (sách Đại Nam thực lục còn gọi là Yêu Hải Môn) đã bị bồi lấp trong trận bão năm Thìn 1904, trận lụt này cũng mở ra một cửa sông mới, là cửa Thuận An hiện nay (còn gọi là cửa Sứt).


https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/cuoc-tan-cong-cua-thuan-an-ngay-16-8-1883.htm

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận